10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Y tế trong năm 2018
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Theo báo cáo của Bộ Y tế, những sự kiện nổi bật của ngành trong năm 2017 có thể kể đến như đưa chi phí tiền lương vào giá dịch vụ y tế góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tăng số đơn vị tự chủ tài chính, giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tăng tỷ lệ bảo hiểm y tế lên 84,6%, đặc biệt là việc lần đầu tiên đưa chi phí tiền lương vào giá dịch vụ y tế, cơ bản không làm ảnh hưởng tới các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi…
Cũng trong năm 2017, ngành y tế đã thực hiện đổi mới, sắp xếp hệ thống y tế theo hướng tinh gọn bộ máy trên cơ sở sáp nhập các trung tâm y tế làm nhiệm vụ y tế dự phòng không có giường bệnh thành Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh/thành phố… Theo đó, sẽ giảm ít nhất 1.260 vị trí lãnh đạo (cấp trưởng, phó các đơn vị), giảm biên chế làm gián tiếp như hành chính văn thư, lái xe, bảo vệ…(đến nay đã giảm được 3.400 cán bộ làm gián tiếp). Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng được ứng dụng thành công trong lĩnh vực ghép tạng; lập hồ sơ sức khỏe cá nhân tại các trạm y tế xã và triển khai đề án tăng cường y tế cơ sở - đây là tuyến y tế gần dân nhất, thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, tuy nhiên, tuyến y tế này vẫn chưa phát huy tối đa hiệu quả do những khó khăn về cơ chế tài chính, khả năng cung ứng dịch vụ; hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia được đưa vào sử dụng, bảo đảm quản lý tất cả các đối tượng tiêm chủng đến suốt đời thông qua cổng thông tin tra cứu lịch sử tiêm chủng; đấu thầu tập trung thuốc quốc gia giúp giảm chi phí thuốc và tiết kiệm ngân sách; Việt Nam cũng đã tự chủ sản xuất vaccine sởi-rubella…
Ảnh: VGP/Đình Nam |
Trong năm 2018, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh 10 nhiệm vụ trọng tâm của ngành gồm:
Thứ nhất, khẩn trương triển khai thực hiện các Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, về công tác dân số trong tình hình mới. Xây dựng Chương trình sức khỏe Việt Nam trên cơ sở tổng hợp, kết nối các chương trình, đề án về nâng cao sức khỏe và tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030.
Thứ hai, thực hiện Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới theo Quyết định 2348/QĐ-TTg ngày 5/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ: triển khai mô hình điểm tại 26 trạm y tế xã; mở rộng mô hình bác sỹ gia đình, quản lý sức khỏe đến từng người dân; đẩy mạnh quản lý các bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm, chăm sóc dài hạn tại trạm y tế xã.
Thứ ba, hoàn thành các Đề án, văn bản trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong Chương trình công tác của Chính phủ năm 2018; các Thông tư trong Kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2018 của Bộ Y tế. Xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; cải cách thủ tục hành chính; tiết kiệm, chống lãng phí.
Thứ tư, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế quốc gia. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống tổ chức y tế theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và hội nhập quốc tế: Các địa phương đẩy nhanh việc thực hiện mô hình Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, trung tâm y tế huyện đa chức năng và quản lý trạm y tế; Bộ Y tế xây dựng đề án hình thành CDC Trung ương và vùng; cơ quan kiểm soát dược phẩm, thực phẩm, thiết bị y tế (FDA) Trung ương và vùng trên cơ sở sáp nhập các đơn vị cùng thực hiện nhiệm vụ trên.
Thứ năm, tăng cường hiệu quả công tác truyền thông, giáo dục nâng cao sức khỏe, y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu, ngăn chặn kịp thời dịch bệnh. Bảo đảm vaccine và duy trì tỷ lệ tiêm chủng mở rộng trên 95%. Đẩy mạnh phòng, chống các bệnh không lây nhiễm, bệnh nghề nghiệp, bệnh tật học đường. Thực hiện nghiêm các quy định về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em và các đối tượng theo luật định. Tăng cường quản lý môi trường y tế; kiểm soát tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS ở mức dưới 0,3%, giảm số người nhiễm mới HIV.
Thứ sáu, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm quá tải, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh; phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh; tăng cường chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, thực hiện nghĩa vụ luân phiên; ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục trong khám, chữa bệnh; ban hành các quy trình chuyên môn; đổi mới phong cách phục vụ, nâng cao y đức. Thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm thuộc bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I và tương đương. Xây dựng hệ thống báo cáo sự cố y khoa toàn quốc, ban hành hướng dẫn, khuyến cáo an toàn người bệnh quốc gia. Thực hiện việc đa dạng hóa các loại hình khám, chữa bệnh, kết hợp giữa y tế phổ cập và y tế chuyên sâu, giữa y học cổ truyền với y học hiện đại.
Thứ bẩy, tiếp tục thực hiện các giải pháp duy trì mức sinh thấp hợp lý, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; mở rộng sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; bảo đảm hậu cần đầy đủ và có chất lượng các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình. Tăng khả năng tiếp cận dịch vụ sức khỏe sinh sản có chất lượng, triển khai các giải pháp nhằm hạn chế tai biến sản khoa, giảm tử vong bà mẹ và trẻ em.
Thứ tám, phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ y tế, xây dựng các văn bản pháp luật về đổi mới căn bản, toàn diện đào tạo nguồn nhân lực y tế theo hướng hội nhập quốc tế. Tăng cường giám sát đào tạo nhân lực y tế, tập trung vào công tác đào tạo liên thông, liên kết, đào tạo cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ sử dụng, công tác tuyển sinh, bảo đảm chất lượng đào tạo. Tiếp tục xây dựng chương trình, chuẩn năng lực cơ bản các ngành thuộc nhóm ngành khoa học sức khỏe. Triển khai thí điểm đào tạo chuyên khoa cấp I cho bác sĩ ngay sau khi tốt nghiệp.
Thứ chín, tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính y tế, mở rộng quyền tự chủ về tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, hình thành mô hình quản lý bệnh viện như doanh nghiệp công ích. Tiếp tục thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế gắn với lộ trình BHYT toàn dân, hỗ trợ người nghèo, người cận nghèo, các đối tượng chính sách trong khám, chữa bệnh, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội. Đổi mới cơ chế tài chính, cơ chế thanh toán BHYT cho y tế dự phòng, y tế cơ sở. Thực hiện phương thức thanh toán BHYT theo định suất và thí điểm thanh toán theo trường hợp bệnh. Đẩy mạnh xã hội hoá, thực hiện Nghị quyết 93 của Chính phủ, vận động viện trợ, vốn vay ưu đãi, đầu tư theo hình thức đối tác công-tư trong y tế.
Thứ mười, bảo đảm cung ứng đủ về số lượng, an toàn về chất lượng thuốc, vaccine, sinh phẩm và trang thiết bị y tế với giá cả hợp lý phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thực hiện tốt việc đấu thầu tập trung và đàm phán giá thuốc cấp quốc gia, thí điểm đấu thầu tập trung trang thiết bị, vật tư, hóa chất. Tăng cường các biện pháp phát hiện và thu hồi thuốc kém chất lượng, phòng chống thuốc giả, xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm. Nâng cao năng lực hệ thống kiểm nghiệm, kiểm định thuốc, vaccine, sinh phẩm, thiết bị y tế. Tăng cường phát triển công nghiệp dược, thiết bị trong nước. Tiếp tục triển khai Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”, Đề án "Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020". Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối mạng để quản lý việc bán thuốc của các nhà thuốc trên toàn quốc.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.