Bán sạch 3,4 tỷ lít bia, ông chủ ngành bia "rung đùi" thu lợi nhuận
Kỷ lục uống bia của người Việt đứng đầu các nước Đông Nam Á và thế giới liên tục được các công ty nghiên cứu thị trường ghi nhận trong suốt 5 năm qua (giai đoạn 2011-2015). Nếu năm 2011 Việt Nam tiêu thụ gần 2,6 tỷ lít bia thì con số này đã tăng lên 3,4 tỷ lít bia vào năm 2015.
Dẫn lại số liệu tăng trưởng sản lượng của ngành bia từ năm 2003, chia sẻ với Infonet mộ chuyên gia đã ví von, “khó có ngành sản xuất nào mà ông chủ doanh nghiệp chẳng phải lo nghĩ gì nhiều mà “rung đùi” thu tiền do người Việt ngày càng khó “cai” loại đồ uống này.
Cụ thể, nếu năm 2003, sản lượng bia trong nước đạt 1,29 tỷ lít, thì năm 2008 đã vượt mốc 2 tỷ lít. Lượng bia tiêu thụ bình quân tính theo đầu người cũng tăng từ 10,04 lít năm 2000 lên 21,65 lít vào năm 2007. Năm 2008 – 2009 là năm Việt Nam đạt kỷ lục lạm phát gần 20% nhưng người dân cũng không vì thế mà cắt giảm chi phí ăn nhậu, uống bia.
Vì tính chất khó “cai”, mức độ tiêu thụ bia bình quân của mỗi người Việt trong giai đoạn 2011 – 2015 đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng của ngành sản xuất này, tang khoảng 7,11% tương đương 200 triệu lít/năm. Đến thời điểm hiện tại, công suất toàn ngành bia đã đạt khoảng 4,8 tỷ lít/năm, “đẩy” sản lượng toàn ngành tăng đều hàng năm.
Người Việt tiêu thụ 3,4 tỷ lít bia trong năm 2015 |
Xét ở tầm vĩ mô hơn, theo ông khó có ngành nghề sản xuất kinh doanh nào lại luôn “vượt mặt” quy hoạch mà cơ quan điều hành chính sách đề ra. Còn nhớ hồi năm 2010, khi lập quy hoạch phát triển ngành bia – rượu – nước giải khát tầm nhìn đến năm 2015, Bộ Công thương đưa ra dự báo sản lượng bia của Việt Nam sẽ đạt 2,7 lít vào năm 2010. Tuy nhiên, chỉ 2 năm sau bản quy hoạch này đã bị phá vỡ và bộ này đã phải ngay lập tức điều chỉnh mục tiêu lên 3 tỷ lít để phù hợp với tốc độ tang trưởng sản xuất, tiêu dùng bia thực tế trong nước.
5 năm sau, năm 2015 trong khi nhiều ngành sản xuất kinh doanh khác lao đao để trụ được thì ngành bia lại không ngừng phát triển với mức tăng sản lượng gần 50% so với năm 2010. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Bia – rượu – nước giải khát Việt Nam (VBA), năm 2015 sản lượng sản xuất và tiêu thụ bia ở Việt Nam đạt 3,4 tỷ lít, tăng 10% so với năm 2014 và tăng tới 41% so với năm 2010. Trong đó, riêng Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) chiếm gần một nửa, đạt sản lượng 1,5 tỷ lít. Sản lượng còn lại thuộc về các doanh nghiệp khác.
Trong lúc các ngành nghề sản xuất kinh doanh khác đều lao đao thì ngành bia vẫn “phất”, một phần nguyên nhân do người dân khó “cai” loại đồ uống này. Bình quân 5 năm (2011-2015), lợi nhuận ngành này đã tăng gấp 4 lần với tốc độ tăng trung bình đạt 32,12%/năm. Trong đó, tính theo chuyên ngành thì sản xuất bia có lợi nhuận cao nhất.
“So với thời hoàng kim lợi nhuận doanh nghiệp ngành bia có giảm nhưng vẫn là niềm mơ ước của các doanh nghiệp lĩnh vực kinh doanh khác. Điều này cho thấy sức hấp dẫn của mặt hàng bia đối với các doanh nghiệp”- ông bình luận.
Là người trong cuộc, hiểu rõ “chân tơ kẽ tóc” trong chặng đường phát triển của ngành bia, ông Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu- Nước giải khát nhận định, về tổng thể ngành bia vẫn “vượt” các ngành kinh doanh khác. Doanh thu cao, lợi nhuận “khủng” đã đưa ngành bia trở thành một trong những ngành đóng góp lớn vào ngân sách quốc gia.
Đơn cử, nếu năm 2013, ngành bia nộp ngân sách đạt 23.000 tỷ đồng. Tới năm 2015, ngành bia đóng góp cho ngân sách 30.000 tỷ đồng, dù thấp hơn năm 2014 nhưng vẫn là con số ấn tượng so với các ngành nghề sản xuất khác.
Trong khi đó, mức tiêu thụ rượu và nước giải khát cũng tăng trưởng đáng kể với 75 triệu lít và 4,8 tỷ lít. Còn riêng với mặt hàng bia, hiện Việt Nam là quốc gia có mức tiêu thụ bia bình quân theo đầu người từ 30-32 lít/người/năm, xếp thứ 6 tại khu vực châu Á, sau Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Lào và Thái Lan.
Đặc biệt, ngoài đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước, ngành bia còn tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp cho khoảng gần triệu lao động. Theo tính toán của Bộ Công thương, dù chỉ chiếm khoảng 3-4% lao động nhưng ngành bia lại tạo ra khoảng 7% giá trị gia tăng trong ngành công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm nhờ vào năng suất lao động cao hơn các ngành khác.
Nhận định về thị trường 2016, VBA cho biết với các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã và sẽ ký với nhiều quốc gia giúp ngành có thị trường tiêu thụ rộng lớn. Và dư địa để ngành bia “phát tài” còn rất lớn, bởi theo dự báo 10 năm nữa mỗi người Việt sẽ tiêu thụ khoảng 60-70 lít bia/năm.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.