Bản tin Hòa Nhập 9/8/2021: Hà Nội quy định giấy đi đường phải kèm theo lịch trực cơ quan

2021-08-09 10:30:00 0 Bình luận
Trong thời gian kéo dài giãn cách xã hội đến ngày 23/8, ngoài Giấy đi đường, người dân Hà Nội cần xuất trình thêm: Căn cước công dân/Chứng minh thư nhân dân, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Hà Nội vừa có văn bản siết chặt việc cấp và sử dụng giấy đi đường thời gian giãn cách xã hội theo Công điện số 18 của UBND thành phố Hà Nội.

Theo đó, thực hiện Chỉ thị số 17 ngày 23/7 của Chủ tịch UBND thành phố, ngày 29/7, UBND thành phố đã có văn bản quy định về mẫu giấy đi đường và các giấy tờ cần thiết khác. Cơ bản các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã thực hiện tốt nhưng vẫn còn nhiều trường hợp cấp và sử dụng Giấy đi đường không đúng mục đích, không đúng đối tượng; có một số chốt kiểm soát chưa siết chặt việc kiểm tra dẫn đến tình trạng đông người đi lại trên đường, không thực hiện nghiêm việc giãn cách.

Nhằm siết chặt công tác cấp và sử dụng Giấy đi đường, phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, UBND thành phố đề nghị:

Về mẫu giấy đi đường: Theo mẫu Giấy đi đường đã được ban hành. Người đi đường xuất trình kèm theo: Căn cước công dân/chứng minh thư nhân dân, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

UBND thành phố đề nghị các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội Trung ương trên địa bàn Thành phố bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà, chỉ những người được phép mới đến làm việc trực tiếp trong trường hợp thực sự cần thiết như: Trực chiến đấu, trực cơ quan, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cấp thiết khác theo yêu cầu nhiệm vụ.

Người đứng đầu đơn vị có trách nhiệm quản lý chặt chẽ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; chịu trách nhiệm về việc cán bộ, công chức, viên chức, người lao động gây lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch; không lập kế hoạch hoạt động, phân công công tác; cấp Giấy đi đường không đúng đối tượng và sử dụng Giấy đi đường sai mục đích.

Hà Nội giao các lực lượng chức năng kiểm tra Giấy đi đường tại các chốt kiểm soát đảm bảo đúng mục đích, đúng đối tượng theo hướng: Kiểm soát, giám sát việc sử dụng Giấy đi đường có điểm đến trên địa bàn mình quản lý để phát hiện, nhắc nhở hoặc kiến nghị xử lý các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND Thành phố về bố trí lịch làm việc, sản xuất, kinh doanh trong thời gian giãn cách.

Các chốt kiểm tra, khi phát hiện các trường hợp sử dụng Giấy đi đường không đúng mục đích, thông tin đến Công an xã, phường, thị trấn nơi có đơn vị, tổ chức cấp Giấy đi đường để kiểm tra, đối chiếu, có biện pháp chấn chỉnh và kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định.

UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận Giấy đi đường trên nguyên tắc chính quyền cơ sở giám sát chặt chẽ nơi đến trên địa bàn.

Đối với các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ được phép hoạt động trên địa bàn Thành phố: phối hợp UBND xã, phường, thị trấn (nơi đơn vị hoạt động) để được kiểm tra, xác nhận Giấy đi đường (hoặc xác nhận theo danh sách kèm theo).

Đối với các khu, cụm công nghiệp, chính quyền địa phương chủ động phối hợp các chủ doanh nghiệp thống nhất phương án tổ chức thực hiện giám sát nơi đi hoặc nơi đến phù hợp với tình hình thực tế.

Đối với các chợ: Ban quản lý chợ lập danh sách tiểu thương và những người liên quan duy trì hoạt động của chợ đảm bảo theo phương án giãn cách, giảm quầy hàng theo quy định. Trên cơ sở danh sách do các ban quản lý chợ cung cấp, UBND xã, phường, thị trấn kiểm tra, xác nhận và gửi lại cho ban quản lý chợ để cấp cho tiểu thương và người có liên quan sử dụng.

Đối với các cơ quan, đơn vị, cơ sở kinh doanh, dịch vụ tạm dừng hoạt động: Phối hợp UBND xã, phường, thị trấn (nơi đơn vị hoạt động) để được kiểm tra, xác nhận Giấy đi đường (hoặc xác nhận theo danh sách kèm theo) cho nhân viên trực đảm bảo an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ tại đơn vị.

Thông tin bác sĩ “nhường máy thở của người thân cứu mẹ con sản phụ" là không chính xác

Liên quan tới vụ việc một bác sĩ rút ống thở của người nhà để nhường máy thở cho mẹ con sản phụ lan truyền trên mạng xã hội, sau khi kiểm tra, Sở Y tế TP.HCM khẳng định thông tin lan truyền này là không chính xác.

Sau khi kiểm tra vụ việc, trưa 8/8, Sở Y tế TPHCM cho biết, thông tin một bác sĩ rút ống thở của người nhà để nhường máy thở cho một sản phụ mang song thai lan truyền trên mạng xã hội là hoàn toàn không chính xác. Theo đó, tại các bệnh viện của TP không có việc rút ống thở để nhường cho bệnh nhân. Hiện, Sở Y tế đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh làm rõ nguồn gốc bài đăng này để xử lý theo quy định của pháp luật.


Thông tin bác sĩ “nhường máy thở của người thân để cứu sản phụ song thai” là hư cấu. (Ảnh: Trung tâm Báo chí TP.HCM)

Hà Nội đáp ứng 8.000 giường điều trị bệnh nhân COVID-19

Ngày 8/8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Phương án số 182/PA-UBND đáp ứng 8.000 giường điều trị người bệnh Covid-19 mức độ vừa, nặng và nguy kịch trong tình huống có 40.000 người bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố.

Phương án trên được thực hiện theo 3 giai đoạn, gồm: Giai đoạn đáp ứng 2.000 giường bệnh điều trị người bệnh Covid-19 mức độ vừa, nặng và nguy kịch (tình huống 10.000 ca mắc Covid-19 trên địa bàn). Giai đoạn đáp ứng 4.000 giường bệnh điều trị người bệnh Covid-19 mức độ vừa, nặng và nguy kịch (tình huống 20.000 ca mắc Covid-19 trên địa bàn thành phố. Giai đoạn đáp ứng 8.000 giường bệnh điều trị người bệnh Covid-19 mức độ vừa, nặng và nguy kịch (tình huống 40.000 ca mắc Covid-19 trên địa bàn thành phố). Mỗi giai đoạn đều có phương án cụ thể phân công các bệnh viện đảm bảo cơ số giường.

Tìm người liên quan đến 5 địa điểm nguy cơ ở Hà Nội

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 quận Ba Đình (Hà Nội) vừa có thông báo tìm người liên quan đến 5 địa điểm nguy cơ liên quan ca bệnh COVID-19 tại: 31A Trần Bình Trọng; siêu thị Vinmart 70B Đội Cấn; chốt trực tại ngã 3 Ngọc Hà, Đội Cấn và chợ Ngọc Hà, Khoa xét nghiệm sàng lọc Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc, số 55 Phố Yên Ninh...

Địa điểm và thời gian cụ thể:

Ngày 24-31/7: Tại 31A Trần Bình Trọng, quận Hai Bà Trưng.

Ngày 1-3/8: Số nhà 17/68/16 Đội Cấn, quận Ba Đình.

7h sáng ngày 3/8: Chốt trực tại ngã 3 Ngọc Hà, Đội Cấn và chợ Ngọc Hà, quận Ba Đình.

Tối 3/8: Tại 31A Trần Bình Trọng, quận Hai Bà Trưng.

Khoảng 7h40 đến 7h45 ngày 7/8: Tại siêu thị Vinmart 70B Đội Cấn, quận Ba Đình.

Sáng 8/8: Khoa xét nghiệm sàng lọc Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc, số 55 Phố Yên Ninh, quận Ba Đình.

Tất cả những người từng đến các địa điểm trên tự cách ly tại nhà và liên hệ ngay với Trạm Y tế gần nhất hoặc Trung tâm Y tế quận Ba Đình (Khoa kiểm soát dịch bệnh số điện thoại: 02438432113) hoặc gọi điện thoại đến CDC Hà Nội số 0969.082.115 hoặc số 0949.396.115 để được tư vấn.


Hà Giang, 3 trẻ em tử vong do ngộ độc sau khi ăn quả hồng châu

Ngày 8/8, ông Sùng Mí Thề, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang cho biết, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tới thăm hỏi, động viên, hỗ trợ mai táng gia đình hai cháu bé tử vong do ăn quả Hồng Châu ở xã Sủng Cháng, huyện Yên Minh.

Trước đó, vào khoảng 15 giờ ngày 6/8, cháu Hầu Mí Sình (11 tuổi) và Hầu Mí Đình (9 tuổi) ở thôn Lù Cao Ván, xã Sủng Cháng, huyện Yên Minh đi rừng lấy củi cách nhà khoảng 100 mét và tự hái quả ở trong rừng ăn.

Hai cháu kể lại, cháu Sình ăn 4 quả, còn cháu Đình thì không nhớ đã ăn bao nhiêu quả.

Đến khoảng 17h cùng ngày, cháu Hầu Mí Sình về đến nhà báo cho gia đình biết là đã hái quả rừng ăn và thấy khó chịu; cháu Hầu Mí Đình không tự về nhà được mà gia đình phải vào rừng đón về.

Đến tối, cả 2 cháu đều có các triệu chứng đau đầu, hoa mắt, đau bụng đi ngoài, nôn. Gia đình hai cháu đã đưa các cháu đến Bệnh viện Đa khoa Khu vực Yên Minh khám và điều trị hồi 22h32 phút, trong tình trạng ly bì, mệt mỏi, nôn nhiều, đau đầu, chóng mặt...

Sáng 7/8, cháu Hầu Mí Đình đã tử vong. Cháu Hầu Mí Sình được Bệnh viện Đa khoa Khu vực Yên Minh chuyển lên tuyến trên là về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang điều trị tích cực nhưng đến tối cùng ngày cũng đã tử vong.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hà Giang đã thành lập đoàn điều tra xác minh nguyên nhân ngộ độc thực phẩm là do hai cháu ăn quả hồng châu.

Đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hà Giang cũng đã đến thăm hỏi và động viên gia đình 2 cháu tử vong.

Cách đây vài ngày 2 cháu nhỏ 11 tuổi và 6 tuổi tại thôn Khúa Lủng, xã Tả Phìn, huyện Đồng Văn (Hà Giang) cũng đã bị ngộ độc do ăn quả hồng châu dẫn đến cháu bé 6 tuổi bị tử vong.

Theo thông tin từ Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Hà Giang, cây hồng châu có tên khoa học (Capparis versicolor Griff), họ Màn màn (Capparaceae).

Tên gọi theo địa phương khác là cây Rom, cây Mề gà, cây Khua mật, cây Móc quạ (Thái Nguyên), chi pản sloa (Cao Bằng)...

Cây hồng châu thường mọc ở khu vực núi đá, thuộc dạng cây dây leo, vỏ thân cây màu xanh nhạt, có gai nhọn, cứng, lá cây to gần bằng 2 ngón tay người lớn, dài từ khoảng 11-12cm, màu của lá xanh đậm.

Quả tròn to gần bằng quả trứng gà, vỏ nhẵn mượt không có lông, quả non vỏ màu xanh nhạt, khi quả chín vỏ có màu tím và hơi mềm, bên trong có lớp vỏ mầu hồng, mỗi quả có từ 4-6 hạt, các hạt có một lớp cùi màu trắng đục, nhiều nước và mềm bao bọc, bên trong cùi có một hạt to bằng hạt ngô có màu tím và hơi dẹt.

Độc tố của quả hồng châu là alcaloid, chứa chính trong nhân hạt (chưa thấy trong cùi) của quả. Độc tính của chúng tác động chủ yếu lên tế bào cơ tim và gây phù phổi cấp.

Thử nghiệm trên động vật cho thấy liều tối thiểu gây chết qua đường tiêu hóa của hạt có cả cùi đối với thỏ là 18g/kg thể trọng, đối với chuột cống trắng là 72g/kg thể trọng (động vật chết do suy hô hấp và trụy tim mạch).

Để chủ động phòng chống ngộ độc quả rừng, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hà Giang khuyến cáo bà con các dân tộc thiểu số, học sinh tuyệt đối không ăn quả hồng châu và cũng như các loài quả dại khác kể cả chỉ ăn thử một lần, để phòng ngừa ngộ độc dẫn đến tử vong đáng tiếc xảy ra.

Quả hồng châu có độc tính rất cao.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Chia sẻ về chữ “thật” của TH true MILK tại Diễn đàn Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2024

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng chất lượng sản phẩm và mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.
2024-04-19 17:55:22

Việt Nam nằm trong tốp đầu châu Á về đầu tư cơ sở hạ tầng

Ngày 18/4, trong khuôn khổ “Tuần lễ bền vững”, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã tổ chức Phiên thảo luận cấp cao về Thúc đẩy phát triển bền vững thông qua kết nối cơ sở hạ tầng.
2024-04-19 11:24:44

Giải pháp phát triển nhà ở xã hội

Để hướng tới mục tiêu một triệu căn hộ trong 10 năm nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp và công nhân, Bộ Xây dựng cần chủ trì phối hợp với các địa phương để có đánh giá tổng thể về nhu cầu nhà ở theo từng phân khúc, để có tham mưu cơ chế chính sách sát thực tế.
2024-04-19 09:57:41

Việt Nam và Australia hợp tác phát triển thị trường điện cạnh tranh

Ngày 17/4, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Cục Điều tiết Điện lực Việt Nam (ERAV) đã ký biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác nhằm hỗ trợ phát triển thị trường điện cạnh.
2024-04-19 09:47:51

Standard Chartered Việt Nam và Hoa Kỳ hợp tác đầu tư năng lượng sạch

Ngày 16/4, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam công bố việc ký kết Bản ghi nhớ giữa Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, với cam kết thúc đẩy tài chính xanh và phát triển ngành năng lượng sạch tiên tiến tại Việt Nam.
2024-04-19 09:42:00

Hải Phòng chi hơn 1,3 tỷ đồng tặng quà thân nhân liệt sỹ, chiến sỹ Điện Biên

UBND TP. Hải Phòng ban hành Kế hoạch 93/KH-UBND về triển khai các hoạt động thăm, tặng quà thân nhân liệt sỹ, chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, là những người đã có nhiều cống hiến, hi sinh… trong chiến dịch lịch sử.
2024-04-19 08:15:51
Đang tải...