Bản tin kinh tế, tài chính ngày 17/9/2021: Nghịch lý doanh nghiệp thua lỗ, ngân hàng lãi lớn
Giá vàng hôm nay 17/9: Bất ngờ lao dốc, đua nhau bán tháo
Mở cửa thị trường vàng ngày 17/9, giá vàng miếng trong nước được Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji và SJC niêm yết theo thứ tự mua vào và bán ra như sau:
Doji Hà Nội: 56,60 triệu đồng/lượng - 57,60 triệu đồng/lượng
Doji TP.HCM: 56,60 triệu đồng/lượng - 57,80 triệu đồng/lượng
SJC Hà Nội: 55,90 triệu đồng/lượng - 56,62 triệu đồng/lượng
SJC TP.HCM: 55,90 triệu đồng/lượng - 56,63 triệu đồng/lượng
Kết thúc phiên giao dịch 16/9, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji và SJC niêm yết theo thứ tự mua vào và bán ra như sau:
Doji Hà Nội: 56,60 triệu đồng/lượng - 57,70 triệu đồng/lượng
Doji TP.HCM: 56,60 triệu đồng/lượng - 57,80 triệu đồng/lượng
SJC Hà Nội: 56,50 triệu đồng/lượng - 57,22 triệu đồng/lượng
SJC TP.HCM: 56,50 triệu đồng/lượng - 57,23 triệu đồng/lượng
Giá vàng hôm nay 17/9: Vàng lao dốc.
Tính tới 8h30 sáng 17/9 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.756 USD/ounce.
Đêm 16/9 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.755 USD/ounce. Vàng giao tháng 12 trên sàn Comex New York ở mức 1.754 USD/ounce.
Giá vàng thế giới đêm 16/9 thấp hơn khoảng 7,4% (140 USD/ounce) so với đầu năm 2021. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 49,7 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn khoảng 7,5 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối giờ chiều phiên 16/9.
Giá vàng trên thị trường quốc tế lao dốc giữa lúc đồng USD hồi phục khá mạnh và đà bán tháo gia tăng theo tín hiệu từ phân tích kỹ thuật.
Vàng giảm mạnh sau khi rớt khỏi ngưỡng hỗ trợ quan trọng 1.780 USD/ounce. Tín hiệu phân tích kỹ thuật trở nên xấu đi nhanh chóng, qua đó kéo giá vàng xuống mức thấp nhất trong 4 tuần.
Vàng giảm giá cho dù chứng khoán toàn cầu có xu hướng đi xuống. Giới đầu tư lo lắng về sự suy giảm kinh tế ở Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Các báo cáo từ Trung Quốc cho biết nhà phát triển bất động sản khổng lồ China Evergrande Group đang gặp vấn đề nợ nghiêm trọng có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm đối với lĩnh vực nhà ở của Trung Quốc, một lĩnh vực vốn đóng một vai trò lớn trong tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Nền kinh tế Mỹ trong khi đó chứng kiến sức tiêu dùng tăng mạnh hơn dự báo trong tháng 8, qua đó làm giảm sự quan ngại về khả năng hồi phục của nền kinh tế số 1 thế giới.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán lẻ của Mỹ tăng 0,7% trong tháng 8, tăng mạnh so với mức giảm 1,8% trong tháng 7.
Mặc dù vậy, tác động của đại dịch được cho là chưa hoàn toàn biến mất.
Chứng khoán Bản Việt (VCI): Dư nợ trái phiếu nửa đầu năm tăng đột biến 149% lên 1.623 tỷ, sắp "hút" thêm 200 tỷ đồng
Chứng khoán Bản Việt (VCI) vừa thông qua kế hoạch huy động vốn qua kênh trái phiếu. Được biết, trái phiếu chào bán lần thứ 6 của VCI là trái phiếu ghi danh, không chuyển đổi. Tổng giá trị huy động 200 tỷ đồng, lãi suất cố định 8%/năm và kỳ hạn 2 năm.
Mục đích huy động nhằm bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh của Công ty, thanh toán chi phí liên quan đến các đợt phát hành trái phiếu cũng như bổ sung vốn cho hoạt động thường xuyên của Công ty.
Được biết, từ đầu năm đến nay VCI đã huy động 5 đợt chào bán trái phiếu, tổng tiền thu về 730 tỷ đồng. Chi tiết từng đợt, gồm:
+ Đợt 1: Giá trị huy động 110 tỷ đồng, kỳ hạn 2 năm và lãi suất 7,5%/năm;
+ Đợt 2: Giá trị huy động 250 tỷ đồng, kỳ hạn 2 năm và lãi suất 9%/năm;
+ Đợt 3: Giá trị huy động 210 tỷ đồng, kỳ hạn 2 năm và lãi suất 8,5%/năm;
+ Đợt 4: Giá trị huy động 110 tỷ đồng, kỳ hạn 2 năm và lãi suất 7,5%/năm;
+ Đợt 5: Giá trị huy động 50 tỷ đồng, kỳ hạn 2 năm và lãi suất 8,5%/năm;
Việc huy động vốn từ những đợt chào bán trái phiếu mục đích chủ yếu VCI dùng để tăng tỷ lệ cho vay trong bối cảnh TTCK Việt Nam ngày càng phổ biến, thanh khoản liên tục phá đỉnh. Cùng với, VCI cũng dùng phần lớn vốn huy động để thực hiện đầu tư.
Ghi nhận trên BCTC bán niên soát xét, hiện dư nợ trái phiếu đang vào mức 1.622,5 tỷ đồng, chiếm 26% tổng dư nợ ngắn hạn và tăng đột biến 149% so với đầu kỳ.
Về kinh doanh, doanh thu nửa đầu năm tăng 110% lên 1.661,5 tỷ đồng. Động lực tăng do 6 tháng đầu năm thị trường chứng khoán diễn biến tích cực, giá trị giao dịch tăng mạnh 283% so với cùng ỳ năm 2020 trên sàn HSX. Tương ứng doanh thu môi giới Công ty tăng đến 95%, tương ứng tăng 181,5 tỷ đồng so với nửa đầu năm ngoái.
Bên cạnh đó, VCI cũng thực hiện hoá lợi nhuận tại một số khoản đầu tư nên làm doanh thu bán các tài sản tài chính tăng 404 tỷ đồng, tương ứng tăng 82%.
Khấu trừ các chi phí, VCI lãi sau thuế 702 tỷ đồng, tăng 117% so với nửa đầu năm 2020.
Vướng mắc nào cản trở M&A bất động sản?
Tại Việt Nam, các thương vụ mua bán, sáp nhập M&A thường được thực hiện thông qua hình thức M&A công ty dự án. Việc chuyển nhượng dưới hình thức chuyển nhượng tài sản chủ yếu được thực hiện với các tài sản đã vận hành nhưng cũng gặp nhiều khó khăn về thủ tục và các vấn đề liên quan đến thuế.
Vì nhiều lý do, trong đó có cả những tác động của dịch COVID-19 đã khiến tiến độ hoàn thành pháp lý của dự án, yếu tố then chốt quyết định sự thành bại của một thương vụ bị chậm lại. Đây là một trong những vướng mắc đang cản trở trên đường đua M&A bất động sản.
Nhận định về những vướng mắc trong tiến hành các thương vụ M&A hiện nay, bà Lê Phương Lan -Trưởng Bộ phận Tư vấn Đầu Tư Savills Hà Nội cho rằng, hiện nhiều chủ đầu tư của dự án vẫn chưa cấu trúc lại doanh nghiệp theo hướng tách các dự án thành các công ty dự án độc lập. Yếu tố này cản trở nhiều đến tiến tiến trình thực hiện thương vụ M&A.
Hơn nữa, trong thời gian vừa qua và trước mắt, khó khăn từ quy định về phòng chống dịch COVID-19 với việc hạn chế đi chuyển giữa các quốc gia, giữa các địa phương do giãn cách xã hội tại nhiều nơi cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động M&A xuyên biên giới, đặc biệt là các nhà đầu tư mới tại Việt Nam.
Bà Lan cho biết, trong các thương vụ mà Savills đang tư vấn, dù đã có sự hỗ trợ rất lớn từ nền tảng công nghệ cao, hạn chế đi lại vẫn phần nào khiến hoạt động thẩm định chuyên sâu về các doanh nghiệp, dự án gặp khó khăn.
Đặc biệt, M&A bất động sản còn là thị trường nhạy cảm và yêu cầu tính bảo mật cao. Thông tin chuyển nhượng dự án không thể được công khai trên thị trường hoặc qua các phương tiện thông tin đại chúng. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc trực tiếp tìm kiếm đối tác.
Do đó, chủ sở hữu dự án cần chuyển nhượng nên tìm đến các đơn vị tư vấn uy tín, có mạng lưới đầu tư quy mô toàn cầu để kết nối trực tiếp đến nhà đầu tư. Việc này nhằm tránh rủi ro thông tin, tiết kiệm chi phí giao dịch và tổ chức bộ máy nhân sự cho hoạt động M&A – bà Lan đưa ra lời khuyên.
Một khó khăn nữa cần kể đến là sự khác nhau trong phương thức tiếp cận định giá dự án giữa người mua và người bán. Bà Lan phân tích, nhìn từ góc độ bên bán, cuối năm 2020 và hai quý đầu năm 2021, giá bất động sản nhà ở tại Việt Nam không hề giảm. Cùng đó, chính sách tiền tệ được nới lỏng khiến nhiều chủ bất động sản vẫn kỳ vọng dịch bệnh sớm qua và thị trường sẽ hồi phục mạnh. Do đó, họ tiếp tục giữ lại các bất động sản hoặc định giá bán ở một mức rất cao.
Trong khi đó, đánh giá và kỳ vọng của bên mua lại không được lạc quan như vậy. Họ thận trọng hơn khi xuống tiền đầu tư tại thời điểm này và thường giữ tâm lý “chờ đợi” hơn là đưa ra quyết định đầu tư. Bởi vậy, người mua và bán chưa tìm được tiếng nói chung trong hoạt động định giá dự án.
Bất động sản khu công nghiệp vẫn là điểm sáng thu hút hoạt động M&A. Ảnh minh họa: TTXVN
Đồng quan điểm, ông Marc Townsend – nguyên Tổng giám đốc điều hành CBRE Việt Nam chia sẻ, trong giao dịch M&A luôn tồn tại sự sợ hãi của cả người mua lẫn người bán. Người bán luôn sợ bán giá thấp, sẽ lỗ, ngược lại người mua cũng e ngại việc mua phải giá quá cao.
Theo ông Marc Townsend, để giải quyết việc này, giao dịch M&A cần phải có sự minh bạch về thông tin, thông qua hệ thống kế toán tốt để có đầy đủ thông tin nhằm tạo niềm tin cho người mua. M&A nếu được giao dịch thành công sẽ mang lại hiệu quả rất lớn cho cả người mua lẫn người bán. Người mua nếu để đầu tư một dự án từ ban đầu, họ sẽ mất ít nhất vài năm, nhưng nếu qua M&A, thời gian chỉ mất từ 6 – 8 tháng.
Mặc khác, thông qua M&A, nhà đầu tư sẽ tránh đi được những vướng mắc liên quan đến giải tỏa, đền bù hoặc các thủ tục pháp lý liên quan đến quyền sử dụng đất… Điều này rất tốt đối với các dự án bất động sản.
Nhận định về nhà đầu tư, bà Lan cho rằng, có 2 yêu tố tâm lý. Thứ nhất là tâm lý là muốn tham gia vào thị trường, vì đa số tất cả các quốc gia bao gồm cả Việt Nam đều đang nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế sau thời kỳ dịch COVID-19. Các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư bất động sản đều đang có trong tay những nguồn tiền rẻ và không ai muốn chậm chân ở một thị trường còn nhiều tiềm năng và dư địa tăng giá như thị trường bất động sản Việt Nam.
Tuy nhiên, đối với nhà đầu tư là các tổ chức thì vẫn còn tâm lý thận trọng. Đại dịch là tình huống bất định trong khi đầu tư vào bất động sản là khoản đầu tư dài hạn nên họ vẫn cần xem xét, cân nhắc nhiều yếu tố trước khi đưa ra quyết định, đặc biệt đối với các nhà đầu tư mới.
Do đó, các nhà đầu tư tổ chức có xu hướng tìm đến những tổ chức tư vấn quốc tế chuyên nghiệp, am hiểu thị trường bản địa nhằm tìm kiếm những thông tin đánh giá cũng như tư vấn hỗ trợ việc ra quyết định đầu tư. Quyết định đầu tư sẽ trở nên rõ ràng hơn khi họ nhìn thấy những tín hiệu về việc đại dịch đã được kiềm chế tốt – chuyên gia này phân tích.
Doanh nghiệp thua lỗ, ngân hàng lãi lớn
Theo VNDirect, từ số liệu kết quả kinh doanh của 17 ngân hàng niêm yết (có tổng dư nợ vay chiếm 66% tín dụng toàn ngành) tổng thu nhập lãi thuần tăng 46,1% so với cùng kỳ trong Quý 2/2021 từ nền tăng trưởng thấp của Quý 2/2020, được hỗ trợ bởi tín dụng tăng 18,4% so với cùng kỳ và biên lãi suất (NIM) bình quân tăng 109 điểm cơ bản.
Thu nhập ngoài lãi tăng 36,4% so với cùng kỳ nhờ thu nhập phí thuần tăng 53% so với cùng kỳ. Tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) bình quân giảm xuống 34,8% trong Quý 2/2021 từ 36,1% trong Quý 2/2020.
Trong khi đó, tổng chi phí dự phòng tăng 89,5% so với cùng kỳ, chiếm 42,7% lợi nhuận hoạt động trước dự phòng. Do vậy, tổng lợi nhuận ròng của các ngân hàng niêm yết tăng 36,2% so với cùng kỳ trong quý 2/2021, thấp hơn mức 77,3% của quý 1/2021.
“Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng lợi nhuận ròng của 17 ngân hàng niêm yết tăng 55,5% so với cùng kỳ, trong đó, lợi nhuận ròng của 3 ngân hàng niêm yết có vốn Nhà nước là Vietcombank, VietinBank và BIDV tăng 42,5% so với cùng kỳ”, VNDirect cho biết.
“Lợi nhuận của các khối ngân hàng rất rất là cao. Vấn đề cần đặt ra sự hài hoà giữa các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng. Tổ chức tín dụng thì lãi, trong khi doanh nghiệp thì khó khăn, khả năng giảm lãi suất của ngân hàng trong thời gian tới cho doanh nghiệp có có khả thi hay không?”, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu ý kiến tại phần thảo luận Về dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19 vào sáng qua (16/9).
Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh - Ảnh VTV
Để hỗ trợ doanh nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề xuất gói hỗ trợ tín dụng 2.400 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi.
“Chỉ cần bỏ ra 2.400 tỷ đồng với lãi suất hỗ trợ 4% có thể huy động 60.000 tỷ đồng cho nền kinh tế. Tại sao gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp chưa được đề xuất”, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đặt dấu hỏi.
Cho ý kiến về đề xuất gói hỗ trợ tín dụng 2.400 tỷ đồng, theo Phó Thống đốc Ngân hàng NHNN Đào Minh Tú cho biết đây là một giải pháp quan trọng. Bởi thời điểm hiện tại giải pháp gì hỗ trợ được doanh nghiệp lớn hay nhỏ đều rất cần thiết.
Ông Tú nhấn mạnh trong thời gian qua, hệ thống ngân hàng đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Theo Phó Thống đốc NHNN, từ khi có dịch đến trước làn sóng COVID-19 thứ 4, toàn hệ thống ngân hàng đã hỗ trợ lãi suất doanh nghiệp là 17.000 tỷ đồng. Bắt đầu từ làn sóng COVID-19 thứ 4, 16 ngân hàng thương mại có quy mô lớn nhất cũng đã cam kết gói hỗ trợ lãi suất 20.400 tỷ đồng cho đến cuối năm. Ngoài ra, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước cam kết hỗ trợ thêm 1.000 tỷ đồng.
“Tổng số tiền mà các ngân hàng cam kết hỗ trợ từ này đến cuối năm khoảng 24.500 tỷ đồng. Số tiền mà các ngân hàng đã hỗ trợ lãi suất các doanh nghiệp là hơn 8.800 tỷ đồng”, ông Tú cho biết.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, sự bùng phát mạnh của làn sóng COVID-19 lần thứ 4 cùng với các đợt giãn cách liên tiếp đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là các địa phương phía Nam.
Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng năm 2021 là 85.500 doanh nghiệp, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó TP Hồ Chí Minh có 24.000 doanh nghiệp (chiếm 28,1% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường), tăng 6,6%. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 43.200 doanh nghiệp, chiếm 50,5% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.