Anh hùng Lao động Thái Hương và 4 đề xuất phát triển kinh tế xanh cho Tây Nguyên

2022-11-21 16:59:43 0 Bình luận
Nhà sáng lập Tập đoàn TH đề xuất 4 định hướng đầu tư quan trọng, xuất phát từ thực tiễn và mong muốn đưa Tây Nguyên trở thành vùng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trên nền tảng phát triển bền vững, tận dụng tối đa các nguồn lực - trên cơ sở đó mang lại công bằng xã hội và nâng cao mức sống cho người dân nơi đây.

Chiều 20/11/2022 tại Lâm Đồng diễn ra Hội nghị Triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23/NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển Kinh tế Xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư Vùng phát triển xanh, hài hòa, bền vững.

Toàn cảnh Hội nghị Triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23/NQ/TW.

Tham dự Hội nghị và sau khi nghe các ý kiến góp ý, tham luận của các đơn vị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo mục tiêu phát triển vùng Tây Nguyên gói gọn trong 8 chữ “Đột phá – Bao trùm – Toàn diện – Bền vững” với giải pháp gồm 8 điểm, mục tiêu cuối cùng là thu hẹp khoảng cách phát triển, khoảng cách giàu nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau. 

Trước đó, Thủ tướng đã nghe các tham luận, ý kiến của các đơn vị chức năng, doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tham dự Hội nghị, Anh hùng Lao động Thái Hương đưa ra 4 định hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn và đóng góp cho phát triển bền vững vùng Tây Nguyên, dưới lăng kính của một nhà tư vấn và đầu tư nhiều dự án trong nước và vươn ra quốc tế.

Từ cái nhìn bao quát thực tế...

Phát biểu tại sự kiện, bà Thái Hương chia sẻ, bà bước chân vào Tây Nguyên từ sớm, sau khi khởi dựng Tập đoàn TH từ năm 2008 đi theo mô hình kinh tế tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao. Riêng tại Kon Tum, tuy mới bắt đầu từ cách đây 2 năm nhưng đến giờ TH đã trồng 500ha sầu riêng giống mới và đang lập đề án triển khai tại tỉnh Kon Tum và vùng Tây Nguyên để phát triển kinh tế dưới tán rừng trên cơ sở đi theo mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế tri thức.

Anh hùng Lao động Thái Hương phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Vietnam+)

“Tây Nguyên vẫn còn chưa phát triển đúng tầm cỡ. Ở Tây Nguyên chưa có những doanh nghiệp, tập đoàn đủ lớn. Chính phủ cần có chính sách phù hợp với thực tiễn để lôi kéo tầng lớp này. Tây Nguyên có diện tích rất rộng nhưng nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn lại là vấn đề nan giải”.

Bà nêu thực tế: Chúng ta cứ nói Tây Nguyên có lợi thế về đất đai nhưng hàng chục năm rồi không tận dụng được. Có nhiều khu vực xưa kia là rừng, hàng chục năm trước người dân đã chặt phá, lũ lụt cuốn trôi, không còn rừng nữa. Khi chúng tôi làm đề xuất phát triển kinh tế xanh, cần diện tích lâm nghiệp, chính quyền vẫn không dám đưa ra quyết định dù đó là khu vực người dân đã phá rừng, canh tác hàng chục năm với lý do "đó vẫn là đất rừng, không được động chạm đến." Bởi vậy, bà kiến nghị cần phải lập lại bản đồ hiện trạng đất ở Tây Nguyên.

Cùng với đó, bà nhấn mạnh việc cần áp dụng các thành tựu công nghệ và khoa học kỹ thuật của thế giới vào sản xuất ở khu vực này. Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đặt câu hỏi “làm thế nào để xây dựng được thương hiệu cho các sản phẩm của Tây Nguyên về cây ăn quả, thảo dược, cây hương liệu, gia vị…?”

Câu trả lời của bà Thái Hương là “chúng ta có thể phát triển rất nhiều thứ ở Tây Nguyên nhưng phải có được mô hình sản xuất lớn và tạo ra được những thương hiệu tầm cỡ quốc gia, sản xuất theo chuẩn quốc tế, phải sử dụng công nghệ cao, hướng tới kinh tế xanh, mang hàm lượng chất xám cao. Thế giới đã có rất nhiều thành tựu công nghệ, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, chúng ta thừa hưởng được những thành quả này để ứng dụng, tạo ra năng suất lao động, chi phí sản xuất và chất lượng sản phẩm đạt được chuẩn quốc tế”.

Điều này đã được bà áp dụng thành công tại các Dự án của Tập đoàn TH. Bà từng phân tích: Kinh tế xanh được hiểu đơn giản là một nền kinh tế sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, để lại nền tảng phát triển bền vững, đảm bảo công bằng xã hội chứ không gây hệ lụy môi trường cho các thế hệ tương lai.

Kinh tế xanh đã được TH áp dụng thành công tại các Dự án đang hoạt động của Tập đoàn.

Ví dụ như Tập đoàn TH đã xác định 6 trụ cột phát triển bền vững là: Dinh dưỡng-Sức khỏe, Môi trường, Cộng đồng, Giáo dục, Phúc lợi động vật và Con người là trụ cột cốt lõi, động lực quan trọng nhất. Từ 2018, Tập đoàn TH đã xây dựng Báo cáo Phát triển bền vững thường niên theo chuẩn quốc tế GRI (Global Report Initiative).

Để xây dựng được hệ sinh thái bền vững với các nền tảng trên, ngay từ năm 2008, Tập đoàn TH đã áp dụng những công nghệ xanh với hàm lượng chất xám lớn như công nghệ số, công nghệ đám mây, trí tuệ nhân tạo, khoa học quản trị… - tức là kinh tế tri thức - để có hiệu quả sử dụng tài nguyên tốt nhất, như sử dụng chip theo dõi tình hình sức khỏe cho từng con bò sữa, cho phép phát hiện bệnh viêm vú 4 ngày trước khi có biểu hiện bên ngoài, phát hiện động dục tự động chính xác để xác định thời điểm phối giống tối ưu, cảnh báo khi bò không được ăn uống đầy đủ dẫn đến sữa thiếu chất lượng… ứng dụng chương trình tự động hóa trong phối trộn thức ăn, quy hoạch trồng trọt, tưới tiêu…

Mô hình sản xuất của TH là mô hình kinh tế tuần hoàn khép kín: Toàn bộ vật chất hữu cơ và phế phẩm hữu cơ từ trang trại chăn nuôi được thu gom, xử lý thành chất đệm sinh học phục vụ trang trại và phân bón hữu cơ; nước thải chăn nuôi được sử dụng để cải tạo đất trồng trọt và trả lại môi trường tự nhiên sau khi được xử lý đạt chuẩn. TH cũng đã đầu tư và vận hành hiệu quả năng lượng mặt trời áp mái trang trại, vừa sản xuất điện năng vừa giảm hấp thụ nhiệt cho mái chuồng bò, tăng phúc lợi động vật và giảm stress nhiệt cho gia súc về mùa hè.

Công nghệ đầu cuối thế giới được TH ứng dụng tại Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung công nghệ cao tại Nghệ An.

... tới định hướng 4 lĩnh vực chủ chốt phát triển vùng Tây Nguyên

Với những tiềm năng sẵn có của Tây Nguyên và kinh nghiệm thực tế, năng lực của mình, Anh hùng Lao động Thái Hương đã nhìn nhận 4 lĩnh vực giúp phát triển vùng Tây Nguyên.

Theo Nhà Sáng lập Tập đoàn TH, Tây Nguyên đủ điều kiện để phát triển mạnh lĩnh vực đại chăn nuôi (chăn nuôi quy mô lớn, quy mô công nghiệp ứng dụng công nghệ cao). “Tôi sẽ đưa mô hình chăn nuôi bò sữa tập trung công nghệ cao theo chuỗi (mà TH đang làm ở Nghệ An) lên Tây Nguyên. Hiện TH đã có kế hoạch triển khai tại Đắk Nông và các vùng phụ cận, đưa nông dân trở thành một mắt xích trong chuỗi sản xuất này; sau đó trồng cây ăn quả, cây hương liệu và gia vị,” bà Thái Hương nhấn mạnh.

Ông Vijay Kumar Pandey - Đại diện HĐQT Tập đoàn TH và ông Hồ Văn Mười - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông trao biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác. (Ảnh: Vietnam+)

Theo Anh hùng Lao động Thái Hương, với lĩnh vực khai khoáng, Tây Nguyên có trữ lượng bôxít rất lớn, Chính phủ cần quy hoạch sớm, ứng dụng triệt để khoa học công nghệ trong khâu khai thác. Phải đưa khoa học hiện đại vào thì mới phát triển được kinh tế xanh và không để lại hệ lụy khi khai thác tài nguyên. Ở những vùng đất có khoáng sản nhưng không đủ lớn thì nên trồng cây ăn quả, cây thảo dược có giá trị lớn hơn, không cố khai thác.

Ngoài ra, lĩnh vực khai thác nguồn nước ngầm cũng được Tập đoàn TH chú trọng đầu tư trong tương lai. Theo bà Thái Hương: “Tây Nguyên có nguồn nước ngầm tốt do có hệ sinh thái của núi lửa để lại. Thế nên tôi đã tư vấn Tập đoàn TH vào khai thác nước ngầm tại Đắk Nông. Người tiêu dùng Việt xứng đáng được hưởng nguồn nước tinh khiết và nguồn dinh dưỡng tốt nhất”.

Cuối cùng, Anh Hùng Lao động Thái Hương cho rằng Tây Nguyên có đủ điều kiện cho lĩnh vực du lịch. Vậy nên, nhà chức trách cần quy hoạch để tạo ra sự đa dạng du lịch văn hóa, du lịch ẩm thực, du lịch làng nghề chứ “không phải bê nguyên một công viên Disney ở Mỹ về”.

“Phải có hồn cốt dân tộc, phải cho thấy rõ nếp nhà nếp sống của thuở hồng hoang thế nào, tinh thần của thời kỳ Bà Trưng, Bà Triệu thế nào, của thời đại Hồ Chí Minh thế nào?” bà Thái Hương nói.

Để góp phần hiện thực hóa, cụ thể hóa, thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị, đổi thay mảnh đất đại ngàn Tây Nguyên – “phên dậu” phía Tây của Tổ quốc, Tập đoàn TH đã ký 2 thỏa thuận hợp tác với Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng và Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông phát triển các dự án đầu tư áp dụng công nghệ cao ở nhiều lĩnh vực.

Hiện Tập đoàn TH đang đứng đầu thị trường sữa tươi tại Việt Nam, hàng năm doanh thu tăng trưởng hai con số, sản phẩm thường xuyên không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường, nhưng lượng đất miền Bắc hạn chế, dẫn đến việc khó khăn trong mở rộng sản xuất. Tập đoàn TH nhận thấy Tây Nguyên, đặc biệt là tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng có khả năng trở thành thủ phủ bò sữa, thành đầu mối sản xuất chế biến sữa cho thị trường miền Nam Việt Nam.

Tại khu vực này, cách làm của TH vẫn là xây dựng mô hình sản xuất khép kín theo chuỗi đưa nông dân trở thành mắt xích trong chuỗi sản xuất của TH, Tập đoàn đưa quy trình và công nghệ sản xuất, khoa học quản trị, giống cho người nông dân, đồng thời bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ hậu thu hoạch, nhờ đó, người nông dân nhận được lợi ích lớn về kinh tế.

Ông Arghya Mandal - Đại diện HĐQT Tập đoàn TH và ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng ký kết và trao biên bản ghi nhớ. (Ảnh: Vietnam+)

Với Lâm Đồng, TH cũng sẽ tiếp tục phát triển dự án chăn nuôi bò sữa công nghệ cao, trồng cây ăn quả và các loại thảo dược theo hướng đa tầng (theo tiêu chuẩn Vietgap, Global Gap, Organic) ứng dụng công nghệ cao và chất lượng sản phẩm tốt, có truy xuất nguyên liệu đầu vào rõ ràng, kết hợp chế biến tại chỗ.

Bên lề Hội nghị, Anh hùng Lao động Thái Hương vẫn trăn trở và bày tỏ khát vọng: “Để phát triển Tây Nguyên theo hướng kinh tế xanh, tri thức, kinh tế tuần hoàn với định hướng phát triển bền vững sẽ rất cần sự vào cuộc của các doanh nghiệp đủ năng lực, đủ tâm và tầm để áp dụng công nghệ thế giới, đưa người dân cùng phát triển. Thế giới hiện đại có những thành tựu vô cùng to lớn về khoa học công nghệ, khoa học quản trị, trí tuệ nhân tạo… Để tận dụng những thành tựu này, chúng ta cần có một số quyết sách, những cơ chế chính sách phù hợp cho từng thời kỳ, cho từng ngành nghề để khích lệ, để biến khát vọng thành hiện thực để tạo ra sức mạnh to lớn cho dân tộc, để dân tộc ta sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ từng mong muốn, để đất nước chúng ta giàu có, văn minh".

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Thành phố Hạ Long: Hội thảo khoa học Thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Ngày 26/12, thành phố Hạ Long phối hợp với Viện Kinh tế (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) tổ chức Hội thảo khoa học: “Thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản thành phố Hạ Long trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
2024-12-26 19:13:12

Herbalife Việt Nam đồng hành cùng cuộc thi "Lan toả năng lượng tích cực" lần thứ năm liên tiếp

Vào tháng 12 năm 2024 - Herbalife Việt Nam, một trong những công ty hàng đầu về sức khỏe và thể chất, tiếp tục đồng hành cùng Báo Tuổi Trẻ tổ chức thành công Cuộc Thi Lan Tỏa Năng Lượng Tích Cực lần thứ năm.
2024-12-26 15:03:20

Vietnam Airlines triển khai hạng ghế Phổ thông đặc biệt trên toàn mạng bay nội địa

Từ ngày 14/1/2025, Vietnam Airlines sẽ triển khai hạng ghế Phổ thông đặc biệt (Premium Economy) trên toàn mạng bay nội địa.
2024-12-26 09:11:52

Tranh chấp tên gọi 'Hoa hậu Biển Việt Nam'

Cuộc thi “Hoa hậu Biển Việt Nam” 2024, một trong những sự kiện nhan sắc đáng chú ý nhất cuối năm, dự kiến diễn ra tại tỉnh Bình Thuận từ ngày 27 đến 31/12. Sự kiện đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đồng ý cấp phép tổ chức. Tuy nhiên, xung quanh cuộc thi này lại nổi lên nhiều tranh cãi liên quan đến tranh chấp bản quyền sở hữu tên gọi "Hoa hậu Biển Việt Nam".
2024-12-26 00:21:35

Quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV

Chiều 25/12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đồng chủ trì Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV.
2024-12-25 17:10:21

Phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy cơ quan, Ban Đảng, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương

Về tiến độ triển khai đề án sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo định hướng của Trung ương, toàn bộ các cơ quan, Ban Đảng, đơn vị sự nghiệp của Đảng ở Trung ương được giao chủ trì xây dựng đề án đã hoàn thiện và gửi đề án về Ban Chỉ đạo Trung ương.
2024-12-25 15:53:34
Đang tải...