Cảm động lễ phát động hiến tặng mô, tạng tại Việt Nam
Bệnh nhân được ghép tạng nhờ tạng của anh trai.
Tối ngày 26/10, tại Nhà hát lớn Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức chương trình “Khi sự sống được sẻ chia và Lễ phát động phong trào đăng ký hiến tặng mô, tạng”. Chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, trước hết nhằm tôn vinh, tri ân đến các trái tim nhân ái, những tấm lòng vàng của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã sẻ chia, đồng hành giúp đỡ những bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, suy mô, tạng có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ chiến thắng được bệnh tật, chiến thắng được hoàn cảnh cuộc sống, chiến thắng được bản thân, vươn lên trong cuộc sống và trở thành người có ích cho cộng đồng, xã hội.
Xuyên suốt chương trình, những câu hỏi lời một bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Hữu Thỉnh, bài thơ với tên gọi là “Hỏi”. "Tôi hỏi đất: Ðất sống với đất như thế nào? Chúng tôi tôn cao nhau. Tôi hỏi nước: Nước sống với nước như thế nào? Chúng tôi làm đầy nhau. Tôi hỏi cỏ: Cỏ sống với cỏ như thế nào? Chúng tôi đan vào nhau làm nên những chân trời. Tôi hỏi người: Người sống với người như thế nào?" đây là câu hỏi như khắc vào lòng tất cả khách mời của chương trình. Cả chương trình đi tìm câu trả lời cuối cùng ấy.
Trả lời những câu hỏi ấy là gia đình chị Tuyết ở Hải Phòng và chị Mừng ở Lâm Đồng. Ở đâu đó có những gia đình mà con cái giấu bố mẹ đi đăng ký hiến tạng. Bố mẹ khi biết không những không giận con mà còn tự nguyện đi đăng ký hiến theo. Lại có những gia đình mà người vợ hiến sống xong thì người chồng cũng tự nguyện đăng ký hiến theo. Và đặc biệt, có gia đình đã đồng ý hiến đa tạng người con chết não để cứu sống... bệnh nhân.
Câu chuyện của một gia đình hiến tạng ở Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM vào 4/9/2015 đã cứu sống được 5 người. Cuộc ghép tạng xuyên Việt ấy có lẽ lấy đi không ít cảm xúc xúc động của nhiều khán giả. Chính họ là những bằng chứng thiêng liêng nhất để trả lời cho câu hỏi: Người với người sống với nhau như thế nào. Sống ở trên đời này cần sống như thế nào?
Hiện nay, ở Việt Nam có hàng chục nghìn người vẫn đang giành giật sự sống từng ngày để chờ đợi được ghép gan, thận, tim…. Những ca ghép mô, tạng từ người chết não, ngừng tim, hiến tạng thời gian qua đã mở ra một hướng đi hết sức đúng đắn, đem lại lợi ích và ý nghĩa xã hội, song cũng còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế.
Theo số liệu thống kê tính đến hết ngày 30/9/2015, số lượng các ca ghép mô, tạng ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở các con số khiêm tốn: Ghép thận (1.116 ca), ghép gan (48 ca), ghép tim (13 ca), ghép thận - tụy (1 ca), ghép giác mạc riêng BV Mắt Trung ương từ 2005 đến nay đã ghép được 1.401 ca.
Trong khi đó, nhu cầu người chờ ghép lại ở mức rất cao. Cả nước có khoảng 6.000 người bị suy thận mạn tính cần được ghép, riêng chỉ tính tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội đã có trên 1.500 người có chỉ định ghép gan và khoảng 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc trong đó có trên 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc, hàng trăm người chờ được ghép tim, phổi...
Có thể nói rất nhiều trường hợp suy nội tạng sẽ được cứu sống nếu như chúng ta có nguồn hiến tặng thích hợp vì ghép tạng là phương pháp điều trị cuối cùng và hiệu quả cho người bệnh suy tạng.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.