Bản tin Hòa nhập ngày 30/8/2021: TP.HCM cho shipper hoạt động trở lại
Học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh sẽ được miễn giảm học phí.
Theo nghị định 81 về mức thu học phí, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập do Chính phủ vừa ban hành nêu rõ các tình huống học sinh, sinh viên được miễn giảm học phí.
Cụ thể, khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, các sự kiện bất khả kháng do cơ quan có thẩm quyền công bố, tùy theo mức độ và phạm vi thiệt hại, UBND cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định không thu học phí trong thời hạn nhất định đối với trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông công lập, cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông thuộc vùng bị thiên tai, dịch bệnh, vùng xảy ra các sự kiện bất khả kháng.
Nghị định 81 có hiệu lực từ ngày 15/10 tới. Như vậy sau ngày này, học sinh, sinh viên ở những vùng ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh có thể được xem xét miễn giảm học phí một học kỳ hoặc cả năm học 2021 - 2022.
TP.HCM cho phép shipper được hoạt động trở lại từ ngày 30/8
Theo tính toán của Sở Công Thương, nếu 25.000 shipper hoạt động liên quận, huyện sẽ hỗ trợ nhu cầu của khoảng 500.000- 625.000 hộ gia đình trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Nguồn (PLO)
Tối 29/8, UBND TP.HCM có văn bản cho phép lực lượng giao hàng công nghệ (shipper) theo danh sách của Sở Công Thương được lưu thông ra đường theo phạm vi một quận, huyện, TP Thủ Đức trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Cụ thể, đối với shipper lưu thông trong thời gian giãn cách ở 8 quận, huyện vùng đỏ (TP Thủ Đức, quận 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn) phải đảm bảo đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine và được test nhanh hàng ngày (mẫu gộp 3) từ 5 đến 6h. Việc này được thực hiện, giám sát bởi lực lượng quân y ở các trạm y tế lưu động của 312 phường, xã.
Tại 14 quận, huyện còn lại, shipper đang hoạt động phải đảm bảo được xét nghiệm 2 ngày/lần theo mẫu gộp 3 người do lực lượng quân y ở các trạm y tế lưu động của 312 phường, xã thực hiện.
Ném đá vào xe chở F0, người đàn ông ở Bình Dương bị chém đứt lìa bàn tay
Hiện trường vụ ẩu đả khiến người đàn ông bị chém đứt lìa bàn tay.
Sự việc xảy ra tại phường Phú Hòa (TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương). Nạn nhân là ông Vũ Đức Kim (SN 1972, ngụ TP Thủ Dầu Một).
Theo điều tra ban đầu, vào trưa cùng ngày, tài xế Trần Hoàng Huynh (SN 1994, quê Cà Mau) dùng xe khách loại 50 chỗ ngồi chở các bệnh nhân Covid-19 từ trường Tiểu học Thuận Giao (phường Thuận Giao, TP Thuận An) đến Trường cao đẳng y tế Bình Dương (phường Phú Hoà, TP Thủ Dầu Một) để cách ly.
Trong lúc đợi bệnh nhân, giữa Huynh và ông Kim xảy ra mâu thuẫn do ông Kim ném đá vào xe ô tô, sau đó ông Kim lấy gạch đá tấn công Huynh.
Bực tức, Huynh lên xe ô tô lấy hung khí chạy đến chém đứt lìa bàn tay phải của ông Kim rồi rời khỏi hiện trường.
Được biết, Huynh là tài xế tình nguyện tham gia vận chuyển các bệnh nhân mắc Covid-19 đi cách ly từ nhiều tháng nay.
Bộ Công Thương vào cuộc xác minh thông tin liên quan đến Mì khô vị bò gà của Thiên Hương
Trước đó, mì Hảo Hảo vị tôm chua cay (loại 77 g, lô hạn sử dụng đến 24/9/2022) sản xuất tại Việt Nam bị thu hồi ở Ireland.
Ngay khi nhận được thông tin từ Văn phòng SPS Việt Nam về cảnh báo của Liên minh Châu Âu đối với sản phẩm Mì khô vị bò gà của Công ty Cổ phần thực phẩm Thiên Hương, Bộ Công Thương hỏa tốc đề nghị Công ty Cổ phần thực phẩm Thiên Hương khẩn trương báo cáo về quy trình sản xuất sản phẩm Mì khô vị bò gà do công ty sản xuất để đánh giá sự xuất hiện chất Ethylene Oxide (là chất không thuộc danh mục được quy định về giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm theo Thông tư 50/2016/TT-BYT của Bộ Y tế) trong sản phẩm.
Để có cơ sở xác minh làm rõ thông tin, Bộ Công Thương tiếp tục đề nghị Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện ngay một số nội dung sau: (i) Tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm của Công ty Cổ phần thực phẩm Thiên Hương khẩn trương thực hiện việc lấy mẫu để kiểm nghiệm chỉ tiêu Ethylene Oxide đối với một số sản phẩm Công ty Cổ phần Thực phẩm Thiên Hương đang được lưu thông trên thị trường Việt Nam, đặc biệt lưu ý đối với sản phẩm Mì khô vị bò gà.
Hiện nay, Bộ Công Thương cũng đang khẩn trương xác minh thông tin liên quan đến cảnh báo về sản phẩm mì Hảo Hảo và miến Good của Acecook. Trên cơ sở tổng hợp các dữ liệu từ các đơn vị chuyên môn, Bộ sẽ có thông báo chính thức tới các cơ quan truyền thông báo chí, trên tinh thần bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp.
Công an Hà Nội lập thêm 6 tổ cảnh sát đặc biệt, siết chặt việc ra đường
Với 6 tổ được thành lập trước đó, hiện TP Hà Nội có tổng cộng 12 tổ công tác đặc biệt. Ảnh minh họa.
Ngày 29/8, Công an TP Hà Nội cho biết cơ quan này vừa quyết định thành lập thêm 6 tổ công tác đặc biệt, nhằm phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch COVID-19.
Cùng với 6 tổ được thành lập trước đó, hiện TP Hà Nội có tổng cộng 12 tổ công tác đặc biệt.
Các tổ được quyền kiểm tra 100% người và phương tiện lưu thông qua các tuyến phố đã được xác định lập chốt; kiên quyết xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp vi phạm quy định về giãn cách xã hội; phòng chống dịch bệnh và các vi phạm pháp luật khác…
“Kể cả đối với các xe luồng xanh cũng phải được kiểm tra chặt chẽ nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch” – Công an TP Hà Nội nhấn mạnh.
Bình Dương vượt 100.000 ca mắc COVID-19, triển khai phương án ứng phó với 150.000 ca
Người dân phường Đông Hòa, thành phố Dĩ An được chi tiền các gói hỗ trợ.
Ngày 29/8, Bình Dương ghi nhận thêm 5.414 ca mắc COVID-19; trong đó, số ca sàng lọc ngoài cộng đồng giảm còn 648 ca, còn lại được phát hiện ở trong khu phong tỏa, cách ly.
Cũng trong ngày, Bình Dương có 1.590 bệnh nhân khỏi bệnh và được xuất viện về nhà, 31 người tử vong. Như vậy, tính từ đợt dịch lần thứ 4 đến nay, Bình Dương ghi nhận 104.208 ca mắc COVID-19, trong đó hơn 50% đã xuất viện, 819 người tử vong.
Số ca mắc COVID-19 tăng nhanh làm cho mục tiêu đưa Bình Dương trở lại trạng thái bình thường mới vào đầu tháng 9 của tỉnh này không thành công. Bình Dương đang triển khai phương án ứng phó với 150.000 ca mắc COVID-19. Lãnh đạo tỉnh đã thống nhất sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đến ngày 15/9.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.