Về Thành cổ thăm đồng đội: "Máu xương các anh đã hóa đất lành"
"Hành quân về chiến trường xưa" là chương trình thường niên do Hiệp hội DN của Thương binh và NKT Việt Nam, Tạp chí Điện tử Hòa nhập tổ chức. Trọng tâm của những chuyến đi này là các "địa chỉ đỏ" gắn liền với lịch sử hào hùng của dân tộc như Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9, ngã ba Đồng Lộc,... Chương trình này luôn được đón nhận bởi các cựu chiến binh, các hội viên của Hiệp hội hàng nằm. Đối với các cựu chiến binh, đây là cuộc trở về đầy cảm xúc. Họ về để thăm lại đồng đội, những người bạn chiến đấu đã cùng họ vào sinh ra tử nhưng không có may mắn được nhìn thấy ngày đất nước thống nhất. Mỗi bước chân trên mảnh đất xưa là một lần ký ức ùa về, sống động và bi tráng. Không hiếm những giọt nước mắt của những người lính già đã lăn dài trên má khi đứng trước những ngôi mộ tập thể, hay khi thắp một nén nhang cho người đồng đội cùng tiểu đội, cùng trung đoàn.
Trong một chuyến thăm Thành cổ Quảng Trị, một người lính già đã nghẹn ngào tâm sự khi nghe lại thuyết minh về Thành cổ: "Cũng là nhờ đồng đội tôi nằm lại." Câu nói mộc mạc ấy gói trọn sự biết ơn, nỗi day dứt và cả niềm tự hào về sự hy sinh của những người bạn chiến đấu. Ông và những người lính may mắn trở về luôn mang trong mình món nợ ân tình với những người đã ngã xuống.
Chuyến hành quân không chỉ dành cho những người lính năm xưa mà, nhiều thế hệ trẻ, đoàn viên, thanh niên của Tạp chí điện tử Hòa Nhập đã tham gia vào hành trình ý nghĩa này. Đối với họ, đây là một bài học lịch sử sống động và chân thực nhất, vượt ra ngoài những trang sách. Được lắng nghe những câu chuyện kể từ chính các nhân chứng lịch sử, được tận mắt chứng kiến sự khốc liệt của chiến tranh qua những di tích còn lại, những người trẻ có cơ hội hiểu sâu sắc hơn về giá trị của hòa bình.
Đoàn Đại biểu Lãnh đạo Hiệp hội, Lãnh đạo Tạp chí Điện tử Hòa nhâp mặc niệm tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Độc lập, Tự do của Tổ quốc. Ảnh: Vương Trang
Cảm xúc dâng trào từ những chuyến đi như vậy đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm nghệ thuật. Bài thơ "Khúc tráng ca Thành cổ" của tác giả Bùi Xuân Lai, một thẩm phán từ Nam Định, là một minh chứng. Sau chuyến thăm và dâng hương tại Thành cổ, ông đã viết nên những vần thơ đầy xúc động, như một nén tâm nhang dâng lên các anh hùng liệt sĩ:
KHÚC TRÁNG CA THÀNH CỔ
Vẫn đâu đây tiếng đạn bom
Pháo cày vào đá nát bươm cổ thành
Khói đen phủ kín trời xanh
Lửa rừng rực cháy nước thành cạn khô
Bài ca bi tráng đến giờ
Đeo băng kín ngực viết thơ gửi về
Những chàng lính trẻ chưa hề
Một lần dám nói câu thề “yêu em”
Chờ pháo sáng giặc viết thêm
Nhờ anh bưu tá nửa đêm chuyển dùm
“Ngày mai có thể không cùng
Đừng khóc nhé, bạn anh từng vậy thôi...”
Lửa loang cháy cả thơ rồi
Trang phục lính cũng ướt tươi máu hồng
Bùng lên một vệt rạng đông
Không viết nổi nữa cũng không nói gì...
...
Tôi đi, đi mãi, tôi đi
Lục khắp thành cổ những gì của anh
Màu xanh quân phục màu xanh
Trái tim ngừng đập đã thành trường ca
Cho tôi từ thủa lên ba
Cho tôi hết cả sâu xa tháng ngày
Anh cho tôi trái tim này
Hôm nay tim gọi những ngày không anh
Khói hương xin gửi cao xanh
Vong hồn anh hóa đất lành, trời Nam...
Bùi Xuân Lai
Sự hy sinh của hàng vạn chiến sĩ tại Thành cổ Quảng Trị đã góp phần quyết định vào thắng lợi trên bàn đàm phán Hiệp định Paris năm 1973, tạo tiền đề cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975.Vì vậy, mỗi chuyến đi về mảnh đất thiêng này là một lời nhắc nhở về trách nhiệm của thế hệ hôm nay: phải sống, học tập và lao động sao cho xứng đáng với những hy sinh to lớn ấy.
Chương trình "Hành quân về chiến trường xưa" sẽ mãi được tiếp nối, như một ngọn lửa tri ân không bao giờ tắt. Đó là cầu nối thiêng liêng giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, để bản hùng ca về lòng yêu nước, về sự hy sinh vì Tổ quốc sẽ còn vang vọng mãi đến muôn đời sau.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.