Chàng trai bại liệt rời quê chinh phục ước mơ
Anh Tín luôn nở nụ cười trên môi dù cơn đau hành hạ anh từng ngày từng giờ.
Nghị lực phi thường của anh Nguyễn Chánh Tín (34 tuổi) khiến mọi người đều phải ngưỡng mộ. Và hành trình mà anh đã giành giật sự sống từ lưỡi hái tử thần để có thể được sống và sống có ý nghĩa, là chặng đường mà bất kỳ ai khi nghe kể như được truyền nguồn động lực để có thể vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.
Đã chọn sống thì phải sống có ý nghĩa
Nằm trên giường với màn hình điện thoại đặt trước mặt thông qua một giá đỡ, 10 năm trôi qua, anh Tín đã kết nối với thế giới bên ngoài và kinh doanh buôn bán tự nuôi sống bản thân và để không là gánh nặng cho cả gia đình.
Tôi gặp anh vào một ngày đầu năm mới, vẫn trên giường, vẫn chiếc điện thoại đặt trên giá đỡ nhưng là ở TP.HCM sôi động chứ không phải là quê nhà Bình Định như 10 năm qua.
Cũng tại mảnh đất sôi động này, 10 năm trước những tưởng đã kết thúc một đời của chàng trai trẻ. Một vụ tai nạn đã cướp đi tất cả thanh xuân của anh khiến anh trở thành người tàn tật, nằm một chỗ. Nhưng với nghị lực phi thường, anh đã vượt qua mọi nỗi đau, chiến thắng được số phận để hôm nay anh vào lại thành thị sôi động này để viết tiếp ước mơ.
Từ chàng trai ở vùng quê nghèo, anh Tín nuôi ước mơ vào TP.HCM học tập và lập nghiệp để đổi thay cuộc sống nghèo khó, cho bố mẹ có một cuộc sống tốt hơn về già.
Năm 2010, đến lúc sự nghiệp đã bắt đầu gặt hái được kết quả và dự định sẽ cưới vợ thì đột ngột anh bị tai nạn rất nặng.
“Mình bị chấn thương tủy sống cổ và bị liệt tứ chi, mọi thứ sụp đổ từ khoảnh khắc ấy. Mình cũng đã tắt thở vài lần nhưng may mắn sống sót. Sau cơn nguy kịch, mình được đưa qua Bệnh viện Phục hồi chức năng. Lúc ấy mình nghĩ sẽ ổn, mình sẽ khoẻ lại, nhưng không. Bác sĩ nói với gia đình là bệnh này không tính bằng ngày bằng tháng, mà tính bằng năm. Mình như chết lặng, nó đau còn hơn lúc mình không thở được. Lúc ấy lại ước gì được trở lại Bệnh viện Chợ Rẫy và đi ra cửa sau (cửa của những bệnh nhân không qua khỏi và đưa về lo hậu sự)”, anh Tín nhớ lại.
Sau đó anh Tín được gia đình đưa về quê để bắt đầu cuộc sống mới trong thân thể của người khuyết tật, không thể vận động được.
“Mình bị như thế này là coi như hết rồi, tương lai mù mịt, mình sẽ về quê như thế nào, sống tiếp ra sao với thân xác này. Nhưng khi đã vượt qua những năm tháng đầu tiên, mình đã chọn sống thì phải tìm cách làm sao để sống có ích. Đầu tiên là có ích với gia đình. Mình bắt đầu tận dụng hết những kiến thức đã học và kinh nghiệm sống sau những năm lăn lộn trong nghề kinh doanh để có thể nằm một chỗ vẫn kiếm được đồng vào, đồng ra”, anh Tín kể.
Hành trình lập nghiệp gian nan
Anh Tín bắt đầu với công việc mua bán điện thoại. Không vay mượn tiền bất cứ ai, anh liên hệ với đầu mối nhờ họ bỏ hàng, rồi chuyển sang cho người bán lẻ. Anh bắt đầu kiếm được khoảng chênh lệch, cứ thế phát triển dần.
Nhưng ông trời lại thử thách anh khi năm 2012, sau một đêm ngủ dậy anh bị trộm lấy sạch hết mọi thứ từ điện thoại đến vốn liếng kinh doanh được. Mọi nỗ lực kinh doanh của anh đã mất sạch, nhưng dường như khi đã trải qua nỗi đau quá lớn, nên giờ mọi khó khăn, anh Tín đón nhận nó đều rất nhẹ nhàng. “Mình thở một hơi thật dài, vừa nói vừa cười “Mất rồi thì thôi”. Ai cũng ngạc nhiên hỏi sao lại có thể cười được, mình nói không lẽ giờ khóc, mình hết nước mắt rồi. Xem như lại không may một lần nữa. Có lẽ mình đã từng mất những thứ quá lớn và giờ thêm một lần nữa cũng có sao đâu, mình chịu được hết. Quan trọng là mình còn sống, là còn có thể bắt đầu lại”, anh Tín trải lòng.
Nhưng sau đó, anh bị hoại tử vùng mông và bác sĩ phải cắt bỏ hết phần hoại tử đó để có thể cứu anh thoát khỏi tay tử thần thêm một lần nữa. Anh phải mất thêm 2 năm nữa để mông lành lại nhưng lúc bây giờ anh hầu như không ngồi được nữa mà phải nằm. Anh buộc phải thích nghi với tình trạng sức khoẻ hiện tại và tìm đến hình thức kinh doanh qua mạng, kinh doanh không sở hữu. Anh cố gắng tạo ra nhiều nguồn thu nhập khác nhau để có cái ăn và có tiền trang trải thuốc men. Mãi cho đến năm 2015, anh Tín chuyển sang bán thêm tạp hóa.
Từ đó anh bắt đầu nghĩ ra hình thức bán hàng để khách tự động chọn món đồ mua và anh chỉ nằm một chỗ với rổ tiền ở bên để khách tự bỏ vào và tự thối tiền.
“Có nhiều đêm mình chỉ ước sáng mai ngủ dậy ông trời cho mình được đôi tay lành lặn thôi cũng được. Nhưng cuộc đời là vậy, bạn phải thích nghi với mọi thứ. Chấp nhận mọi rào cản, vượt qua nó, vượt lên trên những nỗi đau, những nỗi sợ hãi. Nhìn về phía trước, nhìn vào những thứ tích cực, đâu đó sẽ có giải pháp, sẽ có con đường cho bạn”, anh Tín gửi gắm.
Luôn có ngày mai cho những ai bước tiếp
Nằm nói chuyện với tôi, anh chưa lúc nào quên đi nụ cười, nhưng đằng sau nụ cười ấy, là nỗi đau thân xác đang giày xéo anh mỗi ngày. Mà nói như anh thì còn thở là còn đau, đau như dao đâm vào da thịt, vào xương, vào tủy và cơn đau ấy chưa tha anh một giây, phút nào.
Vậy mà anh vẫn quyết tâm rời quê vào TP.HCM mặc cho gia đình ngăn cản vì lo lắng cho sức khỏe của anh. Nhưng với anh, sẽ luôn có ngày mai cho những ai bước tiếp. Và TP.HCM sôi động này là nơi mà anh đang ấp ủ rất nhiều dự định.
“Mình không thể mãi bó hẹp ở một chỗ, mình muốn đi để tìm cơ hội. Muốn vào thành phố để kết nối được nhiều người hơn và tiếp tục thực hiện những hoài bão của bản thân mình”, anh Tín chia sẻ.
Anh muốn kết nối được với nhiều người không chỉ để học hỏi mà còn có thể mở rộng được nhiều mối quan hệ, truyền cảm hứng và giúp được cho nhiều người khuyết tật như anh có thể sớm vượt qua được nỗi đau, rút ngắn được thời gian để nhanh chóng chấp nhận với thực tại và vươn lên trong cuộc sống.
“Giờ nhiều bạn trẻ hay nói là sống bằng niềm tin à? Tức là sống phải có tiền hay có cái này cái kia, chứ có niềm tin không thì làm sao mà sống. Nhưng 10 năm qua mình đã trả lời được điều đó. Phải có niềm tin mới sống được, và phải tin vào chính bản thân mình. Sẽ luôn có một ngày mai cho những ai bước tiếp. Đừng mất niềm tin vào cuộc sống và ngày mai sẽ luôn là một ngày tươi sáng, hãy tin vào điều đó. Phải bước đi, luôn luôn tiến về phía trước thì những cơ hội mới đến với mình được. Mặc dù bây giờ mình nằm một chỗ, không thể đi bằng đôi chân nhưng mình vẫn sẽ đi bằng cái đầu. Không vận động được thân hình nhưng sẽ vận động được bộ óc của mình để làm được nhiều thứ”, anh Tín gửi gắm.
Trên trang Facebook của mình, anh Tín đăng một video anh đang tập ngồi dậy vô cùng vất vả, và chàng trai với nghị lực phi thường này viết: “Tôi đang tập ngồi dậy, điều mà các bạn đang được ban tặng và hiển nhiên không mất chút sức lực nào. Nhưng đối với tôi đó là cả một hành trình gian nan. Mỗi chúng ta hãy biết trân trọng những gì đang hiện hữu, vì biết đâu ngày mai ta sẽ mất nó mãi mãi. Hãy biết ơn cuộc đời vì chúng ta còn may mắn hơn rất nhiều người, hạnh phúc hơn rất nhiều người. Đừng để khi những điều bất như ý xảy đến, thì chúng ta mới nhận ra rằng ta đã từng hạnh phúc mà ta không hề hay biết...”.
*Tít bài đã được thay đổi.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.