Agribank Đắk Lắk: Tiên phong trong đầu tư phát triển “Tam nông”
Tăng trưởng bền vững
Ông Vương Hồng Lĩnh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Agribank Chi nhánh Đắk Lắk cho biết, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều mặt trong đời sống kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Song, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ, Agribank Đắk Lắk đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trong nhiệm vụ huy động vốn, bảo đảm đủ nguồn lực cung ứng vốn tín dụng trên địa bàn; đầu tư tín dụng cho “tam nông”, giữ vững vai trò chủ đạo, chủ lực trong phát triển kinh tế - xã hội, sự nghiệp đổi mới nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Cán bộ tín dụng Agribank Đắk Lắk kiểm tra nguồn vốn đầu tư phát triển chăn nuôi tại huyện Krông Năng
Điểm nổi bật trong những năm qua của Agribank Đắk Lắk là tích cực triển khai mạnh mẽ hoạt động dịch vụ ngân hàng tiện ích, nhất là dịch vụ ngân hàng số, thanh toán số, tiếp tục xây dựng hình ảnh Agribank - Ngân hàng bán lẻ hàng đầu khu vực nông thôn, đóng góp tích cực quá trình đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong dân cư, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu,vùng xa, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, từng bước nâng cao đời sống người dân trên địa bàn tỉnh.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp mạnh mẽ, phù hợp nên hoạt động kinh doanh tại Agribank Đắk Lắk đã đạt được những kết quả tích cực, nhiều kỷ lục mới được xác lập, một số chỉ tiêu kinh doanh có tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững, đạt được nhiều thành tựu chưa có trong tiền lệ. Cụ thể, năm 2021, Agribank Đắk Lắk hoàn thành và vượt tất cả các chỉ tiêu kinh doanh như: Nguồn vốn huy động đạt 8.576 tỷ đồng, tăng 14,9% so với năm 2020, bằng 110,3% kế hoạch năm. Dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 14.250 tỷ đồng, tăng 1.600 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng 12,6%, bằng 103,5% kế hoạch năm. Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm gần 70% tổng dư nợ; nợ xấu được kiểm soát và đẩy lùi về mức dưới 1,5% trên tổng dư nợ; thu dịch vụ đạt 70 tỷ đồng, tăng 6 tỷ đồng so với năm 2020, tăng 9,4%. Kết quả tài chính đạt 149,5% kế hoạch năm. Là ngân hàng thương mại lớn nhất, đóng vai trò chủ lực trong cung ứng vốn tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, Agribank Đắk Lắk đã trở thành đơn vị dẫn đầu khối thi đua Khu vực Tây Nguyên vào năm 2021.
Theo ông Phan Thông Thái, Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Đắk Lắk, tính đến ngày 30/6/2022, huy động vốn đạt 9.672 tỷ đồng, tăng 3.800 tỷ đồng so với năm 2017, mức tăng trưởng bình quân đạt 12,8%/năm. Tổng dư nợ là 16.152 tỷ đồng, tăng 6.757 tỷ đồng so với năm 2017, bình quân mức tăng trưởng 13,8%/năm.
Với mạng lưới gồm 29 điểm giao dịch rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, Agribank Đắk Lắk đã thực sự trở thành đơn vị tín dụng tin cậy, góp phần nâng cao đời sống người dân, chung tay vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thị phần tín dụng tiếp tục duy trì được sự tăng trưởng ổn định với tỷ trọng thường xuyên dao động từ 10% đến 12% tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh. Lợi nhuận khoán tài chính tiếp tục đà tăng trưởng khá so cùng kỳ, bảo đảm thu nhập ổn định, nâng cao đời sống cho người lao động.
Thực hiện chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và của Agribank về cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi, phí tiền vay cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19, Agribank Đắk Lắk đã nghiêm túc thực hiện các chủ trương của cấp trên, chỉ đạo toàn chi nhánh cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho 520 khách hàng, dư nợ 242 tỷ đồng. Thực hiện điều chỉnh giảm, miễn lãi suất cho vay đối với 44.832 khách hàng, dư nợ 10.784 tỷ đồng, số lãi tiền vay được miễn, giảm trên 67 tỷ đồng. Cho vay ưu đãi lãi suất đối với 6 doanh nghiệp, số tiền 163 tỷ đồng; cho vay ưu đãi đối với hộ khách hàng cá nhân gồm 29.382 khách hàng, dư nợ 6.501 tỷ đồng. Miễn, giảm lãi, phí cho 73 khách hàng, dự nợ 237 tỷ đồng. Miễn, giảm các loại phí dịch vụ cho khách hàng, số tiền trên 5,5 tỷ đồng.
Nông dân tỉnh Đắk Lắk phát triển cây hồ tiêu nhờ vốn vay của Agribank.
Song song với công tác lãnh đạo thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh, trong những năm qua, Đảng bộ Agribank Đắk Lắk lãnh đạo thực hiện nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội tại địa phương. Cụ thể, từ năm 2017 đến năm 2021, Agribank Đắk Lắk đã tài trợ các hoạt động an sinh giáo dục, sự nghiệp y tế, xây dựng nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa cho hộ nghèo...với tổng giá trị các hoạt động tài trợ lên tới hàng chục tỷ đồng. Trong đó, dành phần lớn kinh phí để xây nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết; hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, như: tài trợ mua xe cứu thương, máy xét nghiệm Realtime PCR, mua thiết bị, vật tư y tế, đồ bảo hộ, giường bệnh, bình oxy, hỗ trợ “chiến sỹ áo trắng” nơi tuyến đầu chống dịch.... được cán bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk đồng tình, lan tỏa tích cực đến đời sống xã hội.
Có thể khẳng định, năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, tuy gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Agribank Đắk Lắk đã hoàn thành toàn diện, xuất sắc các chỉ tiêu kinh doanh cả về quy mô, tốc độ tăng trưởng và hiệu quả kinh doanh cao nhất từ trước đến nay, góp phần tích cực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Đó là kết quả minh chứng sự lãnh đạo của Đảng bộ, Ban Giám đốc và cả hệ thống chính trị đã đoàn kết, thống nhất, tâm huyết, trách nhiệm với công việc, chung sức, đồng lòng của cán bộ, đảng viên và người lao động trong toàn chi nhánh, trong đó, vai trò lãnh đạo của Đảng bộ và trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu đơn vị, góp phần quan trọng tạo nên những kỳ tích nổi trội của Agribank Đắk Lắk.
Đẩy mạnh khơi thông nguồn vốn tín dụng
Theo Giám đốc Vương Hồng Lĩnh, thời gian tới, Agribank Đắk Lắk tiếp tục đẩy mạnh nhiệm vụ triển khai hoạt động tín dụng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc, toàn diện trong hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh với những giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, tiếp tục bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, Tỉnh ủy Đắk Lắk, giải pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước và của Agribank, tiếp tục giữ vững vai trò chủ lực trên thị trường tiền tệ, tín dụng khu vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Thực hiện tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, phù hợp với khả năng quản lý, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ tiện ích dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại. Nâng cao năng lực tài chính, năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Ngoài nhiệm vụ kinh doanh, đơn vị thường xuyên chăm lo công tác an sinh xã hội.
Thứ hai, phấn đấu huy động vốn tăng trưởng tối thiểu từ 6% so với năm 2021; tổng dư nợ tăng trưởng tối thiểu 7% trở so với năm 2021; dư nợ cơ cấu, nợ nhóm 2 dưới 1%. Tập trung xử lý thu hồi nợ xấu, phấn đấu đến cuối năm 2022, tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5%/tổng dư nợ. Bảo đảm thu nhập ổn định cho người lao động theo quy định của Agribank. Phấn đấu 100% chi nhánh, phòng giao dịch trực thuộc có lương năng suất cho người lao động cao hơn năm 2021.
Thứ ba, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên. Thực hiện có hiệu quả Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7-6-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”. Thực hiện nghiêm Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19-12-2016 của Bộ Chính trị “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”.
Thứ tư, thực hiện bài bản, đúng quy trình công tác quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp theo phân cấp quản lý cán bộ trong hệ thống Agribank, bảo đảm tiêu chuẩn cán bộ theo quy định của Đảng và của Agribank.
Thứ năm, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tại Agribank Đắk Lắk; đồng thời giao Tiểu ban phòng, chống tham nhũng, lãng phí triển khai cụ thể các chương trình, nội dung thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng, lãng phí, chấp hành nghiêm túc quy trình nghiệp vụ, tăng cường công tác phòng ngừa, hạn chế các tồn tại, vi phạm, tiêu cực trong hoạt động ngân hàng./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.