Cha bệnh, mẹ tàn tật 2 đứa trẻ nửa năm chưa được ăn thịt, mâm cơm chỉ có đĩa muối trắng
Mối tình ở nơi bệnh viện sau 20 năm sống trong mặc cảm
Con đường nhỏ ngoằn ngòeo men theo dòng suối, dẫn chúng tôi đến căn nhà gỗ xiêu vẹo của chị Triệu Thị Luân (46 tuổi, thôn Nà Áng, xã Đồng Lạc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn).
Người phụ nữ đã sống nửa đời người với nhiều cung bậc cảm xύc trong sự tủi thân, mặc cảm của đứa trẻ sau vụ tai nạn bỏng năm 11 tuổi, hạnh phúc rồi cay đắng… tất cả như một định mệnh.
Vụ tai nạn bỏng dầu hỏa năm lên 11 tuổi làm khuôn mặt chị bị biến dạng. Từ đó, chị sống trong sự mặc cảm, tự ti. (Nguồn: Ảnh Dân trí)
Trong ngôi nhà vách gỗ tạp đã bị mối mọt ăn gần hết, nhiều chỗ trống hoác. Phần mái nhà bằng tấm lợp xi măng đã thủng lỗ chỗ, hắt cái nóng như thiêu như đốt của trưa hè xuống, khiến cho không khí trong nhà thêm nặng nề, ngột ngạt, bức bối.
Trên chiếc giường đặt ngay giữa nhà, người đàn ông trung niên chỉ còn da bọc xương, lồng ngực nhô cao một cách bất thường, đang nằm thở dốc. Ngồi kế bên anh là 2 đứa trẻ khoảng trên 10 tuổi có gương mặt khá khôi ngô, đang thay nhau bóp chân, bóp tay cho bố.
Lúc này, chị Luân tất tưởi bước vào nhà, mồ hôi nhễ nhại, chị chạy vội tới đỡ chồng ngồi dậy rồi ép anh uống thuốc. Chị bảo, vừa đi “vay nóng” của hàng xóm được hai trăm ngàn về mua thuốc cho anh. Mấy hôm nay nóng quá, bệnh tình của anh lại trở nặng hơn, không có tiền đưa anh đi viện.
Mang trong mình những căn bệnh hiểm nghèo, anh Diễm giờ chỉ còn biết nằm một chỗ, trông chờ vào người vợ và 2 đứa con thơ. (Nguồn: Ảnh Dân trí)
Nói rồi, người phụ nữ tội nghiệp bỏ khẩu trang lau mồ hôi. Chúng tôi thoáng giật mình trong giây lát, bởi khuôn mặt chị biến dạng một cách ghê gớm. Toàn bộ lớp da mặt không còn khiến gương mặt chị nhăn nhúm, đỏ au. Lớp da dưới cổ cũng bị tổn thương co rút lại nên miệng chị Luân phần nhiều khác với những người bình thường…
Chị Luân kể, năm 11 tuổi, chị bỏng dầu hỏa khiến khuôn mặt chị bị biến dạng, phần ngực, tay bị tổn thương nặng nề. Từ đó, đứa trẻ bị mặc cảm về ngoại hình nên cũng chẳng dám đi đâu chơi. Tuổi thanh xuân của chị cũng nhanh chóng trôi qua mà không dám nghĩ tới chuyện tình duyên.
Nhưng, như sự sắp đặt của định mệnh, năm chị 31 tuổi (năm 2006), một nhóm từ thiện đưa chị về Bệnh viện Bỏng Quốc gia (Hà Nội), để phẫu thuật cải thiện khuôn mặt biến dạng.
Những ngày điều trị tại bệnh viện, hạnh phúc mỉm cười với chị. Lần đầu tiên xa nhà, trái tim chị rung động với người đàn ông Phàn Văn Diễm (sinh năm 1974, quê ở Hà Giang) đang chăm sóc em gái.
Cuộc sống của gia đình 4 nhân khẩu này vốn đã vô cùng chật vật, nay người chồng lâm bệnh lại càng khó khăn gấp bội. (Nguồn: Ảnh Dân trí)
Hai phận nghèo đồng cảm rồi tình yêu đến lúc nào không hay. Hai người làm lễ cưới, chàng trai nghèo ở quê vợ ngay sau khi ca phẫu thuật của chị Luân được thực hiện. Dù sống trong nghèo khó, nhưng ngôi nhà đơn sơ của đôi vợ chồng này luôn rộn rã tiếng cười khi 2 đứa con trai kháu khỉnh lần lượt ra đời.
Di chứng của các vết bỏng sâu khiến chị Luân gần như không còn sức lao động. Nhất là các sẹo co kéo khiến đôi tay chị biến dạng, không thể làm được việc nặng. Phần ngực chị Luân gần như biến dạng hoàn toàn sau khi ca bỏng nặng, nên khi hai đứa con ra đời cũng không có nổi giọt sữa.
Nhà quá nghèo, 2 đứa trẻ cứ thế lớn lên bằng nước cơm, nước cháo loãng. Để lo cho cuộc sống của 4 con người, Dù sức không tốt hàng ngày anh Diễm đi làm thuê làm mướn cóp nhặt từng đồng bạc lẻ về đong gạo nuôi vợ con.
Câu chuyện tình đẹp tựa cổ tích của chị Luân, anh Diễm đã khiến mọi người xúc động. (Nguồn: Ảnh Dân trí)
Cha bệnh nặng, 2 đứa trẻ nửa năm chưa biết đến miếng thịt trong bữa cơm
Nhưng số phận thật nghiệt ngã, đầu năm 2019, khi đang đi phát cỏ thuê trên đồi, anh Diễm bỗng thấy đau thắt ngực rồi ngất xỉu. Vào bệnh viện cấp cứu, các bác sĩ lắc đầu ái ngại. Suy tim, phổi tắc nghẽn mãn tính, thận yếu… đều nằm cả trong người đàn ông này.
Vậy là anh Diễm phải nằm viện điều trị. Nhà nghèo, không còn cách nào khác, chị Luân phải bán đi quả đồi là tài sản duy nhất của gia đình lấy 20 triệu đồng cứu chồng. Bệnh hiểm, nên số tiền bán quả đồi chỉ như muối bỏ bể. Chị Luân lại phải vay mượn khắp nơi, cuối cùng chị đành phải gạt nước mắt đưa chồng về nhà khi số nợ lên đến cả trăm triệu đồng, mà bệnh tình chưa dứt.
Từ một người đàn ông trụ cột gia đình, giờ đây anh Diễm gắn với chiếc giường, chỉ cần đi bộ chục bước chân cũng khiến người đàn ông này thở dốc rồi ngất lịm.
Để kiếm cái ăn, hàng ngày chị Luân cùng 2 đứa con vào rừng đào măng, nhặt củi. Đôi tay vốn đã dị dạng của chị lại chằng chịt thêm các vết sẹo bởi gai rừng, bởi dao cứa trong lúc chặt củi, đào măng.
Nhắc đến 2 đứa con, ánh mắt chị Luân chợt ánh lên, chị bảo các con chị năm nào cũng được giấy khen. Bé Phàn Minh Giang (11 tuổi) nhiều năm liền đạt học sinh giỏi, bé Phàn Triệu Bắc (14 tuổi) cũng là học sinh tiên tiến.
Chị nói từ ngày bố ốm, chị chưa mua được cho bọn trẻ cái áo hay bộ sách vở mới, tất cả đều do nhà trường và Đoàn Thanh niên xã giúp đỡ xin đồ cũ cho bọn trẻ. Nói rồi chị thở dài, thằng bé lớn năm nay lên lớp 9 không biết chị có lo cho nó học được không nữa…
“Từ Tết đến giờ bọn trẻ chưa được ăn bữa thịt nào, người cứ xanh xao, vắt vẻo như sợi dây rừng. Hôm trước bán được gùi măng, tính mua cho chúng lạng thịt mà chúng bảo dành tiền mua thuốc cho bố”, chị Luân nghẹn ngào nói.
Bố bệnh, mẹ yếu nên 2 đứa trẻ phải sống trong tình trạng thiếu thốn trăm bề, từ Tết đến giờ 2 em chưa được ăn một miếng thịt nào cả. (Nguồn: Ảnh Dân trí)
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Đồng Lạc cho biết, hoàn cảnh gia đình chị Luân là đặc biệt khó khăn ở địa phương, nhiều năm qua là hộ nghèo và không biết bao giờ thoát nghèo.
Ông Tuấn chia sẻ thêm, anh Diễm không được đến bệnh viện chữa trị chúng tôi cũng lo lắm, 2 đứa trẻ thường xuyên thiếu thốn đủ mọi thứ. Ngôi nhà của gia đình đang ở đã quá cũ nát và xuống cấp khiến chúng tôi rất lo lắng khi mùa mưa lũ đang đến gần.
“Đại Diện của chính quyền địa phương, chúng tôi tha thiết mong bạn đọc chung tay giúp sức, trước tiên giúp gia đình chị Luân có kinh phí chữa bệnh cho chồng, chăm sóc 2 con, và giúp gia đình có một mái nhà vững chãi vượt qua mùa mưa bão”, ông Tuấn nói.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
-Chị Triệu Thị Luân
Địa chỉ: Thôn Nà Áng, xã Đồng Lạc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn
Điện thoại: 0372317188
-Hoặc chủ tài khoản: Hoàng Thị Thơ – Phóng viên Tạp chí Hòa Nhập
Số tài khoản: 0640110427009 - MB Bank - Chi nhánh Đào Duy Anh, Hà Nội
Xin chân thành cảm ơn!
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.