Whise 2022: Đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ của TP Hồ Chí Minh trên lĩnh vực chuyển đổi số
Đại diện lãnh đạo Thành phố, khách mời tham dự chương trình khai mạc.
Sáng 13/10, Chương trình khai mạc và triển lãm về hoạt động của tuần lễ đổi mới và sáng tạo TP Hồ Chí Minh chính thức diễn ra. Chương trình có sự tham gia của Đ/c Dương Anh Đức – Phó chủ tịch UBND TP.HCM; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Trà Vinh, Bình Định; đại diện đại sự quán, lãnh sự quán các nước như: Phần Lan, Lào, Cuba, Campuchia…
Tại các gian hàng triển lãm, khách tham quan có thể tìm hiểu, trải nghiệm thực tế nhiều sản phẩm công nghệ hữu ích.
Triển lãm năm nay được tổ chức với 3 khu vực chính: Triển lãm sản phẩm của startups chuyển đổi số; Triển lãm và Hội nghị Công nghệ cho cuộc sống (Tech4life Expo & Summit); Triển lãm sản phẩm của các tập đoàn lớn với sự tham gia của gần 200 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong nước và một số nước lân cận… Theo đó, lĩnh vực chuyển đổi số chiếm tỷ lệ 85% tổng số doanh nghiệp tham gia triển lãm đợt này.
Tuần lễ Đổi mới và sáng tạo gọi tắc là “WHISE” là một sự kiện thường niên của TP Hồ Chí Minh. Lần đầu tiên năm 2022, WHISE tổ chức chuỗi sự kiện gắn liền với Ngày chuyển đổi số Quốc gia 10/10/2022. Đây là chuỗi sự kiện đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của cộng đồng đổi mới và sáng tạo, nhất là các hoạt động chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực. Tuần lễ được diễn ra với gần 40 sự kiện từ ngày 8 – 14/10 và một số ngày khác trong tháng 10/2022 với sự phối hợp thực hiện của hơn 35 đơn vị. Toàn bộ các hoạt động, chuỗi sự kiện liên quan được tổ chức dưới sự chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh, do Sở Khoa học Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công thương Thành phố phối hợp cùng các đơn vị cộng đồng thực hiện.
Đồng chí Dương Anh Đức - Phó chủ tịch UBND Thành phố phát biểu.
“Năm 2022, UBND Thành phố tổ chức Sự kiện Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số TP Hồ Chí Minh năm 2022 với chủ đề chính Chuyển đổi số - Động lực mới cho sự phát triển của Thành phố. Thể hiện mong muốn của Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh trong việc thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đổi mới sáng tạo đặc biệt trong lĩnh vực chuyển đổi số, là một trong các nhân tố quan trọng đóng góp vào sự phát triển chung của Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam…” – Ông Dương Anh Đức cho biết.
Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc.
Chiến lược phát triển khoa học công nghệ đến năm 2030 đã đặt ra 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng hệ thống đổi mới, sáng tạo quốc gia để phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong các ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ - nâng cao chuỗi sản xuất giá trị nội địa và toàn cầu.
Để góp phần thực hiện chiến lược trên, năm 2022, tiếp tục ghi nhận những nổ lực không ngừng của cộng đồng đổi mới và sáng tạo tại TP Hồ Chí Minh. Đặc biệt trong lĩnh vực chuyển đổi số nhằm vực dậy nền kinh tế bị ảnh hưởng sau đại dịch COVID-19.
Nhiều sản phẩm sáng tạo về khoa học công nghệ, kỹ thuật số... đến từ các Tập đoàn, doanh nghiệp trong cộng đồng đổi mới, sáng tạo được giới thiệu tại triển lãm.
Cùng với xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ IV, hoạt động đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của các nước diễn ra với tốc độ khá nhanh đã và đang thúc đẩy đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tạo ra giá trị mới, tạo tiền đề hình thành nền kinh tế số. Hiện nay, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước là những tổ chức tiên phong và xem chuyển đổi số là xu thế bắt buộc, tất yếu để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh và xây dựng chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội thông minh trong thời kỳ mới.
Về Đổi mới sáng tạo, Trung tâm nghiên cứu và lập bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu – StartupBlink đã công bố bảng xếp hạng hệ sinh thái startup các quốc gia năm 2022. Theo đó, Việt Nam xếp thứ 54, tăng 5 bậc so với năm ngoái. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 5, sau Singapore (7); Indonesia (38); Malaysia (42) và Thái Lan (53). Riêng TP Hồ Chí Minh là Thành phố có hệ sinh thái Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động với vị trí 179.
Về hoạt động Chuyển đổi số, Thành phố đã ban hành chỉ thị số 17-CT/TU ngày 27/08/2022 về đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh theo đó tập trung vào các nhiệm vụ chính như: nâng cao năng lực chuyển đổi số; phát triển hạ tầng số: phát triển nền tảng số, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số. Hơn 900 đơn vị trên địa bàn Thành phố, bao gồm cơ quan nhà nước, các tổng công ty, các đơn vị sự nghiệp… đã liên thông văn bản điện tử thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu. Các lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục đào tạo, môi trường, quy hoạch đô thị, an ninh trật tự cũng triển khai nhiều ứng dụng phục vụ công tác chuyên môn và cung cấp dịch vụ cho người dân.
TP Hồ Chí Minh kỳ vọng Chương trình Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số năm 2022 không chỉ mang đến thông điệp về vai trò của nhà nước về kiến tạo, mà còn phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò định hướng, dẫn dắt, kết nối, hợp tác và chia sẻ trong hoạt động đổi mới sáng tạo của Việt Nam.
Cán bộ chuyên môn giới thiệu về ứng dụng "Help 114".
Tham gia triển lãm lần này, Công an TP Hồ Chí Minh đã giới thiệu về ứng dụng “Hepl 114” vừa được Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy & cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) nghiên cứu. Ứng dụng đã được triển khai rộng rãi trên toàn địa bàn sau thời gian thử nghiệm. Ứng dụng “Hepl 114” được cài đặt miễn phí trên điện thoại di động nhằm giúp người dân thuận tiện trong quá trình cung cấp, phản ánh thông tin về cháy, nổ, an ninh – trật tự, cứu nạn cứu hộ trên địa bàn.
Ứng dụng "Help 114", giúp bạn có thể nhanh chóng liên lạc với cứu hộ, báo cáo vi phạm, cháy nổ trên địa bàn Thành phố.
Thông qua ứng dụng, người dân có thể dễ dàng gọi điện, chụp hình, gửi clip hoặc gọi video để phản ánh sự cố, hành vi vi phạm phòng chống cháy, nổ gửi đến Tổng đài 114 – Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn, Công an TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, ứng dụng còn cho phép người dùng nhắn tin trực tiếp đến Tổng đài 114 để phản ánh sự cố trong trình trạng không thể gọi điện: “trộm đột nhập vào nhà; người khiếm khuyết câm, điếc không thể nói chuyện khi trong nhà đang xảy ra sự cố và chưa thể thoát ra khỏi sự cố…
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.