Cha ung thư, mẹ mắc bệnh tim, 3 con nhỏ phải đi bắt ốc đổi gạo
Chị Phạm Thị Liên (SN 1993) là mẹ của 3 đứa trẻ: Dương Hiệp Hòa (sinh năm 2010), Dương Thị Mỹ Linh (SN 2012) và Dương Quang Vinh (SN 2015) ở thôn Phú Sen Đông, xã Hòa Định Tây, huyện Phú Hòa (Phú Yên). Hiện tại, gia đình 5 người của chị đang sống trong căn bếp tạm bợ của ông bà nội để lại.
Trong góc bếp ấy, một người đàn ông với khuôn mặt hốc hác, bàn tay gân guốc và đôi mắt bất thần ngồi nhìn vô định. Là bố của 3 đứa trẻ, anh Dương Văn Phước (SN 1986) không giấu được sự bất lực đến nghẹn lời khi kể, anh mắc căn bệnh ung thư dạ dày đã hơn 5 tháng nay.
Gia đình nhỏ của chị Liên trong căn bếp tạm bợ mà ông bà nội để lại. Ảnh Dantri
Kể thêm về gia đình mình, anh Phước bộc bạch, vợ chồng anh cưới nhau đã được hơn 11 năm và sinh được 3 cháu. Từ khi cưới nhau về, chị Liên đổ bệnh hở van tim 2 lá. Do vậy, hầu như việc nặng nhọc chị Liên không làm nổi. Từ ngày biết mình có bệnh nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, chị cũng chỉ biết cắn răng mà chịu đứng. Tháng nào chồng chị làm ra tiền thì mua thêm thuốc uống, tháng nào làm không ra thì chịu đau.
Để cáng đáng từ việc ăn học, thuốc thang cho vợ, anh Phước đi làm nghề thợ hồ. Một ngày dãi nắng dầm mưa, anh được trả công khoảng 300.000 đồng, nhưng công việc ở quê thường không ổn định, nên cuối tháng thu nhập chẳng đáng là bao. Cuộc sống dẫu khó khăn thiếu trước, hụt sau nhưng người cha của 3 đứa trẻ chẳng bao giờ có nửa lời oán thán. Anh hy vọng, sự cố gắng làm lụng của bản thân sẽ đem về cho các con một cuộc sống đủ đầy, một tương lai tươi sáng hơn.
Nào ngờ vào tháng 5/2021, anh Phước thường thấy chướng bụng, đầy hơi kéo dài, kèm các cơn đau âm ỉ, nhưng vì không có tiền nên anh cũng chẳng thăm khám gì, cứ ra mua thuốc đau dạ dày về tự điều trị. Đến khi đau quá ngất xỉu anh mới được đưa xuống bệnh viện và phát hiện trong dạ dày của mình có khối u, cần chữa trị gấp. Tai ương nối tai ương, anh Phước đổ bệnh, bao nhiêu tài sản tích góp được và một khoản vay khá lớn đều được dành chữa bệnh cho anh.
Hiện tại, để có gạo ăn, khi hết giờ học, 3 đứa trẻ lại rủ nhau ra đồng để bắt ốc bươu vàng, ngày nhiều các cháu bắt được 4 đến 5 kg, có ngày chỉ được vài con. Bắt xong bán cho người ta với giá 4.000 đồng/kg để hôm thì mua gạo, hôm thì mua hộp sữa cho cha tẩm bổ.
3 đứa trẻ hàng ngày phải mò cua, bắt ốc để đổi lấy gạo cho cả gia đình cầm cự qua ngày. Ảnh Dantri
Chị Liên kể, cháu Hòa là đứa ham học nhất, nhưng khi thấy bố mẹ lần lượt đổ bệnh, còn mấy đứa em thì nhỏ xíu nên khi nằm ngủ, cháu nó thủ thỉ: "Mẹ cho con nghỉ học để đi bán vé số, kiếm tiền để phụ mẹ nuôi các em ăn, học".
"Nghe vậy tôi buồn lắm, nhưng biết làm sao bây giờ. Khi gia đình tôi rơi vào cảnh cùng cực, không lối thoát này" - nghẹn ngào chị Liên nói.
Cũng giống với gia đình anh Phước, hoàn cảnh anh Nguyễn Văn Họa (33 tuổi), ở xã Ích Hậu (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) thì người dân nơi đây ai cũng thương.
Anh kết hôn với chị Hiền (SN 1986) vào năm 2011 và đã có được 3 đứa con là Nguyễn Thị Nhi (học lớp 4), Nguyễn Thị Phương Uyên (học lớp 2) và con út Nguyễn Ngọc Thái (4 tuổi).
Do vợ bị thiểu năng không được nhanh nhẹn như người bình thường, nên cuộc sống gia đình đè nặng trên đôi vai của anh. Nhưng cứ nghĩ đến 3 đứa con đang dần lớn lên, bao mệt nhọc đều tan biến. Thế nhưng, niềm hạnh phúc ấy chẳng được bao lâu thì tai họa ập đến. Vào ngày 31/12/2021, trong lúc đi làm đồng về, anh Họa gặp tai nạn đâm vào cột mốc, nằm bất động bên đường.
Sau đó, anh được người dân đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, nhưng do tình trạng quá nặng nên được giới thiệu chuyển ra Hà Nội. Tình trạng khẩn cấp, nhưng trong nhà không có nổi một triệu đồng.
Anh Họa đang được điều trị tại Bệnh viện Việt Đức Hà Nội (Ảnh: Gia đình cung cấp).
Do anh Họa là ngoan hiền, thật thà và rất nhiệt tình với moi người trong xóm. Nên khi biết anh gặp nạn, mọi người đã chung tay góp được hơn 20 triệu đồng để đưa anh ra Hà Nội. Các bác sĩ cho biết, anh bị đa chấn thương, vỡ lách, vỡ hộp sọ, gãy xương mặt, xương hàm.
Từ ngày mẹ theo cha đi viện, ba đứa con thơ ở nhà cùng bà nội đã 73 tuổi. Chúng tự chăm sóc nhau. Người chị cả Nguyễn Thị Nhi dù mới học lớp 4 nhưng vì gia cảnh nên cũng rắn rỏi hơn. Ngoài thời gian đi học, Nhi giúp bà trông các em, và phụ giúp việc nhà.
Nhìn bát cơm trắng chan với canh mà Nhi đút cho đứa em út ăn một cách ngon lành ai cũng nghẹn ngào. Từ ngày cha gặp nạn, hầu như bữa cơm nào cũng chỉ có vậy.
Từ ngày cha gặp nạn, hầu như bữa cơm nào cũng chỉ có cơm trắng ăn với canh. Ảnh Dantri
Khi cái Tết đang cận kề, những đứa trẻ gần nhà đang háo hức chờ những bộ quần áo mới để đón Tết, thì ba chị em Nhi chỉ mong người cha của mình tỉnh lại: "Chúng con nhớ cha mẹ lắm. Giờ con chỉ mong cha nhanh tỉnh dậy để về với chúng con thôi".
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.