Giải thưởng Euréka TP.HCM thu hút hơn 15.000 đề tài dự thi
25 năm tổ chức thu hút 15.046 đề tài tham gia
Euréka là giải thưởng nghiên cứu khoa học dành cho sinh viên với lịch sử 25 năm hình thành và phát triển. Nơi vinh danh những đề tài nghiên cứu khoa học xuất sắc, lan tỏa mạnh mẽ phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên, phát hiện và ươm mầm những nhà khoa học tương lai.
Khởi đầu từ Chương trình 7 từ Quỹ học bổng “Vì ngày mai phát triển” do Báo Trẻ tổ chức năm 1990, Thành đoàn TP Hồ Chí Minh đã phát triển thành chương trình Euréka hỗ trợ cho các nhà nghiên cứu trẻ. Năm 1998, trước sự phát triển của phong trào nghiên cứu khoa học của sinh viên thành phố, Thành đoàn TP Hồ Chí Minh và Ban giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh quyết định tổ chức Giải thưởng khoa học dành cho sinh viên mang tên Euréka.
Hoạt động giao lưu giữa các nhà khoa học, sinh viên nhiều lần vào chung kết của giải thưởng.
Năm 1999, Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu Khoa học Euréka lần đầu tiên được tổ chức dành cho sinh viên các trường đại học trên địa bàn thành phố. Năm 2007, giải thưởng chính thức mang tên “Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka”. Năm 2015, giải thưởng được mở rộng cho các trường phía Nam. Năm 2016, chính thức mở rộng quy mô tổ chức toàn quốc.
Đến nay giải thưởng đã trở thành hoạt động học thuật thường niên, góp phần cổ vũ mạnh mẽ phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên cả nước. Qua 25 năm tổ chức, giải thưởng thu hút 15.046 đề tài từ 36.587 thí sinh của 150 trường trên toàn quốc tham gia.
Đến năm 2019, vòng bán kết được thay đổi các thức tổ chức, mỗi lĩnh vực được một trường đăng cai, hội đồng khoa học sẽ trao đổi trực tiếp với thí sinh các trường trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, kết nối sinh viên các trường trên toàn quốc. Poster đề tài tham gia vòng bán kết cũng được bình chọn và chia sẻ trên các phương tiện truyền thông đại chúng (hơn 4 triệu tiếp cận/năm).
Năm 2023, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG - HCM) đăng cai tổ chức vòng chung kết giải thưởng, TS Lê Thị Ngọc Điệp - Chủ tịch Hội đồng trường (phía phải) trao lại cup đăng cai cho Bí thư Thành đoàn TP Hồ Chí Minh Phan Thị Thanh Phương.
PGS.TS. Vũ Hải Quân – Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đánh giá, 25 năm hình thành và phát triển, Giải thưởng là một hành trình đáng tự hào của một biểu tượng sáng tạo, nỗ lực không ngừng của thế hệ trẻ Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, công nghệ.
Trong năm 2023 với số lượng đề tài tham dự của các nhóm thí sinh đến từ các trường Cao đẳng, Đại học, Học viên, “Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka đã trở thành đã trở thành một sự kiện dành cho sinh viên lớn nhất tại Việt Nam. Với 14 giải nhất tại 14 lĩnh vực khoa học khác nhau, đã minh chứng sự quan tâm của giới trẻ dành cho nghiên cứu khoa học, cho thấy sự đầu tư đúng đắn, đầu tư lớn lao vào thế hệ tương lại...” – PGS.TS Vũ Hải Quân chia sẻ.
Thay mặt đơn vị tổ chức, PGS. TS Vũ Hải Quân gửi lời tri ân sâu sắc tới hơn 500 nhà khoa học đến từ các trường, viên nghiên cứu trên toàn quốc đã đồng hành, tham gia hội đồng giải thưởng trong 25 năm qua.
Theo ông Vũ Hải Quân, 25 năm qua, giải thưởng góp phần tạo ra một cộng đồng sinh viên nghiên cứu khoa học mạnh mẽ. Nơi sự tài năng, đam mê khoa học được nuôi dưỡng và phát triển, nhiều nhà nghiên cứu được trưởng thành và chấp cánh. Những công trình nghiên cứu xuất sắc góp phần phát triển khoa học của đất nước mà còn mở ra cánh cửa hợp tác, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội nước nhà.
178/1.509 đề tài đạt giải thưởng Euréka năm 2023
Năm 2023, giải thưởng đã thu hút 1.509 đề tài của 134 trường Đại học, Cao đẳng, Học viện. Trong đó đó có 45 trường thuộc khu vực TP Hồ Chí Minh và 89 trường thuộc các tỉnh thành khác trong cả nước tham gia.
Sinh viên, nhóm sinh viên đạt giải thưởng sẽ nhận bằng khen, cúp và hiện kim từ ban tổ chức tùy theo thứ hạng.
Vòng bán kết của 14 lĩnh vực được tổ chức tại 15 trường Đại học trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Sau Vòng bán kết, 178 đề tài của 81 trường Đại học, Cao đẳng, Học viện đã xuất sắc được vào Vòng chung kết, trong đó có 31 trường ở Thành phố và 50 trường thuộc các tỉnh thành khác trong cả nước.
Tổng cộng 178 đề tài xuất sắc nhất đã được trao giải, trong đó có 14 giải nhất, 14 giải nhì, 19 giải ba và 131 giải khuyến khích. Tổng giá trị trao trưởng khoảng trên 398.000.000 đồng.
PGS.TS Vũ Hải Quân trao giải nhất đến nhóm thí sinh giành chiến thắng trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Các đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên phải trải qua những vòng tuyển chọn khắt khe ở cấp trường, được hội đồng khoa học nhà trường đánh giá, thông qua và giới thiệu đăng ký tham gia Vòng bán kết Giải thưởng tại TP Hồ Chí Minh. Các đề tài tham gia giải thưởng có hàm lượng khoa học cao, tập trung giải quyết các vấn đề thực tiễn của cuộc sống. Nhiều đề tài đã được chuyển giao hoặc có thể chuyển giao áp dụng vào thực tiễn cuộc sống.
Để đánh giá các đề tài của giải thưởng năm nay, hơn 500 nhà khoa học là các Giáo sư, phó Giáo sư, Tiến sĩ, chuyên gia đến từ các Trường Đại học, Viện nghiên cứu, Sở ban ngành và các doanh nghiệp đã đồng hành, tham gia hội đồng khoa học. Hội đồng đã làm việc công tâm, khách quan, thẩm định chuyên môn để chọn ra các đề tài nghiên cứu xuất sắc của giải thưởng.
Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu Khoa học Euréka năm 2023 chính thức khép lại, với những thành công đạt được sẽ tạo tiền để để giải thưởng càng phát triển về quy mô, chất lượng trong những năm tiếp theo.
14 đề tài đạt giải nhất của giải thưởng năm nay gồm:
1. Lĩnh vực công nghệ thông tin: Kết hợp học máy và kiến thức y khoa nhận diện một số bất thường trên phim X quang ngực thẳng (Nhóm thí sinh Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG - HCM)
2. Lĩnh vực công nghệ thực phẩm: Nghiên cứu thu nhận và xác định hoạt tính sinh học chiết xuất từ hoa, quả của cây chuối hột Musa balls lana (Trường Đại học Công Thương TP Hồ Chí Minh)
3. Lĩnh vực hành chính pháp lý: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, thực trạng và giải pháp (Học viện Tòa Án)
4. Lĩnh vực hóa học: Nghiên cứu xác định kháng sinh Amikacin bằng cảm biến huỳnh quang sử dụng vật liệu tổ hợp g-C3N4/AuNPS (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG – Hà Nội).
5. Lĩnh vực giáo dục: Thiết kế và sử dụng Flashcard về văn hóa dân tộc vùng Tây Nguyên và Nam Bộ trong môn Lịch sử, Địa lý lớp 4 (Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh)
6. Lĩnh vực khoa học nông nghiệp: Đánh giá biến động quần thể cá chốt sọc Mystus Mysticetus Roberts, 1992 ở Cái Răng, Cần Thơ và Long Phú, Sóc Trăng (Đại học Cần Thơ)
7. Lĩnh vực khoa học xã hội: Xây dựng cẩm nang nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần cho học sinh trung học phổ thông (Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh).
8. Lĩnh vực Khoa học Y, Dược: Đặc điểm viêm phổi cộng đồng nặng có nhiễm RSV, Adenovirus ở trẻ 2 – 24 tháng tuổi nhập khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 (Khoa Y, ĐHQG – HCM)
9. Lĩnh vực Kinh tế: Tác động của tham gia chuỗi giá trị toàn cầu tới chuyển đổi số của doanh nghiệp trong thời kỳ COVID-19: Bằng chứng quốc tế (Học Viện Ngân hàng)
10. Lĩnh vực kỹ thuật công nghệ: Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị Monitor 4 thông số (Đại học Nguyễn Tất Thành)
11. Lĩnh vực quy hoạch – kiến trúc – xây dựng: Đa dạng hóa hình thức không gian sinh hoạt cộng đồng dựa trên đặc thù mùa nước nổi Đồng bằng Sông Cửu Long (Trường Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh)
12. Lĩnh vực sinh học: Xây dựng mô hình học máy, giúp chẩn đoán sớm, tiên lượng và cá nhân hóa điều trị ung thư biểu mô tế bào gan (Khoa Y, ĐHQG – HCM)
13. Lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường: Nghiên cứu chế tạo màng nhựa sinh học từ phế phẩm nông nghiệp hạt bơ Booth Việt Nam (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh)
14. Lĩnh vực văn hóa nghệ thuật: Giới thiệu phiên âm một số bài hát văn và nghiên cứu, so sánh với lời bài hát trong thực hành tính ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ tại TP Hồ Chí Minh (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG – HCM).
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.