Bài dự thi: Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng -Bài 2: Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cần hòa nhập chứ không hòa tan
Ước tính khoảng 80% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có gần 20 triệu tín đồ của 6 tôn giáo như: Phật giáo khoảng 10 triệu tín đồ, Công giáo gần 6 triệu tín đồ, Cao Đài khoảng 2,3 triệu tín đồ, Hòa Hảo khoảng 1,3 triệu tín đồ, Đạo Tin Lành gần 1 triệu tín đồ, Hồi giáo 70.000 tín đồ... Các tổ chức tôn giáo ở nước ta đã xây dựng được một lực lượng chức sắc, các nhà tu hành và những người hoạt động tôn giáo chuyên nghiệp đông đảo. Số chức sắc, chức việc này là lực lượng lãnh đạo các tổ chức tôn giáo như: Giáo hội Phật giáo Việt Nam, 25 Giáo phận Công giáo, 9 Hội thánh Cao Đài, Hội thánh đạo Tin Lành Việt Nam (miền Bắc), Hội thánh đạo Tin Lành Việt Nam (miền Nam), Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo Thành phố Hồ Chí Minh... đã được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân.
Cùng với sự phát triển của các tôn giáo, các hoạt động xâm nhập của các thế lực thù địch cũng ngày càng can thiệp sâu hơn vào đời sống chính trị ở nước ta. Trong một mức độ nhất định, sự can thiệp của các thế lực này đã làm cho tính phức tạp của vấn đề tôn giáo ngày càng trở nên nổi cộm, đòi hỏi chúng ta phải nắm chắc và xử lý đúng đắn vấn đề tôn giáo, vừa không thể dùng biện pháp hành chính để quản lý tôn giáo, đồng thời cũng không thể từ bỏ vai trò quản lý đối với các hoạt động của tôn giáo mà cần tăng cường làm tốt công tác tôn giáo của Đảng, đoàn kết chặt chẽ phần lớn những người theo tôn giáo xung quanh Đảng và chính quyền, cùng phấn đấu vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Đại hội lần thứ VI (1986) đã mở ra thời kỳ đổi mới đất nước, trong đó vấn đề tôn giáo và công tác tôn giáo được Đảng khẳng định trên một số quan điểm định hướng có ý nghĩa căn cốt đối với chính sách, pháp luật về tôn giáo. Đó là: “Đảng và Nhà nước ta, trước sau như một, thực hành chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng. Lãnh đạo và giúp đỡ đồng bào theo tôn giáo đoàn kết xây dựng cuộc sống mới và hăng hái tham gia bảo vệ Tổ quốc. Cảnh giác, kiên quyết và kịp thời chống lại âm mưu, thủ đoạn của bọn đế quốc và phản động chia rẽ đồng bào có đạo với đồng bào không có đạo, giữa đồng bào theo đạo này với đồng bào theo đạo khác”. Trên cơ sở đó, đến các Đại hội Đảng lần thứ VII, VIII, IX, X, XI, XII, XIII các quan điểm định hướng của Đại hội VI tiếp tục được Đảng khẳng định với sự mở rộng, làm sâu sắc hơn và đặc biệt là đã nhấn mạnh tới quan điểm “phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức của các tôn giáo và đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII chỉ rõ: “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước. Kiên quyếtđấu tranh và xử lý nghiêm những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Những chủ trương, đường lối đổi mới công tác tôn giáo của Đảng nêu trên đã sớm được thể chế hóa bằng chính sách, pháp luậtcủa Nhà nước để thực thi trong thực tế. Từ năm 1990 đến nay, nhiều văn bản pháp luật liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng đã được ban hành. Quán triệt Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng về hoàn thiện chính sách, pháp luật về tôn giáo và nhằm cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, làm cơ sở trực tiếp cho công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, ngày 18-11-2016, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khóa XIV, kỳ họp thứ 2, đã ngày thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, gồm 68 điều được chia thành , vă, 9 chương, 8 mục. Ngày 30-12-2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, gồm 25 điều, chia làm 6 chương.
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 được ban hành nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004; thể chế hóa các quan điểm của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, đồng thời tiếp tục sự tương thích với luật pháp quốc tế trong điều kiện Việt Nam mở cửa và hội nhập quốc tế một cách sâu rộng.
Đánh giá cao những đóng góp của cộng đồng các tôn giáo trong lịch sử và vai trò, vị trí của tôn giáo, tín ngưỡng trong thời kỳ mới, Đảng ta khẳng định: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta”. Trong khi đó, đồng bào theo đạo và các nhà tu hành chân chính cũng luôn nhận thức rằng, tôn giáo chỉ tồn tại và phát triển được khi dân tộc độc lập, quốc gia được thống nhất, đất nước ổn định và phát triển phồn vinh. Đồng bào theo đạo đang đoàn kết cùng cả dân tộc thi đua trên mọi lĩnh vực của cuộc sống và trên mọi nẻo đường của đất nước, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Dưới ánh sáng đường lối đổi mới của Đảng, các tôn giáo được tự do hoạt động và có nhiều phát triển mới, được đồng bào theo đạo và cộng đồng quốc tế thừa nhận.
Các sinh hoạt tôn giáo được tôn trọng và diễn ra ngày càng trang nghiêm và được đảm bảo an ninh tối đa; nhiều cơ sở thờ tự được nâng cấp, cải tạo và xây mới. Các tôn giáo được tự do mở rộng hợp tác quốc tế, tăng cường giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và góp phần vào sự giao lưu văn hoá, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, động viên bà con Việt kiều về xây dựng quê hương, đất nước. Các tôn giáo của Việt Nam đã mở rộng quan hệ thân hữu với nhiều tổ chức tôn giáo các nước trong khu vực Đông Nam Á, Tây Âu, Mỹ, Ca-na-đa…; tham dự nhiều cuộc hội thảo quốc tế, làm việc, thăm viếng và trao đổi kinh nghiệm hoạt động tôn giáo với các tổ chức tôn giáo quốc tế… Quan hệ đối ngoại của các tôn giáo đã góp phần giúp quốc tế hiểu rõ hơn quan điểm, chính sách tự do tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam, và sự thật về sinh hoạt tôn giáo ở Việt Nam.
Quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với tôn giáo, tín ngưỡng hiện nay nhằm thực hiện tốt mục tiêu đoàn kết tôn giáo, đoàn kết toàn dân tộc. Quan điểm, chính sách về tôn giáo, tín ngưỡng đã không chỉ là cơ sở cho các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam luôn ổn định, tuân thủ pháp luật, mà còn tạo ra động lực to lớn củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đóng góp cho sự thành công của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, các thế lực thù địch đang tìm mọi cách lợi dụng vấn đề tôn giáo để tập hợp quần chúng nhằm chống phá cách mạng nước ta với âm mưu "diễn biến hòa bình". Trên địa bàn quận Đống Đa cũng từng xảy ra vụ việc liên quan tới các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo nhằm chống phá Đảng, Nhà nước: Cản trở xây dựng Trạm xử lý nước thải Bệnh viện Đa khoa Đống Đa. Đó là hành vi của linh mục Nguyễn Văn Phượng, Chính xứ Nhà thờ Thái Hà và một số linh mục, một số giáo dân khác.
Nhiều người dân cho rằng: xây dựng Trạm xử lý nước thải ở Bệnh viện Đa khoa Đống Đa là việc làm cần thiết, cấp bách, vì lợi ích cộng động, vì môi trường dân sinh. Những thông tin trên bảng tin của Nhà thờ Thái Hà và một số trang tin điện tử đã bóp méo sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với nhân dân; họ kích động giáo dân ngăn cản việc xây dựng Trạm xử lý nước thải… Bạn đọc cho rằng: Linh mục Chính xứ Nguyễn Văn Phượng và một số phần tử quá khích không phải sống trong hoàn cảnh môi trường bị ô nhiễm, họ không biết nỗi khổ mà người dân ở khu vực xung quanh Bệnh viện Đa khoa Đống Đa đang phải chịu đựng. Lời nói, hành động của họ đã đi ngược lại lợi ích của cộng đồng, vi phạm pháp luật và cần bị xử lý nghiêm minh.
Đa số các ý kiến đều khẳng định, là công dân Việt Nam, dù làm gì, ở đâu, là người của bất kể tôn giáo nào, đều phải có nghĩa vụ, trách nhiệm tôn trọng và chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Mọi công dân đều phải có ý thức bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ môi trường sống. Khi cản trở việc triển khai dự án xây dựng Trạm xử lý nước thải của Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, các linh mục Nhà thờ Thái Hà đang cố tình thách thức pháp luật.
Sự việc trên xảy ra có thể là do nhận thức chưa đầy đủ của một số người, tạo điều kiện cho các thế lực thù địch, muốn chống phá Đảng, Nhà nước lợi dụng với mục đích xấu. Vì vậy, mỗi công dân khi bàn về công tác tôn giáo, tín ngưỡng cần có nhận thức đầy đủ về: Quyền và nghĩa vụ là hai mặt không thể tách rời của quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Công dân muốn được hưởng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo thì phải gánh vác nghĩa vụ khi thực hiện tự do tín ngưỡng, tôn giáo, dù ở bất kỳ một tín ngưỡng, tôn giáo nào. Đây là điều kiện bảo đảm cho quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được thực hiện. Đảng và Nhà nước luôn luôn mong muốn và đảm bảo rằng, mọi người dân Việt Nam trên khắp miền đất nước, không kể thành phần, tôn giáo, tín ngưỡng đều được chung hưởng thành quả của công cuộc đổi mới của đất nước. Mọi người đều sống trong hòa bình, thịnh vượng, bác ái./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.