Ý chí vượt lên trong cuộc sống của chàng trai khuyết tật
Vừa bán trái cây dạo vừa đi học
Vốn sinh ra là một đứa trẻ bình thường, năm 14 tuổi bỗng nhiên anh Lê Thúc Vinh bị dị tật cột sống khiến cơ thể biến dạng. Chiếc lưng còng hướng xuống đất như lưng tôm mà không hiểu nguyên nhân vì sao. Học lớp 10, bệnh tình của anh Vinh lại càng nghiêm trọng hơn. Do nhà nghèo, không đủ điều kiện nên anh đành phớt lờ căn bệnh. Có lần anh Vinh được người bà con dẫn đi khám mới phát hiện bị vẹo cột sống đến hơn 130 độ. Anh trở thành bệnh nhân trong ca mổ nắn định hình cột sống đầu tiên ở Bệnh viện Quy Nhơn. Những tưởng cơ thể đã bình thường sau khi phẫu thuật nhưng vài tháng sau chiếc nẹp xương sống lại bị bung ra. Kể từ đó anh Vinh tiếp tục cuộc sống với chiếc lưng còng thấp đến tận hôm nay.
Kết thúc học phổ thông, anh Vinh vào TP.HCM thi ĐH nhưng không đậu. Rồi anh tìm việc làm, phụ việc và sống ở nhà thờ. Cuộc sống ở nhà thờ bình lặn trôi qua càng thôi thúc anh phải cố gắng phát triển bản thân hơn. Năm 2010, anh thi đậu ngành công nghệ thông tin, Trường ĐH Khoa học tự nhiên. Sáng làm đủ nghề từ bán trái cây dạo đến làm thuê ở chợ Tân Bình, đến tối anh lại đạp xe lên giảng đường. Ra trường, anh Vinh mang hồ sơ đi xin việc nhưng không công ty nào nhận chỉ vì mình bị khuyết tật. “Khi xin việc, người ta không chê gì nhưng khi nhìn thấy tôi bộ phận tuyển dụng đã không muốn nhận. Họ đặt tiêu chuẩn này nọ để mình khó đạt được”, anh Vinh cho hay.
Từ thất bại nhiều lần “ở vòng gửi xe”, anh cảm thấy mình phải làm một cái gì đó để không bị phụ thuộc vào người khác. Cuối cùng, anh Vinh cũng xin vào một công ty để vừa kiếm sống vừa tích lũy kinh nghiệm kinh doanh “Trong khi đó nhiều bạn khuyết tật cũng rời quê cùng tôi vào thành phố vẫn không xin được việc. Thôi giờ tôi làm liều, có ít ăn ít, có nhiều ăn nhiều. Từ đó tôi đứng ra mở công ty tuyển dụng anh em khuyết tật này vào làm”, anh Vinh nói.
Trong căn phòng nhỏ nằm tại một con hẻm trên đường Bùi Quang Là (Q.Gò Vấp) cũng là nơi nương tựa của những người bạn đồng cảnh ngộ với anh Vinh. Mỗi người một góc luôn chú tâm vào việc thiết kế đồ họa và website. Nơi đây, trong 3 năm qua, một doanh nghiệp khởi nghiệp trẻ đã tồn tại và phát triển bởi chính tay con người đầy nghị lực.
Anh Vinh (hàng đầu, bên trái) và những nhân sự cũng là người khuyết tật
Lấy lợi nhuận dạy nghề cho người khuyết tật
Anh Vinh xây dựng công ty theo mô hình xã hội khép kín. Chính thể vừa kinh doanh đơn thuần vừa đào tạo việc làm cho người khuyết tật. 51% lợi nhuận đạt được của công ty sẽ được đào tạo nghề miễn phí cho người khuyết tật. 49% còn lại sẽ chia lợi nhuận cho cổ đông góp vốn. Khi hoàn thành khóa học, những học viên sẽ được làm việc tại công ty hoặc được giới thiệu việc làm ở nơi khác. Mục đích anh Vinh mở ra để giúp đỡ cộng đồng chịu thiệt thòi có được việc làm ổn định. Sau này công ty được mở rộng hơn, nhiều người biết đến rồi góp vốn nên công ty bắt đầu có hướng phát triển hơn. Căn phòng trọ có chiều hướng đi lên như một văn phòng làm việc. Những mảng kinh doanh khác về không gian mạng cũng được công ty mở rộng.
Kể về quá trình khởi nghiệp, anh Vinh cho biết: “Hồi trước khi làm việc hay giao dịch hoàn toàn trực tuyến với khách hàng nhờ vào sự chia sẻ từ người quen. Sau này nhiều doanh nghiệp khác mới biết đến công ty mình từ sự chia sẻ đó. Tôi nhận ra là sử dụng 100% người khuyết tật trong công ty cũng sẽ khó phát triển. Tôi lại tìm cách tuyển thêm 30% người bình thường vào làm để tạo sự bình đẳng và kéo các bạn khuyết tật theo hướng dễ hòa nhập hơn với cộng đồng”.
Hiện tại công ty của anh Vinh có doanh thu đạt được từ 2 - 3 tỉ trong những năm gần đây. Anh Vinh cho rằng đó là một thành công nhất định với một doanh nghiệp trẻ có nhiều người khuyết tật. Tuy nhiên, thành công lớn hơn với anh Vinh chính là tạo được gần 50 công việc cho những bạn khuyết tật mà chính tay mình đào tạo ra.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.