Ba năm 'chinh phục' bố vợ của chàng trai không tay

2020-09-12 09:41:18 0 Bình luận

Những ngày tháng 8, thi thoảng người dân Hòa Vang lại bắt gặp chiếc xe máy do một người phụ nữ cầm lái, phía sau là hai sọt chở đầy dưa, phía trước là một người đàn ông cụt tay ngồi bó gọn. Đôi lúc, người đàn ông quay ngược đầu lên, pha trò rồi cả hai cùng cười. Đó là vợ chồng anh Nguyễn Thế Cường (sinh năm 1982, quê Quảng Nam) và chị Trần Thị Minh Thư.

Hai vợ chồng anh Cường, chị Thư hàng ngày vẫn chở dưa đi giao khắp nơi tại Đà Nẵng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cường mất hai cánh tay sau một vụ tai nạn khi đang đi làm thêm phụ hồ hồi cuối năm 2004. "Sau 3 lần phẫu thuật vì vết thương nhiễm trùng, hai cánh tay bị cắt cụt gần hết", Nguyễn Thế Cường bắt đầu câu chuyện.

Đang là sinh viên năm thứ 2 Đại học Bách khoa Đà Nẵng, việc mất cả hai tay khiến Cường rơi vào khủng hoảng, thậm chí có lần đã nghĩ đến chuyện "giải thoát cho cả bản thân và gia đình". Nhưng sự động viên của mẹ đã giúp anh gượng dậy. Ở nhà một thời gian cho lành vết thương, Cường một mình khăn gói đến Đà Nẵng thuê địa điểm mở quán Internet và sửa chữa máy tính, kiếm tiền gửi về quê cho mẹ nuôi em trai đang đi học và người bố bị liệt do tai nạn nhiều năm trước.

Anh Nguyễn Thế Cường dù không có tay nhưng vẫn tự làm mọi việc trong nông trại của mình. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Chàng trai không tay gặp cô gái Trần Thị Minh Thư lần đầu tiên hồi năm 2005, khi vào TP HCM làm tay giả. Minh Thư (sinh năm 1984), một cô sinh viên sư phạm người Gia Lai, cũng đưa bố đến lắp tay. Trong ba ngày điều trị cùng nhau, bố Thư cảm thấy quý mến chàng trai trẻ. Về nhà, ông thường xuyên gọi điện hỏi thăm. Câu chuyện giữa hai người đàn ông chỉ kéo dài vài phút, không biết nói gì thêm, bố Thư đưa điện thoại cho con gái động viên Cường.

Những cuộc gọi tiếp theo của hai bạn trẻ diễn ra thường xuyên hơn. Từ 10-15 phút ban đầu, cuộc nói chuyện của họ về sau kéo dài 2-3 tiếng mà vẫn cảm thấy thiếu. Sau ba năm chỉ nghe tiếng nhau qua điện thoại, Cường mới lấy hết can đảm rủ Thư xuống Đà Nẵng chơi. Vài ngày sau, cô đến thăm thật. Chuyến đi chơi đầu tiên, người thanh niên cụt tay mua tặng cô bạn gái chiếc móc chìa khóa hình trái tim.

Sau chuyến đi, Cường gọi điện tỏ tình. Thông tin nhanh chóng đến tai bố, ông kiên quyết phản đối mối tình này và tịch thu điện thoại của Thư. Là một người cũng mất hai cánh tay trong chiến tranh và chứng kiến người vợ lam lũ, quần quật lao động nuôi cả gia đình và qua đời vì lao lực khi tuổi còn trẻ, ông hiểu gánh nặng sẽ đè lên vai con gái mình nên quyết không để Thư "đi vào vết xe đổ của mẹ".

Biết bố bạn gái phản đối, sáng thứ 7, Cường vượt 600 km từ Đà Nẵng lên Gia Lai xin được gặp ông để trình bày, thuyết phục. Đáp lại chàng trai chỉ là cánh cổng đóng chặt, im lìm. Cực chẳng đã, anh quỳ sụp bên ngoài, bố Thư nhìn thấy chỉ nói vọng ra: "Mày quỳ thì kệ mày". Chín tuần liên tiếp, Cường đều đặn bắt xe lên nhà Thư và... quỳ. Nhưng ông bố không cất một lời.

Biết không thể lay chuyển được bố, tháng 7/2009, Thư nghỉ việc, trốn nhà xuống Đà Nẵng với Cường. Nhìn thấy người yêu xuất hiện trước cửa nhà mồ hôi nhễ nhại, chàng trai lập tức đèo bạn gái về Quảng Nam, nói chuyện đám cưới với mẹ.

Ba ngày sau, đám cưới diễn ra. Khách mời chỉ 100 người nhưng hơn 200 người đến dự vì tò mò "Muốn xem mặt cô dâu của thằng Cường cụt thế nào mà cưới vội thế", họ nói với nhau. Không ăn hỏi, trầu cau, không xe hoa, quần áo cô dâu chú rể chỉ thuê một bộ duy nhất mặc hết buổi lễ. Nhà gái cũng không một ai đến dự. Để chữa ngại với bà con xóm giềng, mẹ Cường giải thích đám cưới sẽ tổ chức lần hai ở nhà gái vì đường xá xa xôi.

Gia đình anh Cường chị Thư và hai con trai. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Sau đám cưới, hàng ngày đôi trẻ đèo nhau vượt 18 km từ Quảng Nam ra Đà Nẵng làm việc ở quán của Cường.

Biết con gái trốn đi lấy chồng, bố Thư chính thức từ mặt. Ngày vợ chồng Thư về giỗ mẹ, ông thẳng thừng tuyên bố: "Tao có còn con gái đâu mà có con rể". Biết là bố vẫn còn giận nên du bị mắng Cường và Thư vẫn thường về quê thăm ông. Suốt hai năm sau đó, ông bố coi họ như không tồn tại, nhất quyết không nói dù chỉ một lời. Đến bữa cơm, Cường thường trốn ở ngoài vườn để tránh ngồi cùng bố vợ.

Năm 2011, Thư sinh con trai đầu lòng và đưa con về thăm ông. Được đánh tiếng trước là có cháu về, bố Thư mua nhiều đồ dùng trẻ em như tã giấy, cháo dinh dưỡng... nhưng quyết không nhận mình mua. Một trưa khi cô đang giặt giũ bên ngoài, đứa bé thức dậy khóc ngằn ngặt. Ông ngoại thấy vậy cất tiếng gọi: "Để thằng nhỏ khóc kìa". Đây cũng là câu đầu tiên ông nói với con gái sau hơn 4 năm từ mặt.

"Tổ cha mày, thằng cha mày đâu mà đem về đây khổ tao vầy?", ông ngoại vừa đưa nôi vừa nựng cháu. Nghe vợ kể, biết bố đã xuôi lòng, hôm sau Cường bắt xe về Gia Lai. Trong cuộc trò chuyện làm lành giữa hai người đàn ông, bố Thư trầm ngâm: "Đừng làm con gái tao khổ". Cường chắc chắn: "Con hứa với bố".

Năm 2015, hai vợ chồng vay thêm tiền, mua được mảnh đất 140 m2 dựng nhà. Cậu con trai thứ hai chào đời càng làm không khí gia đình trở nên ấm cúng và rộn ràng. Thu nhập từ quán Internet vẫn đủ để họ vui sống và nuôi con.

Thế nhưng đầu năm 2017, Cường giao lại quán cho vợ, lặn lội đi Bình Dương, Đà Lạt học làm nông nghiệp sạch. Anh thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng và thuê 3 ha đất tại huyện Hòa Vang để trồng rau củ, dưa lưới ứng dụng công nghệ cao.

Năm đầu lỗ, năm thứ hai hòa vốn và dự kiến năm 2020 bắt đầu có lãi từ 200-300 triệu thì Covid-19 bùng phát, xóa tan hy vọng của người đàn ông khuyết tật. Hàng hóa của nông trại tồn đọng nhiều do nguồn thu mua chính là nhà hàng, khách sạn phải đóng cửa.

Tháng trước, một người mua rau củ chụp ảnh dưa chín vàng trong nông trại của Cường. Sau bài chia sẻ, nhiều người dân Đà Nẵng nhắn tin, gọi điện mua giúp vợ chồng anh. Có khách, hàng ngày hai vợ chồng chất khoảng 120 kg dưa lên xe máy đi giao khắp thành phố. Mỗi ngày trung bình họ đi khoảng 200 km, giao hơn 100 đơn tới khách hàng.

Và kể từ đó, những chuyến xe "giải cứu" trang trại dưa của đôi vợ chồng liên tục lăn bánh trên đường. Dù vất vả nhưng những tiếng cười hạnh phúc của họ vẫn rộn rã một góc đường.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Quảng Ninh: “Bừng sáng cùng Kỳ quan” - Carnaval Hạ Long đầu tiên trên biển

Tối 28/4 tại khu du lịch Bãi Cháy thành phố Hạ Long, Carnaval Hạ Long 2024 lần đầu tiên được tổ chức trên biển đã mang tới cho du khách nhiều cảm xúc về vùng đất, con người Quảng Ninh với nhiều nét văn hóa đặc sắc, khởi động một mùa du lịch mới.
2024-04-29 14:43:11

Hiệp định Geneve: Việt Nam mềm dẻo, sáng suốt và kiên định trong đàm phán

Tại Hội nghị Geneve, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã kiên định với lập trường: "Đi tới một giải pháp hoàn chỉnh là đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Đông Dương đi đôi với giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, Lào và Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước Đông Dương".
2024-04-27 19:43:25

Triển lãm ảnh những chiến thắng làm thay đổi dòng chảy lịch sử

Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp cùng Bảo tàng chiến thắng B52 và Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam vừa tổ chức triển lãm ảnh với chủ đề “Việt Nam - những chiến thắng làm thay đổi dòng chảy lịch sử Thế giới”.
2024-04-27 01:13:48

Khai mạc Lễ hội Du lịch Hà Nội 2024

Tối 26/4, tại Công viên Thống Nhất, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch Hà Nội đã tổ chức Khai mạc Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2024.
2024-04-26 23:56:34

SHB tăng tốc chuyển đổi, lợi nhuận quý I năm 2024 cao nhất lịch sử

Năm 2024, SHB đặt kế hoạch lợi nhuận đạt 11.286 tỷ đồng, cao hơn 22% so với năm trước. Với chiến lược chuyển đổi 2024 - 2028, SHB xác lập mục tiêu TOP 1 về hiệu quả, khẳng định vị thế định chế tài chính hàng đầu, vươn tầm khu vực.
2024-04-26 18:33:29
Đang tải...