Top 5 ngân hàng có nhiều nợ có khả năng mất vốn cao năm 2020
Sacombank, SHB đứng đầu nợ xấu khối NHTM cổ phần
Theo đó, top 5 ngân hàng có nhiều nợ nhóm 5 nhất gồm BIDV (16.525 tỷ đồng), Vietinbank (6.050 tỷ đồng), Sacombank (4.545 tỷ đồng), Vietcombank 4.409 tỷ đồng), SHB (3.476 tỷ đồng).
Do Agribank chưa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2020 nên BIDV là nhà băng có nhiều nợ nhóm 5 nhất với 16.525 tỷ đồng, tăng 46% so với thời điểm cuối năm 2019.
Theo thống kê từ báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2020 tại 26 ngân hàng, tổng dư nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5 – nhóm nợ nguy hiểm nhất) đến thời điểm 31/12/2020 ở mức hơn 55.931 tỷ đồng, tăng 13% so với cuối năm 2019.
Khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, Sacombank là nhà băng có nhiều nợ nhóm 5 nhất với 4.545 tỷ đồng. Con số này đã giảm nhẹ 4% so với cuối năm 2019. Tiếp đến là SHB với 3.476 tỷ đồng, giảm nhẹ 1%.
Top 5 ngân hàng nợ xấu có khả năng mất vốn nhất năm 2020
Trong 26 ngân hàng khảo sát thì có 13 ngân hàng ghi nhận gia tăng nợ nhóm 5 trong năm 2020. Trong đó, Kienlongbank là nhà băng tăng mạnh nhất với nợ nhóm 5 tính đến ngày 30/12/2020 ở mức 1.781 tỷ đồng, gấp 7,4 lần thời điểm cuối năm 2019.
Được biết, nợ xấu của Kienlongbank là hiện tượng nổi lên đáng quan tâm trong hệ thống ngân hàng năm 2020. Trong số dư nợ có khả năng mất vốn này đã bao gồm gần 1.529 tỷ đồng dư nợ các khoản cho vay đối với một nhóm khách hàng với tài sản đảm bảo là cổ phiếu của một ngân hàng khác được phân loại nhóm 5 theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước.
Như vậy, khoản nợ xấu này đã giảm 354 tỷ đồng so với thời điểm cuối tháng 9/2020. Rất có thể khoản nợ có khả năng mất vốn này đã được thu hồi nhờ bán được một phần số cổ phiếu STB là tài sản đảm bảo của một nhóm khách hàng.
Nợ có khả năng mất vốn của các ngân hàng. (Nguồn: Tổng hợp từ BCTC hợp nhất quý 4/2020)
Ngoài ra, nợ có khả năng mất vốn còn tăng mạnh ở mức 3 con số như Eximbank tăng 133% so với cuối năm 2019, lên mức 1.896 tỷ đồng; thậm chí, nợ nhóm 5 tại MB tăng 124% lên mức 1.384 tỷ đồng; tại Nam A Bank tăng 77% ghi nhận 568 tỷ đồng; Vietbank tăng 69% lên 599 tỷ đồng; SCB tăng 52% lên 1.629 tỷ đồng; LienVietPostBank tăng 24% lên 1.766 tỷ đồng; ACB tăng 35% lên 1.216 tỷ đồng;…
13 ngân hàng còn lại trong nhóm khảo sát ghi nhận nợ nhóm 5 giảm gồm Vietinbank, Vietcombank, Techcombank, VIB, TPBank, OCB, SHB, Sacombank, HDBank, MSB, Saigonbank, NCB, PGBank.
Thận trọng với nợ được cơ cấu lại
Đầu năm 2020, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 01 quy định, hướng dẫn tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi chung là TCTD) cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng, đây là một trong các yếu tố ảnh hưởng đến diễn biến nợ xấu của ngân hàng trên báo cáo tài chính.
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, Thông tư 01 hỗ trợ một số công ty không bị chuyển nhóm nợ thành nợ xấu, để tiếp tục vay tiền các nhà băng. Nhưng, vấn đề này cũng đẩy rủi ro về phía ngân hàng. Ông Hiếu cho rằng nợ xấu phát sinh thực chất vẫn tồn tại, Thông tư 01 khiến một phần nợ xấu không thể hiện trên báo cáo tài chính. Các ngân hàng nên thận trọng và có dự phòng thiết yếu cho những khoản nợ xấu bị cơ cấu lại.
Vị chuyên gia cũng nhận định lợi nhuận ngân hàng năm 2020 có thể “ảo” nếu không dự phòng nợ xấu đúng mực. Các TCTD cần thận trọng với 2 loại nợ là nợ được cơ cấu lại và những khoản nợ mới cho vay.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.