Trường THPT Trần Nguyên Hãn Hải Phòng: Gia đình - nơi bình yên để trở về”
Thầy Nguyễn Minh Quý – Hiệu trưởng nhà trường phát biểu khai mạc chương trình
Cuộc hội ngộ năm nay có khoảng 3.200 học sinh, phụ huynh và đông đủ các thầy, cô giáo chăm chú hướng về sân khấu. Không khí sôi nổi, trở nên ấp áp đã xua tan đi cái gió lạnh đầu mùa bởi ca khúc “Mẹ tôi”, “Về ăn cơm” vang lên, sự xúc động lan tỏa ngay sau khi clip “đi xa thì nhớ chốn về” bắt đầu. Đây không chỉ thể hiện ý tưởng của học trò mà còn là cảm xúc thực sự của con trẻ về gia đình của mình, trong đó có những khát khao thật bình dị, giản đơn: “Con yêu gia đình và bố mẹ; Con mong bố luôn về sớm, cùng mẹ nấu cơm và gia đình ta cùng trò chuyện”; “Con ao ước một gia đình- nơi sẽ luôn só sự thấu hiểu, luôn có sự quan tâm, hay Con nghĩ đến một gia đình - nơi sẽ luôn tràn ngập sự chân thành, mỗi thành viên đều xây đắp bằng sự tự nguyện không cần sự ép buộc”; “ Con mong mỏi một gia đình - nơi luôn có sự tôn trọng và bao dung”; “Con khao khát một gia đình - nơi mỗi người đều sống ôn hòa, biết quan tâm, chú ý từng chi tiết nhỏ, biết thấu hiểu, chia sẻ buồn vui dù ai cũng rất bận rộn”.
Hơn 3.000 phụ huynh và học sinh nhà trường tham dự
Và con trẻ đã hiểu về gia đình mình qua những câu chuyện kể rất thật, đến tận hôm nay mới dám cất thành lời: “gia đình ta không phải là gia đình giầu có về vật chất nhưng lại giàu về tình cảm và con cái. Bố tôi không phải là một người quá hoàn hảo. Nhiều lúc ông hay quát mắng, giận dữ tôi vô cớ khiến nhiều lần tôi tủi thân đến phát khóc. Ông thường quản lý tôi rất nghiêm ngặt về mọi thứ ( thời gian, cách học, cách ăn mặc), ông không cho tôi đi chơi với bạn quá 9,10 giờ tối, không cho tôi đánh son đi học…Tuy khó tính như vậy nhưng tất cả là ông muốn tốt cho tôi, ông không muốn tôi xao nhãng việc học tập, không muốn tôi lung lay bởi bất kỳ í đồ xấu xa nào”. Đặc biệt, sự vất vả, khó nhọc của cha mẹ để kiếm tiền đã được con cái thấu hiểu: “cuộc sống sinh viên thật sự khó khăn quá! Đến bây giờ tôi mới hiểu làm ra tiền khó khăn đến nhường nào. Tôi rất nhớ mẹ cha, nhớ gia đình nhưng lại không dám gọi về, tôi chỉ dám nhắn tin vì tôi sợ tôi sẽ khóc khi nói chuyện với cha mẹ. Họ sẽ lo lắng biết nhường nào”. Rồi những mong được quan tâm từ những điều nhỏ nhất qua những câu nói rất đỗi đời thường: “hôm nay có lẽ là ngày quan trọng nhất của cuộc đời con, con đã phần nào thoát ra khỏi vỏ bọc gia đình để làm quen với bạn mới. Bố thấy rất vui vì con đã hòa đồng với mọi người”; “Con gái của bố, chúc mừng con đã tốt nghiệp! nhưng bố muốn nói chặng đường phía trước không hề bằng phẳng, luôn đầy rẫy những thử thách và chông gai. Dẫu có sao thì bố mẹ vẫn luôn ở đây, yêu và thương con”…
Các bạn học trò thể hiện tình yêu thương gia đình qua những tấm ảnh nhỏ
Các cụ xưa có câu “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, quả không sai. Đều là học sinh dưới mái trường Trần Nguyên Hãn nhưng sinh ra và lớn lên trong mỗi gia đình, mỗi hoàn cảnh khác nhau và hôm nay các em đã cất thành lời những cảm xúc từ đáy lòng đã khiến bao giọt nước mắt tuôn rơi. Và điều quan trọng hơn cả, từ đây mỗi thành viên đều phải nỗ lực hơn, cùng nhau chia sẻ trách nhiệm, sắp xếp công việc để quan tâm đến con cái nhiều hơn, để chúng thực sự tin tưởng, thoải mái và vui vẻ trở về nhà sau giờ tan học.
Những tâm hồn nhỏ bé nhưng chất chứa những tâm tư, mong mỏi, lúc nào cũng mong được vỗ về, an ủi. Thậm chí, không ít cô cậu học trò luôn muốn được sẻ chia, tâm sự nhưng không biết bắt đầu như thế nào, với ai và từ đâu?. Hôm nay, qua cuộc hội ngộ ngắn ngủi nhưng đầy ý nghĩa, một lần nữa, các bậc làm cha mẹ, thầy cô đã hiểu hơn về con em mình, hiểu những điều con trẻ muốn. Đó là sự quan tâm từ những việc nhỏ nhất, những câu nói động viên, an ủi… Chỉ cần thế thôi, đủ để chúng hiểu ra rằng: dù biến cố lớn đến thế nào, nhưng bằng tình cảm thiêng liêng, ấm áp của gia đình, chúng ta đã được xoa dịu được tất cả và gia đình là nơi bình yên để trở về.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.