Bộ Tài chính quyết thu thuế bất động sản?
Chính sách thuế hiện hành còn nhiều bất cập
Theo Bộ Tài chính, tại Việt Nam hiện nay chưa có sắc thuế tài sản riêng nhưng đã có các chính sách thuế liên quan đến tài sản như: thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế thu nhập đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản, lệ phí trước bạ.
Các khoản thuế, phí này đã và đang đóng góp một phần vào ngân sách nhà nước, tuy nhiên, mức đóng góp này không cao và chưa phát huy được vai trò điều tiết đối với thị trường đất đai.
Cụ thể, đối với lệ phí trước bạ, số thu trong giai đoạn 2011 – 2015 chiếm khoảng 2% tổng thu ngân sách nhà nước. Mức thu lệ phí trước bạ đối với nhà đất hiện hành (0,5% giá trị giao dịch nhưng không quá 500 triệu đồng) được đánh giá là không cao.
Đối với thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, số thu giai đoạn 2011 – 2016 qua các năm lần lượt là 1.589 tỷ đồng, 1.193 tỷ đồng, 1.447 tỷ đồng, 1.463 tỷ đồng, 1.479 tỷ đồng và 1.250 tỷ đồng. Trung bình, nguồn thu từ thuế sử dụng đất phi nông nghiệp giai đoạn 2011 – 2015 chiếm 0,15% tổng thu ngân sách nhà nước.
Các chính sách thuế liên quan đến tài sản chưa phát huy được vai trò điều tiết thị trường đất đai
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, quá trình triển khai Luật Đất đai 2013 thời gian qua đã cho thấy một thực tế: vai trò điều tiết thu nhập của các tổ chức và cá nhân trong xã hội chưa được phát huy đúng mức.
Cụ thể, từ năm 2011 trở về trước, “Pháp lệnh thuế nhà đất” quy định thuế nhà đất là thuế thu đối với nhà và đất ở, đất xây dựng công trình, không thu thuế nhà và không có quy định về thuế nhà. Căn cứ tính thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cũng chưa thật chính xác (bằng 1 – 32 lần mức thuế sử dụng đất nông nghiệp cao nhất trong vùng). Ngoài ra, chính sách thuế đất trong giai đoạn này cũng chưa có sự điều tiết cao đối với những đối tượng có quyền sử dụng diện tích đất lớn nên chưa khuyến khích việc sử dụng đất tiết kiệm và hạn chế đầu cơ đất.
Từ năm 2012 đến nay, Quốc hội đã thông qua Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Dù Luật đã có những cải cách nhưng vẫn không quy định đánh thuế nhà. Mức thuế sử dụng đất phi nông nghiệp tuy đã lũy tiến vào giá trị quyền sử dụng đất nhưng vẫn chưa đủ lớn (0,07%, 0,03% và 0,15%) để thúc đẩy các cá nhân, tổ chức đưa bất động sản ra giao dịch trên thị trường, góp phần tạo tình trạng “khan cung ảo”.
Cần thiết đánh thuế tài sản
Bộ Tài chính cho rằng, chính sách thuế đối với bất động sản có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện chức năng của nhà nước về điều tiết thị trường bất động sản. Do vậy, việc nghiên cứu ban hành Luật Thuế tài sản là cần thiết. Đây chính là việc thể chế hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước về chính sách thuế đối với tài sản, khắc phục hạn chế của chính sách hiện hành; và xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ.
Cụ thể, chủ trương xây dựng Thuế tài sản đã được thể hiện trong các văn bản quan trọng như: Nghị quyết 19/NQ-TƯ (Hội nghị lần 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI); Nghị quyết 07/NQ-TƯ ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội; Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 2127/QĐ-TTg năm 2011; Quyết định 2174/QĐ-TTg ngày 12/11/2013 của Thủ tướng vv…
Việc đánh thuế tài sản chỉ còn là vấn đề thời gian?
Về khía cạnh xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, Bộ Tài chính nhấn mạnh các chính sách thuế liên quan đến tài sản hiện hành chưa đáp ứng được vai trò là nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước (số thu thuế sử dụng đất tại Việt Nam hiện nay chỉ chiếm khoảng 0,03% GDP và 0,15% tổng thu ngân sách nhà nước).
Trong khi đó, theo kinh nghiệm của thế giới, thuế tài sản đã ra đời từ rất sớm, xuất phát từ thuế đất và đối tượng chịu thuế ngày càng được mở rộng. Nguồn thu từ thuế tài sản, đặc biệt thu từ thuế sử dụng đất, là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước.
Chẳng hạn như nguồn thu từ tài sản chiếm 2% GDP tại các quốc gia OECD (trong đó Canada 4%; Mỹ cao nhất 3%, thấp nhất là 1%), chiếm 0,61% đối với các nước đang phát triển và chiếm 0,68% tại các quốc gia đang chuyển đổi.
Thuế tài sản cũng được xem là loại thuế trực thu có khả năng động viên tương đối sát với khả năng đóng góp thực tế của người chịu thuế vì thuế đánh vào tài sản cụ thể (nhất là nhà và đất).
Xu thế cải cách thuế tài sản tại một số quốc gia (Canada, Úc, Malaysia…) trong thời gian gần đây cho thấy các nước có xu hướng cải cách nguồn thu theo hướng: đánh thuế đối với tài sản có giá trị lớn, mở rộng đối tượng thu thuế tài sản.
Bộ Tài chính cũng cho rằng, ban hành thuế tài sản trong bối cảnh Việt Nam hiện nay là một bước đi phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn tới, góp phần tăng cường quản lý nhà nước đối với tài sản.
Cụ thể, thị trường bất động sản được kì vọng sẽ phát triển ổn định và bền vững hơn trong thời gian tới khi hàng loạt luật, nghị định và các chính sách về tín dụng bất động sản đã có hiệu lực thi hành.
Ngoài ra, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam cũng đã tăng liên tục trong các năm gần đây, từ 1.400 USD/người/năm (2013) lên 2.200 USD/người/năm (2016) và dự báo sẽ lên 3.400 USD trong năm 2020. Theo đó, dự kiến việc nắm giữ, sở hữu, đầu tư bất động sản của người dân sẽ có xu hướng tăng lên. Do đó, việc nghiên cứu, xây dựng Luật thuế tài sản là cần thiết.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.