Vũ điệu đón ngày mai
Nhảy bằng cả trái tim
Những giai điệu rumba, zumba, chachacha hay tango quen thuộc cứ mỗi thứ Tư và thứ Sáu lại rộn rã vang lên trong ngôi nhà số 49, ngõ 64 phố Nguyễn Lương Bằng, nơi lớp học nhỏ của vũ công Tô Văn Hòa dành cho những “học sinh” đặc biệt.
Nếu chỉ nhìn những bước nhảy rắn rỏi của mọi người, hẳn không ai trong chúng ta nghĩ chủ nhân chúng lại là người khiếm thị. Người đã dìu dắt, nuôi dưỡng niềm đam mê với dancesport cho họ là vũ công Tô Văn Hoà - giáo viên hướng dẫn do REACH tiến cử.
Chị Dung, một thành viên của CLB chia sẻ: “Thầy Hòa tốt lắm, dự án của bên REACH hết, bọn chị tiếc vì đang học hay thì phải nghỉ, thầy biết được thế là hỏi bọn chị có muốn học tiếp không, và thầy dạy từ đó đến giờ, hoàn toàn miễn phí mà dạy nhiệt tình lắm luôn…”
Đôi chân uyển chuyển hòa nhịp theo nền nhạc, theo vũ điệu tâm hồn của bạn nhảy, nét mặt ai cũng lộ rõ vẻ hào hứng. Nền gạch không bằng phẳng kia chẳng thể nào ngăn cản niềm đam mê của thầy và trò vũ công Tô Văn Hòa.
Đối với các học viên, khiêu vũ giờ đây đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần, giúp họ có thêm niềm vui trong cuộc sống, cho họ thêm tự tin, nghị lực để dũng cảm vượt lên nghịch cảnh nghiệt ngã. Không quản thời tiết nắng mưa, họ luôn hăng hái đến lớp đúng giờ, tập luyện bằng tất cả niềm yêu thích, say mê.
Tranh thủ khi lớp nghỉ vài phút giải lao, tôi trò chuyện cùng An Như và Lan Anh - hai học viên nhỏ tuổi nhất CLB với kỳ thi THPTQG ngay trước mắt, hai em đều vui vẻ vừa cười vừa tâm sự “Bọn em học trên trường giai đoạn này thì cũng khá vất, nhưng đến đây với mọi người vui lắm.” “Đến đây với mọi người mệt mỏi trong em như tan biến ấy.” - An Như đưa tay khẽ quẹt mồ hôi lấm tấm nơi gò má hây hây sau màn nhảy hăng say vừa rồi, cười rạng rỡ với tôi.
Nền gạch trồi sụt không thể làm nhụt chí những người khiếm thị (ảnh: Thu Khánh)
Thầy Hòa chia sẻ “Dạy cho người khiếm thị như là cách mình kể một câu chuyện, phải kể đi kể lại nhiều lần, kể từng chi tiết. Khi dạy nhảy, phải điều chỉnh từng động tác một, chia nhỏ ra các bước, vừa nói vừa thực hành để mọi người làm theo kịp.”
Thầy Tô Văn Hòa chỉnh sửa động tác cho từng “học trò” của mình (ảnh: Thu Khánh)
Sự nhiệt tình của thầy không uổng công vô ích, từng thành viên trong lớp đều cố gắng nỗ lực hết sức hoàn thiện từng động tác, ai ai cũng tràn đầy nhiệt huyết. Và mới đây, ngày 04/04 tại hội trường C học viện Múa Việt Nam, học viên CLB Solar đã cháy hết mình trên sân khấu cuộc thi “Bước nhảy xóa mọi khoảng cách”
Chia sẻ về những mong muốn, dự định trong tương lai, vũ công Tô Văn Hòa bày tỏ “Tôi mong muốn ở kỳ Asean Paragames tới tổ chức ở Việt Nam, CLB sẽ được biểu diễn cho các đội thể thao người khuyết tật xem. Muốn hơn nữa là dancesport khiếm thị được đề cử vào nội dung thi đấu chính thức của Paragames”.
Để dance sport khiếm thị trở thành nội dung chính thức trong các cuộc thi đấu thể thao trong nước và quốc tế là một việc không hề dễ dàng, nhưng theo HLV Tô Văn Hòa, có một điều chắn chắn là “CLB sẽ ngày càng đoàn kết, sẵn sàng chào đón những thành viên mới, trở thành một cộng đồng sống vì nhau, sống thật ý nghĩa!”
Bước nhảy đón ngày mai
Không ít người trong xã hội vẫn cho rằng người khiếm thị nói riêng và người khuyết tật nói chung đang tạo gánh nặng cho xã hội, từ đó rủ lòng thương hại mà ủng hộ, quyên góp với mục đích giúp họ bớt khó khăn, nhưng tôi không cho là vậy. Với sự trợ giúp của công nghệ hiện đại như ngày nay, người khiếm khuyết hoàn toàn làm được những gì người bình thường có thể. Chính suy nghĩ rằng cần thương hại với người khuyết tật lại dường như lại đang đẩy họ ra xa chúng ta - những người khỏe mạnh - hơn. Hẳn ai đã từng chiêm ngưỡng những bước nhảy của người khiếm thị đều có cảm tưởng rằng họ như đang nhảy múa đón chờ ngày mai tươi sáng, động viên nhau, động viên mình lạc quan mà sống. Thật không ngoa khi nói vũ điệu của họ đẹp tựa bông hoa đang vươn mình đón ánh mặt trời. Khuyết tật là một bất tiện chứ không phải là một bất hạnh.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.