'Cao thủ' tiết kiệm: 3 triệu/tháng vẫn đủ cho cả nhà
2 vợ chồng tiêu 5 triệu/tháng
Cặp vợ chồng trẻ 28 tuổi anh N.H.A và chị L ở Hà Đông, Hà Nội từng gây nhiều tranh cãi khi tiết lộ họ chỉ chi tiêu từ 5-6 triệu và để dành 13 triệu/tháng. Các khoản như sau:
- Tiền ăn: 100 ngàn đồng mỗi ngày x 30 ngày = 3 triệu đồng.
- Tiền xăng xe: 300 ngàn đồng/tháng. Vì đi làm trên cùng một con đường nên 2 vợ chồng đi chung một xe và đưa đón nhau.
- Tiền điện thoại: 400 ngàn đồng/tháng (nên nạp thời điểm có khuyến mãi)
- Tiền điện nước: 200 ngàn đồng/tháng
- Tiền chi tiêu cho ma chay, cưới xin: 1 triệu đồng/tháng
- Tiền ăn uống bên ngoài: 1 triệu/tháng
- Tiền biếu ông bà nội ngoại: mỗi bên 1 triệu = 2 triệu/tháng.
Thỉnh thoảng anh chị cũng đi ăn bên ngoài hoặc đi ăn với bạn bè. Khi đi ăn với bạn bè vẫn chủ yếu trên tinh thần “lệ quyên” nên cũng không tốn kém.
Tổng số tiền hàng tháng chi tiêu: 5 triệu 9 (không kể khoản tiền biếu nội ngoại). Trừ tiền biếu bố mẹ hai bên, số tiền vợ chồng chị tiết kiệm mỗi tháng được 12 triệu/tháng
Ngoài ra, chị M.L cũng không dùng mỹ phẩm, hạn chế mua sắm quần áo linh tinh, chồng chị lại không hút thuốc lá, không uống rượu, trà, cà phê nên khoản lặt vặt cũng tiết kiệm được đáng kể.
3 triệu/tháng vẫn đủ nuôi cả nhà
Chị Nguyễn Huệ giáo viên ở Long An cũng từng gây sốt khi tiết lộ bí quyết chi tiêu cho 2 vợ chồng chỉ với 3 triệu/tháng. Chồng chị đang chờ việc, còn lương của Huệ hiện chỉ ở mức dưới 3 triệu đồng mỗi tháng.
Mức lương gần 3 triệu đồng nhận về được chị Huệ chia thành các khoản cố định ngay từ đầu tháng
Cách quản lý chi tiêu của chị là phân chia lương thành các khoản buộc cọc hoặc để vào phong bì riêng, tuyệt đối không chi vượt ngân sách. Ngoài mỗi phong bì, chị ghi chú cụ thể từng khoản như: điện nước, mắm muối và bột giặt, điện thoại, Internet, gạo, thức ăn, xăng xe, vệ sinh…
Huệ phân bổ 300.000 đồng xăng xe, gạo 10 kg tương ứng 140.000 đồng, Internet 155.000 đồng, mắm muối và bột giặt 100.000 đồng, điện nước 200.000 đồng, sữa, mì tôm 200.000 đồng, đồ cúng các ngày rằm, mùng một 150.000 đồng.
Riêng tiền ăn, vợ chồng chị chi tiêu “chắt bóp” trong giới hạn 40.000 đồng thức ăn cho 2 bữa chính mỗi ngày. Đề phòng có khách đột xuất, Huệ bổ sung thêm khoảng 300.000 đồng vào quỹ ăn uống.
Cả nhà tiêu 100 nghìn/ngày
Chị Nguyễn Thị Sửu (Đan Phượng, HN) làm nghề bán hàng rong cũng gây chú ý khi chia sẻ về bí quyết chi tiêu tiết kiệm 100 nghìn/1 ngày. Chị nói: "Mỗi ngày tôi bán được khoảng 200.000 đồng, trừ chi phí mỗi ngày tôi vẫn còn dư giả được khoảng 100.000 đồng để mang về".
Tất cả gia đình đều chi tiêu trong khoản tiền mà chị buôn bán được. Chị nói, hàng tháng ngoài tiền học cho con là khoản cứng thì chị em nên chia ra các khoản cần chi và chỉ chi trong khoản ấy. Khi đi chợ thì phương châm càng rẻ thì càng tốt nhưng rẻ cũng phải tươi ngon một chút.
"Nước mắm, muối, mì chính, đường, dầu mỡ thì đợi giảm giá, khuyến mãi. Mình dân lao động không cần phải đẹp lắm nên quần áo thì chọn hàng rẻ, hàng cũ để mua hay chờ cuối mùa người ta xả hàng thì sẽ tiết kiệm hơn được một khoản. Rau xanh, hoa quả thì mình bán nên tận dụng hàng ế mình ăn cũng được", người phụ nữ cho biết.
Tuy nhiên, chị Sửu cũng cho biết thi thoảng gia đình chị vẫn đổi vị những bữa ăn nhạt của gia đình mà không phạm vào khoản tiết kiệm hàng tháng nhờ biết chi tiêu.
Nữ công nhân nuôi con nhỏ với 4 triệu/tháng
Đang nuôi con nhỏ 10 tháng tuổi, chồng đi làm xa chị Nguyễn Hải Yến, 26 tuổi cũng phải tự thân vận động. Với mức lương công nhân may 4 triệu/tháng nhưng người phụ nữ 26 tuổi "năng nhặt chặt bị" ấy đã nuôi con nhỏ khá thoải mái. Bên cạnh đó, chị còn tiết kiệm được một khoản cho gia đình.
Cụ thể mức chi tiêu nhà chị mỗi tháng như sau:
- Tiền gửi con: 1 triệu
- Tiền ăn sáng, tối của 2 mẹ con: 1,5 triệu
- Tiền sữa: 800 nghìn
- Chi tiêu linh tinh: 500 nghìn
- Tiền điện nước, gas: 300 nghìn
Như vậy, tổng chi phí mỗi tháng, chị Yến chi khoảng 4 triệu. Còn số tiền lương của chồng (dao động 7-8 triệu), chị để ra để tích lũy.
Chi tiêu hơn 3 triệu/tháng của mẹ bầu
Bảng chi tiêu cho cả gia đình chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng của một bà bầu thu nhập vợ chồng chưa đến 5 triệu cũng từng khiến nhiều chị em nháo nhác.
Theo mẹ bầu này, không tính tiền thai sản mà chỉ tính các chi phí ăn uống sinh hoạt hàng ngày của 2 vợ chồng thì tổng chi tiêu dao động khoảng hơn 3 triệu đồng/tháng.
Tổng tất cả các khoản là: 3 triệu 347 nghìn
Cụ thể như sau:
Tiền ăn gạo: 8 lạng/ngày x 30 ngày = 24 cân x 13.5/cân = 324 nghìn/tháng.
Thức ăn: 35 nghìn thịt + 5 nghìn rau = 40 nghìn/ngày x 30 = 1 triệu 200 nghìn/tháng.
Dầu ăn 1 tháng/chai: 45 nghìn, Xì dầu 1 tháng/chai: 12 nghìn, Tương ớt: 16 nghìn, Dấm: 10 nghìn, Hành: 10 nghìn, Tỏi: 10 nghìn, Chanh: 10 nghìn.
Ớt: 5 nghìn; tiêu: 5 nghìn; mắm: 50 nghìn, đường: 30 nghìn; gia vị bột canh ướp dâu hào, mayonaise: 80 nghìn
Tổng: 1 triệu 807 nghìn + gas: 100 nghìn = 1 triệu 907 nghìn.
Điện: 300 nghìn, nước: 100 nghìn. Tất cả: 2 triệu 307 nghìn + mạng internet 200 nghìn = 2.507 nghìn.
Tiền ăn sáng: 40 nghìn, tiền mì gói bổ sung: 200 nghìn, tiền nước uống: 100 nghìn. Ăn khuya, vặt: 100 nghìn. Tiền xăng: 300 nghìn, thẻ điện thoại: 100 nghìn.
Số tiền chi cho sinh hoạt, ăn uống được chị tính toán chi li đến từng củ hành, củ tỏi. Bà bầu này cho biết tổng thu nhập của 2 vợ chồng chưa đến 5 triệu đồng, vợ đang nghỉ ở nhà, còn công việc của chồng lương cứng 3 triệu, làm thêm thì tháng sẽ có từ 4,5-5 triệu.
Có lẽ, đây chính là lý do mọi chi phí sinh hoạt đều được bà mẹ trẻ này chi vừa phải, tiết kiệm đến mức tối đa.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.