Xây dựng thương hiệu du lịch nông nghiệp để phát triển kinh tế xã hội
Du khách đến tham quan vườn quýt hồng tại huyện Lai Vung, Đồng Tháp vào mỗi dịp xuân về (Ảnh: Internet)
Giai đoạn 2016-2020, các điểm tham quan vườn cây ăn trái trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đón tiếp trên 150.000 lượt khách du lịch với tổng doanh thu đạt trên 43 tỷ đồng. Đây là minh chứng rõ nét cho thấy, phát triển du lịch nông nghiệp là hướng đi mới đầy triển vọng, giúp Đồng Tháp nối dài chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Qua đó, nông thôn vùng đất Sen hồng cũng có cơ hội khoác lên mình diện mạo tươi mới hơn.
Từ 10 năm trước, nhiều nông dân ở làng hoa Sa Đéc, các nhà vườn trồng quýt hồng ở huyện Lai Vung đã bắt đầu làm quen với việc đón khách vào thăm quan vườn của mình. Từ chỗ chưa quen với việc làm dịch vụ, tiếp đãi du khách, các “hướng dẫn viên nông dân” của Đồng Tháp ngày càng chuyên nghiệp hơn. Cùng với đó, các homestay, hội quán du lịch ra đời phục vụ ngành du lịch theo hướng bền vững.
Nhiều nông dân trong tỉnh bắt đầu có góc nhìn khác về du lịch, thông qua phát triển du lịch nông nghiệp, họ có thể bán được nông sản với giá trị cao, không còn lo “được mùa mất giá” hoặc bị ép giá… Nhờ nguồn thu từ phát triển dịch vụ du lịch, giá trị kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích sản xuất của bà con nông dân tăng lên rất nhiều.
Hà Giang là địa phương có nhiều thế mạnh để phát triển du lịch gắn với nông nghiệp. Trong thời gian qua tỉnh này đã và đang khai thác nhiều loại hình du lịch như: Du lịch địa chất, cộng đồng, sinh thái, hang động, tâm linh, du lịch gắn với nông nghiệp và dược liệu... Trong đó, phát triển du lịch nông nghiệp được xác định là một trong những hướng đi mới của Hà Giang. Phát triển nông nghiệp, làng nghề gắn với du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng trong thời gian qua đã được tỉnh quan tâm và đưa vào nghị quyết chuyên đề tại Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Hiện nay, sản phẩm du lịch nông nghiệp, làng nghề chủ yếu khai thác dưới mô hình du lịch cộng đồng phục vụ khách du lịch muốn tìm hiểu tham quan, khám phá, trải nghiệm.
Điển hình như tour tham quan mùa lúa chín trên những thửa ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, ngắm mùa hoa tam giác mạch, hoa đào, mận, lê là một trong những sản phẩm đặc trưng mang thương hiệu của Hà Giang và được tìm hiểu văn hóa, phong tục, tập quán, nét sinh hoạt của các gia đình người dân tộc Mông, Dao, Lô Lô, Pà Thẻn...
Tỉnh Hòa Bình cũng được đánh giá là một trong những địa phương có tiềm năng phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn. Tỉnh đã đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ thu hút đầu tư được 290 cơ sở homestay, trong đó có 20 cơ sở homestay có sản phẩm OCOP từ 2-3 sao.
Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng đã hình thành nhóm sản phẩm chủ lực, có tiếng, tác động chi phối thị trường, như: cam Cao Phong, Lạc Thủy; bưởi Tân Lạc, Yên Thủy; cam, bưởi Mường Động; tôm, cá sông Đà; mía tím Hòa Bình... Những vùng sản xuất tập trung, ngút ngàn cây trái của các trang trại, gia trại, nhà vườn, hợp tác xã đã làm mê đắm, cuốn hút du khách đến thăm quan, trải nghiệm, tìm hiểu quy trình sản xuất và chất lượng các sản phẩm nông nghiệp của địa phương.
Phát huy thế mạnh của vùng trồng cam nổi tiếng, những năm gần đây, nhiều nhà vườn ở huyện Cao Phong đã năng động, sáng tạo kết hợp giữa sản xuất và du lịch. Với loại hình này không thể không nhắc đến HTX 3T nông sản Cao Phong ở thị trấn Cao Phong (3T Farm).
Song song với đó, Hoà Bình được thiên nhiên ưu đãi với địa hình núi đá vôi trùng điệp, tạo nên nhiều hang động đẹp, như: quần thể hang núi Đầu Rồng (Cao Phong), quần thể hang động chùa Tiên (Lạc Thuỷ); động Ngòi Hoa, Nam Sơn (Tân Lạc), động Trung Sơn (Lương Sơn). Tỉnh còn giữ gìn được những khu rừng nhiệt đới nguyên sinh, như các Khu bảo tồn thiên nhiên Pu Canh, Ngọc Sơn - Ngổ Luông, Thượng Tiến, Hang Kia - Pà Cò… Đặc biệt, vùng hồ Hoà Bình có 47 hòn đảo lớn, nhỏ, vẻ đẹp sơn thuỷ hữu tình đã tạo không gian được ví như vịnh Hạ Long. Từ thế mạnh này đã mở ra những tuyến du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm rất được ưa thích, nhất là với các bạn trẻ và khách nước ngoài.
Tỉnh Ninh Thuận là địa phương có nhiều sản phẩm nông nghiệp mang dấu ấn của vùng đất khô nóng quanh năm. Tận dụng lợi thế này, tỉnh đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch nông nghiệp đặc thù. Thời gian qua, số lượng hộ gia đình, doanh nghiệp tỉnh tham gia xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp phát triển khá nhanh, với nhiều sản phẩm có sức hút. Có thể kể tới các tua tham quan, trải nghiệm tại trang trại táo, nho (huyện Ninh Phước); vườn trái cây sinh thái (huyện Ninh Sơn); cánh đồng cừu An Hòa (huyện Ninh Hải), Phước Trung (huyện Bác Ái); tìm hiểu văn hóa đồng bào Chăm (huyện Ninh Phước)... Du lịch nông nghiệp đã có những tác động tích cực tới kinh tế địa phương, như làm tăng thêm giá trị sản phẩm nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.
Trong 10 tháng năm 2020, lượng khách du lịch đến Ninh Thuận đạt hơn một triệu lượt; thu nhập từ hoạt động du lịch ước đạt 775 tỷ đồng. Tỉnh đang đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư phát triển các dự án du lịch, nhất là du lịch nông nghiệp, nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Bên cạnh những mô hình kể trên, tại Việt Nam có thể kể đến các sản phẩm du lịch nông thôn điển hình như: Tham quan làng cổ Đường Lâm (Hà Nội); tham quan đồi chè, trang trại bò sữa ở nông trường Mộc Châu (Sơn La); thưởng ngoạn ruộng bậc thang mùa lúa chín ở Mù Cang Chải (Yên Bái), Sa Pa (Lào Cai); làng rau Trà Quế (Quảng Nam); du lịch trải nghiệm vườn rau thủy canh, đồi chè, hoa công nghệ cao ở Đà Lạt (Lâm Đồng); du lịch sinh thái dọc sông Sài Gòn; trải nghiệm vườn điều ở Bình Phước, Đồng Nai; trái cây nhà vườn tại Bình Dương, du lịch làng nghề ở An Giang…
Tại báo cáo thực trạng và tiềm năng phát triển kinh tế trang trại, hợp tác xã (HTX) gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra con số, tính đến hết năm 2019, cả nước có 34.348 trang trại nông nghiệp; và dự kiến đến 31/12/2020 cả nước có 17.462 HTX nông nghiệp và 68 liên hiệp HTX nông nghiệp.
Mặc dù số lượng trang trại nông nghiệp và HTX nông nghiệp không ngừng tăng theo từng năm, tuy nhiên, Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đưa ra con số đáng buồn là chỉ có từ 3 - 5% tổng số trang trại nông nghiệp của từng địa phương ngoài sản xuất nông nghiệp có kết hợp thêm các hoạt động du lịch nông nghiệp nông thôn và đa số các trang trại loại này không có hoạt động lưu trú khách du lịch qua đêm.
Theo các chuyên gia, để xây dựng du lịch nông nghiệp thành những điểm đến hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, các địa phương và các cơ sở kinh doanh cần đầu tư và quy hoạch bài bản, đảm bảo tính bền vững. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú, dịch vụ ẩm thực, đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo quy chuẩn, tạo sự kết nối giữa các điểm, thực hiện tốt công tác bảo vệ cảnh quan môi trường, an ninh trật tự và tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá…
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.