Bản tin Hoà Nhập ngày 20/11/2021: Vợ chồng bại liệt chân và ước mơ tương lai xán lạn cho con

2021-11-20 08:00:00 0 Bình luận
Tấm gương khuyết tật giàu nghị lực của vợ chồng anh Nguyễn Văn Sương (36 tuổi) và chị Phan Thị Kim Diện (43 tuổi) được người dân địa phương ngợi khen bởi hiếm có đôi nào hạnh phúc như vậy dù đối mặt muôn vàn khó khăn.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với các trẻ em yếu thế tại buổi gặp mặt (Ảnh: thanhnien)

Chăm lo tốt hơn cho trẻ em, nhất là trẻ em yếu thế

Ngày 19/11, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ thân mật học sinh xuất sắc trong cuộc thi vẽ tranh và sáng tác văn học “Vì một Việt Nam tất thắng” dành cho các bệnh nhi ung thư, bệnh hiểm nghèo, nhiễm chất độc da cam , tàn tật, khuyết tật, tự kỷ và trẻ em mồ côi, yếu thế.

Tại cuộc gặp, nhiều câu chuyện, hoàn cảnh xúc động đã được chia sẻ. Đó là câu chuyện của cô bé Nguyễn Thị Hoàng Oanh (Q.Gò Vấp, TP.HCM) mồ côi cha mẹ từ nhỏ, đến năm 10 tuổi lại bị tai nạn, mất một chân, nhưng vẫn không ngừng vươn lên. Đó là Nguyễn Hữu Duy (14 tuổi, quê Nam Định), cậu bé bị u não, đoạt giải cuộc thi với bức tranh vẽ ông chủ quán cơm 0 đồng ở TP.HCM đã mất vì Covid - 19 trong quá trình hoạt động thiện nguyện, chống dịch…

Bày tỏ sự cảm động, vui mừng khi gặp các học sinh, sinh viên tài năng, dũng cảm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng chính các em đã giúp khơi dậy, cổ vũ ý chí quật cường trong mỗi người Việt Nam, để chúng ta cùng cố gắng, có niềm tin mạnh mẽ hơn để chiến thắng đại dịch. Câu chuyện của mỗi em, theo vị lãnh đạo đứng đầu nhà nước, không chỉ là bài học cho trẻ em mà còn có ý nghĩa lớn lao với chính những người lớn, bài học cần tiếp tục được vun xới về ý chí, nghị lực, về ước mơ, khát vọng đẹp đẽ của tuổi trẻ.

Chủ tịch Quốc hội gặp, tri ân nhà giáo - những người với “sự nghiệp trồng người cao quý”

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng hoa, quà tri ân các thầy, cô của Trường Đại học Y Hà Nội. (Ảnh: Baodansinh)

Theo thông tin trên Báo Dân sinh, chiều 19/11, nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội, GS.TS, Nhà giáo ưu tú Vương Đình Huệ đã đến thăm Trường Đại học Y Hà Nội, dự Lễ khai giảng năm học 2021 – 2022 và gặp mặt, tri ân các thầy giáo, cô giáo của Nhà trường.

Tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các đại biểu và các thế hệ thầy cô, sinh viên cùng ôn lại lịch sử hình thành và phát triển của Trường Đại học Y Hà Nội – trường đại học có lịch sử lâu đời nhất Việt Nam.

Được thành lập từ năm 1902 và luôn được xem là “tượng đài” trong lịch sử y học hiện đại nước ta với những đóng góp to lớn trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và chăm sóc sức khoẻ người dân ở hầu hết các lĩnh vực.

Khẳng định tôn sư trọng đạo là truyền thống quý báu của dân tộc ta, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, ngày Nhà giáo Việt Nam là dịp để cả nước tỏ lòng biết ơn và tri ân các thầy giáo, cô giáo.

Nhân dịp này, ông cũng bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nói chung, các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và người lao động Trường Đại học Y Hà Nội nói riêng, và “chúc các thầy, cô giáo tiếp tục đạt nhiều thành tựu mới trong sự nghiệp trồng người cao quý”. 

Bế mạc Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 13

Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: TTXVN)

Theo thông tin trên Báo tin tức. Hội thảo Biển Đông lần thứ 13 với chủ đề "Nhìn lại quá khứ vì một tương lai tươi sáng hơn" được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia đông đảo của trên 60 diễn giả là các chuyên gia uy tín từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, 90 đại diện từ ngoại giao đoàn, trong đó có 16 đại sứ và gần 500 đại biểu đã bế mạc Chiều 19/11.

Điểm nhấn trong hội thảo năm nay là sự tham gia của nhiều chính khách từ Vương quốc Anh, Australia, Ấn Độ, Indonesia và Liên minh châu Âu (EU) với những phát biểu dẫn đề quan trọng ở các phiên đặc biệt. Hội thảo cũng dành riêng ba phiên thảo luận cho lãnh đạo trẻ từ các nước trên thế giới, trong khu vực và Việt Nam để tạo diễn đàn, chia sẻ quan điểm về các vấn đề quốc tế và khu vực của thế hệ trẻ. Năm nay cũng là lần đầu tiên Hội thảo tổ chức các phiên bình luận theo dòng sự kiện với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về Biển Đông và quan hệ quốc tế của Việt Nam.

Qua hai ngày thảo luận thẳng thắn, khoa học, cởi mở, thực chất, 8 phiên thảo luận đã tập trung vào nhiều vấn đề nhằm rút ra những bài học trong quá khứ từ đó đưa ra đề xuất hướng tới tương lai tươi sáng hơn tại Biển Đông. Các chuyên gia nhận định, trong bối cảnh quan hệ quốc tế có những bất ổn khó lường do hậu quả của đại dịch COVID-19 và cạnh tranh nước lớn, thời gian qua, tình hình tại Biển Đông và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, thu hút sự quan tâm của dư luận. Đó là sự gia tăng của hành vi đơn phương trên biển, xu hướng quân sự hóa, sử dụng các lực lượng bán quân sự, xu hướng tập hợp lực lượng trong khu vực (Đối thoại Tứ giác An ninh - QUAD, thỏa thuận an ninh ba bên giữa Mỹ, Anh và Australia - AUKUS) và sự chuyển hướng chiến lược của các nước và tổ chức quốc tế về khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương...

Các học giả tham dự hội thảo đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng trật tự trên Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Nhiều học giả khẳng định vai trò phán quyết của Tòa Trọng tài trong Vụ kiện Biển Đông năm 2016 trong việc thu hẹp tranh chấp tại Biển Đông và làm rõ cơ sở pháp lý đối với một số vấn đề tại Biển Đông như hoạt động dầu khí, xác định đường cơ sở đối với thực thể trên Biển Đông, việc đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải tại khu vực.

Tuy nhiên, học giả Trung Quốc nhận định, UNCLOS 1982 chưa đầy đủ và còn nhiều điều khoản mập mờ, cần có thêm những dàn xếp khu vực khác để giải quyết các vấn đề cụ thể tại Biển Đông. Một số học giả khác cho rằng, cuộc tranh luận công hàm giữa các quốc gia về Biển Đông cho thấy đa số các nước ủng hộ việc sử dụng UNCLOS là cơ sở pháp lý toàn diện, duy nhất để xác định các yêu sách biển và thực thi quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia.

Từ góc độ lịch sử, các chuyên gia từ Trung Quốc, Anh, Pháp và Việt Nam đã thảo luận thẳng thắn, thực chất về các sự kiện, bằng chứng lịch sử liên quan đến tranh chấp Biển Đông và ý nghĩa của các dữ kiện lịch sử này với chủ quyền đối với Trường Sa - Hoàng Sa. Một số dữ kiện lịch sử mới được công bố qua quá trình nghiên cứu tài liệu lưu trữ cho thấy, tới năm 1899, triều đình phong kiến Trung Quốc vẫn khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa không thuộc phạm vi quản lý của nước này. Ghi chép của thiền sư nổi tiếng Trung Quốc Xu Shillun khẳng định, Hoàng Sa và Trường Sa thuộc quyền quản lý của triều Nguyễn. Đặc biệt, năm 2021 đánh dấu tròn 70 năm ký kết Hiệp ước Hòa bình San Francisco năm 1951, các học giả đã chia sẻ những nghiên cứu khẳng định Hiệp ước này không làm thay đổi hay tác động tiêu cực đến chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa và Trường Sa.

Đánh giá về tác động của đại dịch COVID-19 đối với vận tải hàng hải nói chung và vận tải hàng hải qua Biển Đông nói riêng, các học giả nhấn mạnh đến nhiều yếu tố gây đứt gãy chuỗi cung ứng, chi phí tăng cao, thiếu hụt lao động, các quy định về nhập cảnh, dịch tễ. Trong thời gian tới, chuỗi cung ứng ở khu vực và trên thế giới vẫn có nguy cơ tắc nghẽn nghiêm trọng. Tình trạng này có thể kéo dài đến năm 2023 do diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, căng thẳng gia tăng tại eo biển Đài Loan và Biển Đông, giá dầu tăng cao, cơ sở hạ tầng, logistic giữa các quốc gia còn yếu, thiếu đồng bộ.

Các đại biểu cũng thảo luận về những giải pháp đảm bảo khả năng phục hồi tuyến đường biển trong thời gian tới như tăng độ phủ vaccine, thay đổi chính sách đối phó với đại dịch, thống nhất các quy định phòng, chống dịch giữa các tổ chức quốc tế, giữa các quốc gia; đơn giản hóa thủ tục; đẩy mạnh chuyển đổi số; tăng cường đối thoại chiến lược giữa các nước để giảm căng thẳng; đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải và sự thông suốt trên biển.  

Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu cũng chia sẻ tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học biển và bảo vệ môi trường biển. Theo đó, nghiên cứu khoa học biển và bảo vệ môi trường biển được xem là ưu tiên cấp bách, chìa khóa giải quyết các vấn đề chung ở Biển Đông như đối phó, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và nhu cầu bảo vệ đa dạng sinh học biển. Hợp tác nghiên cứu khoa học biển đang đối mặt với những hạn chế từ rào cản tiếp cận thông tin dữ liệu, nhiều nước lạm dung khoa học vì mục tiêu chính trị... Do đó, các chuyên gia nhấn mạnh tới tính chất khách quan, công khai của khoa học, đề xuất trong tương lai các quốc gia có thể cởi mở hơn trong chia sẻ dữ liệu, tăng cường nỗ lực tập thể, xây dựng các khuôn khổ khu vực phù hợp để hướng tới việc đảm bảo một đại dương trong lành và bền vững.

Các học giả cũng thảo luận về xu hướng ngày càng phổ biến và phát triển của công nghệ giám sát như: Hệ thống nhận dạng tự động (AIS), thiết bị giám sát hành trình (VMS) và viễn thám. Việc áp dụng các công nghệ này giúp minh bạch hóa thông tin hoạt động của tàu thuyền góp phần mở ra những khía cạnh mới về môi trường biển và tăng cường nhận thức các vấn đề trên không gian biển, trong đó có Biển Đông. Nhờ đó, các nước có thể phát hiện, xử lý các hành vi đánh bắt cá IUU, bảo vệ môi trường biển và quản lý thủy sản; đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải; giúp phát hiện, cảnh báo các nguy cơ có thể diễn ra trên biển. Các học giả nhấn mạnh việc sử dụng công nghệ vào mục đích hòa bình; nâng cao tính minh bạch thông qua hệ thống thông tin đầy đủ, toàn diện, được đối chiếu và kiểm chứng từ nhiều nguồn khác nhau.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Tiến sỹ Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao đánh giá cao sự tham gia tích cực và nhiệt tình của các đại biểu trực tuyến và trực tiếp; cho rằng, các ý kiến trao đổi thẳng thắn, khoa học, có tính chất xây dựng. Tiến sỹ Phạm Lan Dung cho biết, các đề xuất, kiến nghị tại diễn đàn học thuật này sẽ góp phần nâng cao nhận thức về duy trì hợp tác và hòa bình tại Biển Đông trong bối cảnh thế giới đang trải qua khó khăn của đại dịch và mỗi người dân đang phải thích ứng với trạng thái bình thường mới.

Bộ Y tế nhắc các địa phương rút ngắn khoảng cách giữa 2 mũi tiêm

Một người dân được khám sàng lọc tại Hà Nội trước khi tiêm vaccine Covid-19. (Ảnh: zing.vn)

Theo thông tin trên VTC new. Ngày 19/11, Bộ Y tế có công văn gửi sở y tế các tỉnh, thành phố trong cả nước về khoảng cách giữa 2 mũi tiêm vaccine phòng Covid-19.

Bộ Y tế cho biết trong thời gian qua, cơ quan này tiếp tục nhận được công văn của một số tỉnh, thành phố về rút ngắn khoảng cách tiêm mũi 2 đối với người đã tiêm mũi một bằng vaccine AstraZeneca. Để kịp thời triển khai tiêm chủng, Bộ Y tế đề nghị đồng chí giám đốc sở y tế căn cứ theo nội dung Công văn số 7820/BYT-DP ngày 20/9 khẩn trương báo cáo UBND tỉnh, thành xem xét, phê duyệt về thời gian tiêm vaccine mũi 2 cho người đã tiêm mũi một bằng vaccine AstraZeneca.

Do đó, tại công văn ký ngày 19/11, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị sở y tế các tỉnh, thành khẩn trương thực hiện. Nếu đơn vị, địa phương nào không thực hiện, ảnh hưởng đến tiến độ tiêm chủng phải chịu trách nhiệm trước Bộ Y tế, UBND tỉnh, thành phố.

Trước đó, tại công văn số 7820, Bộ Y tế đã chỉ đạo sở y tế các tỉnh, thành phố về khoảng cách tiêm mũi 2 vaccine phòng Covid-19. Trong đó, cơ quan này đề nghị căn cứ khuyến cáo của WHO, hướng dẫn từ nhà sản xuất và Bộ Y tế để tham mưu cho UBND tỉnh, thành về thời gian tiêm vaccine mũi 2 cho người đã tiêm mũi một của AstraZeneca.

Theo Bộ Y tế, thời gian tối thiểu giữa hai mũi vaccine phải đảm bảo tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất và phù hợp với tình hình dịch bệnh, đáp ứng được công tác phòng, chống dịch.

Theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất vaccine Astrazeneca, sau khi tiêm mũi 1, từ ngày thứ 22 hiệu lực bảo vệ của vaccine đạt 69,2%; sau khi tiêm mũi 2 dưới 6 tuần đạt 55,1%, sau từ 6-8 tuần đạt 59,7% và sau 12 tuần đạt 80%.

Hướng dẫn của nhà sản xuất mũi 2 nên được tiêm trong khoảng từ 4-12 tuần sau mũi một. WHO khuyến cáo khoảng cách giữa 2 mũi vaccine này từ 8 đến 12 tuần.

Bộ Y tế đã hướng dẫn tiêm mũi 2 vaccine AstraZeneca hoặc vaccine do hãng Pfizer sản xuất cho người đã tiêm mũi một bằng vaccine AstraZeneca là sau 8-12 tuần kể từ ngày được tiêm mũi 1 (tại Quyết định số 3588 và Công văn số 6030 của Bộ Y tế).

Đến nay, đã có 1 số địa phương phê duyệt thực hiện rút ngắn khoảng cách thời gian tiêm giữa mũi 2 và mũi một vaccine AstraZeneca như TP.HCM, Hà Nội…

Điều chỉnh, bổ sung một số chế độ, chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19

Học sinh Hà Nam đã hoàn thành tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19. (Ảnh:TTXVN)

Thông tin trên Báo tin tức. Trước tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, đe dọa đến sức khỏe, tính mạng nhân dân, ngày 19/11, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 145/NQ-CP quyết nghị điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số nội dung về chế độ, chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19.

Cụ thể, chế độ phụ cấp chống dịch mức 450.000 đồng/người/ngày được áp dụng đối với người trực tiếp khám, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người nhiễm COVID-19, nghi nhiễm COVID-19 tại cơ sở thu dung, điều trị COVID-19, trừ trường hợp: Người làm nhiệm vụ giám sát dịch tễ, theo dõi y tế, theo dõi điều trị người nhiễm COVID-19 tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn (bao gồm cả các trạm, tổ y tế lưu động).

Chế độ phụ cấp chống dịch mức 300.000 đồng/người/ngày được áp dụng đối với người làm việc tại cơ sở thu dung, điều trị COVID-19, bao gồm: Người làm công việc kiểm soát nhiễm khuẩn; người làm công việc vệ sinh, tẩy uế, diệt tác nhân gây bệnh, thu gom và xử lý dụng cụ sau khi sử dụng cho người nhiễm COVID-19; người giặt đồ vải, quần áo bác sĩ, người nhiễm COVID-19; người thu gom chất thải, đồ vải, vỏ chai, lọ, hộp hóa chất, rác thải sinh hoạt, rác thải y tế; người làm nhiệm vụ bảo vệ.

Chế độ phụ cấp chống dịch mức 300.000 đồng/người/ngày được áp dụng đối với: Người làm nhiệm vụ giám sát dịch tễ, theo dõi y tế, theo dõi điều trị người nhiễm COVID-19 tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn (bao gồm cả các trạm, tổ y tế lưu động); người làm công việc lấy mẫu, gộp mẫu, phân tách mẫu, người trực tiếp làm xét nghiệm SASR-CoV-2; người làm công việc súc rửa dụng cụ, pha chế môi trường để phục vụ cho phòng xét nghiệm SASR-CoV-2; người vận chuyển người nhiễm COVID-19, bệnh phẩm; người làm nhiệm vụ vận chuyển, bảo quản, xử lý các trường hợp tử vong nhiễm SARS-CoV-2.

Chế độ phụ cấp chống dịch mức 225.000 đồng/người/ngày được áp dụng đối với các đối tượng làm việc tại cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 (bao gồm cán bộ, chiến sỹ lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân được tăng cường cho các tỉnh, thành phố) nhưng không thuộc một trong các đối tượng quy định nêu trên.

Học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, học sinh các trường đào tạo hệ trung cấp khối ngành sức khỏe, người có chuyên môn y tế không hưởng lương từ ngân sách được huy động hoặc tình nguyện tham gia phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị người bệnh COVID-19: Được hưởng một trong các mức phụ cấp như đối với cán bộ y tế khi thực hiện nhiệm vụ quy định nêu trên; được hưởng mức tiền ăn là 80.000 đồng/người/ngày; mức chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày 40.000 đồng/người/ngày.

Chế độ quy định trên được áp dụng đối với người tham gia phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 tại TPHCM, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương từ ngày 1/8/2021 đến hết ngày 31/10/2021.

Trường hợp đối tượng đã được nhận kinh phí hỗ trợ, nhưng với mức hỗ trợ thấp hơn mức hỗ trợ được quy định tại Nghị quyết này thì được truy lĩnh phần chênh lệch. Các đối tượng khác tiếp tục hưởng chế độ theo quy định tại Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 8/2/2021 về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19 và Khoản 1 Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 8/6/2021 phiên họp của Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021.

Bên cạnh đó Nghị quyết cũng sửa đổi, bổ sung một số chế độ đối với người tham gia phòng, chống dịch COVID-19.

Cụ thể, cán bộ, chiến sĩ lực lượng quân đội, công an; học sinh, học viên các trường thuộc lực lượng quân đội, công an được tăng cường cho các tỉnh, thành phố để làm các nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 chưa được quy định cụ thể tại Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 8/2/2021 của Chính phủ về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19 được hưởng phụ cấp chống dịch mức 150.000 đồng/người/ngày và theo số ngày thực tế tham gia chống dịch theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Người nhiễm COVID-19 đang điều trị tại các khoa hồi sức tích cực, các khoa có giường hồi sức tích cực, các trung tâm hồi sức tích cực khi có chỉ định chế độ ăn điều trị phù hợp bệnh lý, ăn qua sonde, ăn qua tĩnh mạch được ngân sách Nhà nước bảo đảm theo chi phí thực tế, nhưng không quá 250.000 đồng/người/ngày.

Chế độ phụ cấp đặc thù cho cả kíp tiêm là 12.000 đồng/mũi tiêm (tối đa không quá 240.000 đồng/người/ngày) khi thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 trong chương trình tiêm chủng miễn phí. Chế độ này được áp dụng đối với TPHCM, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An từ ngày 1/8/2021 đến hết ngày 31/10/2021.

Ngân sách Nhà nước chi trả chi phí thuê chỗ ở (cơ sở lưu trú), hoặc ở tập trung theo quy định về chế độ công tác phí cho cán bộ, nhân viên y tế, người lao động, học sinh, sinh viên, tình nguyện viên (trong thời gian làm việc tại cơ sở thu dung, điều trị COVID-19), chi phí đi lại (đưa đón) trong thời gian tham gia phòng, chống dịch COVID-19.

Chế độ này được áp dụng kể từ ngày 8/2/2021 (thời điểm hiệu lực của Nghị quyết số 16/NQ-CP). Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia phòng, chống dịch COVID-19 đi hỗ trợ các tỉnh chống dịch, ngoài chế độ phụ cấp chống dịch trong thời gian chống dịch tại địa phương đã được địa phương bố trí ăn, nghỉ thì được hưởng phần chênh lệch giữa mức phụ cấp lưu trú theo Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị trong thời gian đi công tác và mức tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày đã được địa phương bố trí. Chế độ này được áp dụng kể từ ngày 8/2/2021 (thời điểm hiệu lực của Nghị quyết số 16/NQ-CP).

Người bị tạm giữ, bị tạm giam, phạm nhân, trại viên, học sinh các nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng bị nhiễm COVID-19 (F0) hoặc phải cách ly y tế (F1) được hưởng mức tiền ăn là 80.000 đồng/người/ngày.

Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người có công, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật

Điều dưỡng chăm sóc điều trị cho người cao tuổi bệnh nặng tại khoa Lão - bệnh viện Đa khoa Đống Đa. (Ảnh: TTXVN)

Thông tin trên Báo tin tức (TTXVN) Ngày 19/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký ban hành Quyết định 1942/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng cần trợ giúp xã hội giai đoạn 2021-2030.

Mục tiêu của Chương trình nhằm củng cố, đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng cung cấp dịch vụ của các cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động -  xã hội nhằm bảo đảm cho các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận nhanh, kịp thời các dịch vụ y tế phù hợp theo hướng toàn diện, liên tục và hiệu quả; lồng ghép các hoạt động tăng cường sức khỏe, phòng ngừa, chăm sóc y tế, chỉnh hình, phục hồi chức năng kết hợp với các hoạt động trợ giúp xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho đối tượng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm và phát triển bền vững.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tối thiểu 70% các bệnh viện, trung tâm chỉnh hình và phục hồi chức năng thuộc ngành Lao động - Thương binh và xã hội đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, thực hiện được 100% danh mục kỹ thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng, thực hiện được tối thiểu 70% danh mục dịch vụ kỹ thuật của cơ sở y tế chuyên khoa tuyến tỉnh. Tối thiểu 70% cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy bảo đảm đủ điều kiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, phục hồi chức năng cho đối tượng…

Nhiệm vụ và giải pháp của Chương trình gồm: Củng cố, hoàn thiện các cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội; đổi mới, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội; đổi mới cơ chế cung cấp dịch vụ của cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội; đổi mới cơ chế tài chính, nguồn lực hỗ trợ cho cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội; hỗ trợ nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất của các cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội; truyền thông nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe cho đối tượng.

Trong đó phải kể đến giải pháp chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các đối tượng do cơ sở quản lý và người lao động bị tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; quản lý sức khỏe, tập trung theo dõi, tư vấn về sức khỏe, chăm sóc giảm nhẹ, phục hồi chức năng, phòng, chống các bệnh lây nhiễm, không lây nhiễm, quản lý các bệnh mạn tính cho đối tượng do cơ sở quản lý và người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; khám bệnh, chữa bệnh theo chức năng, nhiệm vụ và kết nối, chuyển người bệnh lên các cơ sở y tế tuyến trên.

Bên cạnh đó cần có giải pháp, lộ trình nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho các đối tượng phục vụ của cơ sở; vận động nguồn lực hỗ trợ khám, chữa bệnh đối với người có công, người cao tuổi, người khuyết tật, người tâm thần, trẻ em, người nghèo, người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, người có thu nhập thấp; xây dựng gói dịch vụ chỉnh hình, phục hồi chức năng cơ bản cho thương bệnh binh, người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, người khuyết tật theo quy định của pháp luật bảo đảm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của đối tượng.

Chuyện tình đẹp của vợ chồng khuyết tật: 'Mong các con có tương lai xán lạn hơn'

Vợ chồng anh Sương không ngừng nỗ lực để vượt lên nghịch cảnh (Ảnh: thanhnien)

Người dân xã Nhơn Ái (H.Phong Điền, TP.Cần Thơ) hay gọi vợ chồng anh Sương và chị Diện là cặp đôi hoàn hảo. Bởi chị Diện chịu nhiều thiệt thòi mà hoàn cảnh anh Sương cũng không may mắn. Song, cả 2 đều không ngừng nỗ lực vượt lên nghịch cảnh, cùng viết nên câu chuyện gia đình nhiều cảm xúc.

Chia sẻ trên Báo Thanh niên, chị Diện kể, năm 4 tuổi, sau cơn bệnh thập tử nhất sinh, đôi chân chị teo tóp, vĩnh viễn không thể đi lại. Còn anh Sương, tuổi thơ có phúc phần hơn nhưng năm 20 tuổi, tai nạn giao thông đã lấy đi chân phải của anh suốt cuộc đời. Cả 2 đều gặp trắc trở nhưng không bao giờ đầu hàng số phận. Hơn 10 năm trước, họ gặp nhau trong một lớp dạy nghề dành cho người khuyết tật ở TP.Cần Thơ. Anh thấy chị giỏi giang, điềm đạm. Chị thương anh chịu khó, tính tình thật thà. Từ đó, hai người nảy sinh tình cảm rồi quyết định về chung một nhà.

Ngày trọng đại của cuộc đời không đám tiệc rình rang, không người thân họ hàng, hai mảnh đời bất hạnh động viên nhau tự bươn chải, cố gắng vun đắp tổ ấm gia đình.

“Nhiều người lời ra tiếng vào vì nghèo cộng khổ nữa thì xoay xở làm sao. Chúng tôi thì nghĩ khác, cùng cảnh ngộ sẽ dễ dàng cảm thông, thấu hiểu hơn. Vì vậy mà cuộc sống dù có nghèo nhưng chúng tôi thấy rất hạnh phúc”, chị Diện Tâm sự.

Từ khi có hai nhóc tì, cửa tiệm đồng thời cũng là nhà ở của vợ chồng anh Sương lúc nào cũng rôm rả tiếng cười, nhưng cuộc sống cũng từ đó có nhiều khó khăn hơn. Chị Diện tạm gác công việc dành thời gian chăm sóc con. Anh Sương trở thành trụ cột trong gia đình.

Tìm miếng cơm đã chật vật, 2 con thơ đến tuổi ăn, tuổi học càng khiến vợ chồng anh Sương nặng nỗi âu lo. Con gái đầu lòng học lớp 3, thiết bị học trực tuyến chưa sắm nổi. Hằng tuần, cô giáo chuyển bài giảng bằng văn bản thay thế. Vấn đề học phí của con, vợ chồng anh Sương phải tích góp khá lâu mới có được. Khó khăn là vậy nhưng ước mơ lớn nhất của đôi vợ chồng nghèo là cố gắng cho con học hành đến nơi, đến chốn để thay đổi tương lai.

“Dù khuyết tật, nhưng còn sức lao động thì tôi sẽ cố gắng bươn chải để các con được đến trường. Số phận vợ chồng tôi đã không may mắn, điều mong mỏi nhất là tương lai các con được xán lạn hơn”, anh Sương tâm sự với Báo Thanh niên.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

HDBank mở chi nhánh thứ 2 tại Quảng Ninh

Chi nhánh HDBank tại Móng Cái được đầu tư quy mô về nguồn vốn, tài sản và đội ngũ CBNV nhằm tăng cường cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính đa dạng và phù hợp, bám sát đặc thù và chiến lược phát triển của Khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm phía Bắc.
2024-04-25 11:31:59

Thái Nguyên khai mạc mùa du lịch 2024

Sáng 25/4 tại Khu du lịch hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Chương trình Khai mạc Mùa du lịch tỉnh Thái Nguyên năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”.
2024-04-25 11:06:52

NASU đồng hành cùng người nông dân phát triển kinh tế tuần hoàn, làm giàu bền vững từ cây mía

Đối với người nông dân ở Phủ Quỳ hôm nay, “suy đi tính lại chẳng cây trồng nào so sánh được với cây mía và chưa hợp tác nào bền vững như với NASU”.
2024-04-24 20:12:49

Hoa Kỳ phối hợp cùng Việt Nam tổ chức Hội thảo khu vực về chống IUU

Ngày 23/04/2024, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cục Phòng chống ma túy và Thực thi Pháp luật quốc tế (INL) và Lực lượng Phòng vệ bờ biển Hoa Kỳ (USCG), đã phối hợp cùng Cục Kiểm Ngư tổ chức Hội thảo Khu vực về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định (IUU) tại thành phố Đà Nẵng.
2024-04-24 09:44:47

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Sáng 24/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số.
2024-04-24 09:27:18

Hà Nội chuẩn bị Lễ hội Đền trong Thăng Long Tứ Trấn năm 2024

Ngày 23/4, Đoàn công tác của Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội đã có cuộc kiểm tra công tác Lễ hội truyền thống tại Di tích quốc gia đặc biệt Thăng Long Tứ Trấn Đền Kim Liên.
2024-04-23 23:56:38
Đang tải...