Bản tin miền Tây ngày 6/6/2022: Cảnh báo vào mùa sốt xuất huyết

2022-06-06 18:04:31 0 Bình luận
Du lịch văn hóa, tâm linh là một trong những loại hình nổi bật tại Cần Thơ bởi thành phố có nhiều di tích văn hóa, lịch sử, kiến trúc độc đáo. Mỗi năm, loại hình du lịch này thu hút đông đảo khách thập phương, nhất là trong các dịp lễ, Tết. Tuy nhiên, hoạt động du lịch văn hóa, tâm linh vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề, vẫn chưa phát huy hết tiềm năng.

Du khách đến cầu bình an và tham quan. Ảnh minh họa: ÁI VY

Theo Báo Cần Thơ, khi đến Cần Thơ ít ai có thể bỏ qua đình Bình Thủy, một điểm đến có lịch sử văn hóa và kiến trúc độc đáo. Viếng đình vào những ngày tháng 5, du khách Phí Văn Lang (Hà Nội), cho biết: “Ðoàn tôi về thăm Cần Thơ được hướng dẫn viên đưa đến tham quan đình Bình Thủy. Ðình có kiến trúc rất đẹp, trạm trổ họa tiết độc đáo, không gian ở đây yên ắng, linh thiêng”. Ðình Bình Thủy là một trong những địa chỉ quen thuộc trong các tour tuyến ở Cần Thơ thường được các đơn vị lữ hành giới thiệu đến du khách. Tuy nhiên, lượng khách đến tham quan thường không ổn định và cũng tồn tại một số vấn đề. Theo chia sẻ của Ban Trị sự đình Bình Thủy, vấn đề trăn trở nhất là nhiều đoàn có hướng dẫn viên nhưng chưa hiểu đủ sâu và rộng về đình, nên làm cho du khách biết chưa đúng về lịch sử, kiến trúc của đình. Cái khó khác nữa là đình, chùa là nơi khách thập phương chiêm bái và thường không thu phí, do đó cũng rất khó quản lý nguồn khách.

Ông Lê Văn Mười, Phó trưởng Ban Trị sự đình Bình Thủy, chia sẻ: “Ðối với khách tham quan theo đoàn của các công ty lữ hành, chúng tôi mong muốn các đơn vị có thể liên hệ thuyết minh tại điểm hoặc Ban Trị sự đình để có những hướng dẫn phù hợp”. Ông Ðỗ Thanh Tùng, Giám đốc công ty TNHH Du lịch Thám hiểm và Sự kiện Ðồng bằng Mekong, cho biết: “Việc có thuyết minh viên tại điểm rất quan trọng. Qua Ban quản lý các điểm di tích hay thuyết minh viên tại điểm, chúng tôi mới biết hết cái hay, những điểm độc đáo ở mỗi điểm đến”.

Ông Nguyễn Văn Duy, Trưởng Ban Trị sự đình Tân An, cũng bày tỏ: “Ðình Tân An có lịch sử lâu đời, nằm trong nội ô thành phố nhưng thực tế rất ít người biết đến. Khách đến đây rất ít. Trên bản đồ du lịch hay các tour tuyến của các đơn vị lữ hành đều không có đình Tân An. Chúng tôi luôn mong muốn có những giải pháp và kết nối để du khách có thể biết đến đình Tân An nhiều hơn”.

Gỡ khó

Trên cơ sở định hướng xây dựng các tuyến tour về du lịch văn hóa, tâm linh, Trung tâm Phát triển Du lịch TP Cần Thơ đã tổ chức đoàn khảo sát với nhiều đơn vị lữ hành trên địa bàn thành phố, nhằm tìm ra những điểm bất cập, khó khăn để từng bước tháo gỡ. Ông Trần Thanh Nghị, Giám đốc Benthanh Tourist Cần Thơ, cho biết: “Du lịch văn hóa, tâm linh luôn nhu cầu thiết yếu liên quan đến đời sống tinh thần của du khách. Khi khách du lịch đến Cần Thơ cũng tìm đến nhiều điểm để chiêm bái, nhất là gần đây Cần Thơ có thêm điểm đến mới là Ðền thờ Vua Hùng. Qua khảo sát, chúng tôi biết thêm nhiều điểm đến mới và có cơ sở để các đơn vị lữ hành xây dựng các tuyến chuyên về du lịch văn hóa, tâm linh”. Ông Lê Văn Mười, Phó trưởng Ban Trị sự đình Bình Thủy, nói: “Việc khảo sát của các đơn vị lữ hành tạo động lực cho phát triển du lịch của đình ngày càng tốt hơn, mở ra cơ hội để du khách gần xa biết đến đình Bình Thủy nhiều hơn. Qua đó kết nối với các đơn vị lữ hành xây dựng những tour tuyến chặt chẽ hơn, khách tham quan ổn định hơn, các công tác tổ chức tốt hơn”. Ðồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Duy, Trưởng Ban Trị sự đình Tân An cũng cho rằng, qua khảo sát, các các đơn vị lữ hành sẽ nắm bắt được các hoạt động, những điểm độc đáo ở từng nơi, từ đó có thể xây dựng những tuyến tour hợp lý, thu hút du khách.

Tháo gỡ những khó khăn hiện có của các điểm đến, ông Ðỗ Thanh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Thám hiểm và Sự kiện Ðồng bằng Mekong, cho rằng: “Ðối với khách đoàn, đơn vị lữ hành chúng tôi cần địa phương cung cấp nguồn để có thể liên hệ các thuyết minh tại điểm. Với khách lẻ, địa phương nên có đoạn ghi âm thuyết minh sẵn và phát ở các điểm đến. Thêm vào đó là các sơ đồ hướng dẫn để du khách dù đi riêng lẻ cũng có thể dựa theo các chỉ dẫn tham quan phù hợp. Ðối với các điểm trong nội ô, tôi cho rằng địa phương nên xây dựng các tuyến và phối hợp với các xe điện. Vì hiện nay, khách sử dụng dịch vụ khám phá nội ô bằng xe điện rất nhiều”. Trong khi đó, ông Trần Thanh Nghị, Giám đốc Benthanh Tourist Cần Thơ, cho rằng: “Muốn các điểm đến này thu hút nhiều du khách thì địa phương cần có nhiều dịch vụ phụ trợ đi kèm. Dựa trên lịch sử, văn hóa hay nét độc đáo ở mỗi điểm có thể xây dựng hay tái hiện các hoạt động phù hợp. Cụ thể, tại Ðền thờ Vua Hùng có thể xem xét các hỗ trợ về dâng hoa, dâng hương, lễ tưởng niệm…”.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, cho biết: “Cần Thơ có nhiều tiềm năng phát triển du lịch văn hóa, tâm linh bởi hệ thống các di tích văn hóa - lịch sử phong phú. Thời gian qua, các điểm này được quảng bá, kết nối đến các đơn vị lữ hành để có thể xây dựng những tuyến tour phù hợp. Hiện chúng tôi vẫn đang phối hợp với các địa phương để tìm cách khai thác hiệu quả các loại hình du lịch này. Chúng tôi chọn lọc các nội dung góp ý của các đơn vị lữ hành để có những điều chỉnh, làm mới và bổ sung các dịch vụ phù hợp để phát huy được tiềm năng của loại hình du lịch văn hóa, tâm linh”.

Cần Thơ hiện có 37 di tích văn hóa - lịch sử được công nhận, trong đó có 14 di tích cấp quốc gia và 23 di tích cấp thành phố.

UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 89/KH-UBND vào ngày 14/4/2021 về “Bảo tồn và phát huy di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể, làng nghề, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển du lịch TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025”. Trong đó có 3 nhiệm vụ trọng tâm là: bảo tồn và phát huy giá trị của di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn thành phố, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch, phát huy giá trị làng nghề gắn với du lịch. Song song đó, địa phương cũng đang triển khai thực hiện Ðề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Ðây đều là những tiền đề tạo điều kiện cho du lịch văn hóa, tâm linh phát triển.

 

Vĩnh Long: Quảng bá, tôn vinh nông sản miệt vườn

Theo Báo Vĩnh Long, không chỉ giúp nông dân giới thiệu về hình ảnh và các đặc sản trái cây, Tuần lễ trái cây “Trên bến dưới thuyền” diễn ra tại TP Hồ Chí Minh còn là cơ hội cho các doanh nghiệp, nhà vườn giao lưu, trao đổi, kết nối cung cầu hàng hóa và tạo điểm vui chơi, giải trí cho người dân. Qua đó, góp phần tôn vinh thành quả lao động của nông dân, đẩy mạnh quảng bá nông sản, nâng tầm giá trị thương hiệu cho trái cây.

Sức hút trái cây miệt vườn

Theo ghi nhận của phóng viên, tại các gian hàng trái cây tham gia Tuần lễ trái cây “Trên bến dưới thuyền”, hầu hết các loại trái cây có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, trong đó, một số loại trái cây còn có mã QR để người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc xuất xứ, giá cả phải chăng.

Trong số các loại trái cây thì sầu riêng là mặt hàng được ưa chuộng nhiều nhất, với giá từ 55.000- 90.000 đ/kg, chôm chôm 25.000- 60.000 đ/kg, chuối 15.000- 25.000 đ/kg, mít lột sẵn 90.000- 120.000 đ/kg,…

Tham gia tuần lễ trái cây với mặt hàng khoai lang và chanh không hạt, anh Đặng Hoàng Minh- thành viên Hợp tác xã (HTX) Rau củ quả Tân Bình (Bình Tân- Vĩnh Long), cho hay: “Tôi đem đến đây 2 tấn khoai lang và 500kg chanh, qua 3 ngày đã bán được gần 1 tấn khoai và gần hết chanh. Tôi thấy thị trường rất tiềm năng, người dân thành phố nghe danh khoai lang Bình Tân- Vĩnh Long là rất thích.

Có người chạy xe hàng chục cây số để tìm mua cho bằng được khoai lang tím Nhật Bình Tân. Bên cạnh các khách hàng lẻ cũng có nhiều đối tác liên hệ cung ứng sản phẩm với số lượng lớn. Tôi thấy rất phấn khởi”.

Nhiều loại nông sản chất lượng, bắt mắt được ưa chuộng tại tuần lễ trái cây.

 

Ông Nguyễn Ngọc Nhân- Giám đốc HTX Chôm chôm Bình Hòa Phước (Long Hồ- Vĩnh Long), cũng bày tỏ niềm vui: “Đây là lần đầu tiên tôi tham gia tuần lễ trái cây ở đây, không khí mua bán rất sôi nổi, bà con đến đây mua và ủng hộ rất đông, trái cây bán rất chạy. Nhất là mặt hàng chôm chôm, tôi phải bổ sung hàng liên tục nhưng vẫn không đủ bán.

Sự kiện này giúp cho nhà vườn và HTX có được sự liên kết giữa TP Hồ Chí Minh và Vĩnh Long để nông sản Vĩnh Long thêm đầu ra, được đưa đến TP Hồ Chí Minh tiêu thụ. Đồng thời, giúp HTX và nhà vườn xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, tìm đầu ra cho nông sản”.

Nhiều nhà vườn còn cho hay, chở trái cây từ Vĩnh Long lên TP Hồ Chí Minh mục đích không chỉ để quảng bá, bán những loại trái cây đặc sản ở quê, mà còn tái hiện khung cảnh buôn bán của ông bà ngày xưa qua những gian hàng mái lá cổ kính.

Ngoài các loại trái cây đặc sản của địa phương, nhiều HTX, nhà vườn cũng mang đến một số giống mới, lạ nhằm quảng bá, giới thiệu đến người tiêu dùng như: thanh long vỏ vàng của Long Hồ (Vĩnh Long), nhãn tím Chợ Lách (Bến Tre),…

Bán hết 700kg thanh long vỏ vàng chỉ trong mấy ngày, anh Lâm Hoàng Chí- Nhà vườn 5 Thiện (Long Hồ- Vĩnh Long), cho biết: “Tôi đem đến đây giới thiệu sản phẩm mới, lạ, bắt mắt, đảm bảo chất lượng, xuất xứ rõ ràng và được rất nhiều người ưa chuộng. Bên cạnh đó, tôi còn giới thiệu chậu kiểng thanh long vỏ vàng, cũng được một số đối tác liên hệ nguồn cung”.

Nâng tầm giá trị trái cây

Theo BTC, Tuần lễ trái cây “Trên bến dưới thuyền” với sự liên kết, phối hợp của 3 địa phương TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Bến Tre, là cơ hội để cung- cầu thật sự gặp nhau, các địa phương có tìm năng sản xuất cung ứng nông sản, trái cây có thể kết nối với địa phương, doanh nghiệp thật sự có nhu cầu.

Ông Nguyễn Trung Kiên- Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long, cho hay: Thông qua hoạt động này, Vĩnh Long có dịp giới thiệu về hình ảnh và các đặc sản trái cây của tỉnh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, nhà vườn, người dân cũng có điều kiện giao lưu, trao đổi, thông qua đó hướng đến thực hiện kết nối cung- cầu về hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng nông sản của tỉnh.

Ông Nguyễn Minh Đức- Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách (Bến Tre), cho hay: “Năm nay chúng tôi lựa chọn những cái cây ngon nhất, đẹp nhất, mới nhất, độc lạ của miền Tây mà Chợ Lách đang có để góp sức cho lễ hội được thành công”.

Bà Nguyễn Thị Thu Hoa- Phó Chủ tịch UBND Quận 8- TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Tuần lễ trái cây “Trên bến dưới thuyền” được tổ chức trong bối cảnh đời sống xã hội đã dần sôi động trở lại sau thời gian TP Hồ Chí Minh trải qua đợt dịch COVID-19.

Chúng tôi muốn gắn kết và kết nối từng bước phát huy giá trị lợi thế kinh tế trái cây của vùng sông nước và khẳng định thương hiệu trái cây Nam Bộ là giá trị văn hóa tinh hoa của cả vùng đất. Chúng tôi rất mong muốn những năm tiếp theo Quận 8 với tỉnh Vĩnh Long sẽ có sự gắn kết trong tiêu thụ nông sản, đặc biệt là trái cây”.

Phó Giám đốc Sở Nông Nghiệp- PTNT Vĩnh Long- Nguyễn Văn Liêm, cho biết: TP Hồ Chí Minh có đông dân cư nên nhu cầu về trái cây, lương thực là rất lớn. Dịp này là cơ hội tốt để cho các HTX, nhà vườn giới thiệu, trưng bày các sản phẩm trái cây cũng như là khả năng cung cấp nguồn trái cây chất lượng tốt cho thị trường.

Đây cũng là cơ hội rất tốt để chúng ta, phục hồi sản suất thông qua ký kết, tiêu thụ được các sản phẩm trái cây với các đối tác tại TP Hồ Chí Minh. Từ đó, nâng dần giá trị nông sản trên thị trường”.

Bên cạnh hoạt động giao thương, tuần lễ trái cây còn là điểm đến thu hút du khách đến tham quan, chụp ảnh với các gian hàng trưng bày các linh vật được tạo hình từ trái cây, gian hàng ẩm thực chế biến từ trái cây, gian hàng dân gian nặn tò he, trải nghiệm gói bánh ú,...

Với những tín hiệu tích cực và ý nghĩa của Tuần lễ trái cây, BTC kỳ vọng sẽ từng bước nâng tầm Tuần lễ trái cây trở thành lễ hội trái cây, duy trì tổ chức hàng năm như một sự kiện văn hóa của TP Hồ Chí Minh.

Sốt xuất huyết đã vào mùa: Người dân phải cẩn trọng

Theo Báo Hậu Giang, bệnh sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng, liên tục xảy ra ổ dịch nhỏ ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Để phòng dịch hiệu quả cần sự vào cuộc của mỗi người dân.

Phun hóa chất kiểm soát dịch sốt xuất huyết ở huyện Phụng Hiệp.

Người lớn trẻ nhỏ đều có thể mắc sốt xuất huyết

Huyện Phụng Hiệp là địa bàn ghi nhận số trường hợp bệnh sốt xuất huyết nhiều nhất tỉnh đến cuối tháng 5. Trên địa bàn huyện có 15 trường hợp mắc bệnh ghi nhận ở 4 xã Thạnh Hòa, Long Thạnh, Tân Bình, Hòa Mỹ. Trong đó, nhiều nhất là xã Long Thạnh với 6 trường hợp mắc bệnh. Ông Phùng Hoàng Vũ, Trưởng trạm Y tế xã Long Thạnh, thông tin: “Bệnh sốt xuất huyết tập trung xảy ra ở địa bàn thời gian gần đây, có gia đình có đến 3 người mắc bệnh. Chúng tôi đã triển khai công tác giám sát nhằm kiểm soát không để dịch lây lan cho những người khác xung quanh trường hợp mắc bệnh. Trạm y tế xã đã phối hợp với trung tâm y tế huyện kiểm tra lăng quăng ở các nhà dân trong vòng bán kính 200m khu vực các ổ dịch nhỏ. Đáng lo ngại mật độ lăng quăng khá cao, chúng tôi đã vận động người dân đổ các dụng cụ chứa nước có lăng quăng để diệt lăng quăng và phun hóa chất diệt muỗi hai lần tại các ổ dịch này nhằm đạt hiệu quả kiểm soát không để phát sinh thêm các trường hợp mắc bệnh mới”.

Sau khi cả 3 người con trong gia đình mắc bệnh sốt xuất huyết đã khiến cho ông Lương Quốc Hòa, ở ấp Long Trường 2, xã Long Thạnh, thật sự lo lắng và ý thức được sự nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết. Ông Hòa chia sẻ: “Mới đầu chỉ có cháu lớn 12 tuổi mắc bệnh, sau đó hai cháu nhỏ cũng có biểu hiện sốt. Đi khám bác sĩ tư hoài không thấy bớt, gia đình đã đưa các cháu đến bệnh viện để khám bệnh và bác sĩ làm xét nghiệm phát hiện cả 3 bé bị bệnh sốt xuất huyết, phải nhập viện. Trong đó, có bé nhỏ 2 tuổi tình trạng bệnh nặng hơn, bị sốt và co giật. Gia đình tôi rất lo lắng, đó giờ nghe bệnh sốt xuất huyết nhưng chưa biết thực sự nguy hiểm. Sau này, gia đình sẽ quan tâm nhiều hơn thực hiện các biện pháp phòng chống muỗi đốt, vệ sinh môi trường xung quanh nhà để phòng bệnh sốt xuất huyết”.

Ở huyện Châu Thành, dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp trong 2 tuần gần đây. Trong đó, tập trung ở xã Phú Hữu và thị trấn Ngã Sáu. Ông Trần Văn Chiến, Trưởng trạm Y tế xã Phú Hữu, cho biết: “Trong vòng 1 tuần lễ trên địa bàn xã đã xảy ra 4 trường hợp bệnh sốt xuất huyết. Cả 4 trường hợp này ở ấp Phú Lợi A, điều đáng quan tâm là các trường hợp mắc bệnh nằm trong bán kính dưới 200m. Chúng tôi xác định đây là ổ dịch nhỏ đã xử lý môi trường, phun hóa chất dập dịch. Tạm thời kiểm soát được ổ dịch này, hơn một tuần qua chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết mới. Gần đây bệnh sốt xuất huyết gia tăng. Đây là 4 trường hợp mắc bệnh đầu tiên trong năm 2022, trước đó trên địa bàn xã không ghi nhận trường hợp mắc bệnh, cho thấy dịch sốt xuất huyết đã vào mùa khi trời mưa nhiều”.

Qua kiểm tra môi trường xung quanh khu vực ổ dịch, thực trạng điều kiện vệ sinh môi trường đáng quan ngại, những vật dụng phế thải xung quanh nhà là điều kiện để lăng quăng, muỗi phát triển gây bệnh. Đây là vấn đề cần quan tâm khắc phục để phòng hiệu quả bệnh sốt xuất huyết. Ngoài địa bàn xã Phú Hữu, huyện vừa ghi nhận thêm 2 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết tại thị trấn Ngã Sáu, ngành y tế huyện đang chuẩn bị phun hóa chất để kiểm soát ổ dịch này.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 37 trường hợp sốt xuất huyết, giảm 1 trường hợp so với cùng kỳ năm 2021. Ông Võ Chí Đại, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, chia sẻ: “Điều đáng quan tâm là chỉ trong tuần vừa qua đã có 14 trường hợp sốt xuất huyết trên. Vì thời điểm này mưa nhiều, nhiệt độ ẩm thấp từ đó muỗi đẻ trứng trở thành lăng quăng và trưởng thành nhiều, rất nhanh tạo nên vật chủ trung gian truyền bệnh đó là muỗi vằn”.

Người dân phải vào cuộc, không “khoán trắng” cho ngành y tế

Theo ông Trần Văn Chiến, Trưởng trạm Y tế xã Phú Hữu: “Để phòng dịch hiệu quả, quan trọng nhất là ý thức và sự thực hành thường xuyên của người dân. Chúng tôi đã tăng cường tuyên truyền kêu gọi người dân quan tâm phòng dịch sốt xuất huyết. Hướng dẫn người dân quan tâm vệ sinh môi trường xung quanh nhà. Đối với những dụng cụ phế thải có thể chứa nước xung quanh nhà là nơi trú ẩn của lăng quăng nên lật úp lại hoặc dọn dẹp, bán ve chai. Đậy kín các dụng cụ chứa nước chưa sử dụng đến, đối với dụng cụ chứa nước thường xuyên sử dụng thì thường xuyên kiểm tra diệt lăng quăng, vệ sinh sạch sẽ, nhằm không để lăng quăng phát triển thành muỗi vằn gây bệnh. Thực tế, chỉ với sự nỗ lực của ngành y tế thì khó thể thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch, vì khi chúng tôi thực hiện công tác vệ sinh môi trường vài ngày sau nếu người dân không quan tâm tiếp tục duy trì thực hiện sẽ có lăng quăng trở lại và nguy cơ xảy ra bệnh sốt xuất huyết vẫn tiếp diễn”.  Vì vậy, người dân phải quan tâm thực hiện các biện pháp phòng bệnh để bảo vệ sức khỏe gia đình mình và sức khỏe của cả cộng đồng.

Ngành y tế tỉnh đã nỗ lực kiểm soát hiệu quả các ổ dịch cộng đồng mới xảy ra và kiểm soát ngăn dịch phát sinh ở những ổ dịch cũ trước đây. Và sẽ tiếp tục thực hiện đợt cao điểm phòng chống dịch trên phạm vi toàn tỉnh. Ông Võ Chí Đại, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: “Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã xây dựng dự thảo Kế hoạch chiến dịch ASEAN phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, bệnh Zika và tay - chân - miệng gửi Sở Y tế và đã được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch ở người tỉnh phê duyệt dự kiến triển khai chiến dịch vào ngày 7-6 tới. Đồng thời, đang duy trì thực hiện công tác phát hiện, xử lý giám sát kịp thời, dứt điểm ngăn sự lây lan khi xuất hiện trường hợp mắc bệnh mới. Song song đó, điều tra côn trùng các ổ dịch cũ để đánh giá, dự báo dịch để xử lý kịp thời. Phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường công tác truyền thông phòng, chống bệnh sốt xuất huyết rộng khắp bằng các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch tại gia đình và cộng đồng”.

Bệnh sốt xuất huyết đang vào mùa, bên cạnh sự nỗ lực của ngành y tế, người dân cần chung tay thực hiện phòng dịch, như: Thực hiện tốt công tác vệ sinh nhà ở, vệ sinh môi trường, thực hành diệt muỗi, diệt lăng quăng…, mặc quần áo tay dài cho trẻ, ngủ mùng vào ban ngày lẫn ban đêm để phòng tránh muỗi đốt để bảo vệ tốt nhất sức khỏe gia đình và cộng đồng.

Xứ Tầm Vu ở Tân An xưa

Tầm Vu là thị trấn duy nhất của huyện Châu Thành, tỉnh Long An, gắn liền với lịch sử hình thành vùng đất Châu Thành và mang nhiều nét nổi bật về văn hóa và lịch sử.

1.Tầm Vu ngày nay là tên của thị trấn thuộc huyện Châu Thành. Ban đầu, đây là tên gọi của một con rạch nhỏ. Từ tên của con rạch, ngôi chợ trên phần đất cao, bằng phẳng nằm về phía Nam con rạch này được đặt tên là chợ Tầm Vu, rồi vùng đất rộng xung quanh chợ thuộc thôn Tân Xuân, thôn Bình Cách và thôn Bình Dương được gọi là xứ Tầm Vu.

Chợ Tầm Vu là địa điểm mua bán sôi động bậc nhất ở Châu Thành (Ảnh: Thu Lam)

Theo ông Nguyễn Đình Đầu (nhà nghiên cứu địa lý, lịch sử Việt Nam), xứ có nghĩa là xóm hay miệt, ông đưa ra ví dụ:

“Thị Nghè xứ là xóm Thị Nghè.

Chợ Đũi xứ là xóm Chợ Đũi.

Bến Nghé xứ là xóm Bến Nghé”.

Trong thời kỳ 1805-1836, lúc nhà Nguyễn cho lập Địa bạ Nam kỳ lục tỉnh thì xứ Tầm Vu có các thôn: Tân Xuân thuộc tổng Thạnh Hội, huyện Tân Hòa, tỉnh Gia Định; thôn Bình Cách và thôn Bình Dương thuộc tổng Thạnh Quang, huyện Kiến Hòa, tỉnh Định Tường.

Năm 1862, khi triều đình nhà Nguyễn ký hòa ước nhượng 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ cho thực dân Pháp thì xứ Tầm Vu thuộc địa phận huyện Tân Thạnh, phủ Tân An, tỉnh Gia Định.

Cho tới đầu thế kỷ XX, nó thuộc địa phận huyện Bình Phước, tỉnh Tân An. Giai đoạn sau đó, năm 1956, lại được đổi tên thành quận Châu Thành, tỉnh Long An rồi thành quận Bình Phước, quận lỵ đóng tại chợ Tầm Vu, xã Dương Xuân Hội.

Sau ngày giải phóng, năm 1976, Nhà nước ta thành lập tỉnh Long An mới, quận Bình Phước được đổi tên thành huyện Châu Thành. Năm 1977, huyện Châu Thành sáp nhập với huyện Tân Trụ thành huyện Tân Châu. Năm 1980, huyện Tân Châu được đổi tên thành huyện Vàm Cỏ. Năm 1989, huyện Vàm Cỏ được chia trở lại thành huyện Châu Thành và Tân Trụ như cũ rồi ổn định cho đến ngày nay.

2. Theo truyền thuyết ở địa phương, địa danh Tầm Vu xuất phát từ câu chuyện tìm kiếm (tầm) cô công chúa tên là Du bị lạc trong chiến tranh giữa chúa Nguyễn với Tây Sơn - Đây là cách giải thích theo từ nguyên địa danh dân gian.

Có ý kiến cho rằng, Tầm Vu do từ Khmer Lam Pu (cây bần) mà ra. Cách giải thích này có vẻ hợp lý hơn. Nơi đây đất nhiễm mặn, các loại cây bần, sú, vẹt mọc nhiều. Ngay ở xã An Vĩnh Ngãi (TP.Tân An) vẫn còn địa danh cầu Cây Bần nằm trên Đường tỉnh 828 đi Tiền Giang. Việc lấy tên cây cỏ hay động vật để đặt tên đất, tên cầu tương đối phổ biến ở vùng này.

Tầm Vu có di tích đình Tân Xuân - ngôi đình cổ của làng Tân Xuân xưa. “Đình Tân Xuân là một thiết chế văn hóa dân gian ra đời gắn với lịch sử khai hoang mở đất, lập làng của cư dân người Việt ở Long An để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng làng xã. Đình là nơi thờ Thành Hoàng bổn cảnh, các vị “Tiền hiền - Hậu hiền” và các đối tượng phối tự khác trong văn hóa tín ngưỡng Nam bộ”.

Hai vị thủ lĩnh nghĩa quân chống Pháp ở địa phương - Đỗ Tường Phong và Đỗ Tường Tự đang được thờ phượng trong đình Tân Xuân. Đình cũng là nơi tổ chức Lễ hội Làm Chay vào ngày 16 tháng Giêng hàng năm. Đình Tân Xuân đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Vùng đất Tầm Vu - Châu Thành trên đất Tân An xưa đã trải qua một quá trình lịch sử phát triển nhiều biến động theo thời gian và không gian.

Là nơi lưu dân Việt đến khai phá rất sớm nhờ con đường sông nước mà dấu ấn ghi lại là những thiết chế đình, chùa cổ và những tín ngưỡng dân gian đặc sắc. Nơi đây từng là nơi hoạt động, đấu tranh của nhiều nghĩa sĩ yêu nước, nhiều chiến sĩ cách mạng tiền phong mà ngày nay còn được tôn vinh và ngưỡng mộ. Ở đây còn lưu giữ những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể nổi tiếng, thu hút nhiều tầng lớp, nhiều thế hệ quan tâm, nghiên cứu và hưởng thụ.

Từ một vùng đất hoang vu hồi thế kỷ XVII, đến nay, nơi đây đã trở thành vùng đất trù phú giàu truyền thống dân tộc. Bằng sức mạnh truyền thống địa phương, nhân dân đã vươn lên, sáng tạo và xây dựng xứ Tầm Vu - Châu Thành ngày thêm giàu đẹp./.

(Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam/Báo Long An)

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

HDBank mở chi nhánh thứ 2 tại Quảng Ninh

Chi nhánh HDBank tại Móng Cái được đầu tư quy mô về nguồn vốn, tài sản và đội ngũ CBNV nhằm tăng cường cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính đa dạng và phù hợp, bám sát đặc thù và chiến lược phát triển của Khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm phía Bắc.
2024-04-25 11:31:59

Thái Nguyên khai mạc mùa du lịch 2024

Sáng 25/4 tại Khu du lịch hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Chương trình Khai mạc Mùa du lịch tỉnh Thái Nguyên năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”.
2024-04-25 11:06:52

NASU đồng hành cùng người nông dân phát triển kinh tế tuần hoàn, làm giàu bền vững từ cây mía

Đối với người nông dân ở Phủ Quỳ hôm nay, “suy đi tính lại chẳng cây trồng nào so sánh được với cây mía và chưa hợp tác nào bền vững như với NASU”.
2024-04-24 20:12:49

Hoa Kỳ phối hợp cùng Việt Nam tổ chức Hội thảo khu vực về chống IUU

Ngày 23/04/2024, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cục Phòng chống ma túy và Thực thi Pháp luật quốc tế (INL) và Lực lượng Phòng vệ bờ biển Hoa Kỳ (USCG), đã phối hợp cùng Cục Kiểm Ngư tổ chức Hội thảo Khu vực về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định (IUU) tại thành phố Đà Nẵng.
2024-04-24 09:44:47

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Sáng 24/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số.
2024-04-24 09:27:18

Hà Nội chuẩn bị Lễ hội Đền trong Thăng Long Tứ Trấn năm 2024

Ngày 23/4, Đoàn công tác của Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội đã có cuộc kiểm tra công tác Lễ hội truyền thống tại Di tích quốc gia đặc biệt Thăng Long Tứ Trấn Đền Kim Liên.
2024-04-23 23:56:38
Đang tải...