Tuyển sinh hệ cao đẳng, trung cấp vẫn chật vật
Một giờ học tại trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hải Phòng. |
Nhọc nhằn tuyển sinh
Ông Lê Hồng Khanh, Phó Hiệu Trưởng Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cho biết: Năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường là 1.900 (cao đẳng 1.500 chỉ tiêu, trung cấp 400). Tuy nhiên, đến nay, hệ trung cấp chỉ tuyển được 200, cao đẳng mới tuyển được 800 chỉ tiêu.
Còn ông Phạm Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng điện tử - điện lạnh Hà Nội cho biết: Đến giờ này, trường tuyển chọn 200 học viên hệ trung cấp (chỉ tiêu là 400), cao đẳng mới tuyển 450/600. Dù đã bung hết kênh để quảng cáo trên mạng xã hội, truyền thông nhưng năm nay tuyển sinh khó khăn với các trường cao đẳng, trung cấp.
Bà Mai Thúy Nga, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH) cho biết: Đến cuối tháng 9, hệ cao đẳng, trung cấp tuyển được 145.000 học sinh, đạt 27% so với kế hoạch. Đây là năm khó khăn trong công tác tuyển sinh với hệ cao đẳng, trung cấp. Theo quy luật, sau khi các trường đại học tuyển sinh xong thì mới đến lượt trường cao đẳng, trung cấp. Năm nay, các trường đại học rất "mở" trong tuyển sinh với điểm tuyển thấp, do đó tác động lớn đến việc tuyển sinh hệ cao đẳng, trung cấp.
Thị trường lao động cần nhiều trình độ cao đẳng, trung cấp
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Phương Linh, phụ trách nhân sự Công ty Hạ tầng viễn thông miền Bắc cho biết: Những học sinh, sinh viên trường cao đẳng rất phù hợp với công việc doanh nghiệp đang cần. Thực tế, những học sinh, sinh viên trường cao đẳng, trung cấp vừa đáp ứng kỹ thuật, vừa không ngại khó khi làm những việc chân tay hoặc làm ngoài trời. Trong khi nhiều người tốt nghiệp đại học chỉ muốn làm việc trong văn phòng, rất ít người lựa chọn làm việc có liên quan đến lao động tay chân hoặc ngoài trời.
Tương tự, ông Nguyễn Xuân Triều, giám đốc Công ty tư vấn và xây lắp công trình AC cho biết: "Đơn vị chúng tôi thường cần khoảng 100 nhân sự để thi công xây lắp công trình. Với nhu cầu công việc hiện nay, doanh nghiệp rất cần tuyển lao động hệ trung cấp nhưng gần như rất khó tuyển. Thậm chí doanh nghiệp ký hợp đồng liên kết đào tạo với nhà trường nhưng khó tuyển đủ nhân sự".
Bản tin thị trường lao động mới công bố của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho thấy, về cơ cấu tuyển của doanh nghiệp sản xuất, chỉ có nhu cầu tuyển 20% lao động trình độ đại học, 60% là tuyển nhu cầu trung cấp, cao đẳng, còn lại là tuyển lao động phổ thông.
“Tuy nhiên qua phân tích số liệu từ hệ thống các trung tâm dịch vụ việc làm trong toàn quốc cho thấy, tỷ lệ đến xin việc đến 70% là trình độ đại học. Tình trạng khập khiễng này khiến tỷ lệ cung cầu thị trường vênh nhau”, ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện khoa học Lao động và Xã hội cho biết.
“Do có tình trạng khập khiễng này nên nhiều trường hợp lao động có trình độ đại học nhưng khi đi xin việc tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long chỉ khai báo trình độ tốt nghiệp lớp 12”, đại diện sàn giao dịch việc làm vệ tinh huyện Đông Anh (Hà Nội) cho biết.
Tình trạng này cho thấy định hướng nghề nghiệp với nhiều học sinh từ phổ thông trung học còn rất yếu. Dù thời gian gần đây đã được tuyên truyền, nhưng nhiều người vẫn lựa chọn học đại học.
“Đồng thời cũng phải nhìn nhận chất lượng đào tạo trường cao đẳng, trung cấp vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Do đó, Bộ LĐTBXH rà soát sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của đất nước. Hiện nay, cả nước có 1980 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 396 trường cao đẳng, 549 trường trung cấp và 1035 trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên. Từ công tác tuyển sinh năm nay, các trường cao đẳng, trung cấp đánh giá lại hoạt động của các trường. Trường nào hoạt động không hiệu quả sẽ sát nhập”, bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.