Chuyện những người '1 tay dành cho mình, 1 tay dành cho người khác'
Trong suốt thanh xuân của mình, họ đã không ngừng nỗ lực cố gắng, vươn lên trong cuộc sống để không chỉ giúp cho bản thân mà còn lan tỏa và hỗ trợ cho những người xung quanh cùng phát triển.
Đó là câu chuyện rất đẹp mà những người trẻ đã mang đến trong chương trình giao lưu trực tuyến “Tuổi trẻ Việt Nam - Những câu chuyện đẹp” với chủ đề “Lan tỏa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, do T.Ư Đoàn và Báo Thanh Niên tổ chức sáng 31.10.
5 bạn trẻ đã không ngừng vươn lên trong cuộc sống và hỗ trợ cho những người xung quanh cùng phát triển
Cảm phục ý chí và tinh thần của người trẻ
Ở độ tuổi 22 đầy ước mơ và hoài bão, Nguyễn Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng xu hướng Việt - Vinatrends (TP.Biên Hòa, Đồng Nai), phải đối diện với sự tàn tật, mất khả năng đi lại của đôi chân và sự linh hoạt của đôi tay do tai nạn giao thông. Đã từng nghĩ đến cái chết và giải thoát cho chính mình, nhưng vượt lên trên tất cả, anh đã chọn sống tiếp và sống thật tốt.
“Nhà nghèo, lúc đó cả nhà còn ở trọ, bố mẹ không thể lo được cho mình mãi, chính vì thế mình đã lao vào tự học, tự mày mò với nhiều dự định cho tương lai, và rồi mọi thứ tốt đẹp dần đến như một phép lạ khi mình có niềm tin và phấn đấu hết mình”, anh Hà tâm sự về hành trình từ chàng trai tàn tật trở thành giám đốc một công ty do chính mình sáng lập và gầy dựng.
Cũng mang trong mình tinh thần khởi nghiệp của tuổi trẻ, anh Trầm Minh Thuần, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp Long Hiệp, không chọn con đường đi chỉ riêng mình mà anh muốn trên hành trình thành công sẽ luôn kéo theo được nhiều người cùng phát triển, chính vì thế, anh chọn về quê khởi nghiệp với mô hình hợp tác xã.
“Ở độ tuổi 26, lúc đầu cũng gặp nhiều khó khăn khi nhiều người không tin một người trẻ có thể làm được với mô hình hợp tác xã và đồng hành lâu dài cùng bà con. Nhưng sau 3 năm hoạt động, mình làm được những điều đã hứa với người dân và đưa mô hình trở thành một trong những hợp tác xã tiêu biểu nhất của tỉnh và đi đầu trong việc xây dựng thương hiệu cũng như xây dựng được chuỗi giá trị liên kết”, anh Thuần kể.
Điều đặc biệt, hợp tác xã đã góp phần tạo ra công ăn việc làm cho thanh niên địa phương, xây dựng mô hình kinh tế tập thể và đồng hành cùng địa phương xây dựng tiêu chí nông thôn mới.
Với nữ CEO xinh đẹp và tài năng Đào Thị Trang hay còn được gọi là Trang Đào, CEO Công ty cổ phần công nghệ Trandata (thuộc FPT Software) dù xuất phát điểm không phải là dân công nghệ, gia đình từng thuộc hộ nghèo, nhưng trong quá trình học tập cũng như làm việc, chị đã rất nỗ lực và cố gắng hết mình.
Nữ CEO trẻ tâm sự: “Sau 8 năm làm việc trong ngành công nghệ, việc trở thành giám đốc điều hành của một công ty đã tạo thành dấu ấn và giúp mình có những định hướng, cũng như nghĩ nhiều đến việc lan tỏa và cần làm sao cố gắng phấn đấu trong công việc nhiều hơn nữa để kéo theo thật nhiều người cùng có công ăn việc làm như mình”.
Lan tỏa hành động đẹp
Với vai trò là Bí thư Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên P.Tam Thuận, Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng, anh Trần Văn Hiếu luôn thôi thúc bản thân tổ chức nhiều mô hình và dự án hay giúp cho cộng đồng.
Trong rất nhiều mô hình hay đã làm được, anh Hiếu tâm đắc với mô hình điện sáng cho người nghèo. Anh kể: “Trong những lần đi khảo sát, hỗ trợ các hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, mình nhận thấy bên trong những ngôi nhà đó hệ thống điện rất cũ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, những bóng đèn cũ ánh sáng yếu mà chi phí lại cao… Mình nghĩ ngay đến việc thay mới lại điện chiếu sáng cho các hộ gia đình khó khăn”.
Còn anh Dương Hải Anh, Bí thư Đoàn thanh niên Công an H.Mộc Châu, tỉnh Sơn La, chúng tôi thật sự ấn tượng khi anh nhắc đến hình ảnh các em nhỏ vùng cao không còn xoa bụng nhiều vì thấy đói như trước đây và an tâm đến trường, tiếp thu bài vỡ được tốt hơn. Bởi trước khi dự án Nuôi em Mộc Châu được anh Hải Anh lên ý tưởng thực hiện thì mỗi ngày các em nhỏ vùng cao nơi đây đến trường với những âu cơm đã nguội lạnh chỉ cơm trắng và nước lã.
Cùng nhau làm nên những điều ý nghĩa
Với cái tên Xu hướng Việt mà anh Hà đặt cho công ty của mình, anh đã gửi trọn niềm tin của thế hệ trẻ Việt Nam vào đấy: “Cái tên này để luôn nhắc nhở bản thân, đội ngũ của mình phải luôn thay đổi để thích ứng và theo kịp xu hướng thời đại. Và một điều được xem là bản sắc mà mình muốn truyền tải đó là người trẻ Việt chúng ta rất nhanh nhạy, ham học hỏi, luôn bắt kịp xu hướng của thế giới và những giá trị đó chúng mình thể hiện trong những sản phẩm đem lại cho khách trên khắp cả nước”.
Từ những mô hình ý nghĩa mà anh Hiếu làm cho cộng đồng, anh tâm niệm: “Mình sinh ra và lớn lên ở một thành phố rất đẹp và thân thiện, nhưng cũng còn nhiều hoàn cảnh khó khăn, bản thân cũng lớn lên trong sự thiếu khổ nên luôn đau đáu làm sao tổ chức thật nhiều hoạt động để hướng đến người dân cũng như là thanh thiếu nhi, để giúp cho địa phương phát triển từ đó góp phần nhỏ giúp đất nước chúng ta phát triển phồn vinh và hạnh phúc hơn”.
Tiêu đề bài báo đã được Hòa Nhập thay đổi. Tiêu đề gốc là: "Câu chuyện về những đôi bàn tay".
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.