Bản tin Miền Tây ngày 7/6/2022: Tích cực trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật

2022-06-07 16:35:00 0 Bình luận
Trên địa bàn tỉnh Cà Mau hiện có hơn 22.230 người khuyết tật (NKT) với nhiều dạng khác nhau. Không ít NKT sống ở vùng nông thôn, gặp nhiều khó khăn cần được chăm lo an sinh xã hội, cũng như bảo vệ các quyền lợi, trong đó có nhu cầu trợ giúp pháp lý (TGPL).

Theo Báo Cà Mau, NKT luôn được sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước với những chính sách, pháp luật ưu đãi riêng biệt mà TGPL là một trong những chính sách nổi trội. Riêng ở tỉnh Cà Mau, TGPL đối với NKT luôn được quan tâm với nhiều chủ trương, chính sách được ban hành.

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm TGPL Nhà nước (Trung tâm) đã cung cấp, TGPL đảm bảo theo yêu cầu hơn 490 vụ, trong đó 30 vụ liên quan NKT. Ðồng thời, Trung tâm phân công trợ giúp viên pháp lý có kinh nghiệm, khả năng, kỹ năng hỗ trợ tư vấn, tham gia tố tụng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NKT tại các phiên toà, giúp NKT giành được quyền lợi chính đáng của mình.

Người khuyết tật cần được chăm lo an sinh xã hội, trong đó có nhu cầu trợ giúp pháp lý. (Ảnh chụp tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau).

Cụ thể, trường hợp của bà Trần Hồng Nhiên, sinh năm 1977, ngụ thị trấn Ðầm Dơi. Năm 2017, bà Nhiên tham gia 2 dây hụi do vợ chồng Lê Minh B và Nguyễn Bích L (đồng nghiệp với bà Nhiên tại Trường Tiểu học Ngô Bình An, thị trấn Ðầm Dơi) làm chủ. Ðến năm 2018, B và L tuyên bố vỡ hụi, có xác nhận là nợ của bà Nhiên số tiền trên 200 triệu đồng và hứa sẽ trả dần, tuy nhiên, chỉ trả được 36 triệu đồng thì tháng 7/2020 không trả nữa. Bà Nhiên nhiều lần liên hệ để đòi số tiền còn lại thì bà L thách bà Nhiên đi kiện.

“Tôi đệ đơn gửi đến nhiều cơ quan Nhà nước ở địa phương nhờ giải quyết. Song, có thể tôi không hiểu cách diễn giải, trình bày chưa rõ ràng mà sự việc cứ kéo dài. Sau đó, tôi được người quen giới thiệu đến gặp Tổ TGPL Nhà nước ở huyện Ðầm Dơi. Tại đây, tôi được trợ giúp viên pháp lý nhiệt tình hướng dẫn các thủ tục, quy trình khởi kiện ra toà, đồng thời bảo vệ quyền lợi cho tôi tại phiên toà. Qua đó, Toà án Nhân dân huyện Ðầm Dơi đã quyết định buộc vợ chồng B và L phải hoàn trả cho tôi số tiền trên 170 triệu đồng. Hiện vụ việc đang được Chi cục Thi hành án huyện Ðầm Dơi thụ lý. Tôi mong sớm nhận số tiền chính đáng của mình để sửa chữa lại căn nhà đang bị xuống cấp và ổn định cuộc sống”, bà Nhiên bộc bạch.

Ông Trần Hoàng Hão, Tổ trưởng Tổ TGPL Nhà nước huyện Ðầm Dơi, cho biết: “Những tháng đầu năm nay, Tổ TGPL Nhà nước thường xuyên phối hợp với các phòng, ban, tổ chức đoàn thể… tuyên truyền về chính sách TGPL sâu rộng trong quần chúng Nhân dân. Ðồng thời, tư vấn trên 60 trường hợp và tham gia bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho 36 đối tượng, trong đó trường hợp của chị Nhiên là NKT. Tới đây, Tổ TGPL Nhà nước huyện sẽ hướng dẫn, hỗ trợ pháp lý để chị Nhiên sớm nhận được tiền của mình. Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp đẩy mạnh hoạt động truyền thông và TGPL cho NKT, bởi trên địa bàn huyện còn một số vùng khó khăn, bãi ngang… người dân hạn chế tiếp cận pháp luật”.

Bà Trương Bích Hạnh, Phó trưởng phòng Tư pháp huyện Ðầm Dơi, cho biết: “Thời gian qua, ngoài công tác phối hợp với Trung tâm thường xuyên truyền thông pháp luật, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tư vấn cho các đối tượng được thụ hưởng nói chung, NKT nói riêng, về lợi ích của TGPL. Ðồng thời, giới thiệu NKT đến Tổ TGPL của huyện để được hướng dẫn, cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí bằng các hình thức tư vấn, tham gia tố tụng…”.

Hàng năm, Trung tâm tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chính sách TGPL cho NKT, NKT có khó khăn về tài chính, nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả các hoạt động TGPL và nâng cao năng lực người thực hiện TGPL, chất lượng vụ việc TGPL. Ðồng thời, đẩy mạnh công tác phối hợp, các hoạt động truyền thông, bảo đảm NKT, NKT có khó khăn về tài chính trên địa bàn tỉnh được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật về TGPL khi họ có nhu cầu.

Thực hiện truyền thông, tăng cường khả năng tiếp cận TGPL cho NKT cũng là một trong những nội dung của kế hoạch triển khai thực hiện chính sách TGPL cho NKT, NKT có khó khăn về tài chính năm 2022.

Theo ông Ngô Ðức Bính, Phó giám đốc Trung tâm TGPL tỉnh, không chỉ tập trung đẩy mạnh truyền thông pháp luật, sắp tới,  Trung tâm sẽ bố trí đội ngũ người thực hiện TGPL tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ TGPL cho NKT do Trung ương tổ chức, cũng như xây dựng các chương trình, tài liệu, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ TGPL cho NKT… Ðây là một trong những hoạt động thực hiện chính sách TGPL cho NKT, NKT có khó khăn về tài chính trong năm nay", ông Ngô Ðức Bính cho biết thêm.

 

Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu: Phẫu thuật thành công khối u vú nặng 4,7kg

Cuối giờ chiều ngày 7/6, ca phẫu thuật cho nữ bệnh nhân tên N.T.K.T (47 tuổi, ngụ khóm 2, Phường 3, TP. Bạc Liêu) tại Khoa Ung bướu - Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu kết thúc sau 2,5 giờ đồng hồ. Bác sĩ CKII Lê Thanh Châu - Trưởng khoa Ung bướu cho biết, sau phẫu thuật sức khỏe bệnh nhân ổn định, ăn uống bình thường, tiếp xúc tốt, đang được tiếp tục điều trị tại Khoa Ung bướu.

Bác sĩ Khoa Ung bướu thực hiện ca phẫu thuật và khối u được lấy ra khỏi cơ thể nặng 4,7kg. Ảnh: T.Đ

Bệnh nhân phát hiện bệnh cách nay hơn một năm, lúc đó kích thước khối u lớn bằng trái chanh, trổ ra từ vú phải. Đi khám bệnh, được bác sĩ tư vấn nên phẫu thuật cắt bỏ nhưng chị quyết định không điều trị. Khối u ngày càng lớn dần, kèm theo lở loét nghiêm trọng. Được người nhà động viên, chị đồng ý đến cơ sở y tế để điều trị.

Nhập viện tại Khoa Ung bướu, bệnh nhân trong tình trạng di chuyển khó khăn, suy kiệt, khối u vú phải rất lớn, lở loét, thiếu máu. Bác sĩ CKII Lê Thanh Châu cho biết thêm, có thể đây là dạng bướu diệp thể, có đặc tính lớn rất nhanh. Bướu diệp thể là khối u hiếm ở vú, chỉ chiếm 1% trong số các khối u ở vú. Bướu u vú bao gồm các dạng lành tính, ác tính và nó nằm giữa ranh giới lành và ác tính. Dù là loại nào, bướu diệp thể có xu hướng phát triển nhanh chóng và cần điều trị.

Khối bướu diệp thể có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng có xu hướng phát triển ở phụ nữ trên 40 tuổi.

Theo Báo Bạc Liêu

 

Cần Thơ: Mở rộng điều tra vụ án trên 300 sinh viên bị lừa đảo

Theo Báo Cần Thơ, Công an quận Ninh Kiều cho biết đã tạm giữ hình sự đối tượng Trương Quang Anh Đức (sinh năm 2000, ngụ quận Cái Răng) để điều tra làm rõ đơn tố giác Đức có hành vi lừa đảo hàng trăm sinh viên (SV) trên địa bàn thành phố thời gian qua; đồng thời, củng cố hồ sơ để điều tra mở rộng những vấn đề liên quan vụ án.

Cơ quan điều tra làm việc với Trương Quang Anh Đức. Ảnh: CTV

Đức thừa nhận đã nhờ hơn 300 SV đứng tên mua các sản phẩm điện thoại di động, laptop trả góp với tổng số tiền gần 4 tỉ đồng. Đức cho biết, đại diện tổ chức tín dụng làm hồ sơ, sau đó Đức tìm SV nhờ ký tên mua sản phẩm và hứa sẽ xóa hồ sơ trong 2-3 ngày. Ban đầu, Đức trả công khoảng 600.000 đồng đến 1 triệu đồng/hồ sơ, sau đó giảm còn khoảng 400.000 đồng/hồ sơ. Thời gian đầu, Đức vẫn thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền cho ngân hàng.

Nguồn tiền có được nhờ SV mua sản phẩm, Đức đem đi kinh doanh, lấy tiền lãi trả ngân hàng. Đến năm 2021, dịch bệnh bùng phát, mất thu nhập, Đức không còn khả năng thanh toán, ngân hàng đòi nợ SV, mỗi người bị nợ từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Khi bị nhắn tin, gọi điện đòi nợ, các SV mới biết mình bị lừa, làm đơn tố cáo. Sau khi tiếp nhận nguồn tin tố giác tội phạm, Giám đốc Công an TP Cần Thơ đã chỉ đạo các đơn vị và Công an quận Ninh Kiều nhanh chóng vào cuộc xác minh. Đức được triệu tập đến làm việc, nhưng đối tượng đã bỏ trốn. Công an vận động gia đình kêu gọi Đức ra đầu thú vào đêm 4/6.

Theo cơ quan điều tra, bước đầu xác định Đức lợi dụng chính sách cho vay mua hàng tiêu dùng của các công ty tài chính còn sơ hở, đã kêu gọi SV ký vào các hồ sơ vay để Đức lấy hàng đó đi bán lại, chi xài cá nhân. Cơ quan điều tra sẽ làm việc với các tổ chức cho vay tài chính liên quan vụ việc, xác định cụ thể số tiền đối tượng đã vay và chiếm đoạt để xử lý, mở rộng vụ án theo đúng quy định pháp luật.

Công an TP Cần Thơ kêu gọi SV chưa ra trình báo tiếp tục đến Công an quận Ninh Kiều cung cấp thông tin để được hỗ trợ. Cơ quan cảnh sát điều tra cũng khuyến cáo SV khi tham gia mua hàng trả góp phải trực tiếp đi mua và đọc kỹ nội dung trong hợp đồng, không được tin tưởng ký khống để các đối tượng xấu lợi dụng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

 

Đồng Tháp - đóa “Sen hồng” của đồng bằng sông Cửu Long

Theo Báo Đồng Tháp, từ địa phương “khuất nẻo”, Đồng Tháp đã nhanh chóng vươn lên top đầu cả nước về các chỉ số phát triển... Hành trình đó, đẹp và lộng lẫy như đóa sen làm rạng rỡ thương hiệu Đất Sen hồng.

Hoa sen trở thành biểu tượng và có mặt tại các vị trí trang trọng trong các sự kiện quan trọng của tỉnh Đồng Tháp

Lấy con người làm lợi thế thay thế

Điều gì đã giúp Đồng Tháp tạo ra kỳ tích này khi nơi đây không có nhiều lợi thế tự nhiên, địa lý?

“Chúng tôi phát huy tiềm năng con người, lấy năng lực con người trong mối tổng hòa cá nhân - tập thể làm lợi thế thay thế” - ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chia sẻ. Nhận thức được bất lợi về vị thế địa lý và tài nguyên thiên nhiên, Đồng Tháp chọn việc phát huy yếu tố con người làm lợi thế thay thế. Không lời lẽ “có cánh”, Đồng Tháp âm thầm giải bài toán “khuất nẻo” trên nền tảng nhu cầu thực tế đặt ra. Xác định nông nghiệp là thế mạnh, Đồng Tháp đã chủ động thực hiện cuộc “cách mạng đồng đất”. Nổi bật là việc khai sinh Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó Hội quán - tổ chức sinh hoạt của những nhà nông cùng tâm huyết, chí hướng - giữ vai trò hạt nhân. Với phương châm chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”, Đề án không chỉ tạo ra chuỗi giá trị ngành hàng và giá trị gia tăng cao hơn so với trước, mà từ đây, còn gợi mở để Trung ương triển khai và mở ra phong trào “Tái cơ cấu nông nghiệp” trên phạm vi cả nước. Để làm được điều này, Đồng Tháp bắt đầu từ yếu tố con người. Cụ thể là đánh thức tiềm năng trong từng cán bộ, nhân viên... phát huy trí tuệ, sáng tạo để hiến kế xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, cách làm hay, thiết thực với nhu cầu thực tế... Tất cả như nền tảng vững chắc kích hoạt đồng đất vươn vai Phù Đổng hướng tới nền nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp số, nông nghiệp chia sẻ... “Bên cạnh phát huy dân chủ trong các buổi hội, họp để “gạn đục, khơi trong”, chắt chiu từng ý tưởng, sáng kiến..., chúng tôi còn chủ động xây dựng Slogan sát với nhu cầu thực tiễn để nhắc nhở từng cán bộ, nhân viên làm việc với tâm thế mới” - ông Phạm Thiện Nghĩa chia sẻ. Theo đó, trước thềm mỗi năm mới, Đồng Tháp tập hợp nhóm chuyên gia xây dựng ra Slogan gắn liền với kế hoạch, mục tiêu tăng trưởng và định hướng hoạt động cả năm của tỉnh. Các Slogan này được hướng tới 2 mục tiêu: Định hình nội dung, phương thức hành động và thôi thúc các tập thể, cá nhân hoàn thành nhiệm vụ. Tính đến năm 2022, Đồng Tháp đã xây dựng được 8 Slogan.Trong đó, có những Slogan tạo ấn tượng mạnh cả trong nội bộ lẫn các địa phương bạn. Điển hình là Slogan năm 2017:

“Kín cổng cao tường khép vận hội,

Trải lòng mở cửa đón tương lai”.

Nghĩa là nếu “đóng cửa”, sẽ khép lại những thời cơ. Ngược lại, nếu “mở cửa” sẽ có thêm cơ hội cho tương lai tươi đẹp. Điều đặc biệt hơn là ngay sau đó, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã đi đầu trong việc hưởng ứng lời hiệu triệu này bằng việc làm vô cùng mới mẻ. Thậm chí có thể nói là đi đầu trong khu vực về việc tạo dựng thương hiệu Chính quyền thân thiện khi UBND tỉnh đầu tiên thực hiện việc mở cổng trụ sở đón người dân vào tham quan dịp Tết. “Không chỉ đơn thuần là việc tham quan không gian xanh, sạch, đẹp, chúng tôi muốn gởi gắm vào những chuyến tham quan đó nhiều thông điệp tích cực” - ông Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh thêm - “Đó là tinh thần, thái độ gần gũi, gắn kết giữa chính quyền với người dân. Từ đây, sẽ lan tỏa hiệu ứng tích cực cho đội ngũ cán bộ trong toàn hệ thống chính trị, nhất là tuyến cơ sở về cách nghĩ, cách làm với người dân: mở lòng hơn, trách nhiệm hơn trong phục vụ người dân...”.

Nghiên cứu, sáng tạo ra tinh dầu từ hoa sen

Đi đầu xây dựng thương hiệu địa phương

Song song đó, Đồng Tháp cũng nhanh chóng xây dựng thương hiệu địa phương để thu hút các nhà đầu tư tìm đến, gắn bó lâu dài. “Sau khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về xây dựng hình ảnh địa phương, Đồng Tháp đã chọn sen để bắt đầu...”. Vì sao là sen? Ông Phạm Thiện Nghĩa cho biết, từ lâu, Đồng Tháp được biết đến như xứ sở của sen: “Tháp Mười đẹp nhứt bông sen; Việt Nam đẹp nhứt có tên Bác Hồ”. Nói cách khác, nhắc đến Đồng Tháp người ta nghĩ ngay tới hình ảnh cánh đồng sen bạt ngàn, nhưng sâu xa hơn, hoa sen đã thấm sâu vào tâm hồn và ý chí con người nơi đây. Vì thế, việc chọn hoa sen là biểu tượng địa phương chính là thể hiện phẩm chất, tinh thần con người Đồng Tháp vươn lên, không khuất phục trước gian khó và thuần khiết: Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Từ những đặc trưng này, tỉnh cũng đã chọn Slogan để thu hút nhà đầu tư, khách du lịch: “Đồng Tháp thuần khiết như hồn sen”, với mong muốn du khách, nhà đầu tư khi đến nơi đây sẽ cảm nhận được sự chân tình, ấm áp của đất và người Đồng Tháp... Cùng với sáng kiến về điểm “Cà phê Doanh nhân - Doanh nghiệp” do Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức ngay khuôn viên Văn phòng UBND tỉnh để tiếp và xử lý công việc với doanh nhân vào mỗi sáng trước giờ hành chính... đã góp phần đưa Đồng Tháp từ địa phương khuất nẻo, vươn lên và có mặt trong top đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) suốt 14 năm liền và nhiều năm đứng thứ hạng cao cả nước về Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX).

Đồng Tháp là thế đấy, như người nông dân, không lời lẽ có cánh, không sắc màu, nhưng chuyên cần trên cánh đồng, sáng tạo trong từng luống cày, năng động trong từng thao tác để đưa đồng đất đượm rực mùa vàng của năng suất, chất lượng và lòng tin được truyền dẫn từ hệ thống chính trị kiến tạo và tử tế.

Để kết thúc bài viết này, xin dẫn lại nhận xét của Thủ tướng Phạm Minh Chính, lúc còn là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng, đã phát biểu chỉ đạo Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 -2025: “Đồng Tháp là một trong số ít tỉnh xây dựng được bộ nhận diện thương hiệu và thực hiện có hiệu quả việc tạo dựng hình ảnh địa phương qua hình ảnh Sen hồng. Điều này làm cho hình ảnh vùng đất, con người Đồng Tháp đã đẹp lại càng đẹp hơn, đã tốt lại càng tốt hơn, đã ấn tượng lại càng ấn tượng hơn trong lòng Nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế”.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Thành phố Hạ Long: Hội thảo khoa học Thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Ngày 26/12, thành phố Hạ Long phối hợp với Viện Kinh tế (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) tổ chức Hội thảo khoa học: “Thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản thành phố Hạ Long trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
2024-12-26 19:13:12

Sản xuất công nghiệp tăng tốc về đích

Nhiều doanh nghiệp trong nước thời gian qua đã tận dụng được các chính sách hỗ trợ của Chính phủ để đầu tư công nghệ, tái cơ cấu doanh nghiệp. Do vậy, sản xuất đang dần được cải thiện, doanh nghiệp tận dụng được các cơ hội, có thêm nhiều đơn hàng mới.
2024-12-26 18:33:53

Herbalife Việt Nam đồng hành cùng cuộc thi "Lan toả năng lượng tích cực" lần thứ năm liên tiếp

Vào tháng 12 năm 2024 - Herbalife Việt Nam, một trong những công ty hàng đầu về sức khỏe và thể chất, tiếp tục đồng hành cùng Báo Tuổi Trẻ tổ chức thành công Cuộc Thi Lan Tỏa Năng Lượng Tích Cực lần thứ năm.
2024-12-26 15:03:20

Vietnam Airlines triển khai hạng ghế Phổ thông đặc biệt trên toàn mạng bay nội địa

Từ ngày 14/1/2025, Vietnam Airlines sẽ triển khai hạng ghế Phổ thông đặc biệt (Premium Economy) trên toàn mạng bay nội địa.
2024-12-26 09:11:52

Tranh chấp tên gọi 'Hoa hậu Biển Việt Nam'

Cuộc thi “Hoa hậu Biển Việt Nam” 2024, một trong những sự kiện nhan sắc đáng chú ý nhất cuối năm, dự kiến diễn ra tại tỉnh Bình Thuận từ ngày 27 đến 31/12. Sự kiện đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đồng ý cấp phép tổ chức. Tuy nhiên, xung quanh cuộc thi này lại nổi lên nhiều tranh cãi liên quan đến tranh chấp bản quyền sở hữu tên gọi "Hoa hậu Biển Việt Nam".
2024-12-26 00:21:35

Quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV

Chiều 25/12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đồng chủ trì Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV.
2024-12-25 17:10:21
Đang tải...