Bản sắc văn hóa tiêu biểu của người Làng Bùi - Thị trấn Thứa - Bắc Ninh
Dân Làng giàu Truyền thống yêu nước và lao động cần cù, sáng tạo
Thôn Bùi, thị trấn Thứa là trung tâm giao lưu kinh tế - chính trị, nơi có vị trí chiến lược và nhiều tuyến đường huyết mạch quan trọng… Chính mảnh đất này đã bao đời sản sinh ra những con người giàu truyền thống chống giặc ngoại xâm và cần cù lao động.
Trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, nhân dân thôn Bùi nói riêng, thị trấn Thứa nói chung đã tham gia nhiều cuộc kháng chiến giữ nước, như: tham gia khởi nghĩa Hai Bà Trưng giặc Tô Định nhà Hán mở ra thời kỳ độc lập của nhà nước Văn Lang – Âu Lạc; đánh giặc Nguyên - Mông thế kỷ XIII, giặc Minh, giặc Thanh. Truyền thống đó được tiếp nối và phát huy lên một tầm cao mới cùng cả nước làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp, thôn Bùi là nơi sơ tán của Ủy ban Cách mạng lâm thời huyện Lương Tài, đóng tại đình làng, vì vậy, năm 1947 ngôi đình bị giặc Pháp đốt phá. Ngôi chùa Cảm Ân đã trở thành cơ sở hội họp, bảo vệ và tổ chức lực lượng chiến đấu chống Pháp trong giai đoạn (1946 - 1954). Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, nhân dân thôn Bùi đã tích cực đóng góp sức người, sức của cùng nhân dân cả nước làm nên đại thắng mùa xuân 1975.
Khuôn viên sân Đình làng Bùi
Đất lành chim đậu, cùng với nhiều thế hệ con người khai khẩn ruộng hoang, cần mẫn cày cuốc, san lấp, tạo nên những cánh đồng màu mỡ. Chính vì vậy, ngoài sản xuất nông nghiệp, nhân dân thôn Bùi còn có nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa và hoạt động buôn bán sầm uất trên bến dưới thuyền gắn với dòng sông Thứa lịch sử.
Hiện nay, thôn Bùi có 420 hộ với hơn 1.400 nhân khẩu, chia làm 3 xóm Chùa, Chợ và Trong với các dòng họ sinh sống lâu đời tại địa phương như: họ Vũ Gia, họ Phạm Hữu, họ Vũ Đình, họ Nguyễn Đình…Từ xưa, nghề chính của nhân dân trong thôn là làm nông nghiệp, nay có thêm nghề phụ như: làm mộc, xây dựng, buôn bán nhỏ, dịch vụ.
Với phẩm chất cần cù, chịu khó, người dân thôn Bùi đã đóng góp sức người, sức của trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng tổ quốc, phát triển kinh tế thời kỳ đổi mới. Từ đó, đời sống người dân nơi đây được nâng lên rõ rệt. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, thôn Bùi luôn được Đảng, chính quyền, các đoàn thể địa phương quan tâm, cùng với sự đồng lòng nhất trí của chi bộ, lãnh đạo thôn, Ban công tác mặt trận, các chi hội đoàn thể và nhân dân trong thôn đưa thôn Bùi đạt được những bước phát triển mới về kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng. Chính vì thế mà 6 năm liền, thôn Bùi đều được công nhận là làng văn hóa, chi bộ, tổ dân phố, các chi hội đoàn thể đều đạt danh hiệu xuất sắc toàn diện.
Giàu truyền thống hiếu học, khoa bảng
Thôn Bùi còn nổi tiếng với truyền thống khoa bảng rực rỡ thời phong kiến quân chủ, tiêu biểu như: Nguyễn Tiến Lương, đỗ Tiến sĩ năm Nhâm Thìn niên hiệu Hồng Đức 3 (1472). Ông làm quan đến chức Tham chính. Nguyễn Bạt Tụy (1485 – 1550), năm 27 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa thi Tân Mùi, niên hiệu Hồng Thuận 3 (1511). Ông 2 lần đi sứ nhà Minh, làm quan đến chức Thượng thư, Thái bảo, tước Lương Quận công, được xếp vào hạng đồng đức công thần để lại cho đời một tập thơ là "Nhị thập tri hiếu" (24 điều hiếu)… Các vị đều là “rường cột của triều đình”, có công lao to lớn đối với quốc gia, dân tộc, sau được nhân dân phụng thờ tại đình làng (đền thờ Tô Hiến Thành). Hiện nay, phát huy truyền thống hiếu học, khoa bảng, thôn Bùi còn có PGS-TS. Vũ Thị Mai cùng hàng trăm thạc sĩ, cử nhân, kỹ sư...
Quang cảnh khu di tích lăng, mộ TS. Nguyễn Bạt Tụy (1485 – 1550)
Nhằm nâng cao ý nghĩa giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ về các danh nhân, khoa bảng, anh hùng dân tộc, các địa danh và các sự kiện tiêu biểu của quê hương, đất nước nên tại Phiên họp thường kỳ tháng 11/2015 của UBND tỉnh Bắc Ninh đã thông qua Đề án đặt tên đường, tên phố thị trấn Thứa, huyện Lương Tài (giai đoạn 1), năm 2015. Trong 29 tuyến đường, phố thị trấn Thứa đặt tên lần này Làng Bùi vinh dự có tên trong 2 tuyến phố, đó là Nguyễn Bạt Tụy và Phố Bùi.
Nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật
Thôn Bùi là một làng quê cổ kính, văn hiến của xứ Kinh Bắc - Bắc Ninh. Dấu ấn cổ kính còn lưu lại ở tên đất, tên làng, các công trình tín ngưỡng, tôn giáo như: đền thờ Tô Hiến Thành, nhà nước xếp hạng cấp tỉnh năm 1996, lăng mộ Tiến sĩ Nguyễn Bạt Tụy…và đặc biệt là ngôi chùa cổ kính thâm nghiêm với tên gọi “Cảm Ân tự” còn tồn tại đến ngày nay.
Lễ dâng hương hội Đình làng Bùi năm 2020
Đình làng Bùi ngự ở phía Bắc thôn, có thế đất long, ly, quy, phượng phối thờ lục vị thần hoàng, được các triều đại phong kiến phong 46 đại sắc gồm: Phúc tướng Lý Thái Úy Tô Đại Liêu tôn thần: 14 đạo; Vệ quốc Đại Vương nhân thần: 8 đạo; Đông Hải Đoàn Đại Vương nhân thần: 10 đạo; Hộ Quốc Đại Vương thiên thần: 4 đạo; Hiển ướng linh quốc Địa Vương nhân thần: 5 đạo; Thiếu sư Lương quận công Đại Vương nhân thần: 5 đạo.
Đình làng được dân làng duy trì, như biểu tượng tinh túy của văn hóa truyền thống dân tộc, hoạt động thờ cúng tế lễ hàng tháng các ngày thánh hóa, các sự lệ trong năm, có rước kiệu Thành Hoàng và tổ chức các trò chơi dân gian.
Chùa Làng Bùi (còn gọi là Cảm Ân tự) đến nay vẫn chưa đủ cơ sở xác định chùa được khởi dựng năm nào. Nhưng theo các cụ cao niên địa phương thì: chùa Cảm Ân vốn được nhân dân khởi dựng từ thời Lý, cách nay hơn 800 năm trên vị trí đẹp ở xóm Chùa (cách chùa hiện nay khoảng 300m về phía Tây của thôn). Căn cứ vào cây hương “Kính thiên đài trụ” dựng vào ngày tốt tháng 9 niên hiệu Vĩnh Thịnh 4 (1708) cho biết thông tin: “Sinh đồ Nguyễn Nho Sĩ, vợ Vũ Thị Xuân, con gái Nguyễn Thị Trương, nhà tại thôn Phí Xá có lòng kính tín, tôn sùng đạo phật, luôn tích thiện phát lòng tốt, đã hưng công tạo tác dựng cây hương đá đặt ở chùa Cảm Ân”. Qua nội dung trên ta có thể khẳng định: năm 1708, chùa Cảm Ân đã tồn tại và có thể được khởi dựng sớm hơn nữa. Chùa xưa có quy mô bề thế, nằm trên thửa đất rộng 2 mẫu Bắc Bộ, gồm các hạng mục công trình: Tiền đường 7 gian, Thượng điện 3 gian, Tam quan – gác chuông 3 gian, Nhà tổ - nhà khách 5 gian, vườn tháp mộ... Trải thời gian, di tích luôn được nhân dân địa phương tu bổ tôn tạo như: năm 1708, dựng cây hương “Kính thiên đại trụ”; năm Bảo Đại 15 (1939) tân tạo hai tòa Thánh cung và Tổ đường.
Năm 1966 – 1967, chùa xưa bị hạ giải hoàn toàn, nhân dân chuyển chùa về xây trên đất của nghè (nơi thờ Tiến sĩ Nguyễn Bạt Tụy), quy mô 3 gian Thượng điện, kết cấu vì kèo bằng sắt để thờ Phật. Thế đất thôn Bùi tựa như hình con Phượng, trong đó chùa Cảm Ân nằm trên đầu phượng với 2 giếng nước phía trước và sau tựa như 2 mắt phượng. Chếch phía bên trái là ngôi đền thờ Tô Hiến Thành, phía trước chùa là các cánh đồng màu mỡ và dòng sông Thứa thơ mộng uốn quanh. Năm 1996, xây dựng Tam quan. Năm 2001, xây dựng tòa Tam bảo, gồm: Tiền đường 5 gian, Thượng điện 3 gian, kết cấu bộ khung bằng gỗ và chuyển bộ khung cũ của Thượng điện làm nhà Mẫu. Năm 2003, bằng nguồn công đức của nhân dân và khách thập phương, chùa Bùi xây dựng thêm nhà Tổ, lầu Quan Âm và hệ thống sân, vườn, tường bao xung quanh.
Trao bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh cho Chùa Bùi (Cảm Ân Tự)
Hiện nay, chùa Bùi (Cảm Ân tự), gồm các hạng mục công trình: Tiền đường, Thượng điện, nhà Tổ, nhà Mẫu, Tam quan và công trình phụ trợ. Các công trình kiến trúc của di tích được đặt trong không gian xanh mát của cây cối vừa tĩnh mịch, vừa linh thiêng.
Chùa Bùi là nơi thờ Phật, đồng thời cũng thờ Mẫu, thờ Tổ điều này thể hiện sự giao thoa và tiếp biến văn hóa trong suốt chiều dài lịch sử của di tích.
Hiện nay, chùa Bùi là nơi thờ Phật với hệ thống tượng thờ khá đầy đủ phổ biến chung ở miền Bắc.
Hiện nay, chùa Bùi có nhà Mẫu, là nơi thờ: Tam tòa Thánh mẫu, Đức Thánh Trần, Chúa Sơn Trang, Ngũ hổ, Thanh Xà, Bạch Xà. Trong chùa, còn có Nhà tổ, nơi thờ tổ thứ 28 của đạo Phật, đó là Bồ Đề Đạt Ma.
Sáng ngày 27/5/2018 Đảng, chính quyền, các đoàn thể Thị trấn Thứa và nhân dân thôn Bùi long trọng tổ chức đón bằng di tích lịch sử văn hóa Chùa Bùi ( Cảm Ân Tự) cấp tỉnh.
Việc công nhận và tôn vinh giá trị di tích chùa Bùi ( Cảm Ân Tự) là nguồn cổ vũ, động viên Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thị Trấn Thứa, thôn Bùi quyết tâm hơn nữa, để phấn đấu làm cho văn hóa làng, xã ngày càng tỏa sáng, con người ngày càng văn minh, quê hương nơi đây ngày càng giầu đẹp.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.