Bản tin kinh tế, tài chính ngày 14/8/2021: Tiền đổ vào cổ phiếu bất động sản tăng mạnh

2021-08-14 08:28:01 0 Bình luận
Ngân hàng xuất hiện làn sóng thay "tướng". Đà Nẵng sẽ đầu tư các khu công nghiệp tổng diện tích 2.326ha. Công ty CP Đầu tư Nam Long (NLG) lãi ròng tăng trưởng hơn 130% so với cùng kỳ

Giá vàng hôm nay 14/8: Vọt lên mạnh mẽ, USD bị bán tháo

Đầu ngày 14/8 (theo giờ Việt Nam), giá vàng hôm nay của thế giới chốt phiên giao dịch cuối tuần tại 1.780 USD/ounce, đánh dấu một phiên tăng mạnh 25 USD /ounce, sau khi tăng tổng cộng 25 USD vào 2 phiên trước.

Như vậy, giá vàng thế giới đã tăng 50 USD/ounce trong 3 phiên giao dịch liên tiếp.

Tại thị trường trong nước, cuối phiên giao dịch ngày 13/8 không có nhiều biến động tại phần lớn các hệ thống kinh doanh kim loại quý. Giá vàng SJC tại nhiều thương hiệu lớn không có sự tăng giảm ở cả hai chiều mua – bán so với giá đầu phiên buổi sáng. Với đà tăng giá trở lại của giá vàng thế giới, đến thời điểm này, chênh lệch với các thương hiệu vàng trong nước đã thu hẹp đáng kể, dù vẫn khá lớn - tới 6,4 triệu đồng.

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại hai chi nhánh Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh ở 56,40 - 57,10 và 57,12.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 56,40 - 57,40 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 56,40 - 57,10 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji và Bảo tín Minh Châu, nhiều địa điểm kinh doanh vẫn nằm trong vùng giãn cách xã hội tại các khu vực có nguy cơ cao về lây nhiễm, giá vàng trên bảng điện tử vẫn không có sự thay đổi ở cả hai chiều mua vào và bán ra.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 56,15 - 57,70 triệu đồng/lượng.

Riêng bảng giao dịch điện tử của Bảo tín Minh Châu vẫn đứng giá trong nhiều ngày nay. Thương hiệu Bảo tín Minh Châu giá vàng SJC vẫn niêm yết tại: 56,90 - 57,52. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long ít biến động, giao dịch tại 51,51 - 52,21 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 50,75 - 51,85 triệu đồng/lượng.

Giá vàng hôm nay vọt lên mạnh mẽ khi Đại học Michigan (Mỹ) công bố kết quả khảo sát chỉ số tâm lý người tiêu dùng tháng 8-2021 đạt 70,2 điểm, giảm mạnh 11 điểm so với tháng trước là 81,2 điểm. Đặc biệt, kết quả khảo sát của Đại học Michigan còn chỉ ra người tiêu dùng dự đoán lạm phát tại Mỹ năm 2021 sẽ ở mức cao 4,6%.

Có lẽ thông tin này làm thị trường suy đoán kinh tế Mỹ sẽ suy yếu trong vài tháng tới, nhất là khi sự trỗi dậy của dịch bệnh do biến thể Delta ngày càng lan rộng tại nhiều quốc gia, có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế thế giới.

Theo đó, nhiều người đã bán tháo USD khiến "đồng bạc xanh" giảm giá trên diện rộng, có lợi cho giá vàng. Lập tức, giới đầu tư tài chính tăng nhu cầu trú ẩn vốn vào kim loại quý này. Giá vàng hôm nay có động lực để tăng mạnh.

Mặt khác, do lãi suất trái phiếu Mỹ đi xuống nên giới đầu tư hạn chế mua trái phiếu. Giá cổ phiếu tại Mỹ và châu Âu tăng không đáng kể, thị trường chứng khoán Nhật Bản, Hongkong - Trung Quốc chìm trong sắc "đỏ". Điều này đồng nghĩa nhiều người đã hướng dòng tiền của mình vào thị trường vàng. Giá vàng có thêm sức mạnh để đi lên

Thực tế cho thấy trong ngày 13-8, giá vàng giao dịch giằng co tại vùng 1.755 -1.760 USD/ounce trong nhiều giờ. Thế nhưng, khi USD bất ngờ giảm giá, dòng tiền chảy mạnh vào thị trường, giá vàng thế giới tăng một mạch 23 USD/ounce, từ 1.755 USD/ounce vọt lên 1.778 USD/ounce lúc 23 giờ. Tiếp đến, giá vàng hôm nay 14-8 đi ngang và đến 6 giờ đóng cửa giao dịch tại 1.780 USD/ounce.

Trước đó, giá vàng SJC ngày 13-8 tại Việt Nam giữ nguyên ở mức 57,1 triệu đồng/lượng. Như thế, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới quy đổi khoảng 7,8 triệu đồng/lượng.

Tiền đổ vào nhóm cổ phiếu bất động sản

Thị trường hôm qua (13/8) mở phiên với trạng thái thận trọng khi VN-Index đã giảm hai phiên liên tiếp trước đó. Áp lực chốt lời sau nhịp tăng dài gần đây khiến nhà đầu tư thận trọng hơn. Chỉ số, vì thế, dao động trong biên độ hẹp gần tham chiếu với cả bên mua và bên bán phần nhiều đều ở thế quan sát.

Ngay trước giờ nghỉ trưa, thế cân bằng bị phá vỡ khi lực bán tăng vọt. Áp lực cung khiến nhiều nhóm cổ phiếu lùi về dưới tham chiếu, VN-Index chuyển sắc đỏ. Đà giảm tiếp tục tăng trong phiên chiều khi nhiều nhà đầu tư dần mất kiên nhẫn. Chỉ số lùi sâu vào khoảng 13h30, có thời điểm giảm hơn 16 điểm.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhịp điều chỉnh có phần dứt khoát giúp những người cầm tiền thấy được cơ hội. Lực mua tăng vọt ở nhiều nhóm dẫn dắt như bất động sản, chứng khoán, thủy sản giúp thị trường phục hồi. Nhiều nhóm cổ phiếu bị chốt lãi trong hai phiên giảm gần đây cũng trở lại sắc xanh như vận tải biển hay phân bón.

Chốt phiên, VN-Index tăng 4 điểm (0,3%) lên 1.357 điểm. VN30-Index tăng hơn 7 điểm (0,49%) lên 1.484,25 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index cùng vượt trên tham chiếu.


VN-Index chốt phiên 13/8 trong sắc xanh. Ảnh: VNDirect

Tuy nhiên, nếu xét chung toàn thị trường, sắc đỏ vẫn có phần ưu thế hơn. Số mã giảm trên HoSE vượt con số 200, so với 166 mã tăng. Riêng nhóm VN30, 15/30 mã bluechip giảm giá.

Dẫn dắt đà tăng trong phiên hôm nay là nhóm bất động sản, vốn đã được dòng tiền hướng tới ba phiên gần đây. VHM là mã đóng góp tích cực nhất tới chỉ số khi tăng 2,6% lên 120.000 đồng, KDH tăng 3,5%, các mã bất động sản nhóm midcap như DIG, HDG, NTL, KBC cũng giao dịch tích cực.

Nhóm thủy sản cũng bứt phá với VHC, FMC chốt phiên ở mức tăng kịch biên độ, ANV tăng trên 6%. Nhóm vận tải biển và kho bãi cũng trở lại trạng thái tích cực sau hai phiên bị chốt lời mạnh. Nhóm chứng khoán cũng gia tăng khi thanh khoản và xu hướng thị trường có dấu hiệu trở lại đỉnh cũ.

Ở chiều ngược lại, sắc đỏ vẫn bao trùm nhóm dầu khí. GAS là mã giảm mạnh nhất nhóm VN30, mất 1,6%, các mã chủ chốt dòng P lùi dưới tham chiếu, BSR mất 3,5%, OIL giảm hơn 1%.

Nhờ trạng thái giao dịch tích cực từ nửa cuối phiên sáng, thanh khoản thị trường tiếp tục giữ ở mức cao. Sàn HoSE hôm nay giao dịch hơn 24.600 tỷ đồng, trong đó nhóm VN30 giao dịch gần 11.900 tỷ. Khối ngoại tiếp tục bán ròng với giá trị gần 800 tỷ đồng.

Ngân hàng xuất hiện làn sóng thay "tướng"

Thời gian gần đây, thị trường chứng kiến hàng loạt quyết định thay đổi nhân sự cấp cao diễn ra tại các ngân hàng như Vietinbank, Vietcombank, Techcombank, SHB…. Bên cạnh đó, các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam như Standard Chartered, Deutsche Bank cũng vừa bổ nhiệm Tổng giám đốc mới...

Không chỉ xuất hiện xu hướng thay đổi nhân sự cấp cao, dường như các "tướng" cũng như các vị trí cấp cao mới được bổ nhiệm tại những ngân hàng này cũng có xu hướng "trẻ hóa" khi vừa qua, hàng loạt gương mặt 8X được bầu vào những chiếc ghế nóng ngân hàng như: bà Bùi Thị Thanh Hương (1980) - Chủ tịch HĐQT NCB, bà Trần Thị Thu Hằng (1985) – Chủ tịch HĐQT Kienlongbank, Ngành ngân hàng đang đứng trước sự vận động mạnh về chiến lược phát triển, cạnh tranh thị trường, chuyển đổi số và công nghệ… Có lẽ vì thế mà xu hướng "tướng trẻ" đang được các ngân hàng đặc biệt toan tính.

Quan sát trong làn sóng thay "tướng" gần đây của các ngân hàng, thị trường tiếp tục bất ngờ với SHB khi ông Nguyễn Văn Lê "rời ghế" khi đã gắn bó vị trí CEO của ngân hàng này trong suốt 21 năm. Trong quá trình phát triển kể từ khi thành lập, đặc biệt khi ngành ngân hàng bước vào giai đoạn tái cấu trúc, SHB được biết đến là một ngân hàng có đội ngũ lãnh đạo nhiều kinh nghiệm và gắn bó, hầu như không có sự biến động trong khi hệ thống các ngân hàng liên tục thay đổi nhân sự cấp cao. Chiến lược nhân sự phù hợp đã đưa SHB có những bước phát triển an toàn, chắc chắn trong giai đoạn đó. Nhờ vậy mà ngân hàng này đã nhận sáp nhập thành công Habubank và trở thành thương vụ thành công điển hình trong đề án tái cấu trúc ngành ngân hàng.

Song khi chuyển đổi số, công nghệ, Fintech… hiện hữu ngày càng rõ nét như hiện nay, SHB được cho là đã chủ động thay đổi chiến lược, đổi mới từ nhân sự cấp cao. Không chỉ thay đổi ghế nóng CEO, bộ máy quản lý của ngân hàng cũng đang có xu hướng trẻ hóa, xuất hiện nhiều thành viên HĐQT, Phó TGĐ, các GĐ/PGĐ Khối thế hệ 8X, là độ tuổi nhiệt huyết, năng động và đam mê cống hiến. Những lãnh đạo trẻ thế hệ 8x có khả năng thích ứng với công nghệ mới nhanh hơn, tư duy nhạy bén hơn, sẽ là yếu tố cần thiết, sẵn sàng cho một sự chuyển đổi thành công.. SHB gần đây cũng được biết đến là nơi hội tụ những nhân sự mạnh về công nghệ số, kinh nghiệm lâu năm tại các tổ chức tài chính hàng đầu trong và ngoài nước. Dường như nhà băng này đang rất rõ ràng cho chiến lược phát triển trở thành ngân hàng hàng đầu về công nghệ số và hiệu quả kinh doanh, tầm nhìn theo hướng ngân hàng bán lẻ hiện đại.

Điều này khiến thị trường một lần nữa phải nhìn nhận câu chuyện thay "tướng" của SHB ở những góc nhìn khác, không đơn thuần là việc hòa theo làn sóng xu hướng của ngành ngân hàng?

Công ty CP Đầu tư Nam Long (NLG) lãi ròng tăng trưởng hơn 130% so với cùng kỳ

Công ty CP Đầu tư Nam Long (NLG) công bố kết quả kinh doanh hợp nhất 6 tháng đầu năm 2021 với lãi ròng tăng trưởng hơn 130% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, trong nửa đầu năm 2021, NLG đạt doanh thu thuần gần 637 tỷ đồng, tương đương với con số cùng kỳ năm trước. Doanh thu trong kỳ được đóng góp chủ yếu từ dịch vụ xây dựng và phát triển dự án với giá trị 478 tỷ, chiếm 75% cơ cấu tổng doanh thu.

Doanh thu từ bàn giao căn hộ và biệt thự chiếm tỷ trọng 11% do các dự án đang trong quá trình xây dựng. Các dự án cũ đã dần hoàn tất tiến độ và bàn giao nhà trong năm 2019, 2020.

NLG cũng ghi nhận khoản lãi từ công ty liên kết liên doanh gần 95 tỷ đồng, tăng 122% so với nửa đầu năm 2020. Kết thúc 6 tháng đầu năm 2021, NLG đạt lãi ròng hơn 412 tỷ đồng, gấp 2.3 lần cùng kỳ năm trước. Kết quả này có sự đóng góp từ việc mua Công ty TNHH Thành phố Waterfront Đồng Nai.

Tính đến cuối tháng 6/2021, NLG có lượng tiền mặt (tiền, tương đương tiền và tiền gửi có kỳ hạn) hơn 1,280 tỷ đồng, tăng gần 16% so với đầu năm. Các khoản phải thu ngắn hạn cũng giảm 17% so với thời điểm đầu năm. NLG ghi nhận giá trị hàng tồn kho cuối kỳ hơn 14.000 tỷ đồng, trong đó giá trị dự án Đồng Nai Warterfront (Izumi) là lớn nhất, gần 7,200 tỷ đồng. Tổng tài sản của NLG tại thời điểm 30/06/2021 đạt trên 20,100 tỷ đồng, tăng 47% so với đầu năm.

Tính đến cuối quý 2/2021, NLG ghi nhận khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn 2,730 tỷ đồng, tăng khoảng 700 tỷ đồng so với đầu năm. Điều này phản ánh hoạt động bán hàng của Công ty vẫn tích cực trong nửa đầu năm.

Được biết, doanh số bán hàng của Tập đoàn tính đến thời điểm hiện tại đã đạt 4,100 tỷ đồng, tăng thêm hơn 1,000 tỷ đồng so với con số đạt được vào đầu tháng 5/2021. Trong đó, doanh số từ dự án Akari đạt 407 tỷ, nhiều sản phẩm biệt thự, nhà phố tại dự án Waterpoint mang về 1,867 tỷ và công 600 căn hộ biệt lập dòng Flora Mizuki MP6, MP7, MP8 với doanh số ước đạt 1,900 tỷ đồng.

Đơn vị này cũng cho biết sẽ giới thiệu ra thị trường hơn 350 căn hộ EHome Southgate khu Tây, 275 nhà phố, biệt thự tại Izumi City khu Đông, khoảng 160 căn hộ mid-end Mizuki Park khu Nam và hơn 200 sản phẩm nhà phố, biệt thự, đất nền tại Cần Thơ ngay trong quý 3 này.

Cũng trong tháng 7 này, NLG sẽ thực hiện bàn giao khoảng 1,650 căn dự án Akari City, thu về thêm 1,700 tỷ đồng. Điều này có nghĩa doanh thu và lợi nhuận của Nam Long sẽ được ghi nhận đáng kể từ quý 3 năm nay.

Đà Nẵng sẽ đầu tư các khu công nghiệp tổng diện tích 2.326ha

TP. Đà Nẵng sẽ bổ sung Khu công nghiệp hỗ trợ Khu công nghệ cao Đà Nẵng với tổng diện tích quy hoạch là 58,53ha.

Đầu tư phát triển các khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 2.326ha, gồm: Hòa Cầm giai đoạn 1, Liên Chiểu; Nâng cấp Hòa Khánh, Hòa Khánh mở rộng thành khu công nghiệp sinh thái; Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng.

Hình thành mới các khu công nghiệp: Hòa Cầm giai đoạn 2, Hòa Nhơn, Hòa Ninh và Khu công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao.

Hình thành mới các cụm công nghiệp: Cẩm Lệ, Hòa Nhơn, Hòa Khánh Nam, Hòa Hiệp Bắc, chuyển đổi quy hoạch cụm công nghiệp Thanh Vinh thành Bến xe phía Bắc.

UBND TP. Đà Nẵng cũng cho biết thêm, về việc triển khai thủ tục đầu tư 3 khu công nghiệp mới (Hòa Ninh, Hòa Nhơn và Hòa Cầm - giai đoạn 2) và các cụm công nghiệp: Cẩm Lệ, Hòa Nhơn, Hòa Hiệp Bắc và Hòa Khánh Nam, thành phố đang đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ dự án, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định, phấn đấu đấu thầu triển khai dự án trong quý 3/2021.

Về các cụm công nghiệp: Cẩm Lệ, Hòa Nhơn, Hòa Hiệp Bắc và Hòa Khánh Nam, hiện UBND TP. Đà Nẵng đang xem xét thành lập Hội đồng đánh giá, lựa chọn chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp.

Thực tế, cụm công nghiệp Cẩm Lệ đã thi công Gói thầu xây lắp giai đoạn 1 đã đạt trên 90% tổng khối lượng và Gói thầu xây lắp giai đoạn 2 đã đạt trên 10% theo hợp đồng. Còn các cụm công nghiệp Hoà Nhơn, Hòa Hiệp Bắc và Hòa Khánh Nam hiện đang giải phóng mặt bằng.

Tính đến nay, TP. Đà Nẵng đã xây dựng và đưa vào hoạt động 06 khu công nghiệp tập trung, bao gồm: Đà Nẵng, Hòa Cầm giai đoạn 1, Hòa Khánh, Hòa Khánh mở rộng, Liên Chiểu và Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng với quy mô tổng thể là 1.066,52ha; tổng diện tích đã cho thuê là 675,81ha, tương ứng với tỷ lệ lấp đầy là 86,4%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ lấp đầy trung bình của các KCN trên toàn quốc (60%).

Đặc biệt, tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp: Hòa Khánh, Đà Nẵng và Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng là 100%; Hòa Cầm - giai đoạn 1 là 98,2%; Hòa Khánh mở rộng là 93,2%; Liên Chiểu là 52,6%.

Các khu công nghiệp hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả đầu tư, góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp, tăng trưởng kinh tế của thành phố với tổng tiền nộp ngân sách từ các khu công nghiệp năm 2020 khoảng 2.275 tỷ đồng.

Trong 7 tháng đầu năm 2021, UBND TP. Đà Nẵng đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 15 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn hơn 2.308 tỷ đồng. Trong đó, có 12 dự án trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp với tổng vốn đầu tư hơn 481 tỷ đồng, 03 dự án còn lại nằm ngoài khu công nghiệp có tổng vốn đầu tư hơn 1.827 tỷ đồng; cấp mới 24 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 148 triệu USD. Lũy kế đến 15/7, thành phố có 910 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư trên 3,8 tỷ USD.

Hiện nay, có khoảng 64.463 lao động đang làm việc tại các dự án thuộc 06 khu công nghiệp của thành phố, trong đó có 31.043 lao động làm việc tại các dự án trong nước và 33.420 lao động làm việc tại các dự án FDI. Tổng số lao động ngoại tỉnh là 31.561 lao động (chiếm 49%), số lao động địa phương là 32.902 (chiếm 51%).

 

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Chia sẻ về chữ “thật” của TH true MILK tại Diễn đàn Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2024

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng chất lượng sản phẩm và mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.
2024-04-19 17:55:22

Việt Nam nằm trong tốp đầu châu Á về đầu tư cơ sở hạ tầng

Ngày 18/4, trong khuôn khổ “Tuần lễ bền vững”, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã tổ chức Phiên thảo luận cấp cao về Thúc đẩy phát triển bền vững thông qua kết nối cơ sở hạ tầng.
2024-04-19 11:24:44

Giải pháp phát triển nhà ở xã hội

Để hướng tới mục tiêu một triệu căn hộ trong 10 năm nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp và công nhân, Bộ Xây dựng cần chủ trì phối hợp với các địa phương để có đánh giá tổng thể về nhu cầu nhà ở theo từng phân khúc, để có tham mưu cơ chế chính sách sát thực tế.
2024-04-19 09:57:41

Việt Nam và Australia hợp tác phát triển thị trường điện cạnh tranh

Ngày 17/4, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Cục Điều tiết Điện lực Việt Nam (ERAV) đã ký biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác nhằm hỗ trợ phát triển thị trường điện cạnh.
2024-04-19 09:47:51

Standard Chartered Việt Nam và Hoa Kỳ hợp tác đầu tư năng lượng sạch

Ngày 16/4, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam công bố việc ký kết Bản ghi nhớ giữa Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, với cam kết thúc đẩy tài chính xanh và phát triển ngành năng lượng sạch tiên tiến tại Việt Nam.
2024-04-19 09:42:00

Hải Phòng chi hơn 1,3 tỷ đồng tặng quà thân nhân liệt sỹ, chiến sỹ Điện Biên

UBND TP. Hải Phòng ban hành Kế hoạch 93/KH-UBND về triển khai các hoạt động thăm, tặng quà thân nhân liệt sỹ, chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, là những người đã có nhiều cống hiến, hi sinh… trong chiến dịch lịch sử.
2024-04-19 08:15:51
Đang tải...