Bài dự thi “Về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh năm 2023”: Văn hóa, văn minh nhìn từ góc độ nhà vệ sinh công cộng
1. Đặt vấn đề
Cuối tháng 2/2023, tờ Nikkei Asia - Nhật báo kinh tế hàng đầu với 147 năm lịch sử đã dẫn báo cáo của công ty QS Supplies có trụ sở tại Anh, với nội dung: Thành phố Hồ Chí Minh cùng với thủ đô Hà Nội là hai trong số những thành phố có điều kiện sử dụng nhà vệ sinh công cộng kém đối với bất kỳ du khách nào, theo một chỉ số khảo sát của QS Supplies được công bố cuối tháng 1-2023. Khảo sát được QS Supplies tiến hành tại 69 thành phố du lịch trên toàn thế giới. Kết quả cho thấy chỉ TP Johannesburg của Nam Phi và Cairo của Ai Cập có "Bảng xếp hạng điều kiện nhà vệ sinh công cộng" thấp hơn so với hai thành phố lớn nhất Việt Nam. Bảng xếp hạng được tính trên số lượng nhà vệ sinh công cộng trên trung bình mỗi km2.
Tốp 15 thành phố có điều kiện nhà vệ sinh công cộng kém nhất theo bảng xếp hạng của QS Supplies. Ảnh: Nikkei Asia
Tờ báo uy tín tại Nhật Bản còn viết: "Có một sự thật không thể chối cãi là du khách, sau khi uống cà phê kem trứng và tản bộ trên vỉa hè lát đá của Hà Nội trong một giờ, sẽ phát hiện khó kiếm ra nhà vệ sinh công cộng xung quanh. Các tờ rơi hướng dẫn, nhắc nhở du khách mang theo tiền hoặc lưu các số điện thoại khẩn cấp nhưng lại không chuẩn bị cho mọi người việc cơ bản nhất này. Việc sử dụng nhà vệ sinh không chỉ là nhu cầu và quyền của con người mà đây còn là vấn đề về nhân phẩm, hòa nhập và tôn trọng".
Để chỉ rõ tầm quan trọng của nhà vệ sinh công cộng (toilet công cộng), trong buổi khai trương một toilet công cộng ở New York (Mỹ), nhà tỷ phú Nelson Rockerfeller đã nói: “Mức độ phát triển của một quốc gia có thể đánh giá qua… toilet công cộng của quốc gia đó”.
Vào năm 1996, Thủ tướng Singapore khi đó là ông Goh Chok Tong đã tuyên bố: Tình trạng nhà vệ sinh công cộng của đất nước là thước đo văn hóa của người dân.
Hay như, tại Hội nghị Xúc tiến du lịch Việt Nam tổ chức tại Tokyo năm 2014, có đại diện hãng du lịch Nhật Bản phàn nàn rằng: “Khó thúc đẩy lượng du khách Nhật Bản tới Việt Nam nếu chất lượng các nhà vệ sinh công cộng ở Việt Nam không được cải thiện”. Có nhiều lý do để người ta phàn nàn là mùi hôi nồng nặc, thiếu nước, bồn cầu dơ bẩn, hoen ố, thiết bị vệ sinh cũ kỹ, thiếu giấy vệ sinh, thiếu vòi xịt, thiếu nơi vệ sinh cho người khuyết tật… Không chỉ là thiếu những “toilet công cộng”, mà ý thức của người sử dụng cũng là một đánh giá về mức độ văn minh. Nên xem ra chẳng sai khi nói rằng, nhà vệ sinh công cộng là thước đo chuẩn văn minh không chỉ là con người mà còn là của thành phố, lớn hơn là quốc gia.
Do vậy, để công tác phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh năm 2023 và những năm tiếp theo đạt được mục tiêu, chỉ tiêu, yêu cầu như quy định tại Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội, góp phần tích cực vào thành tựu chung của sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô thì các cấp, các ngành, các đoàn thể của thành phố và người dân Thủ đô cần thay đổi cách nghĩ, cách làm, quan tâm hơn nữa tới việc xây dựng, bao trì, sửa chữa và sử dụng nhà vệ sinh công cộng.
2. Nhà vệ sinh công cộng – Nhìn từ “Tây” sang “Ta”
Với khuôn khổ một bài báo, không cho phép tôi phân tích tỷ mỷ cách làm và quản lý của từng quốc gia trên thế giới về toilet công cộng, mà tôi chỉ điểm qua một số quốc gia có ý tưởng hay, việc làm tốt xung quanh cái toilet công cộng để các cơ quan quản lý, người dân Thủ đô tham khảo.
Đầu tiên phải kể đến “Đất nước mặt trời mọc”. Nhà vệ sinh công cộng ở nước này rất được quan tâm, bởi các nhà quản lý đô thị, nhà xây dựng đều xuất phát từ con người để làm việc.
Nhật Bản là một quốc gia nổi tiếng nhất thế giới không phải ở sự giàu có hay những ứng dụng thông minh trong khoa học công nghệ mà chính là những cái “toilet công cộng”, một chuẩn mực về văn minh và cũng là một “phẩm chất” văn hóa của quốc gia này. Gần như ai đến Nhật Bản cũng đều ấn tượng bởi hệ thống toilet công cộng từ nhà ga sân bay đến các công viên, siêu thị, hay những địa danh thắng cảnh, di sản… và cả trên đường phố, chất lượng nhà vệ sinh, phần lớn là hiện đại, có nước nóng, lạnh, luôn sạch sẽ tạo cảm giác như sử dụng ở nhà riêng của mình. Có thể nói, người Nhật là người quan tâm đến sự hoàn thiện của toilet nhất.
Hay như ở Trung quốc, đất nước có số dân lớn nhất thế giới (hơn 1,4 tỷ người), vào thập niên 90 của thế kỷ trước, khoảng một phần ba khiếu nại gửi đến giới chức du lịch Bắc Kinh có liên quan đến vấn đề thiết kế và mùi hôi của nhà vệ sinh công cộng. Trước sự bức xúc của du khách, Bắc Kinh đã bắt đầu phát động cuộc chiến nhằm cải thiện nhà vệ sinh công cộng mà chủ yếu là biện pháp nhằm loại bỏ mùi hôi trong các khu nhà vệ sinh công cộng. Năm 2014, sau 3 năm nghiên cứu, một số nhà khoa học Trung Quốc khẳng định đã tìm ra phương pháp khử mùi hôi cho các địa điểm này, bất kể mức độ hôi thối của nó như thế nào. Tiến sĩ Yan Zhiying đến từ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc tuyên bố họ đã phát minh ra một hợp chất kết hợp giữa 6 chủng vi khuẩn và nước hoa mùi vỏ cam, có tác dụng loại bỏ hoàn toàn mùi khó chịu trong nhà vệ sinh công cộng. Nhóm nghiên cứu cho biết đã chi khoảng 140.000 bảng Anh cho dự án này.
Để khắc phục và tiến tới chấm dứt nạn tiểu tiện ở nơi công cộng, đầu năm 2016, Chính phủ Ấn Độ và Google đã tiến hành lập bản đồ nhà vệ sinh công cộng trên Google Maps. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi từng tuyên bố sẽ cho xây dựng hơn 12 triệu nhà vệ sinh công cộng trên cả nước trước năm 2019.
Để thực hiện ý tưởng trên, Google và Bộ Phát triển Nông thôn Ấn Độ đã phát triển công cụ định vị nhà vệ sinh công cộng ngay trên Google Maps. Theo đó, người dân có thể biết được vị trí, địa chỉ và thời gian mở cửa của hàng ngàn nhà vệ sinh công cộng ở thủ đô New Delhi và một số thành phố khác. Ý tưởng này được thực hiện ở thủ đô New Delhi và bang Madhya Pradesh vào ngày 22/12/2016 và sẽ sớm có mặt ở những thành phố khác. Trên Google Maps, nhà vệ sinh công cộng sẽ hiển thị dưới cụm từ “Swachh public toilet”, đồng thời kèm theo mô tả như có thu phí hay không, kiểu nhà vệ sinh nào (truyền thống hay hiện đại) và đánh giá chung của người dùng.
Toilet công cộng ở chùa Wat Rong Khun ở Chiang Rai – Thái Lan. Ảnh nguồn Internet
Như ở Thái Lan, toilet công cộng còn được coi như một “sản phẩm” văn hóa du lịch. Không vậy mà nhiều du khách khi tới Thái Lan họ rất thích “check in”, chụp hình cái toilet công cộng vì nó quá đẹp… Vì thế, chẳng có gì lạ khi sự tăng trưởng kinh tế của Thái Lan đến từ ngành du lịch.
Ngay từ năm 1989, Singapore đã ban hành biện pháp xử phạt người sử dụng nhà vệ sinh công cộng không chịu dội nước. Người vi phạm có thể bị phạt đến 150 đôla Singapore (1,9 triệu VND). Sau đó, bộ luật về sức khỏe môi trường của Singapore ra đời. Luật định nghĩa rõ: Nhà vệ sinh công cộng là nhà vệ sinh ở siêu thị, chợ búa, nơi ăn uống (nhà hàng, quán cà phê, hộp đêm), trung tâm hội nghị, nhà hát, rạp chiếu phim, công viên, khu du lịch, trạm dừng xe buýt, trạm xăng, ga xe điện ngầm, sân vận động, hồ bơi công cộng. Tất cả nhà vệ sinh công cộng đều miễn phí.
Nhà vệ sinh phải đủ các thiết bị vệ sinh như bồn cầu, bồn tiểu. Bàn cầu phải là bệ ngồi. Nếu có hai phòng trở lên thì ít nhất phải có một bàn cầu theo kiểu ngồi xổm. Mỗi bàn cầu phải có van xả nước cảm ứng và vòi xả nước bằng tay. Riêng trong bàn cầu ngồi xổm phải có vòi nước và vòi xịt. Mỗi bồn tiểu cũng phải có van xả nước cảm ứng.
Ngoài ra, nhà vệ sinh phải cung cấp các vật dụng cần thiết như bồn rửa tay, xà phòng hay bình nước xà phòng, phải có tối thiểu một máy sấy khô tay hoặc khăn giấy và thùng rác đặt gần bồn rửa tay. Trong mỗi phòng phải có một cuộn giấy vệ sinh loại lớn. Đối với phòng vệ sinh dành cho phụ nữ, nhất thiết phải có thùng để bỏ đồ vệ sinh phụ nữ.
Unisex toilet ở Berlin. Ảnh nguồn Internet
Thông thường nhà vệ sinh công cộng ở nước nào cũng bố trí một bên cho nam, một bên cho nữ và một bên dành cho người khuyết tật. Nhưng trong thực tế có những người khi có nhu cầu họ không muốn vào bên nam và cũng không muốn vào bên nữ, vì họ nghĩ mình không phải nam, cũng chẳng phải nữ. Để đáp ứng nhu cầu cấp thiết cho lớp người đặc thù nay trong xã hội, chính quyền một số thành phố lớn ở Mỹ, Úc, CHLB. Đức đã cho ra đời khu nhà vệ sinh không phân biệt giới tính (Unisex toilet).
Để giải bài toán cho sự bất cập nhà vệ sinh công cộng thì ít, còn các quán ăn, nhà hàng tư nhân lại nhiều ở những tuyến phố cổ, chật hẹp, thu hút đông du khách tới tham quan, chính quyền một số thành phố như Paris (Pháp), Praha (CH. Séc), Barcelona (Tây Ban Nha)… đã có những biện pháp thích hợp để du khách được quyền sử dụng nhà vệ sinh của các quán ăn, nhà hàng tư nhân khi có nhu cầu.
Thật thiếu sót, khi nói về nhà vệ sinh công cộng lại không nhắc tới Tỷ phú Bill Gates, bởi sau khi về hưu ông đã dành một phần tài sản và thời gian để nghiên cứu về nhà vệ sinh cho nhân loại. Tại Lễ trao giải sáng tạo các mô hình nhà vệ sinh tại cuộc thi “Tái sáng tạo nhà vệ sinh”, được diễn ra tại thành phố Seattle (bang Washington, Mỹ) vào trung tuần tháng 8/2012 do Quỹ Bill & Melinda Gates, nhà đồng sáng lập Microsoft, Bill Gates đã phát biểu: Một trong những đáp án cho việc cải thiện sức khỏe nằm trong nhà vệ sinh. Đến năm 2018, cả thế giới lại xôn xao với chiếc bồn cầu mà Bill Gates giới thiệu. Trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm Reinvented Toilet Expo tại Bắc Kinh, Trung Quốc, tỷ phú Bill Gates đã gây bất ngờ với nhiều người khi cho ra mắt hệ thống nhà vệ sinh kiểu mới do Quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ 200 triệu USD để nghiên cứu suốt 7 năm. Chiếc bồn cầu vận hành không cần điện, không cần nước và cũng không cần cả hệ thống cống rãnh, chi phí sử dụng của nó cũng chỉ là 0,01 USD/ngày, phù hợp với mọi nơi trên thế giới, kể cả những nước nghèo nhất. Giải pháp này có thể cứu mạng 500.000 người và tiết kiệm 233 tỷ USD/năm trên toàn cầu.
Ở Việt Nam, mặc dù Đảng, Chính phủ và các tổ chức xã hội rất quan tâm tới việc xây dựng, quản lý nhà vệ sinh công cộng, song hiện tại nhà vệ sinh công cộng tại nhiều nơi trên cả nước đều chưa đạt chất lượng, một số nơi nhà vệ sinh còn dơ bẩn, người dân chưa có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh chung. Để minh chứng cho nhận định trên, tôi xin điểm qua những mốc lịch sử có liên quan tới nhà vệ sinh công cộng.
Cách đây 65 năm, ngày 02/7/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Vệ sinh yêu nước” đăng trên Báo Nhân Dân. ”. Khái niệm “vệ sinh” được Bác Hồ đề cập trong bài báo “Vệ sinh yêu nước” là vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường. Đó là việc thực hiện ăn sạch, ở sạch; là việc vận động người dân xây dựng các công trình vệ sinh, như hố xí, nhà tắm, giếng nước; giữ gìn vệ sinh chuồng trại; là thực hiện các hành vi vệ sinh có lợi cho cá nhân, mang lại lợi ích cho cộng đồng và đất nước. Theo Bác con người có mạnh khỏe thì làm việc mới có hiệu quả, chất lượng...
Đại diện lãnh đạo Bộ Nội vụ trao quyết định thành lập Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam cho ông Lê Văn Hiệp. Ảnh nguồn Internet
Ngày 06/9/2018, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã ký ban hành Quyết định số 2067 về việc thành lập Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam. Sau đó, ngày 8/11, tại Bình Dương, Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam đã tiến hành tổ chức Đại hội nhiệm kỳ I (2018-2023). Tại Đại hội này, Ông Lê Văn Hiệp, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Công ty Kim Hoàng Hiệp (Bình Dương) được bầu giữ chức Chủ tịch Hiệp hội nhà vệ sinh Việt Nam. Được biết, năm 2014, Liên Hiệp Quốc đã chọn ngày 19 tháng 11 - Ngày thành lập Tổ chức Nhà vệ sinh Thế giới (World Toilet Organization) là "Ngày Nhà vệ sinh Thế giới". Và cũng trong năm này, ông Lê Văn Hiệp cũng trở thành đại diện của Tổ chức Nhà vệ sinh Thế giới tại Việt Nam.
Ngày 10/3/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 126/CĐ-TTg Tập trung kiểm tra, rà soát và đầu tư xây dựng trường học, cơ sở y tế tại các khu đô thị, khu nhà ở, khu dân cư, khu công nghiệp và nhà vệ sinh công cộng tại trường học, đô thị.
Công điện nêu rõ: Thời gian qua, các cấp, các ngành đã quan tâm đầu tư các công trình giáo dục, y tế tại các khu đô thị, khu nhà ở, khu dân cư, khu công nghiệp và nhà vệ sinh công cộng tại trường học, khu du lịch và đô thị, hình thành các không gian đô thị hiện đại, văn minh, xanh, sạch, đẹp, chất lượng sống của người dân đô thị từng bước được nâng cao.
Tuy nhiên, tại một số khu đô thị, khu dân cư, khu nhà ở dành cho công nhân, người thu nhập thấp còn thiếu các công trình hạ tầng giáo dục (trường mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông), trạm y tế; hệ thống nhà vệ sinh công cộng tại các trường học, khu vực công cộng đô thị, khu du lịch… còn thiếu, xuống cấp và quá tải, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân và du khách.
Yêu cầu các cơ quan có chức năng khẩn trương lập kế hoạch sửa chữa, nâng cấp, bảo đảm công năng, sử dụng thuận tiện, đáp ứng yêu cầu vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị, hoàn thành chậm nhất trong Quý III năm 2023; lập chỉ dẫn các nhà vệ sinh công cộng để người dân và du khách tiếp cận sử dụng; Những nơi chưa có, cần khẩn trương quy hoạch, sắp xếp bố trí quỹ đất, huy động nguồn lực, tháo gỡ các vướng mắc, bất cập trong tổ chức quản lý, vận hành và các vấn đề phối hợp liên ngành, bảo đảm đến năm 2023 hoàn thành đầu tư xây dựng.
(còn nữa)
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.