Bán vaccine qua mạng là vi phạm luật pháp
Vaccine phải luôn được bảo quản theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất trong suốt quá trình vận chuyển, cất giữ. Ảnh: VGP/Thúy Hà |
Trước tình trạng
vaccine 5 trong 1, 6 trong 1 (sử dụng trong tiêm dịch vụ) đang khan hiếm, một
số cá nhân đã giao bán các loại vaccine này qua mạng xã hội theo hình
thức "xách tay".
Chất lượng cũng như bảo đảm an toàn khi tiêm cho trẻ những loại vaccine này
đang là vấn đề được nhiều người quan tâm. Phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã
có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tất Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản
lý Dược (Bộ Y tế) về vấn đề này.
Thưa ông, do nhu
cầu của một bộ phận người dân nên một số cá nhân đã rao bán vaccine 5 trong
1 và 6 trong 1 như một món hàng xách tay thông qua mạng xã hội. Là cơ quan
quản lý mặt hàng đặc biệt này, Cục Quản lý Dược đã nắm được thông
tin này chưa, thưa ông?
Ông Nguyễn Tất
Đạt: Tại Việt Nam, việc “bán thuốc qua mạng” là hành vi vi phạm pháp luật.
Bởi thuốc là hàng hóa ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người dùng, kinh doanh
thuốc (bao gồm cả vaccine) là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
Thuốc (bao gồm cả
vaccine) chỉ được lưu hành tại Việt Nam sau khi đã được cấp số đăng ký hoặc giấy
phép nhập khẩu. Hơn nữa, các công ty nhập khẩu vaccine chỉ được bán buôn cho
các cơ sở kinh doanh dược đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh
thuốc với phạm vi kinh doanh tương ứng. Đây là quy định bắt buộc, bởi thuốc cần
được bảo quản đúng với điều kiện bảo quản của nhà sản xuất, nếu không sẽ ảnh hưởng
tới chất lượng.
Việc kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc là hành vi bị cấm theo Luật Dược 2005. Mặt khác, việc sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc có thể gây nguy hiểm cho người sử
Hiện, Cục Quản lý Dược đang và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan như Bộ Công an, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả… để xử lý các trường hợp vi phạm (nếu có).
Pháp luật hiện nay quy định thế nào về việc “xách tay” vaccine từ nước ngoài về Việt Nam, thưa ông?
Ông Nguyễn Tất
Đạt: Mọi hành vi mua bán thuốc qua mạng, “xách tay” đều vi phạm pháp luật.
Đối với vaccine, ngoài các quy định chung về kinh doanh thuốc, việc vận chuyển,
nhập khẩu, còn phải tuân thủ theo một số quy định đặc thù.
Thứ nhất,
vaccine tùy từng loại phải luôn được bảo quản theo đúng khuyến cáo ở nhiệt độ
-20 độ C hoặc 2-8 độ C (theo khuyến cáo của nhà sản xuất) trong suốt quá trình
vận chuyển từ kho của nhà sản xuất đến điểm tiêm chủng.
Thứ hai,
vaccine khi thông quan phải xuất trình bản gốc phiếu kiểm nghiệm của nhà sản xuất
cho lô hàng đó. Sau khi thông quan, lô vaccine nhập khẩu chỉ được phép đưa ra sử
dụng khi có văn bản của Viện Kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế xác
nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng. Hồ sơ kiểm định phải có giấy chứng nhận kiểm định
chất lượng của cơ quan kiểm định y tế nước sở tại.
Thứ ba, vaccine
chỉ được sử dụng tại các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện tiêm chủng.
Như vậy có thể khẳng định rằng, việc kinh doanh vaccine không rõ nguồn gốc là
vi phạm pháp luật.
Thưa ông, Cục
Quản lý Dược cho rằng không thể mua được vaccine dịch vụ 5 trong 1, 6
trong 1 trong thời điểm hiện nay, trong khi có cá nhân rao bán trên mạng xã hội
tới 60 liều vaccine 6 trong 1 này từ Pháp. Số vaccine này có bảo đảm chất lượng
không và Cục kiểm soát vấn đề này như thế nào?
Ông Nguyễn Tất
Đạt: Hiện nay, các doanh nghiệp có đủ điều kiện nhập khẩu
vaccine đều tự ký hợp đồng nhập khẩu theo nhu cầu, không cần xin phép
Bộ Y tế. Tuy nhiên, chúng tôi nhận được báo cáo của đơn vị nhập khẩu, năm nay
do nhà sản xuất thay đổi công nghệ, nhu cầu thế giới tăng đột biến nên không đủ
nguồn cung ứng. Việc này ảnh hưởng tới nguồn cung vaccine của tất cả các
nước trên thế giới, kể cả Pháp.
Tuy nhiên, Nhà
nước đã và đang lo đầy đủ vaccine 5 trong 1, 6 trong 1 cho chương trình tiêm chủng
mở rộng. Nếu trẻ được tiêm đúng lịch theo chương trình này thì vẫn phòng ngừa
được đầy đủ các bệnh và không bị ảnh hưởng bởi việc thiếu vaccine dịch vụ.
Số vaccine trên là không rõ nguồn gốc và đặc biệt là không bảo đảm điều kiện bảo quản thuốc theo quy định. Nếu sử dụng vaccine đó sẽ nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Vậy, ông khuyến
cáo điều gì với người dân trong thời điểm này?
Ông Nguyễn Tất
Đạt: Mới đây, TS. Kohei Toda, chuyên gia về tiêm chủng mở rộng của Tổ chức
Y tế Thế giới (WHO) đã khẳng định vaccine Quinvaxem được sử dụng trong chương
trình tiêm chủng mở rộng là vaccine an toàn, hiệu quả, có chất lượng tốt
theo kết quả tiền thẩm định của tổ chức này. Đặc biệt, vaccine Quinvaxem cần
thiết cho phòng chống các bệnh ở trẻ em và vẫn đang được sử dụng tại 94 nước
trên toàn thế giới.
Vì vậy, để bảo
đảm phòng tránh bệnh tốt nhất cho trẻ, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm đầy
đủ, đúng lịch. Không nên chờ đợi vaccine dịch vụ vì có thể khiến trẻ không được
tiêm chủng đúng lịch.
Bên cạnh đó, các phụ huynh cần tìm hiểu kỹ thông tin liên quan đến phản ứng sau tiêm chủng, cần kiểm tra rõ nguồn tin và tìm hiểu kết luận về nguyên nhân của phản ứng có liên quan đến vaccine hay không.
Đặc biệt, cần lưu ý không tiêm cho trẻ bằng vaccine không rõ nguồn gốc, không được bảo quản nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất.
Xin cảm ơn ông!
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.