Xúc động với nghị lực của Mẹ Tí Hon
Thời gian qua, báo chí nhiều lần nhắc đến "chú lùn" Trần Văn Nguyên (29 tuổi, cao 1,27m, quê Bình Định) vì đã xuất sắc giành huy chương vàng bộ môn ném lao hạng thương tật F40 tại giải điều kinh Grand Prix người khuyết tật thế giới 2019 diễn ra tại Bắc Kinh - Trung Quốc. Trước đó, năm 2017, anh còn giành 2 huy chương vàng môn ném lao và đẩy tạ tại đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á tổ chức ở Malaysia.
Ít ai biết rằng để anh Nguyên có thời gian dồn sức tập luyện, thi đấu mang về thành tích cao cho quốc gia, người vợ tí hon của anh đã nỗ lực rất nhiều. Chị tên là Nguyễn Thu Đông, 34 tuổi, cao 1m.
Nhà vô địch Đông Nam Á Trần Văn Nguyên chụp hình cùng người vợ tí hon và 2 con
Trong khi anh Nguyên phải ăn ở, tập luyện liên tục ở tại Trung tâm Thể thao quốc gia TPHCM (quận Thủ Đức) thì chị Đông một mình nuôi 2 con nhỏ tại một phòng trọ thuộc huyện Củ Chi, TP HCM.
Chị Đông vừa chăm con trai nhỏ...
... vừa phải canh giờ đưa đón con gái lớn đi học
Chị Thu Đông cho biết cuối tuần chồng mình mới về. Một mình chị vừa chăm con trai út mới vài tháng tuổi vừa lo đưa đón con gái lớn (6 tuổi) đi học. "Tranh thủ lúc con út ngủ, em đóng cửa phòng trọ lại rồi đưa đứa lớn đi học. Em còn bán món khô gà lá chanh. Ai đặt mua khô gà thì em điệu con nhỏ đi gửi cho chị ruột rồi em chạy xe máy đi giao hàng tận nơi" - chị Đông kể.
Đi giao hàng là món khô gà lá chanh cho khách
Rồi tranh thủ đến trường rước con gái
Chưa hết, vào dịp cuối tuần, khi chồng về phòng trọ để giữ con thì chị Thu Đông lại kiếm thêm thu nhập bằng cách đi hát rong ở các phiên chợ công nhân để bán hàng cùng anh trai ruột của mình. Chị chia sẻ: "Chồng em thi đấu, thỉnh thoảng giành huy chương vàng cũng cải thiện thu nhập cho gia đình tốt lắm. Nhưng em muốn mình làm hết sức kiếm thêm rồi mua một miếng đất, cất một căn nhà để con cái có chỗ chui ra chui vào, chứ đi ở trọ riết cũng buồn".
Cuối tuần, chị để con cho chồng, còn mình theo anh ruột đi hát rong bán hàng kiếm tiền
Cả hai anh em tí hon, tần tảo mưu sinh
Chị Thu Đông cho biết mình quê gốc Quảng Bình. Bố mẹ chị là người cao ráo bình thường. Thời chiến tranh, bố mẹ chị là thanh niên xung phong.
"Bố mẹ em sinh ra 8 người con thì có 3 người con bình thường, 5 người con lùn thấy lạ. Chắc là do bố mẹ hít phải chất độc da cam. Đến bây giờ, em và anh chị em trong nhà không ai làm được giấy chứng nhận khuyết tật hoặc chứng nhận nạn nhân chất độc da cam cả vì khâu xác nhận, làm thủ tục rất rắc rối, khó khăn. Không có tiền hỗ trợ của nhà nước, tụi em phải tự bươn chải mà sống thôi" - chị bày tỏ.
Giọng hát và hình thể của anh em Thu Đông khiến nhiều người xúc động mua hàng
Vất vả nhưng luôn yêu đời
Sau một ngày hát rong, Thu Đông và anh ruột vội vã về nhà trong mưa
Chị Thu Đông mới đây còn lập kênh Youtebe có tên là Mẹ Tí Hon. Chị tâm sự: "Em mở kênh youtube chủ yếu là để lúc buồn lên đó kể chuyện đời và hát mấy bản giải khuây. Em xem nó cũng giống như nhật ký của em vậy. Sau này con em lớn có thể vào đó xem và biết được ngày xưa mẹ đã hát, đã nói, đã sống hết mình vì con như thế nào. Em muốn con em hiểu: người mẹ thì bé tẹo nhưng tình mẹ thì khổng lồ".
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.