Bản tin Miền Tây ngày 17/5/2022: Ăn bún ở Cần Thơ
Món bún mắm ở quán Bún Mắm 173 đường 30/4. Ảnh: ÁI VY
Theo Báo Cần Thơ, các món ăn từ bún tại Cần Thơ khá đa dạng: bún măng vịt xiêm, bún cá, bún cà ri, bún bò Huế, bún mắm, bún xào, bún thịt nướng, bún thố... Trong đó, bún măng vịt xiêm có từ lâu và rất được người dân địa phương yêu thích. Du khách có thể tìm đến các quán nổi tiếng lâu đời như: Bún măng 123 (số 123 đường Phan Đình Phùng), Bún măng - cà ri Thu Hiền (9A đường Nguyễn Văn Linh)… Bún bò Huế cũng là một trong những món ngon thường được người địa phương giới thiệu cho du khách mỗi khi đến Cần Thơ. Có nhiều quán nổi tiếng được nhắc đến như: Hữu Thọ (37 Đồng Khởi), Huỳnh Châu (166 Phan Đình Phùng), Vĩ Dạ (15 Xô Viết Nghệ Tĩnh)…
Những năm gần đây, Cần Thơ còn được biết đến với đặc sản bún thố. Các món bún nước được phục vụ trong thố với mục đích giữ nóng: bún cá, bún chả tiêu, bún hải sản… Để thưởng thức bún thố, du khách có thể đến Bún Thố (149 Trần Văn Khéo), Bún cá Hưng Phú Lộc 2 (bờ kè Cái Khế, Lý Hồng Thanh), bún cá ở cà phê Ca Dao (số 2 Phan Văn Trị)…
Nắm bắt xu hướng ẩm thực hiện đại và đa dạng từ các vùng miền, Cần Thơ còn nổi danh với nhiều món bún hấp dẫn như: bún Thái, bún sứa, bún bề bề… Bún Thái được nhiều thực khách tại Cần Thơ yêu thích bởi vị chua cay và món ăn kèm đa dạng, với nhiều quán như: Bún Thái 68 (số 3 Ngô Sĩ Liên và 421 AA Nguyễn Văn Cừ), Bún Thái - hủ tiếu mực Phúc (số 17-19 Khu dân cư Metro). Đối với món bún bề bề, du khách có thể thưởng thức tại Bún bề bề - Cần Thơ (43 Xô Viết Nghệ Tĩnh). Còn món bún sứa thì được bán tại Bún cá sứa Nha Trang, hẻm 29 Xô Viết Nghệ Tĩnh (số 4/29).
Phấn khởi đón cao tốc Cần Thơ - Cà Mau
Đoàn công tác của UBND tỉnh Hậu Giang khảo sát thực địa một số vị trí đã cắm cọc giải phóng mặt bằng và các nút giao trên tuyến vào đầu tháng 5.
Người dân phấn khởi
Theo Báo Hậu Giang, dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025, đoạn Cần Thơ - Cà Mau, dự kiến được khởi công vào tháng 11/2022. Đoạn qua địa phận tỉnh Hậu Giang có chiều dài khoảng 63km, chiếm tới 58% tổng chiều dài toàn tuyến. Công tác giải phóng mặt bằng phải được thực hiện nhanh chóng, đảm bảo tiến độ khởi công là áp lực không nhỏ đối với cơ quan chuyên môn. Các địa phương đã tích cực vận động, tuyên truyền từ sớm để tạo sự đồng thuận cao trong dân.
Ông Trần Văn Cho, ở ấp Long Hòa B, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, có khoảng 5.000m2 đất trồng ấu, kết hợp với nuôi thủy sản. Mỗi năm đem về nguồn thu trên 100 triệu đồng. Khi hay tin có tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đi qua phần đất của mình, ông Cho không khỏi bùi ngùi. Nhưng càng vui hơn bởi vùng quê sắp đón tuyến đường lớn đi qua.
Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Hậu Giang đang kết hợp với các địa phương khẩn trương kiểm đếm, đo đạc thu hồi đất để đảm bảo yêu cầu tiến độ giải phóng mặt bằng dự án.
Ông Cho bộc bạch: “Khi hay tin miếng ruộng của mình bị ảnh hưởng gần hết, tôi cũng buồn chứ! Nhưng nghĩ tới chuyện rồi đây sẽ có một con đường cao tốc đi qua vùng nông nghiệp này, tôi thấy vui nhiều hơn. Hôm người ta vào cắm cọc giải phóng mặt bằng, tôi cũng hỏi thử và biết con đường này nối thẳng từ Cần Thơ về Hậu Giang mình rồi đi về Cà Mau, băng qua mấy tỉnh lận. Mấy hôm nay, tôi cũng lân la dò hỏi tìm mua miếng đất nơi khác để canh tác. Giờ tôi chỉ mong sao sớm bồi hoàn thỏa đáng để mình tái sản xuất, niềm vui được nhân đôi”.
Nông dân Huỳnh Văn Quang, ở xã Long Thạnh, cho biết thêm: “Không riêng tôi, nhiều hộ khác cũng vui mừng đón dự án. Tôi có phần đất bị ảnh hưởng bởi tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, lúc mấy chú ở địa phương vận động, tôi ủng hộ hết lòng. Chỉ mong sao quê mình phát triển hơn, đường sá ngày càng mở mang, giao thương thuận tiện”.
Sự đồng thuận cao của người dân đối với dự án đã thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng trong thời gian qua được thuận lợi, nhanh chóng. Ngoài việc tích cực giải phóng mặt bằng, 4 huyện có tuyến đi qua là Châu Thành, Vị Thủy, Phụng Hiệp và Long Mỹ cũng đang quản lý chặt chẽ đoạn tuyến, tránh tình trạng xây dựng chờ giải phóng mặt bằng.
Đây cũng là vấn đề được UBND tỉnh chỉ đạo sát sao trong các buổi làm việc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng đoạn cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (qua địa phận Hậu Giang). Trong buổi làm việc với Ban quản lý dự án Mỹ Thuận mới đây, ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh khẩn trương giải phóng mặt bằng dự án. Sau khi đã tiếp nhận bàn giao cọc mốc và hồ sơ thiết kế giải phóng mặt bằng đợt 2, Trung tâm Phát triển quỹ đất, các đơn vị chức năng liên quan khẩn trương kiểm đếm, đo đạc thu hồi đất để đảm bảo yêu cầu về tiến độ giải phóng mặt bằng. UBND 4 huyện có tuyến cao tốc đi qua là Châu Thành, Vị Thủy, Phụng Hiệp và Long Mỹ tích cực tuyên truyền, vận động người dân bàn giao mặt bằng, tiếp tục tạo sự đồng thuận cao trong dân, quản lý chặt chẽ tình trạng xây dựng đối với đoạn qua địa phận Hậu Giang.
Tập trung cao vào giải phóng mặt bằng
Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025, đoạn Cần Thơ - Cà Mau, có tổng chiều dài trên 111km. Trong đó, đoạn thuộc Hậu Giang dài khoảng 63km, qua 4 huyện Châu Thành, Vị Thủy, Phụng Hiệp và Long Mỹ với diện tích thu hồi đất khoảng 420ha và được chia thành 2 dự án thành phần là Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau.
Theo ông Lê Văn Thanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Hậu Giang, đến đầu tháng 5, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đã bàn giao cọc giải phóng mặt bằng 2 đợt với chiều dài 47,8km; diện tích khoảng 205,69ha. Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh và các địa phương đã kiểm đếm cơ bản xong đợt 1. Theo kế hoạch, giải phóng mặt bằng đợt 2 sẽ thực hiện với tổng chiều dài khoảng 31,3km, diện tích khoảng 135ha. Công tác giải phóng mặt bằng đang được gấp rút triển khai để đáp ứng yêu cầu tiến độ chung của dự án.
Theo ông Lê Đức Tuân, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận thì Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đã bàn giao hồ sơ thiết kế và cọc mốc giải phóng mặt bằng đợt 2, đề nghị tỉnh Hậu Giang tiếp tục quan tâm chỉ đạo công tác kiểm đếm, đo đạc thu hồi đất để đảm bảo yêu cầu có khoảng 70% mặt bằng để khởi công vào cuối năm.
Theo đánh giá của Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, tiến độ triển khai các công tác giải phóng mặt bằng đợt 1 cơ bản đạt yêu cầu. Tính đến đầu tháng 5, công tác bàn giao, tiếp nhận hồ sơ và cọc giải phóng mặt bằng đợt 2 được trên 31km. Như vậy, khối lượng công việc đã tăng thêm gấp đôi so với đợt 1, đòi hỏi sự tập trung và phối hợp cao. Do đó, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận kiến nghị tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo các đơn vị triển khai công việc tiếp theo để đáp ứng được tiến độ yêu cầu, đảm bảo bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 20 tháng 11 năm 2022…
Thực hiện Nghị quyết số 18 của Chính phủ về việc triển khai Nghị quyết số 44 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 và chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đã chỉ đạo đơn vị tư vấn lập dự án hoàn thiện hồ sơ để trình duyệt và triển khai công tác cắm cọc giải phóng mặt bằng. Đến nay, hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng đợt 2 đã hoàn thiện và triển khai cắm cọc mốc ngoài thực địa. Ban quản lý dự án đã tổ chức bàn giao cọc mốc cho các địa phương đợt 2 với chiều dài 55,27km, nâng tổng số chiều dài tuyến bàn giao là 89,45km (đạt hơn 81% toàn tuyến).
Dự án công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025 gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353km) và Cần Thơ - Cà Mau (109km), tổng chiều dài khoảng 729km, đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập.
Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương đo đạc, kiểm đếm, xây dựng các khu tái định cư; phấn đấu đến ngày 31/12 phải bàn giao ít nhất 70% mặt bằng. Tỉnh, thành có dự án thành phần đi qua chủ động phối hợp với đơn vị tư vấn, Ban quản lý dự án xác định các mỏ vật liệu xây dựng phục vụ cho các dự án qua địa bàn.
Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các Ban quản lý dự án và đơn vị tư vấn khảo sát, điều tra kỹ lưỡng về chất lượng, trữ lượng các mỏ vật liệu, bãi đổ thải đảm bảo đáp ứng yêu cầu của dự án. Đồng thời, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đã làm việc trực tiếp với UBND các tỉnh để chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và các địa phương phối hợp với các Ban quản lý dự án và tư vấn thỏa thuận về vị trí, trữ lượng mỏ vật liệu, bãi thải, cũng như triển khai các thủ tục liên quan để có thể sớm khai thác vật liệu phục vụ cho dự án.
Cà Mau: Cảnh cáo Hiệu phó bắt học sinh ăn thức ăn lấy từ thùng rác
Tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau cho biết liên quan đến vụ việc thầy hiệu phó bắt học sinh ăn thức ăn lấy từ thùng rác, Sở đã triển khai quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với ông Lê Trung Đảm, Hiệu phó Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển.
Ngôi trường thầy Lê Trung Đảm làm Hiệu phó.
Trước đó sáng 18/4, ông Lê Trung Đảm đi kiểm tra nề nếp học sinh cùng với đại diện Đoàn thanh niên và giám thị của trường. Quá trình kiểm tra, ông Đảm phát hiện có 6 học sinh lớp 12 mang thức ăn vào lớp học ăn. Quy định của trường không cho học sinh ăn trong lớp nên ông gọi 6 học sinh (4 nam, 2 nữ) ra ghế đá ở sân trường ngồi ăn. Trên đường đi 2 học sinh nam đã bỏ thức ăn vào thùng rác. Khi ông Đảm đi kiểm tra một vòng, trở lại thấy 2 nam học sinh không còn ăn đã yêu cầu các học sinh này đi lấy lại ăn.
Sau khi báo chí thông tin về vụ việc, UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát, xác minh nội dung vụ việc. Qua xác minh, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau xác định nội dung báo chí đã thông tin là có cơ sở. Sau đó qua 2 lần tổ chức họp kiểm điểm, ông Lê Trung Đảm mới bị kỷ luật cảnh cáo.
Kiên Giang rà soát lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá
Theo TTXVN, Chi cục Thủy sản Kiên Giang cho biết tỉnh hiện còn 295 tàu cá không khả năng lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và thuộc diện xoá đăng ký, loại trừ như: phương tiện nằm bờ ngừng hoạt động, hư hỏng, chìm, cháy, nước ngoài bắt giữ, ngân hàng quản lý…
Tàu đánh bắt hải sản trên vùng biển Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Ảnh minh họa: Ngọc Hà/TTXVN
Tuy nhiên, ngành chức năng tập trung kiểm tra, rà soát việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá đối với số tàu này và toàn bộ đoàn tàu thuộc diện phải lắp đặt thiết bị, nhằm đảm bảo theo dõi, giám sát, kiểm soát được 100% tàu cá hoạt động trên biển.
Cùng với đó, tỉnh tập hoàn thành đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản theo quy định, kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra, vào cảng, các cửa sông, cửa biển và tăng cường xử lý tàu vi phạm phát hiện qua hệ thống giám sát hành trình tàu cá.
Qua theo dõi hệ thống giám sát hàng ngày, ngành chức năng phát hiện thực hiện cuộc gọi đối với tàu cá vượt ranh giới trên biển quay về vùng biển Việt Nam, không sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép. Đồng thời, phát hành văn bản cảnh báo đối với tàu vượt ranh giới trên biển, tàu cá mất kết nối với hệ thống giám sát và cung cấp thông tin đề nghị các lực lượng chức năng phối hợp kiểm tra, xác minh nhóm tàu cá có dấu hiệu, nguy cơ vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Mặc dù vậy, trên ngư trường vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng chủ tàu cá, thuyền trưởng khi đưa tàu ra khơi khai thác đánh bắt tháo gỡ thiết bị giám sát hành trình gửi sang tàu khác. Hoặc, gửi trên các bè nuôi cá lồng trên biển của ngư dân, hay gửi vào bờ làm cho thiết bị giám sát hành trình tàu cá mất kết nối với hệ thống hoặc có kết nối nhưng ở cùng một vị trí trong thời gian dài. Từ đó, ngành chức năng không thể theo dõi, giám sát, kiểm soát được 100% tàu cá hoạt động trên biển.
Tỉnh Kiên Giang vẫn kiên quyết thực hiện các giải pháp trọng tâm để ngăn chặn hiệu quả, không để xảy ra tình trạng tàu cá ngư dân vi phạm IUU, làm ảnh hưởng đến kết quả chống IUU chung của tỉnh và cả nước.
Cụ thể, tỉnh tập trung rà soát, khoanh vùng, lập danh sách các đối tượng, nghề khai thác, địa bàn trọng điểm tại địa phương… đã vi phạm và có nguy cơ cao vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài để tăng cường theo dõi, nắm tình hình chặt chẽ, triển khai đồng bộ giải pháp ngăn chặn, xử lý.
Ngành chức năng phối hợp với địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cộng đồng ngư dân và các thành phần có liên quan không thực hiện hành vi vi phạm; đề cao tinh thần ngăn chặn, tố giác các hành vi vi phạm; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân cố tình đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Đến thời điểm này, tỉnh cơ bản đã ngăn chặn được tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Từ tháng 9/2021 đến nay, không có trường hợp tàu cá nào vi phạm IUU khi kiểm tra tại các cảng cá, bến cá; số tàu cá vi phạm về các thủ tục hành chính khi ra vào các trạm kiểm soát Biên phòng giảm đáng kể so với trước đây.
Từ đầu năm 2022 đến nay, sản lượng khai thác thủy sản trên ngư trường của Kiên Giang giảm 6,78% so với cùng kỳ, chỉ đạt 35,6% kế hoạch, tương đương 173.776 tấn.
Tỉnh đã quy định phân vùng khai thác đánh bắt gồm ven bờ, lộng và khơi; đồng thời quy định vùng cấm khai thác quanh năm nhằm khôi phục, tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên trên ngư trường; phân cấp vùng ven bờ cho huyện, thành phố ven biển quản lý.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.