Cảnh báo thủ đoạn lừa chuyển tiền, đánh cắp tài khoản ngân hàng dịp cận Tết
Ảnh minh họa (NLD.com.vn)
Báo Thanhnien.vn đưa tin, tcận Tết hằng năm luôn là thời điểm khách hàng có nhu cầu giao dịch tăng cao đột biến, đặc biệt là các giao dịch mua sắm trực tuyến. Đây cũng là thời điểm mà các hoạt động gian lận, lừa đảo tài chính diễn ra phức tạp với các thủ đoạn ngày càng tinh vi. Một số thủ đoạn lừa đảo được thực hiện nhiều như lấy cắp thông tin dịch vụ ngân hàng, lừa đảo khách hàng tự chuyển tiền… Cụ thể, đối tượng lừa đảo giả mạo website/Fanpage của ngân hàng và gửi đường link giả mạo để khách hàng nhập thông tin. Hoặc kẻ lừa đảo sẽ tìm cách lừa khách hàng cài đặt phần mềm gián điệp; giả danh nhân viên ngân hàng, tòa án, cảnh sát… và yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin… Vietcombank khẳng định không bao giờ gửi đường link hoặc liên hệ với khách hàng để yêu cầu cung cấp thông tin bảo mật dưới mọi hình thức. Vì vậy, các yêu cầu cung cấp thông tin (nếu có) đều là giả mạo, khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin khi nhận được các yêu cầu này.
Không chỉ thế, kẻ gian có thể giả danh nhân viên ngân hàng, tòa án, cảnh sát, nhân viên bưu điện, viễn thông, giao hàng… yêu cầu khách hàng chuyển tiền đến tài khoản của kẻ gian. Vì vậy, khách hàng cần nâng cao cảnh giác, xác định đúng thông tin của người liên hệ. Đặc biệt, không thực hiện chuyển tiền, cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại. Đồng thời, báo cho cơ quan công an/cơ quan chức năng nơi gần nhất nếu thấy dấu hiệu nghi ngờ.
Ngoài ra, dịp cuối năm, các cơ quan công an, dịch vụ tài chính cũng liên tiếp cảnh báo về những chiêu trò lừa đảo như có nhiều kẻ sử dụng số điện thoại ảo, lập số điện thoại gần giống số đường dây nóng của ngân hàng hay cán bộ cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án... hù doạ người nghe rằng họ đang nằm trong danh sách rửa tiền, đề nghị mở tài khoản và đăng ký tài khoản ngân hàng điện tử tại ngân hàng X để kiểm tra nguồn tiền... Hay chiêu trò cũ nhưng vẫn được sử dụng là thông báo cho người nghe hiện bưu điện đang ghi nhận bưu phẩm liên quan đến dư nợ thẻ tín dụng của nạn nhân. Sau đó, chúng yêu cầu nạn nhân truy cập vào đường dẫn của cơ quan công an điều tra để được hỗ trợ chuyển tiền ngay. Nếu không đồng ý truy cập và thanh toán sẽ chịu truy tố trước pháp luật. Các nạn nhân thực hiện theo yêu cầu của đối tượng giả danh sẽ bị thiệt hại tài chính…
Theo khuyến cáo từ các ngân hàng đăng trên Vietnamplus.vn, tội phạm lừa đảo thường mạo danh người thân, bạn bè, đối tác,… gửi đường link giả dịch vụ chuyển tiền quốc tế WesternUnion nhờ khách hàng nhận hộ tiền hoặc nhận tiền cung cấp hàng hóa dịch vụ (đối tượng tìm hiểu trước thông tin khách hàng đang có nhu cầu bán hàng, tài sản).
Khi khách hàng truy cập vào đường link giả do đối tượng cung cấp và nhập thông tin đăng nhập, mật khẩu ngân hàng điện tử và OTP (mã xác thực một lần) để kích hoạt dịch vụ mobile manking hoặc SmartOTP, đối tượng lừa đảo sẽ nắm được toàn bộ thông tin của khách hàng và tự cài đặt Smart OTP để giao dịch chuyển tiền.
Đường link giả WesternUnion thường có dạng: https://bank247quocte-westernunion.weebly.com https://westernunion.weebly.com…
Ngoài ra, đối tượng lừa đảo còn mạo danh người thân, người quen (do đánh cắp được facebook, zalo, viber, messenger của những người này…) nhờ mua thẻ điện thoại, thanh toán chuyển khoản tới tài khoản do kẻ gian chỉ định... Đây là một thủ đoạn không mới nhưng nhiều dùng mạng xã hội vẫn vô tình trở thành nạn nhân.
Thời điểm cận Tết là lúc nhu cầu giao dịch, thanh toán tăng cao đột biến, đặc biệt là các giao dịch mua sắm trực tuyến. Do đó, đây cũng là thời điểm mà các hoạt động gian lận, lừa đảo tài chính diễn ra phức tạp với các thủ đoạn ngày một tinh vi.
Trước thực tế này, các ngân hàng khuyến cáo khách hàng nâng cao cảnh giác, xác định chính xác thông tin của người liên hệ, không thực hiện chuyển tiền, cung cấp thông tin cá nhân (số tài khoản ngân hàng, tên đăng nhập tài khoản, mật khẩu ngân hàng, mã OTP...) cho người lạ quan tin nhắn, điện thoại. Đồng thời, người dân báo ngay cho cơ quan công an hoặc cơ quan chức năng nơi gần nhất nếu thấy dấu hiệu nghi ngờ.
Đặc biệt, ngân hàng khẳng định không bao giờ gửi đường link hoặc liên hệ với khách hàng để yêu cầu cung cấp thông tin bảo mật dưới mọi hình thức. Vì vậy, các yêu cầu cung cấp thông tin nếu có đều là giả mạo.
Người dùng cũng cần lưu ý không nên lưu thông tin bảo mật ngân hàng điện tử và thẻ trên các thiết bị điện tử và các website cũng như dưới bất kỳ hình thức nào; hạn chế truy cập tài khoản ngân hàng và thực hiện giao dịch tài chính trên các thiết bị lạ; chỉ nên thực hiện giao dịch tại website uy tín, có độ bảo mật cao và kiểm tra kỹ tên miền website trước khi gõ các thông tin bảo mật.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.