Vì nhiêu khê nên giá nhà đắt?
2016-08-18 15:32:56
0 Bình luận
HOANHAP.VN - Hôm mới đây, Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức một cuộc hội thảo về Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh đang hiện hành.
Một thông tin khiến nhiều người tham dự ngỡ ngàng khi ông Nguyễn Văn Đực - Phó giám đốc Cty TNHH Địa ốc Đất Lành, phân tích rằng, giá nhà chung cư ở Việt Nam ở nhiều dự án có thể thấp hơn nhiều, thậm chí đến 50%, so với chi phí thực tế, nếu các thủ tục hành chính của Việt Nam đừng quá cứng nhắc và tự “vẽ” ra những công đoạn thừa trong quản lý nhà nước.
Ông Đực khẳng định rằng, càng nhiêu khê, phức tạp, thời gian càng kéo dài bao nhiêu thì càng làm tiêu hao tài sản và công sức của DN bấy nhiêu, dẫn đến dự án chậm khởi công, chậm đưa sản phẩm ra thị trường và tăng giá bán nhiều chục phần trăm mà chưa chắc chất lượng đã tốt hơn.
Khi trao đổi với báo giới, ông Đực cho biết: “Một dự án để được khởi công phải trải qua thời gian thực hiện thủ tục rất lâu. Nếu như giai đoạn 1 (trước 2006) chủ đầu tư chỉ mất khoảng 1 năm để thực hiện 2 bước thủ tục (Quyết định giao đất, Phê duyệt quy hoạch) cho khởi công dự án thì giai đoạn 2 (từ 2006 - 2010) có thêm nhiều khâu, như phê duyệt dự án đầu tư, thẩm định thiết kế kỹ thuật PCCC (khoảng 2 - 3 năm). Các thủ tục này, tôi cho là không cần thiết. Đặc biệt, trong đó có một số thủ tục có thể đưa vào hậu kiểm, tức là khi chúng tôi khởi công rồi sẽ bổ sung sau, bởi điều này không ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Nếu không đạt, chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm”.
Ngẫm ra, ý kiến này rất nên để các nhà hoạch định chính khách quan tâm.
Chẳng hạn, một dự án khoảng 1.500 tỷ đồng, nếu vay ngân hàng 70% tổng số vốn đầu tư với lãi suất 10%/năm, có nghĩa là một năm sẽ mất khoảng 100 tỷ đồng tiền lãi ngân hàng.
Cái quan trọng mà ông Giám đốc Cty Đất Lành đặt ra là, hiện đang có những thủ tục hành chính nhiêu khê đã khiến nhiều dự án chậm đến vài ba năm là rất bình thường. Hành lên hành xuống, hành tới hành lui; hành theo cơ quan ngành dọc, rồi hành theo cơ quan ngành ngang; hành theo cơ quan quản lý tổng hợp rồi hành theo các cơ quan quản lý chuyên trách... Và mỗi lần “hành” như vậy là thời gian trôi qua, tiền vay ngân hàng cứ au-tô-ma-tích tính lãi. Thế rồi, lãi mẹ đẻ lãi con, tất cả đều do người tiêu dùng phải gánh chịu.
Chợt nghĩ đến thân phận hàng hóa Việt Nam đang ngày càng khó cạnh tranh khi xuất khẩu ra nước ngoài mới thấy rằng, hóa ra nguyên nhân không chỉ là do sản xuất manh mún, cũng không chỉ là do thiếu nguồn vốn đầu tư, mà còn do bộ máy hành chính cồng kềnh và kém cỏi, khiến thời gian làm thủ tục kéo dài, và kèm theo đó là lãi vay ngân hàng được tính vào giá thành...
Cuối cùng, ai cũng biết rồi và ai cũng sẵn sàng chia sẻ. Vấn đề quan trọng là ai sẽ đứng ra khắc phục tình trạng này.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Nguyễn Hoàng Linh