Bản tin Miền Tây ngày 18/5/2022: Khai thác du lịch từ tiềm năng, thế mạnh sẵn có
Mô hình du lịch sinh miền Tây. Ảnh minh họa
Định hướng bài bản
Theo Báo Hậu Giang, khai thác du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, trải nghiệm gắn với văn hóa sông nước là một trong những điểm sáng, từng bước được địa phương định hướng bằng những kế hoạch, đề án.
Sau khi Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo, được triển khai, UBND huyện Châu Thành A xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Mỗi lĩnh vực, đều xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, có phân công, phân nhiệm vụ cụ thể. Riêng du lịch, mục tiêu đề ra là đa dạng hóa sản phẩm du lịch, ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, nông nghiệp, cộng đồng gắn với văn hóa bản địa, mở rộng, nâng cao chất lượng dịch vụ, như cơ sở lưu trú, dịch vụ thương mại, vui chơi, giải trí…
Huyện đã xây dựng hoàn chỉnh đề án phát triển du lịch, trong đó phân tích sâu tiềm năng, lợi thế, các nhóm giải pháp thực hiện từng giai đoạn và định hình những sản phẩm du lịch thế mạnh, đặc trưng, liên kết nội tỉnh và liên kết vùng để từng bước khai thác du lịch. Huyện đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, đón 130.000 lượt khách nội địa và quốc tế, qua việc đầu tư khai thác các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái sông nước trên tuyến kênh xáng Xà No, du lịch trải nghiệm tại Trang trại sữa dê Ngọc Đào… Song song đó, địa phương tiếp tục nâng chất toàn diện hệ thống giao thông nông thôn lên một tầm mới, phát huy các loại hình du lịch sinh thái, trải nghiệm, lịch sử, tâm linh và kêu gọi đầu tư các loại hình du lịch giải trí, nghỉ dưỡng.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Châu Thành A, chia sẻ: Có nhiều nhà đầu tư cũng đã đến và tìm hiểu để có hướng đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch. Gần đây nhất là Công ty Green Dragon đã có chuyến khảo sát tại trung tâm huyện, có hướng đầu tư xây dựng phố đi bộ, ẩm thực đường phố. UBND huyện còn kêu gọi xã hội hóa đầu tư sản phẩm dịch vụ văn hóa du lịch tại Quảng trường UBND huyện, với tổng diện tích hơn 2ha, trong đó hơn nửa diện tích để xây dựng sân khấu, sân lễ tổ chức những sự kiện lớn. Nếu được đầu tư dịch vụ, nơi đây sẽ là điểm giải trí và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ đa dạng, tạo điểm nhấn tại trung tâm huyện.
Vào cuộc đồng bộ
Việc định hướng bài bản bằng kế hoạch, đề án, đã giúp cho địa phương có cái nhìn khác về du lịch. Bà Nguyễn Thị Lý, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhận định: “Châu Thành A là một trong những địa phương đã có sự quan tâm và vào cuộc rất quyết liệt, bài bản. Chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục hỗ trợ về chuyên môn, tạo điều kiện cho địa phương, nhất là người dân tiếp cận với những cách khai thác tiềm năng hiện có cũng như xây dựng sản phẩm du lịch mới, để có góc nhìn và đầu tư đúng hướng. Địa phương phát huy thế mạnh, tạo nên những sản phẩm đặc thù, đủ sức thu hút du khách, sẽ góp phần thúc đẩy du lịch của Châu Thành A nói riêng, tỉnh Hậu Giang nói chung, phát triển xứng tầm”.
Chính những cố gắng và nỗ lực đó, đã dần hình thành nên những sản phẩm du lịch bước đầu mang lại những hiệu quả thiết thực, như: Công viên giải trí Kittyd & Minnied, Làng hoa Xáng Mới, Trang trại sữa dê Ngọc Đào, điểm du lịch Miệt Ngàn… Đặc biệt, homestay Mương Đình vừa đi vào hoạt động từ đầu năm đến nay, đã trở thành nơi được nhiều du khách tìm đến. Trong không gian yên bình, xanh mát với nhiều loại hoa trải khắp lối đi, trái cây bốn mùa trĩu quả. Du khách còn được trải nghiệm những trò chơi dân gian, bơi thuyền len lỏi trong vườn cây ăn trái… Bà Dương Thị Nhỏ, chủ homestay này chia sẻ: Ngoài việc quyết tâm bỏ kinh phí đầu tư, bà còn được hỗ trợ và tạo điều kiện để học tập, tham quan nhiều mô hình homestay ở nhiều nơi để rút kinh nghiệm, cơ sở đang hoàn thành các thủ tục để được hưởng chính sách ưu đãi của tỉnh.
Quyết định sự thành công trong quá trình phát triển du lịch còn là sự vào cuộc, cùng chung tay của người dân. Họ càng am hiểu, quyết chí làm du lịch, cộng với sự quan tâm, tiếp sức đúng lúc, sẽ góp phần quan trọng trong việc xây dựng những sản phẩm du lịch hiệu quả. Châu Thành A đã khai thác đúng điểm này, tạo nên sự chuyển mình ở lĩnh vực du lịch rất rõ nét. Những điểm du lịch từ các vườn cây ăn trái, quán cà phê trên địa bàn huyện cũng đang từng bước được người dân tiếp tục khai thác, mở rộng, hứa hẹn trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn tiếp theo.
Phấn đấu thu hút khoảng 300.000 lượt khách, doanh thu trên 318 tỉ đồng từ du lịch
Huyện Châu Thành A phấn đấu đến năm 2025 đón trên 130.000 khách du lịch, trong đó có trên 9.000 khách quốc tế, tổng doanh thu khoảng 94 tỉ đồng, tạo việc làm cho 400 lao động. Đến năm 2030 thu hút khoảng 300.000 lượt khách với doanh thu trên 318 tỉ đồng, tạo việc làm cho 1.000 lao động. Một số sản phẩm du lịch chủ lực hiện có của địa phương là: Homestay Mương Đình, du lịch Miệt Ngàn, Trang trại sữa dê Ngọc Đào. Một số sản phẩm du lịch đang kêu gọi đầu tư: du lịch sinh thái trên tuyến Quốc lộ 61C, kênh xáng Xà No. Giai đoạn 2025-2030, huyện sẽ tập trung phát triển loại hình du lịch thể thao, vui chơi giải trí…
Kiên Giang dự báo du lịch sẽ tăng trưởng mạnh vào dịp hè năm 2022
Theo Báo Pháp Luật, cùng với đà khôi phục và phát triển, ngành du lịch Kiên Giang được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh vào dịp hè năm 2022. Nhiều sản phẩm du lịch đa dạng đã bắt đầu triển khai sôi nổi nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách dịp hè này.
Sở Du lịch Kiên Giang cho rằng hiện lượng khách đến Kiên Giang du lịch không ngừng tăng lên. Đặc biệt, lễ giỗ Tổ Hùng Vương và dịp lễ 30/4 và 1/5, Kiên Giang ước đón khoảng nửa triệu lượt khách (có khoảng 7.000 lượt khách quốc tế) với doanh thu đạt hơn 350 tỷ đồng.
Ông Trần Quốc Khánh, Chủ tịch hiệp hội du lịch Kiên Giang chia sẻ, hiện các địa phương, doanh nghiệp du lịch đều vui mừng với kết quả này. Bởi vì, qua đây đã cho thấy ngành du lịch tỉnh nhà đã và đang có sự phục hồi sau thời gian dài ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19.
Các doanh nghiệp từ lữ hành đến vận chuyển, lưu trú, nghỉ dưỡng, ăn uống, vui chơi giải trí, mua sắm đã liên kết xây dựng các sản phẩm du lịch trọn gói với chất lượng cao, có giá ưu đãi cho du khách.
“Đây sẽ là bước đà để du lịch Việt Nam nói chung, Kiên Giang nói riêng tiếp tục phục hồi mạnh mẽ thị trường nội địa vào “mùa vàng” du lịch hè 2022 và đón đầu dòng khách quốc tế khi đến mùa cao điểm”, ông Khánh cho biết thêm.
Hòn Mây Rút Trong, ở phường An Thới, TP Phú Quốc là địa điểm du lịch nổi tiếng níu chân du khách đến chơi.
Ông Du Tố Tuấn, Giám đốc Vietravel chi nhánh Rạch Giá (Kiên Giang), cho biết: Đợt lễ 30/4 và 1/5 các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Kiên Giang như: Phú Quốc, Hà Tiên, Nam Du, Hòn Sơn… phía Vietravel đã bán hết vé từ trước đó khoảng 1 tháng. Đây là một tín hiệu đáng mừng, đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ trở lại của ngành du lịch. Tiếp nối thành công trên, dịp hè năm 2022 dự kiến số lượng khách du lịch sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Vietravel hiện đang triển khai nhiều chương trình, tour, sản phẩm du lịch đa dạng để sẵn sàng phục vụ du khách.
Tại Phú Quốc, các sản phẩm du lịch cũng được làm mới để chào đón du khách dịp hè. Đặc biệt, bên cạnh các tour trải nghiệm 4 đảo, khám phá thiên nhiên hoang sơ Rạch Vẹm thì du khách còn có thể trải nghiệm khám phá thiên nhiên bán hoang dã về đêm hoàn toàn mới và đầu tiên của Việt Nam “Safari Night” tại Vinpearl Safari Phú Quốc; khám phá cung điện Hải Vương - một trong những thủy cung lớn nhất thế giới với tạo hình rùa biển khổng lồ, cũng là nơi sinh sống và bảo tồn hơn 300 loài sinh vật biển của gần 255.000 cá thể và tương tác với hơn 200 chú chim cánh cụt…
Ngoài ra, Sungroup cũng chào đón du khách đến với Phú Quốc dịp hè 2022 bằng gói combo “Đêm thiên đường” siêu hấp dẫn; du ngoạn cáp treo Hòn Thơm sau 15h và thử cảm giác mạnh với Mộc Xà Thịnh Nộ - trò chơi tàu lượn bằng gỗ đầu tiên tại Việt Nam.
Ông Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang cũng cho rằng việc du khách đến Kiên Giang ngày một nhiều là tín hiệu vui và đầy khởi sắc cho ngành du lịch địa phương. Ngành du lịch Kiên Giang hiện khuyến khích, kêu gọi doanh nghiệp tiếp tục đầu tư nâng chất lượng dịch vụ, tạo sản phẩm du lịch mới thu hút khách, chào đón du lịch hè, góp phần đưa du lịch Kiên Giang sớm phục hồi, hướng tới mục tiêu phát triển du lịch bền vững.
Rộn ràng mùa sầu riêng
TP Cần Thơ có hơn 23.400ha cây ăn trái các loại, trong đó có hơn 2.400ha trồng sầu riêng, tập trung nhiều nhất ở huyện Phong Điền, khoảng 2.000ha. Thời điểm này, sầu riêng ở huyện Phong Điền thu hoạch rộ hoạt động mua bán rất nhộn nhịp. Năm nay, nhà vườn sầu riêng rất phấn khởi vì sầu riêng trúng mùa lại được giá.
Nhà vườn Phong Điền sử dụng phương tiện truyền thống ghe xuồng để chở sầu riêng đến nơi tiêu thụ.
Sầu riêng hạt lép Ri 6 trồng ở Phong Điền có thể cho năng suất từ 2-3 tấn/công, thậm chí cao hơn. Với giá bán từ 40.000-50.000 đồng/kg, trừ đi chi phí, nông dân có thể kiếm lời trên dưới 20.000 đồng/kg.
Sầu riêng Phong Điền đạt chất lượng cao được tiêu thụ mạnh tại nhiều địa phương trong nước và xuất khẩu.
Theo Báo Cần Thơ
Sản vật mùa sa mưa
Theo Báo Cà Mau, cũng như nhiều nơi khác trong khu vực ĐBSCL nói chung, vùng Bán đảo Cà Mau nói riêng, thời tiết chia thành hai mùa mưa, nắng rất rõ ràng. Kết thúc cái nắng tháng Ba chói chang, ruộng đồng nứt nẻ, chẳng bao lâu là mùa mưa về. Những ngày đầu mùa mưa người ta còn gọi là mùa sa mưa...
Mấy hôm nay ở Cà Mau đã xuất hiện nhiều trận mưa lớn kèm theo sấm chớp liên hồi, báo hiệu mùa sa mưa đã về. Khi mùa sa mưa đến, thiên nhiên có sự thay đổi lạ thường. Sau những ngày tháng phơi mình dưới nắng, đồng ruộng phút chốc đã chuyển mình vươn dậy, tràn đầy sức sống sau khi đã hào phóng căng mình đón những trận mưa như trút nước. Đây cũng là thời điểm mà nông dân mặc tình "thu hoạch” vô vàn sản vật mà thiên nhiên ban tặng.
Bắt cá lên
Khi mưa gần ngập các ao, hồ, kênh, rạch và đìa, bào trên ruộng là lúc các loại cá ào ạt kéo lên đồng để tìm chỗ ở mới, tìm nơi sinh sản, tìm mồi để ăn sau thời gian dài đói meo vì bị mắc cạn. Cá đi nhiều nhất là vào thời điểm những trận mưa lớn vừa ngớt hạt. Khi đó, đám trẻ chúng tôi thi nhau quẩy giỏ, xách thùng chạy dọc theo các miệng đìa, ra đồng để bắt cá lên. Lúc đó nhìn đâu cũng thấy cá, cá đi xanh nước. Những ai có kinh nghiệm thì chỉ tìm những con lớn để bắt, chứ đụng con nào bắt con nấy thì làm sao mà mang cho nổi. Thường chúng tôi thấy cá lóc mới bắt, chứ cá rô, cá sặt lúc này ốm nhom, ốm nhách, cứng ngắt lại nhiều nhớt ăn không ngon, vì mấy tháng trời chúng phải nhịn đói. Còn cá lóc không ốm lắm do thức ăn của chúng là cá con, mà cá con thì lúc nào, ở đâu cũng có.
Bắt cá lên chủ yếu là để thoả đam mê chứ thật ra cá lên làm khô thì không phơi được, làm mắm thì cũng không ngon lành gì, có khi bắt về cả giỏ đìa (loại gỏi lớn dùng để bắt cá khi tát đìa hay chụp đìa) rồi đem đi đổ xuống ao. Tối đến thì mỗi đứa một cái lồng đèn, một cây chĩa hoặc cây dao, men theo những con mương phèn vừa ngập nước tha hồ mà đâm, mà chém cá. Lúc này phản xạ của cá rất chậm chạp do trong nước có phèn làm cá bị chói mắt. Những buổi bắt cá như vậy, chúng tôi thường hay đi lén vì người lớn không cho bắt cá lúc này, bởi đây là mùa cá sinh sản.
Bắt chuột đồng
Khi mặt ruộng xâm xấp nước cũng là lúc chúng tôi rủ nhau đi bắt chuột. Trong năm không có thời điểm nào bắt chuột dễ và nhiều như lúc này. Nước ngập các kênh mương phèn, ngập hết các kẽ nẻ trên đồng ruộng. Chuột không còn chỗ ẩn náo, chúng kéo nhau về tập trung trú ngụ ở các bờ đám mạ, gò đất cao hay các bờ đìa nằm giữa ruộng. Lúc này, chỉ cần một chú chó giỏi đánh hơi tìm hang, khi chó tìm được hang thì xúm lại đào, cứ thế mà bắt hết con này đến con khác. Có những hang chuột đào chưa quá 2 mét đã bắt được cả 100 con, chúng nằm chen chúc với nhau.
Tìm được đường chuột chạy, chỉ cần giăng 1 cái lú, sau đó suỵt chó lùa, lũ chuột sẽ chạy tọt vào đuôi lú. Ảnh: NHẬT MINH
Chuột mùa này đa số là chuột mới lớn, con nào con nấy vàng tươi, mềm rụp. Đem chuột về trụng vào nước sôi rồi lột da. Thịt chuột trắng phau, chế biến món gì cũng ngon, cũng nhớ đời. Đối với tôi, ngon nhất là món chuột khìa nước dừa chấm nước mắm thấm, bỏ vào vài trái ớt hiểm xanh, ăn kèm với gỏi bắp chuối. Chiều mưa ở quê mà làm món này ăn với cơm nóng thì ăn đến chừng nào nứt bụng mới thôi.
Bắt ốc lác
Nước vừa ngập mặt ruộng cũng là lúc tập đoàn ốc lác sau bao ngày tháng nằm ẩn mình trong lòng đất ngoi lên để đi tìm sự sống. Chúng bò xuống những con kênh mương phèn vừa căng mừng đón nước. Ốc nổi có giề, chỗ nào cũng có, chỉ cần đưa tay xuống vớt một cái có khi dính cả chục con. Bọn chúng bám vào nhau phơi mình trên mặt nước. Chỉ cần quẩy giỏ đi vớt chừng 1 tiếng đồng hồ là đã mang không nổi rồi. Ốc mùa này vừa mập, vừa sạch. Đem ốc về luộc với sả và lá ổi chấm với nước mắm cơm mẻ, sả băm nhuyễn thì khỏi chê. Món ăn dân dã ngày nào bây giờ nhắc lại đã làm cho không ít con tim của những người xa quê phải thổn thức.
Bây giờ mùa sa mưa quê tôi đang về. Tôi chắc chắn rằng những sản vật ngày xưa sẽ không còn nữa, nếu còn thì cũng rất ít. Bởi lẽ, từ khi quê tôi thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ trồng lúa sang nuôi tôm thì hệ sinh thái vùng đất này đã thay đổi hoàn toàn. Mùa nắng vẫn đến. Mùa mưa vẫn về. Song ngoài đồng ruộng lúc nào cũng mênh mông nước mặn thì làm gì có cá đồng, có ốc lác, có chuột đồng như xưa để mà “thu hoạch”.
Có một chút chạnh lòng và tiếc nuối mông lung...
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.