Câu chuyện về bác sĩ đuổi theo xe máy để cấp cứu trẻ bị đuối nước
Phản xạ nghề nghiệp nhạy bén
Khoảng 10h 30p sáng ngày 19/7, vì có công việc gia đình nên bác sĩ Hậu đã xin Giám đốc bệnh viện được nghỉ phép, trong khi đang di chuyển trên đường đi qua xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương, thì bất ngờ thấy một chiếc xe máy phóng rất nhanh về hướng trạm y tế xã.
“Một người đàn ông điều khiển xe máy chở theo một em bé tầm cỡ 2-3 tuổi đang nằm sấp trên người phụ nữ, theo quan sát cả người em bé lúc đấy ướt sũng, mềm nhũn, tím tái, tay thõng xuống. Với kinh nghiệm nghề nghiệp khiến tôi nhận định bé đang trình trạng rất nguy kịch, có thể là hóc dị vật đường thở, đuối nước hoặc tình huống cấp cứu khác. Giây phút đó tôi chẳng suy nghĩ nhiều, liền quay đầu xe đuổi theo đến trạm y tế xã Ngọc Lâm. Bước chân xuống, tôi chạy ngay vào khu vực đang sơ cứu cho bé. Qua quan sát ban đầu tôi nhận định được rằng em bé đã ngừng tuần hoàn, ngừng hô hấp, đồng tử giãn, dịch thức ăn trào qua mũi, miệng.” Bác sĩ Hậu bồi hồi nhớ lại sự việc ngày hôm đó.
Bác sĩ Hậu (áo xanh) cùng đội ngũ y, bác sĩ trạm y tế xã Ngọc Lâm đang dành giật sự sống cho cháu bé
Hình ảnh một người đàn ông không mặc áo blouse trắng, gạt hết mọi người ra, lập tức xắn tay áo tiến hành quy trình cấp cứu ngừng tuần hoàn đuối nước khiến nhiều nhân viên ở trạm y tế xã Ngọc Lâm ngạc nhiên. Họ chưa kịp nhận ra đó là bác sĩ Phan Nhân Hậu, Trưởng khoa Ngoại - Gây mê, Bệnh viện Đa khoa Thanh Chương. Lúc này, gia đình hoảng loạn, chỉ kịp nói là em bé bị rớt ao, theo quan niệm địa phương, gia đình buộc phải cách ly với nạn nhân. Người mẹ chỉ biết gào khóc trong bất lực và trông chờ vào đội ngũ y, bác sĩ sẽ cứu con mình thoát khỏi cửa tử.
Bác sĩ Hậu ngay lập tức ngậm miệng bé, hút hết đờm, giãi, dịch… kết hợp cùng với Bác sĩ Lương Thị Diễm - Trạm trưởng trạm y tế xã Ngọc Lâm liên tục ép tim, cứ đúng quy trình 1 lần thổi ngạt, 15 lần ép tim để khai thông đường thở. Bác sĩ đồng thời yêu cầu nhân viên y tế của trạm chuẩn bị ngay lọ thuốc adrenalin (thuốc đầu tay trong cấp cứu) tiêm trực tiếp vào tim em bé. Sau 30 phút được cấp cứu với tất cả những phương tiện sẵn có của một trạm y tế và sự chung sức, đồng lòng không bỏ cuộc của tất cả mọi người, cậu bé hơn 2 tuổi đã có nhịp tim, nhịp thở. Một lúc sau, bé Trần Trung K đã nấc lên. “Giây phút nghe được tiếng tim em bé trở lại, tôi bất giác chảy nước mắt, tay nổi da gà vì sung sướng, hạnh phúc tột độ, thật là một điều kỳ diệu”, bác sĩ Hậu xúc động kể lại.
Chân dung bác sĩ Phan Nhân Hậu người đã chạy theo xe máy để cứu cháu bé bị đuối nước
Tôi cũng đề nghị mọi người phải thật bình tĩnh, gọi ngay một xe taxi đến trạm y tế và phải có 2 nhân viên y tế làm thế nào để hỗ trợ hồi sức trên đường di chuyển từ xã Ngọc Lâm đến Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Chương. Con đường di chuyển gần 20km vừa gập ghềnh, quanh co, nhiều đoạn cua ngoằn ngoèo, chỉ cần sơ sẩy là bé có thể chết não ngay. Lo ngại sẽ có sơ suất xảy ra, tôi đã hướng dẫn một nhân viên y tế bế bé, một người liên tục giữ cằm bé đúng tư thế và bóp bóng liên tục “Không thể để em bé tự thở, vì nếu tự thở bé sẽ chết não ngay”.
Điều dưỡng Lưu Thị Nhàn kể lại giây phút tất cả mọi người tại trạm y tế sơ cứu bé trai 2 tuổi kể lại: “Cứu được bé, ai cũng vui mừng, nhưng vẫn có suy nghĩ lo sợ rằng trên đường đi lỡ may gặp sự cố gì không lường trước được hoặc gia đình bé liệu có đủ điều kiện để chữa trị và nếu cứu sống được bé sợ rằng để lại di chứng về sau thì cũng thương bé và gia đình quá!” Nhưng Bác sĩ Hậu và cả đội ngũ trạm y tế đều tin tưởng rằng điều kỳ diệu sẽ đến với bé trai.
Xe kịp đến Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Chương liền được các y, bác sĩ chuẩn bị sẵn trang thiết bị để bệnh nhân được đặt nội khí quản, thở máy; ngay sau đó được đi xe cấp cứu chuyển xuống bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiếp tục các bước tiếp theo. "Khi bé được chuyển xuống Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, mọi người mới yên tâm trở về trạm. Ai cũng cầu mong những điều tốt đẹp nhất đến với cháu bé", điều dưỡng Nhàn nói.
“Con tôi như được sinh ra lần thứ hai”
Tại Bệnh viện Sản nhi Nghệ An, bác sĩ Nguyễn Hùng Mạnh, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, chống độc và ê kíp tiếp tục điều trị tích cực cho cháu bé. 1 tuần đầu gia đình cũng rất lo lắng, sợ rằng bé sẽ có di chứng để lại về sau, nhưng bằng chuyên môn nghiệp vụ cao, các y bác sĩ ở đây đã tích cực điều trị, 3 ngày sau bé đã hồi phục dần dần và xuất viện vào cuối tháng 8/2025.
Ban chấp hành Công đoàn Y tế Việt Nam đã tặng bằng khen cho bác sĩ Phan Nhân Hậu vì hành động cấp cứu kịp thời bé trai 2 tuổi ngừng tuần hoàn khi bị đuối nước
Gặp lại gia đình bé vào sáng ngày 20/12/2024, vì lý do tế nhị, gia đình bé không muốn đưa hình ảnh bé lên nhưng nhìn thấy bé K vui vẻ, hoạt bát, bản thân tôi không khỏi ngạc nhiên và vui mừng, một điều thần kì đã đến với gia đình bé. Mẹ bé K nghẹn ngào chia sẻ: “cháu bây giờ đã đi học, mọi vấn đề sức khỏe hiện tại đều không có gì đáng lo ngại nữa. Nhìn bé chạy nhảy, vui chơi cùng chị gái của mình, mẹ bé là Kha Thị G xúc động, rơm rớm nước mắt: “gia đình thật may mắn khi gặp được bác sĩ Hậu và vô cùng biết ơn đội ngũ y bác sĩ tại trạm y tế xã Ngọc Lâm lúc đó đã toàn tâm toàn ý giúp đỡ gia đình, chạy đua với thời gian để cứu sống con trai chị, Bác sĩ Nhân Hậu quả là có trái tim nhân hậu, con tôi như được sinh ra lần thứ hai!”. Mọi người xung quanh nhà đều nói gia đình tôi quả là phúc đức khi có “bề trên” hỗ trợ, che chở; nhưng bản thân tôi lại thấy Bác sĩ Hậu chính là “bề trên”, chính bác Hậu đã giành giật lại sự sống cho con trai tôi, để bé có thể được đến lớp đi học, vui chơi như bao bạn khác cùng trang lứa.
Đưa những hình ảnh bé K hoạt bát, đáng yêu cho Bác sĩ Hậu xem, Bác chỉ cười và khiêm nhường nói: “Có gì đâu mà tự hào, đó là trách nhiệm của một người Bác sĩ, là thiên chức cao quý của người Thầy thuốc”. Hình ảnh vị Bác sĩ giản dị, mộc mạc, khiêm tốn khiến cho tôi không khỏi nể phục và tôn kính.
Thư khen của Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan gửi tới bác sĩ Phan Nhân Hậu
Ngày 24/7/2024, được biết qua nhiều phương tiện thông tin đại chúng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã gửi thư khen ngợi BS.Phan Nhân Hậu, Trưởng Khoa Ngoại - Gây mê hồi sức, Bệnh viện đa khoa Thanh Chương, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.