Cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp xuất thân là cậu bé câm điếc
Gao Rixiao, 40 tuổi, sống ở Hải Nam (Trung Quốc) bị câm điếc sau một trận ốm từ lúc nhỏ. Niềm đam mê bóng đá đến với anh khi xem một trận bóng đá trên truyền hình tại ngôi trường đặc biệt mà anh theo học.
Sau khi tốt nghiệp vào năm 2000, Gao trở thành nhân viên vệ sinh dịch tễ phụ trách một khu phố ở Hải Khẩu. Vào năm 2003, sự kiện bóng đá cấp tỉnh dành cho người khuyết tật đã đánh thức niềm đam mê bấy lâu trong chàng trai. Mỗi thứ Hai, anh Gao cùng các thành viên đội bóng đến tập luyện tại một sân bóng. Đối với Gao, chơi bóng đá là cách để những người khuyết tật như anh được công nhận như người thường, có nhiều niềm vui trong cuộc sống.
Cầu thủ câm điếc tài năng- anh Gao (Ảnh: TTXVN)
Coi bóng đá như nguồn sống, song người đàn ông này còn lấn sang lĩnh vực bất động sản, chịu trách nhiệm chấm công, làm slogan và banner cho các hội thảo, trông coi nhà kho. Thời gian rảnh rỗi, Gao tranh thủ học thêm về khoa học máy tính và thúc đẩy việc học ngôn ngữ dấu hiệu ở Hải Nam để giúp nhiều người khuyết tật hơn nữa thích nghi với xã hội. Tháng 5/2008, Gao đã được bầu làm chủ tịch hiệp hội người khiếm thính của tỉnh.
Gao cho biết: "Khuyết tật về cơ thể không phải là điều tồi tệ, nếu bạn còn có trái tim lạc quan. Nếu bạn đương đầu với mọi thứ với tinh thần lạc quan, mọi chuyện sẽ tốt đẹp." Nói về dự định trong tương lai, Gao cho biết sẽ dẫn dắt đội bóng tham gia nhiều sự kiện thể thao hơn để giúp các cầu thủ câm điếc hoà nhập với thế giới rộng lớn.
Câu chuyện của anh Gao cũng tương tự như chị Nguyễn Thị Thu Thương, sinh năm 1983 (ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội). Mắc bệnh xương thuỷ tinh từ khi mới lọt lòng, cuộc sống của chị gặp nhiều khó khăn. Không đầu hàng số phận, chị mở lớp dạy làm đồ thủ công miễn phí cho người khuyết tật rồi nhận hàng về bán. Từ những ngày khởi nghiệp ban đầu, chị Thương đã gầy dựng thành công doanh nghiệp sản xuất đồ Handmade cho riêng mình. Công ty của chị đã giúp đỡ cho rất nhiều người khuyết tật ở khắp các tỉnh, thành có công việc và niềm tin vào cuộc sống.
Nữ giám đốc khuyết tật tạo nên giá trị cuộc sống (Ảnh: Internet)
Câu chuyện khởi nghiệp của anh Lê Việt Cường- Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Hà Đông (Hà Nội) là tấm gương điển hình cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ. Anh Cường mắc bệnh bại liệt từ nhỏ và phải trải qua hàng chục cuộc phẫu thuật mới có thể tự đứng trên đôi chân của mình. Nhận thấy nghề thủ công phù hợp với sức khỏe của người khuyết tật, anh Cường mở một xưởng ghép tranh, tạo ra những chiếc túi, tấm vải với họa tiết sống động. Xưởng của anh không chỉ giúp nuôi sống bản thân mà còn giúp đỡ cho nhiều người khuyết tật khác.
Có thể thấy, những người khuyết tật phải chịu rất nhiều thiệt thòi trong cuộc sống, thế nhưng những tấm gương như Gao, chị Thuy hay anh Cường khiến người thường cũng phải thán phục, ngưỡng mộ.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.