 |
Ảnh minh họa. |
Hội nghị sẽ có 289 bài báo cáo về tất cả các chuyên ngành nhãn khoa như: Glocom, thể thủy tinh, dịch kính võng mạc, tật khúc xạ, mắt trẻ em…
Đây là cơ hội giúp các bác sỹ Việt Nam có điều kiện tiếp xúc với các chuyên gia nổi tiếng hàng đầu trong các lĩnh vực chuyên sâu của ngành Nhãn khoa để trao đổi cập nhật thêm chuyên môn cũng như những khoa học kỹ thuật tiên tiến trong điều trị cho người bệnh.
Thông qua hội nghị có thể thấy được những vấn đề ngành nhãn khoa Việt Nam đã và chưa làm được, tình hình mù lòa ở trong nước và các nước trong khu vực cũng như kinh nghiệm của các nước trong công tác giải phóng mù lòa.
Hội Nhãn khoa ASEAN được chính thức thành lập từ năm 2013 và Hội Nhãn khoa Hoàng gia Thái Lan là Chủ tịch đầu tiên của Hội. Theo điều lệ của Hội, cứ 2 năm sẽ tổ chức Hội nghị lần lượt ở các nước thành viên tiếp theo. Năm nay Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Nhãn khoa ASEAN lần II và sẽ luân phiên là Chủ tịch của Hội nghị lần này.
Hiện nay, tại Việt Nam có khoảng 2 triệu người mù và thị lực kém, trong đó 83% có thể phòng chữa được. Theo điều tra tình hình mù lòa trên 16 tỉnh thành của Việt Nam cho thấy, tỷ lệ mù lòa của Việt Nam hiện nay là 3,1%, ước tính có gần 500.000 người ở độ tuổi 50 trở lên.
Các nguyên nhân gây mù chủ yếu đục thủy tinh thể (66%), bệnh lý đáy mắt (16,5%), bệnh glôcôm (6,5%), tật khúc xạ (2,5%) bệnh mắt hột (1,7%).
Hiện nay, nhiều vấn đề mới nổi lên như tật khúc xạ (tỷ lệ mắc 15-40%), ước tính có khoảng 3 triệu trẻ em mắc tật khúc xạ phải đeo kính, các bệnh mới nổi gây mù lòa như bệnh võng mạc đái tháo đường, bệnh võng mạc ở trẻ đẻ non.
Do vậy Hội nghị là cơ hội giúp các bác sỹ Việt Nam có điều kiện tiếp xúc với các chuyên gia nổi tiếng hàng đầu trong các lĩnh vực chuyên sâu của ngành Nhãn khoa để trao đổi cập nhật thêm chuyên môn cũng như những khoa học kỹ thuật tiên tiến trong điều trị cho người bệnh.