​Bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, lãnh thổ của Tổ quốc

2018-08-16 10:04:30 0 Bình luận
Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 13-17/8. Nhân dịp này, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung đã có bài viết: "Bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, lãnh thổ."

Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung. (Nguồn: TTXVN)

Việt Nam có đường biên giới trên đất liền dài gần 5.000 km tiếp giáp với Trung Quốc ở phía Bắc, với Lào ở phía Tây và Campuchia ở phía Tây Nam, đi qua 25 tỉnh biên giới của Việt Nam và 21 tỉnh của các nước láng giềng. Nước ta có 28 tỉnh, thành ven biển với bờ biển dài khoảng 3260 km, hơn 3000 hòn đảo ven bờ và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Biên giới được coi là “phên dậu,” là “hàng rào” ngoại vi phân định chủ quyền giữa các quốc gia liên quan. Phên dậu, hàng rào vững chắc góp phần quan trọng vào việc bảo đảm chủ quyền lãnh thổ, an ninh đất nước. Biên giới lãnh thổ vừa là điều kiện, cơ sở quan trọng hàng đầu cho hợp tác giữa các quốc gia những cũng lại là một trong những nguyên nhân hàng đầu của xung đột, chiến tranh. Các vấn đề về chủ quyền biên giới, lãnh thổ cũng nhạy cảm đối với người dân mỗi nước.

Công tác biên giới, lãnh thổ rất đa dạng, từ việc đi khảo sát, đo đạc thực tế (thường là ở những nơi xa xôi, địa hình hiểm trở, khó tiếp cận), việc xây dựng bản đồ, cắm mốc giới đến các cuộc đàm phán, thảo luận dài ngày, phần lớn là thầm lặng nhưng đòi hỏi ý chí, quyết tâm cao độ cùng với những nỗ lực không ngừng nghỉ. Nhiệm vụ chính của những người làm công tác biên giới, lãnh thổ là góp phần xây dựng, bảo vệ các đường biên giới, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, các quyền và lợi ích của quốc gia gắn với các đường biên giới, chủ quyền lãnh thổ, đồng thời qua đó góp phần giữ vững hòa bình và ổn định, tăng cường quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng trên bộ, trên biển, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội của đất nước.

Góp phần bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo đảm hòa bình, ổn định, thúc đẩy quan hệ hữu nghị với các nước

Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng việc duy trì và phát triển ổn định, bền vững quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước láng giềng, xác định đây là chủ trương nhất quán, lâu dài và là sự lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Trong những năm qua, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động không nhỏ đến việc triển khai công tác về biên giới, lãnh thổ. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo sát sao và quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, về cơ bản chúng ta đã hoàn tất việc phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền với các nước láng giềng; cùng các bên liên quan phối hợp quản lý đường biên giới, mốc quốc giới một cách hiệu quả, bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn xã hội ở khu vực biên giới.

Những kết quả nổi bật chúng ta đã đạt được trong công tác biên giới trên đất liền kể từ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 năm 2016 có thể kể đến là: (i) công tác quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc được Lãnh đạo cấp cao hai nước đánh giá là điểm sáng trong tổng thể mối quan hệ Việt-Trung, đường biên giới và hệ thống mốc giới được bảo vệ vững chắc; tình hình an ninh, trật tự và an toàn xã hội ở khu vực biên giới được bảo đảm, công tác phối hợp mở và nâng cấp cửa khẩu từng bước đi vào nề nếp, bảo đảm nguyên tắc thiết thực, hiệu quả; (ii) Việt Nam và Lào đã hoàn thành thắng lợi công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới giữa hai nước, ký kết và triển khai thực hiện hai văn kiện pháp lý mới về biên giới[1], công tác phối hợp mở, nâng cấp cửa khẩu tiến triển tích cực; (iii) công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam-Campuchia có nhiều chuyển biến tích cực với việc Lãnh đạo cấp cao hai nước thống nhất hai bên sẽ ký kết 2 văn kiện pháp lý nhằm ghi nhận thành quả 84% công tác phân giới cắm mốc giữa hai nước.

Những kết quả này đã tạo cho Việt Nam và các nước láng giềng một đường biên giới có giá trị pháp lý quốc tế cao, là tiền đề quan trọng cho công tác quản lý biên giới, góp phần xây dựng đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và các nước láng giềng thực sự là đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Từ năm 2016 đến nay, tình hình Biển Đông tuy không xảy ra những sự việc nghiêm trọng song có những diễn biến phức tạp mới đáng chú ý, tiềm ẩn những nguy cơ và thách thức khó lường. Trong bối cảnh đó, chúng ta đã kiên quyết, kiên trì đấu tranh trên mọi mặt trận, bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển, thềm lục địa được xác lập bởi luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Với việc giữ vững nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, kiên trì phấn đấu nhằm đạt được giải pháp cơ bản, lâu dài trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển 1982, chúng ta đã duy trì và thúc đẩy nhiều cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển với các nước liên quan, trong đó có Trung Quốc, Indonesia, Malaysia.[2] Việt Nam đã đồng hành cùng các nước ASEAN và Trung Quốc thúc đẩy việc triển khai hiệu quả và đầy đủ Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thông qua Khung Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và hiện đang trao đổi, xây dựng nội dung của COC.

Bên cạnh đó, với việc đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hình thức tuyên truyền về các vấn đề biên giới, biển đảo, đến nay đông đảo nhân dân trong và ngoài nước đã hiểu rõ về chủ quyền, các quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về biên giới, lãnh thổ. Chúng ta đã tranh thủ được ngày càng nhiều sự ủng hộ, đồng tình không chỉ của các tầng lớp nhân dân trong nước, kiều bào ở nước ngoài mà của cả cộng đồng quốc tế, cũng như nâng cao vai trò và tiếng nói của Việt Nam tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.

Phát triển kinh tế biên giới, tăng cường hợp tác quốc tế

Với đặc điểm trên 2/3 số địa phương trong cả nước là các tỉnh, thành biên giới và ven biển, thương mại biên giới và kinh tế biển đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước ta. Chính vì vậy, phát huy tinh thần "nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII" được đề ra tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29, bên cạnh việc nỗ lực giải quyết các vấn đề biên giới, ngành Ngoại giao cũng tích cực phối hợp với các cơ quan trong nước và các đối tác nước ngoài đề ra các biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng biên giới, biển đảo.


Khách thăm quan triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam-Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại Ninh Bình. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)


Việt Nam đã và đang cùng các nước láng giềng tích cực triển khai các Hiệp định, Đề án về quy hoạch, phát triển cửa khẩu, hợp tác kinh tế, thương mại, du lịch qua biên giới[3] và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội hợp tác, phát triển kinh tế, xã hội tại các địa phương biên giới nói riêng, cả nước nói chung. Các hoạt động này đã tạo thuận lợi cho việc kết nối giữa các địa phương, thúc đẩy giao lưu hợp tác, trao đổi hàng hóa, khám chữa bệnh, học tập giữa nhân dân các địa phương hai bên đường biên giới; qua đó thắt chặt thêm mối quan hệ hữu nghị, hợp tác và phát triển giữa Việt Nam và các nước láng giềng.

Qua 10 năm thực hiện Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 cho thấy, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, chú trọng đầu tư phát triển kinh tế biển. Không chỉ khuyến khích và tạo điều kiện để nhân dân các địa phương vươn khơi bám biển, nâng cao đời sống, chúng ta đã tích cực, chủ động trao đổi và mở rộng hợp tác biển với các nước trong và ngoài khu vực như Philippines, Malaysia, Trung Quốc, Australia, Ấn Độ, Hoa Kỳ,... trên nhiều lĩnh vực, trong đó có đánh bắt cá, tuần tra chung, tìm kiếm cứu nạn, nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường biển... Các hoạt động này không chỉ giúp Việt Nam và các đối tác trao đổi kinh nghiệm, thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn đạt được tiếng nói chung trong các vấn đề trên biển, củng cố hơn nữa quan hệ hữu nghị, tăng cường xây dựng lòng tin, tạo môi trường thuận lợi để phát triển đất nước.

Củng cố bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác biên giới, lãnh thổ

Để đáp ứng nhu cầu công tác biên giới, lãnh thổ, thời gian qua, chúng ta đã nỗ lực củng cố các cơ quan chuyên trách cấp Chính phủ, cấp Bộ, ngành và địa phương[4] theo hướng xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, tăng cường trách nhiệm, lực lượng tham gia giải quyết các vấn đề biên giới, lãnh thổ. Đồng thời, ta cũng không ngừng củng cố, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan ở Trung ương, giữa Trung ương và địa phương nhằm đạt được hiệu quả cao trong công tác này. Bên cạnh đó, ta cũng xây dựng nhiều cơ chế hợp tác với các nước liên quan trong khu vực và trên thế giới để thúc đẩy việc giải quyết các vấn đề còn tồn đọng, tạo điều kiện phát triển đất nước.

Trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, đội ngũ cán bộ làm công tác biên giới, lãnh thổ luôn phấn đấu không ngừng nhằm hoàn thiện, nâng cao năng lực, chất lượng, tăng cường tính nhạy bén và khả năng đánh giá, dự báo tình hình để kịp thời tham mưu cho Đảng và Nhà nước xử lý thỏa đáng các vấn đề về biên giới, lãnh thổ, bảo đảm vững chắc chủ quyền, các quyền và lợi ích của Việt Nam. Với những nỗ lực đó, nhiều cá nhân, tập thể tham gia làm công tác biên giới, lãnh thổ đã được các cấp Lãnh đạo ghi nhận thông qua nhiều hình thức biểu dương, khen thưởng. Đây cũng là động lực để các cán bộ tiếp tục phấn đấu, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Phương hướng thời gian tới

Tình hình biên giới, lãnh thổ sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều thách thức. Chúng ta cần tiếp tục nỗ lực quản lý và bảo vệ tốt đường biên, mốc giới; tăng cường hợp tác với các nước láng giềng xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định; tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới, phát triển đất nước. Đồng thời, chúng ta cũng cần nỗ lực cùng các nước liên quan giải quyết các vấn đề biên giới còn tồn đọng cũng như mới nảy sinh.


Các em học sinh tham quan triển lãm về Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. (Ảnh: Vũ Hoàng Giang/TTXVN)


Trên biển, chúng ta tiếp tục khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước trong việc kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của ta như đã được xác định bởi luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển 1982; phát huy vai trò, vị thế của Việt Nam tại các diễn đàn, nỗ lực cùng các bên liên quan giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển 1982.

Ta cần tích cực, chủ động, sáng tạo nhằm xây dựng và thúc đẩy hợp tác trên biển với các nước liên quan, vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực và thế giới; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về các vấn đề biên giới, lãnh thổ, từ đó có thể phát huy hơn nữa sức mạnh dân tộc và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục phối hợp nhịp nhàng hơn để giải quyết các vấn đề biên giới, lãnh thổ cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của đất nước./.

[1] Nghị định thư về đường biên giới, mốc quốc giới và Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam-Lào.

[2] Kể từ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 đến nay, ta đã duy trì 3 cuộc gặp/đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam-Trung Quốc, 8 cuộc đàm phán và gặp gỡ không chính thức của 3 Nhóm công tác về vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc; tiếp tục trao đổi với Indonesia, Malaysia về các vấn đề trên biển.

[3] Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc, Hiệp định về tàu thuyền đi lại tại khu vực tự do đi lại ở cửa sông Bắc Luân giữa Việt Nam và Trung Quốc; Dự thảo Đề án Quy hoạch và Phát triển cửa khẩu biên giới Việt Nam-Lào đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035, Đề án Chính sách tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao và phát triển du lịch giữa các tỉnh biên giới Việt Nam-Lào giai đoạn 2016-2025.

[4] Như thành lập Ủy ban chỉ đạo Nhà nước về Biển Đông-Hải đảo; Nhóm công tác hỗn hợp về cửa khẩu Việt Nam-Campuchia; phát huy vai trò của Phân ban Việt Nam trong Ủy ban liên hợp biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc...

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Hội CCB huyện Trực Ninh xứng danh truyền thống “Bộ đội cụ Hồ”

Chào mừng kỷ niệm 35 năm Ngày truyền thống Hội Cựu chiến binh (CCB) Việt Nam (6-12-1989 – 6-12-2024) Hội CCB huyện Trực Ninh (Nam Định) tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “CCB gương mẫu” gắn với phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu, xây dựng đô thị văn minh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác năm 2024, xứng danh truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”.
2024-11-28 09:06:07

'Một thời Quảng Trị' - Cuốn hồi ức chiến tranh đặc sắc

Đất nước ta đã đi qua gần một nửa thế kỷ không còn tiếng súng chiến tranh, nhưng ký ức bi tráng về những tháng ngày đầy gian khổ vẫn còn in sâu trong tâm trí những con người của thời đạn bom. Đó là từng trận đánh ác liệt, kéo dài; đó là những người đồng đội, đồng chí đã vĩnh viễn hoà mình vào Tổ quốc. Trong không khí chào mừng kỉ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Tạp chí điện tử Hoà Nhập xin mời quý vị độc giả nhìn lại thời kỳ hào hùng ấy của dân tộc qua những dòng chia sẻ từ Đại tá, nhà văn Nguyễn Tiến Hải về cuốn hồi ức “Một thời Quảng Trị” của Thượng tướng, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hiệu.
2024-11-27 16:52:49

Mãi ngời sáng “Trang văn bia” về một tiểu đoàn 3 lần anh hùng

Trong lịch sử dài xa của Việt Nam - Đất nước anh hùng, công cuộc đánh giặc giữ nước và dựng xây đất nước của dân tộc ta đã hóa thành bản “anh hùng ca” vang động, chảy dài, trong niềm kiêu hãnh, tự hào qua rất nhiều thời đại.
2024-11-27 14:43:46

Quảng Ninh: Người khuyết tật được quan tâm xây nhà mới

Vừa qua tại TP Móng Cái, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi (NKT-TMC) tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân TP Móng Cái và CLB Thiện nguyện Nhân tâm Hạ Long đã tổ chức khánh thành nhà tình thương cho gia đình người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn.
2024-11-27 13:58:48

Những bất cập trong chính sách cho nhà giáo

Ngày 26/11, Bộ GD&ĐT phối hợp với UNESCO tổ chức hội thảo tham vấn về khung chính sách và pháp lí cho nhà giáo. Các chuyên gia có được cái nhìn tổng quan về vai trò của nhà giáo ngày nay.
2024-11-27 12:34:28

Bắc Kạn: Giải thể Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp K27 do không triển khai hoạt động đào tạo

Ngày 18/11/2024, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Quyết định số 2054/QĐ-UBND về việc giải thể Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp K27 Bắc Kạn.
2024-11-27 11:31:01
Đang tải...