Âu tàu Nghĩa Hưng Nam Định thực sự “Ích nước, lợi nhà”
Giám đốc Trung tâm quản lý, vận hành Âu tàu Nghĩa Hưng Đỗ Văn Huynh tại phòng làm việc - Ảnh: Hồ Thanh
Kỹ sư Công trình thủy Đỗ Văn Huynh, Giám đốc Trung tâm quản lý, vận hành Âu tàu Nghĩa Hưng, thuộc Công ty cổ phần quản lý, bảo trì đường thủy nội địa số 10 cho biết: Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Quyết định số 1157/QĐ-BGTVT công bố mở luồng đường thủy nội địa quốc gia Kênh Nghĩa Hưng tại tỉnh Nam Định; quy định rõ trọng tải phương tiện được phép đi qua âu tàu đến 3.000 tấn (DWT); giao Cục Đường thủy nội địa Việt Nam có trách nhiệm tổ chức, quản lý, khai thác, vận hành, bảo trì, bảo vệ luồng đường thủy nội địa quốc gia Kênh Nghĩa Hưng theo quy định. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã ký kết với Công ty cổ phần quản lý, bảo trì đường thủy nội địa số 10 (địa chỉ tại Quận 7, thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện chức năng, nhiệm vụ nói trên. Giám đốc Đỗ Văn Huynh được giao nhiệm vụ chỉ huy, quản lý Trung tâm điều hành Âu tàu Nghĩa Hưng từ ngày 20-9-2023. Hiện nay, trung tâm có 23 cán bộ, nhân viên (gồm 19 kỹ sư, 2 cử nhân chuyên ngành về điện, cơ khí, công trình thủy và 2 bảo vệ). Cán bộ, nhân viên trung tâm đều sinh hoạt tại chỗ, làm việc theo ca, bảo đảm vận hành 24/24 h. Các kỹ sư điều hành Âu tàu Nghĩa Hưng trực tiếp kiểm tra, quan sát, vận hành đóng, mở cửa âu tàu, đóng mở van điều tiết, bảo đảm an toàn cho tàu qua lại bằng hệ thống camera giám sát hiện đại và hệ thống loa truyền thanh.
Âu tàu Nghĩa Hưng nhìn từ trên cao - Ảnh: Hồ Thanh
Trung bình một ngày tại Âu tàu Nghĩa Hưng có khoảng 50 phương tiện đường thủy đi qua. Trong đó có tàu trọng tải lớn, tàu trọng tải nhỏ và thuyền vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng như xi măng, phân đạm, gỗ dăm, cát san lấp. Những tàu có trọng tải lớn từ 2.000 - 3.000 DWT đi qua Kênh Nghĩa Hưng chủ yếu ở các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình. Một số tàu còn vận chuyển hàng hóa đi qua âu tàu đến các tỉnh, thành phố khác trong cả nước và ngược lại. Nhờ có Kênh Nghĩa Hưng, chỉ tính riêng về nhiên liệu, các tàu lớn đã tiết kiệm mỗi chuyến đi ít nhất là 15 triệu đồng, lại tăng vòng chuyến từ 10 lên 15 lần/tháng nên mức doanh thu, tiền lãi đều tăng. Ông Nguyễn Văn Tuyến, thuyền trưởng tàu Phú Minh 99 mang số hiệu NĐ-3859 cho biết: Tàu ông có trọng tải 2.700 tấn, trước đây chỉ đi được từ một chuyến/tháng đến ba chuyến/hai tháng vào các tỉnh miền Trung, miền Nam. Từ khi có Âu tàu Nghĩa Hưng tàu của ông thường đi 2 chuyến/tháng vào Nha Trang nên mức doanh thu của chủ tàu cũng như mức thu nhập của thủy thủ đều cao hơn trước đây.
Tàu Phú Minh 99 mang số hiệu NĐ-3859 chở cát san lấp của ông Nguyễn Văn Tuyến đang đi qua Âu tàu Nghĩa Hưng- Ảnh: Hồ Thanh
Được biết, Cụm công trình Kênh nối Đáy - Ninh Cơ (nay được đặt tên là Kênh Nghĩa Hưng) thuộc Dự án phát triển giao thông vận tải khu vực đồng bằng Bắc Bộ (Dự án WB6) được khởi công xây dựng từ ngày 01-3-2021 với tổng mức đầu tư 107,19 triệu USD. Luồng đường thủy nội địa của Kênh Nghĩa Hưng có chiều dài 2,104 km. Toàn bộ hành trình của một con tàu khi qua đây chỉ mất khoảng 40 phút (khi các chủ tàu quen thuộc phương thức vận hành sẽ chỉ còn khoảng 30 phút) rút ngắn được ít nhất 5 giờ so với vận chuyển đường bộ theo lộ trình trước đây. Việc đưa Kênh Nghĩa Hưng vào khai thác, vận hành đã phát huy tối đa hiệu quả cụm công trình cải tạo luồng qua cửa Lạch Giang, giảm gánh nặng cho hệ thống giao thông đường bộ, cải thiện môi trường vận tải, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về sản xuất, phân phối, giao thương. Kênh Nghĩa Hưng vừa góp phần quan trọng tạo khả năng tiếp cận đa dạng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững, phát triển tổng thể khu vực đồng bằng Bắc Bộ vừa mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho các doanh nghiệp cũng như chủ tàu ở tỉnh Nam Định và các địa phương lân cận, thực sự “Ích nước, lợi nhà”.
Âu tàu Nghĩa Hưng rực rỡ ban đêm - Ảnh: Văn Huynh
Tuy nhiên theo quan sát của chúng tôi, tại Kênh Nghĩa Hưng chưa được trang bị tàu kéo (tàu cứu hộ) loại 350 mã lực (CV). Đây là phương tiện thủy hết sức cần thiết để thường trực cứu hộ (chống va trôi, lai dắt) khi tàu đi qua Kênh Nghĩa Hưng bị xảy ra các sự cố chết máy, mất lái trong quá trình neo đậu. Các tàu có tải trọng lớn bị mất khả năng điều khiển do gặp mưa bão hoặc bị mắc cạn trong khu vực neo đậu cần phải được tàu kéo, cứu hộ lai dắt, sắp xếp neo đậu vào đúng vị trí. Ngoài ra, tàu kéo còn làm nhiệm vụ kiểm tra hệ thống báo hiệu trong khu vực âu tàu sau mưa bão và kéo đẩy chướng ngại vật có kích thước lớn ra khỏi buồng âu hoặc khu vực đầu âu tàu (nếu có). Như vậy, Âu tàu Nghĩa Hưng cần phải được trang bị 2 tàu kéo thường trực cứu hộ (mỗi bên đầu âu một tàu). Ngoài ra, tòa nhà Trung tâm vận hành Âu tàu Nghĩa Hưng đã được xây dựng khang trang, đẹp mắt nhưng lại thiếu nhà để xe của 23 cán bộ, nhân viên đang ăn nghỉ tại chỗ, thường trực 24/24 h. Thiết nghĩ, lãnh đạo Bộ GTVT, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Công ty cổ phần quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 10 cần kịp thời trang bị, xây dựng bổ sung phương tiện thủy, nhà để xe, giúp cho Âu tàu Nghĩa Hưng nâng cao hơn nữa chất lượng quản lý, khai thác, vận hành, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các phương tiện thủy khi đi qua “Kênh đào Panama” tại Việt Nam.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.