Cậu bé 14 tuổi đau đớn vì khối u "khủng" mưng mủ, mẹ nghèo trào nước mắt bất lực
Hoàn cảnh đáng thương đó là cậu bé Trần Hoài Phi (SN 2007, thôn Chánh An, xã Cát Hanh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định). Cao 1m57, nhưng Phi chỉ nặng 28kg, những liều hóa chất và những cơn đau hành hạ ngày đêm khiến Phi luôn mất ngủ, kém ăn, không thể vận động.
Bé phi tiều tuỵ sau những cuộc phẫu thuật và cơn đau hành hạ (Ảnh: Dân trí)
Theo hồ sơ bệnh án, Phi bị sarcoma phần mềm vùng mông đùi trái (một dạng ung thư ác tính có nguồn gốc trong các mô mềm), những khối u liên tục xuất hiện trong khối cơ ở khu vực này làm đùi trái của Phi sưng to, đau nhức, sốt cao liên tục. Từ năm 2016 đến nay, Phi đã trải qua 4 lần mổ, cứ mổ rồi tái phát lại. Trong đó, ca mổ vào tháng 8/2020 là kinh hoàng nhất vì vết mổ quá lớn, vết thương không lành được, mưng mủ nên phải mổ lại để cắt rộng ra lấy mủ, đắp da.
Đợt điều trị kéo dài gần 3 tháng với 2 ca mổ lớn, vết thương nhiễm trùng hành hạ đến mức Phi bị ám ảnh. Giờ nghe ai nói đến chuyện phẫu thuật là Phi sợ hãi, bỏ cơm, nôn mửa, đêm ngủ vẫn còn mơ ác mộng…
Vết thương mưng mủ (Ảnh: Dân trí)
Sau đợt phẫu thuật thứ 4 vào tháng 4/2021 và hoàn tất đợt hóa trị thứ 7, Phi đã được cho về từ tháng 7/2021. Bác sĩ dặn về nghỉ ngơi 20 ngày rồi vào bệnh viện chuyển qua xạ trị. Tuy nhiên, sau đó trúng đợt dịch thứ 4 bùng phát, TPHCM tiến hành giãn cách, đi lại giữa các tỉnh thành rất khó khăn, chị Yến không thể đưa con vào tái khám.
Tháng 11/2021, khi đã chuyển sang tình trạng bình thường mới, đi lại dễ dàng hơn, chị Trần Thị Kim Yến (sinh năm 1982, mẹ bé Phi) ưa con vào lại bệnh viện Ung bướu TPHCM điều trị thì khối u đã sưng to trở lại, không thể xạ trị mà phải mổ cắt bỏ khối u, hoặc tiến hành một phác đồ hóa trị mới.
Những lần cơn đau hành hạ, Phi phải ngồi vào lòng mẹ (Ảnh: Dân trí)
Bác sĩ điều trị cho hay, khu vực xuất hiện hạch của Phi đã tổn thương rất nhiều, mổ lần nữa rất nguy hiểm nên phải tiến hành các xét nghiệm đánh giá, lên phác đồ hóa trị mới với 4 chu kỳ.
Theo chị Yến, bố Phi mất từ khi em mới 4 tuổi, một mình chị chăm sóc 2 con và người mẹ già. Ngoài Phi, em còn có một anh trai bị câm bẩm sinh, người bà già yếu không đi lại được. Nhà có 4 sào lúa, chị Yến cố mãi cũng chỉ thu hoạch được 1,2 tấn lúa. Để kiếm thêm tiền ăn, thuốc men, chị Yến phải xoay ra bán hàng lặt vặt tại chợ, đi làm thuê…
Cuộc sống đang quá chật vật thì tai nạn ập đến, bệnh tình hiểm nghèo của bé Phi khiến chị tán gia bại sản, vay nợ khắp nơi. Có lúc quá khổ, tưởng chừng như muốn buông tay. Nhưng đêm đến, nhìn con không ngủ được, ôm đùi kêu khóc vì đau đớn là chị không chịu nổi. Hoàn cảnh của mẹ con chị Yến rất cần sự chung tay giúp đỡ của mọi người.
Tương tự, hoàn cảnh của em Nguyễn Phương Đạt (10 tuổi, ngụ tại huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá). Cậu bé phát hiện bệnh ung thư xương, đau đớn với những đợt truyền hoá chất, rung hết tóc. Trải qua 4 đợt truyền hoá chất, tình hình của Đạt có tiến triển đôi chút. Tuy nhiên, kinh tế gia đình chị Thu lại sa sút đi trông thấy. Bởi vợ chồng chị đều làm công nhân tại một công ty giầy da trên địa bàn huyện Thọ Xuân, thu nhập rất thấp.
Gánh nặng kinh tế đè nặng lên vai chồng chị với khoản thu nhập chỉ vỏn vẹn khoảng 3 triệu đồng/tháng. Suốt quá trình Đạt nằm viện, chị Thu phải vay mượn họ hàng số tiền lên đến hơn 100 triệu đồng. Cứ mỗi đợt điều trị, tiền thuốc ngoài danh mục bảo hiểm tốn đến 18 triệu đồng, mỗi đợt chỉ kéo dài khoảng từ 1-2 tuần.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.