Ai sẽ quản lý giáo dục dạy nghề?
2016-06-27 16:55:55
0 Bình luận
HOANHAP.VN - Vừa qua, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GDĐT) có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị thống nhất giao cho Bộ quản lý hệ thống giáo dục quốc dân từ mầm non đến đại học, kể cả bậc trung cấp, cao đẳng nghề hiện nay thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH). Đây là vấn đề gây tranh cãi trong dư luận: Ai sẽ quản lý giáo dục dạy nghề?
Bộ LĐTBXH đã thực hiện tốt việc quản lý bậc trung cấp và cao đẳng nghề... (Ảnh minh họa) |
Hiện nay, Bộ GDĐT quản lý từ cấp mầm non, phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học và sau đại học. Còn Bộ LĐTBXH quản lý hai bậc học giữa là trung cấp nghề và cao đẳng nghề. Tuy nhiên, nguyên nhân khiến Bộ GDĐT trình lên Thủ tướng Chính phủ về kiến nghị trên vì cho rằng, thực tế thời gian qua cho thấy, sự trùng lặp trong quản lý giữa hai Bộ đã gây ra nhiều bất cập về quản lý, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Đơn cử, liên thông giữa dạy nghề và giáo dục đại học ách tắc do không thống nhất chuẩn đầu ra ở các trình độ, một bên đào tạo theo tín chỉ, còn bên kia đào tạo theo môn học hoặc mô-đun với tiêu chuẩn kiểm định khác nhau, người học chịu thiệt thòi trong quá trình công nhận miễn trừ những nội dung đã học ở các trường đại học. Liên thông khó khăn đã gây ảnh hưởng đến công tác phân luồng vào giáo dục nghề nghiệp.
Mặt khác, do hình thành hai cơ quan quản lý nhà nước đầu mối ở trung ương dẫn đến tăng đầu mối quản lý ở cấp địa phương lên 63 phòng Quản lý dạy nghề thuộc sở Lao động, trong khi các sở giáo dục đều có phòng giáo dục chuyên nghiệp làm cả nhiệm vụ quản lý giáo dục đại học địa phương. Ở Trung ương, Tổng cục Dạy nghề cũng có các vụ tương tự như các vụ của Bộ Giáo dục mà không có liên hệ chặt chẽ với các vụ của Bộ LĐTBXH như: Vụ Học sinh sinh viên, Vụ Dạy nghề chính quy, Vụ Dạy nghề thường xuyên, Vụ Giáo viên và Cán bộ quản lý dạy nghề… làm tăng biên chế.
Trong khi các nhà quản lý đào tạo phần lớn nghiêng về giao bậc trung cấp, cao đẳng nghề cho Bộ GDĐT quản lý thì đại diện nhiều trường dạy nghề lại cho rằng, các bậc học này nên vẫn để lại cho Bộ LĐTBXH. Trong 42 năm thuộc Bộ LĐTBXH thì lĩnh vực dạy nghề đã được khôi phục và phát triển và đã gắn chặt với thị trường lao động, đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu lao động, gắn được với giảm nghèo, có thể nói là gắn trực tiếp với đối tượng mà ngành LĐTBXH quản lý.
Người đứng đầu Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội cho rằng, từ một trường dạy nghề rất đơn sơ, chuyên đào tạo 2 ngành Cơ khí và Điện. Mỗi năm nhà trường chỉ tuyển sinh khoảng 300 học viên, tuy nhiên, trong khoảng 10 năm trở lại đây, nhà trường phát triển vượt bậc nên có thể khẳng định là một trong những trường dạy nghề tốt nhất của Việt Nam. Nhà trường có được những thành quả đó là nhờ sự quan tâm của Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTBXH), TP Hà Nội. Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội được tạo điều kiện trong việc đầu tư cơ sở vật, nâng cao chất lượng giáo viên để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của xã hội. Hiện nay, Bộ GDĐT đang quản lý nhiều bậc học với khối lượng công việc rất lớn cần hoàn thành và thực hiện. Còn việc dạy nghề là phải gắn với doanh nghiệp, việc làm và các kỹ năng lao động. Vì vậy, việc đào tạo nghề và quản lý các trường trung cấp và cao đẳng nghề nên giao cho Bộ LĐTBXH quản lý sẽ thuận lợi và hiệu quả hơn.
Mặt khác, từ nhiều năm nay, Bộ LĐTBXH đã được giao nhiệm vụ quản lý các trường trung cấp, cao đẳng nghề và đã có những công việc cụ thể để đưa hoạt động dạy nghề ngày một củng cố. Nếu tiếp tục để Bộ này quản lý sẽ không bị gián đoạn và nếu có sự chỉnh lý những bất cập một cách kịp thời thì có thể công tác dạy nghề sẽ ngày càng phát triển hơn. Bộ LĐTBXH cũng có thể quản lý việc giao chỉ tiêu tuyển sinh, giám sát hoạt động dạy nghề tốt nếu thực hiện nghiêm túc, khách quan. Nhiều người cũng bày tỏ: Việc dạy nghề phải gắn với giải quyết việc làm cho học viên sau khi tốt nghiệp. Từ trước đến nay, Bộ LĐTBXH đã thực hiện việc làm này khá tốt nên vẫn tiếp tục việc quản lý bậc trung cấp và cao đẳng nghề.
Nhiều trường được tạo điều kiện trong việc đầu tư cơ sở vật, nâng cao chất lượng giáo viên để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của xã hội... (Ảnh minh họa) |
Một thực tế cho thấy, thời gian qua Bộ GDĐT đã thể hiện những mặt gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong việc quản lý. Đơn cử như những vấn đề xoay quanh việc tổ chức kỳ thi THPT “2 trong 1” năm 2015. Ngoài những mặt được ghi nhận thì mặt trái của việc cho phép thí sinh tự chọn môn thi, đó là việc có rất ít thí sinh chọn thi các môn học thuộc nhóm ngành xã hội - nhân văn, đặc biệt là môn Sử. Báo chí đã nhắc đến việc trong kỳ thi 2015 có một hội đồng với hơn 60 người chỉ phục vụ cho một thí sinh. Tuy nhiên, việc học sinh không thích học sử và vì thế không thi môn Sử không thể được giải quyết bằng những biện pháp hành chính như biến môn Sử thành môn thi bắt buộc, mà phải bằng cách đổi mới tư duy và phương pháp dạy Sử sao cho nó trở thành một môn học hấp dẫn và có ích cho sự phát triển trí tuệ của học sinh - như môn học này vốn phải như vậy. Và, điều mà mọi người mong muốn lớn nhất về kỳ thi này sự nâng cao giá trị của kỳ thi, để nó trở thực sự có tác động tích cực đến cách học và cách dạy trước đó. Nói cách khác, nếu thi cử là khâu then chốt trong công cuộc đối mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam, thì chúng ta vẫn chưa thể hài lòng với chất lượng của kỳ thi này, và nhiều điều mà Bộ GDĐT muốn làm vẫn chưa thể làm được, chẳng hạn như việc tích hợp nhiều môn thi vào một bài thi tổng hợp, và tăng thêm tính mở và tính sáng tạo cho bài thi. Nhìn chung, chất lượng đề thi vẫn chưa có thay đổi nào đáng kể, và vẫn còn cần nhiều nỗ lực để cải thiện hơn nữa.
Vì thế, một câu hỏi được nhiều người đặt ra: Liệu Bộ GDĐT có “ôm đồm” quá khi trình gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị thống nhất giao cho Bộ quản lý hệ thống giáo dục quốc dân từ mầm non đến đại học, kể cả bậc trung cấp, cao đẳng nghề?
Đến nay, việc quản lý bậc trung cấp và cao đẳng nghề vẫn còn đang gây ra sự tranh luận, đóng góp ý kiến khác nhau từ phía các chuyên gia, quản lý giáo dục và dạy nghề nhưng dù cơ quan nào quản lý đi nữa thì xã hội vẫn rất mong muốn, thị trường lao động sẽ được điều tiết một cách thông suốt.
Lĩnh vực quản lý dạy nghề có từ năm 1955 và quá trình 61 năm được chia thành một số giai đoạn: Từ năm 1955-1978 là Tổng cục đào tạo công nhân kỹ thuật trực thuộc Bộ Lao động; từ năm 1978-1987 được đổi tên là Tổng cục dạy nghề thuộc Hội đồng Bộ trưởng; Giai đoạn từ năm 1987 -1998,Tổng cục Dạy nghề sáp nhập vào Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp thành Bộ Đại học, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề, Tổng cục Dạy nghề chỉ còn là Vụ Đào tạo nghề; Giai đoạn từ năm 1998 đến nay là Tổng cục Dạy nghề thuộc Bộ LĐTBXH. Như vậy, lĩnh vực dạy nghề có 42 năm thuộc Bộ Lao động quản lý, 9 năm trực thuộc Chính phủ và 11 thuộc Bộ GD ĐT.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Lệ Bình