Theo đó, các trường THPT và Trung tâm Giáo dục thường xuyên tổ chức thăm dò hai nội dung: Học sinh dự thi để xét tuyển đại học, cao đẳng hay chỉ để xét tốt nghiệp THPT và các môn đăng ký dự thi.
Sở GD&ĐT Hà Nội cũng yêu cầu các trường THPT và các trung tâm giáo dục thường xuyên gửi kết quả thăm dò về Sở chậm nhất ngày 2/3/2016.
Hiện nay, một số trường trên địa bàn Hà Nội đã hoàn thành kế hoạch thăm dò học sinh lớp 12 thi THPT quốc gia. Tại trường THPT Nguyễn Tất Thành, trong số 292 học sinh lớp 12, có đến 158 em đăng ký thi môn tự chọn là Vật lý. Môn Địa lý đứng thứ hai với 109 em; Hóa học: 103; Sinh học: 12 học sinh. Ít nhất là Lịch sử: 11 học sinh đăng ký.
Thầy Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng THPT Đinh Tiên Hoàng, cho biết, trường sẽ cho thí sinh đăng ký môn thi THPT quốc gia sau đợt kiểm tra giữa học kỳ II.
Theo PGS Văn Như Cương, Chủ tịch hội đồng quản trị trường THPT Lương Thế Vinh, trường đang tiến hành cho thí sinh đăng ký môn dự thi. Kết quả sẽ có trong thời gian tới.
Lãnh đạo một trường THPT lớn tại quận nội thành của Hà Nội thông tin, trong số hơn 600 học sinh lớp 12, nhiều em đăng ký môn Vật lý nhất. Địa lý và Hóa học có số lượng lựa chọn lớn thứ hai và thứ ba. Sinh học và Lịch sử có ít học sinh chọn nhất.
Kỳ thi THPT quốc gia 2016 được Bộ GD&ĐT tổ chức vào các ngày 1 đến 4/7. Trong bốn ngày thi đó, mỗi buổi, thí sinh thi một môn, không có môn nào trùng nhau.
Học sinh chưa tốt nghiệp THPT phải đăng ký thi tối thiểu bốn môn, trong đó có ba môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và một môn tự chọn trong số Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Nếu chọn các ngành tuyển sinh khối A, thí sinh phải thi thêm hai môn Vật lý, Hóa học.
Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, đề thi THPT quốc gia chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12. Các môn khoa học tự nhiên có một số câu yêu cầu liên hệ kiến thức lớp trước. Hướng ra đề, cấu trúc đề giống các năm. Đề thi các môn đều có câu hỏi khó để phân loại học sinh.