Tuyên Quang: Nét đẹp trang phục độc đáo người phụ nữ Pà Thẻn
Thiếu nữ duyên dáng trong trang phục truyền thống của người Pà Thẻn (Ảnh: Ngô Vương)
Trang phục truyền thống người Pà Thẻn có những nét rất riêng, có giá trị thẩm mỹ cao, được thể hiện bởi sự kết hợp nhiều màu sắc và những nét hoa văn độc đáo với sự trang trí bằng nhiều kiểu dáng khác nhau. Bộ trang phục của phụ nữ Pà Thẻn còn giữ được nhiều yếu tố riêng như: áo, váy, khăn, mầu sắc sặc sỡ. Một số hoa văn trên trang phục của họ cũng giống trang phục của đồng bào Dao.
Khăn của phụ nữ Pà Thẻn, gồm hai lớp, lớp vấn trong (ke sọ), màu chàm, dài 450-500cm, rộng 30cm. Khi sử dụng gấp 6 nếp theo chiều dọc vấn nhiều vòng trên đầu tạo thành một vành tròn rộng như vành nón; lớp vấn ngoài làm bằng vải màu đỏ, hai đầu khăn để tua, trên khăn trang trí nhiều hoa văn mầu đỏ, có tua rủ xuống hai bên tai. Cô dâu trong ngày cưới có thêm chùm tua đội đầu. Yếm may bằng một mảnh vải hình vuông, xếp chéo, có hoa văn màu đỏ, vàng và đường kẻ bằng vải trắng.
Áo của phụ nữ Pà Thẻn bằng vải công nghiệp, màu đỏ, may bó sát thân. Cổ áo nối liền với nẹp ngực, viền mép bằng vải màu xanh. Thân áo trước chia làm 3 phần, ngực áo ghép bằng vải thổ cẩm màu đỏ, phần bụng là một mảng vải trắng công nghiệp, vạt nhỏ dần tạo thành hai dải dây dài. Khi sử dụng hai dây này vắt chéo ra sau quấn quanh eo, buộc thắt ở trước bụng giữ cho áo ngay ngắn. Thân sau dài hơn thân trước, gồm 4 mảnh vải ghép với nhau. Bên trong tà phía sau còn đáp thêm một mảnh vải bông tự dệt để khi ngồi áo không bị sờn rách. Váy của phụ nữ Pà Thẻn là loại váy mở, màu đỏ. Cạp váy được xếp ly, khâu viền bằng vải phin trắng để chừa ra hai đầu khâu dây buộc. Thân váy ghép từ 5 mảnh vải theo chiều dọc, bố cục đăng đối trước sau, bắt đầu từ mầu đen, thổ cẩm, mô típ kẻ ngang, ô trám, sóng nước, móc xích. Thắt lưng làm bằng vải công nghiệp màu trắng, gồm hai chiếc: ở giữa đính 8 tua vải màu trắng tượng trưng cho tám dòng họ gốc của người Pà Thẻn. Ngày nay số tua đã thay đổi tùy theo ý thích của từng người. Đầu các tua trang trí các miếng vải thổ cẩm. Khi dùng để 8 dây vải buông xuôi sau lưng, thắt trước bụng.
Phụ nữ dân tộc Pà Thẻn, xã Hồng Quang (Lâm Bình, Tuyên Quang) bên khung cửi (Ảnh: Ngô Vương)
Cầm trên tay những bộ trang phục truyền thống, du khách khó có thể hình dung được những người phụ nữ Pà Thẻn đã phải mất bao nhiêu công sức và thời gian để dệt lên những sản phẩm thổ cẩm độc đáo của dân tộc mình. Nhìn những bộ váy áo truyền thống của phụ nữ Pà Thẻn chúng ta có thể nhận thấy rất rõ màu đỏ là gam màu chủ đạo trên toàn bộ trang phục, từ quần, váy, áo, khăn, thắt lưng…Trước đây, người Pà Thẻn thường tự trồng cây lanh lấy sợi để dệt thổ cẩm và may quần áo, những năm gần đây họ thường mua chỉ công nghiệp ngoài chợ về dệt cho đỡ tốn công sức. Thời gian để dệt hoàn thiện một bộ trang phục với một người cũng phải mất hơn một tháng. Trong đó khó làm và mất nhiều thời gian nhất là những họa tiết, hoa văn cầu kỳ. Phụ nữ Pà Thẻn nơi đây, hầu như ai cũng biết dệt quần áo vì trước khi về nhà chồng người con gái được mẹ truyền dạy cho kỹ thuật và từng công đoạn dệt, họ phải tự tay dệt cho mình bộ váy áo mới để mặc trong ngày cưới.
Một vài năm gần đây người Pà Thẻn dệt quần áo ít dần hơn so với trước, trang phục truyền thống cũng chỉ được mặc vào những ngày lễ, ngày tết, ngày làng có đám cưới và chợ phiên… còn lại những ngày thường không mấy ai mặc.
Với bàn tay khéo léo, tài hoa của mình, người phụ nữ Pà Thẻn dệt lên những tấm váy xòe cầu kỳ và độc đáo cuốn hút sự chú ý của nhiều nhà nghiên cứu văn hoá và du khách bốn phương.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.