Xây dựng lực lượng vũ trang trong tình hình mới
Thượng tướng, Viện sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hiệu: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thường vụ Quân ủy Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng bồi hồi nhớ lại: Cuộc đời binh nghiệp tôi đã được đi 67 nước, với nhiều vai trò trong mỗi chuyến đi, nhưng ấn tượng là năm 1998, sau khi chiến tranh Nam Tư kết thúc, tôi nhận nhiệm vụ là đặc phái viên của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Văn Trà dẫn một đoàn sang đó để nghiên cứu về cuộc chiến tranh vừa diễn ra ở đó.
Đoàn công tác đầy đủ các thành phần, bao gồm đại diện hải quân, lục quân, không quân… và đặc biệt là lực lượng kỹ thuật. Nhiệm vụ quan trọng nhất mà tôi được giao phó là nghiên cứu về chiến tranh điện tử. Lúc bấy giờ Việt Nam cũng đã có Cục Tác chiến Điện tử, có thiếu tướng Nguyễn Duy Bi là cục trưởng đi cùng đoàn.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Chúng tôi phải đi với danh nghĩa là đoàn du lịch chứ không công khai, từ Việt Nam qua Thái Lan, qua Thuỵ Sĩ, sau đó mới vào Nam Tư.
Chúng tôi được gặp tất cả lãnh đạo như tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng quốc phòng và các bộ ban ngành của Nam Tư, nghe họ trao đổi tình hình, diễn biến. Đoàn đi thực địa để biết được hậu quả từ các loại tên lửa của địch bắn vào Nam Tư. Chúng tôi cũng đã nghiên cứu cách đối phó của nước bạn.
Thời điểm đó, tôi rất ấn tượng khi gặp một tốp sinh viên dùng tác chiến điện tử để khống chế, làm tê liệt bộ máy chiến tranh của địch. Tôi đã giao thiếu tướng Nguyễn Duy Bi nghiên cứu kỹ để xem cách xử lý của nước bạn. Đây hoàn toàn không phải là lực lượng quân đội mà là những sinh viên giỏi chuyên nghiên cứu khoa học.
Họ nói rằng, thời điểm chiến tranh tại Việt Nam, Mỹ sử dụng tên lửa Shrike (tên lửa chống radar AGM-45 Shrike- PV). Nếu địch bắn vào trận địa tên lửa của ta, mà ta tắt radar đi thì sẽ bắn trật ra ngoài. Nhưng thời điểm Chiến tranh Nam Tư, dù tắt radar thì tên lửa vẫn định vị được và bắn trúng mục tiêu. Công nghệ đã thay đổi rất nhiều.
Tư lệnh không quân của Nam Tư hy sinh là do đến thăm trận địa tên lửa. Khi đó, họ đã tắt toàn bộ hệ thống radar nhưng địch vẫn định vị được và phóng tên lửa đúng vào đó.
Nam Tư huấn luyện lực lượng chính quy, bắn máy bay theo radar nhưng không hạ được. Sau đó họ sử dụng pháo 57mm, giống như cách mà Việt Nam đã từng áp dụng, nhìn máy bay bằng mắt thướng và bắn, ba khẩu pháo tập trung bắn một máy bay.
Máy bay rơi nhưng họ không bắt được phi công vì địch điều trực thăng đến cẩu đi. Điều này hoàn toàn khác biệt so với Việt Nam vì chúng ta thực hiện chiến tranh nhân dân, khi máy bay rơi, nhân dân đã bao vây để bắt phi công luôn rồi.
Chúng tôi chia sẻ với nước bạn kinh nghiệm đánh bộ binh, kể cả bộ binh cơ giới ở chiến trường Nam Việt Nam. Chúng tôi cũng đã rút được rất nhiều kinh nghiệm và lớn nhất là việc tác chiến điện tử.
Sau chuyến đi tôi đã nghiên cứu và đề xuất với Đảng và Bộ quốc phòng nhiều nội dung về xây dựng lực lượng vũ trang để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa phù hợp trong tình hình mới!
Văn phòng ghi chép
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.