Chàng trai không tai tốt nghiệp đại học loại giỏi, là Thạc sĩ Hoá học
Phạm Đức Chinh (SN 1993, quê ở Thái Bình) sinh ra mắc hội chứng Treacher Collins, không có vành tai, ống tai, hở hàm ếch, mắt chảy xệ, không có gò má, xương hàm phát triển không bình thường.
Vì cấu tạo khác thường nên thính giác của Chinh cũng suy giảm, chỉ nghe được khoảng 30%. Bên cạnh đó, khi giao tiếp anh nói không rõ, thậm chí có một số phụ âm không phát âm được. Mặc dầu vậy, nhưng Chinh vẫn khao khát được đến trường, đi học như bao đứa trẻ khác. Trong quá trình học tập, anh đã khắc phục hạnc hế về khả năng nghe, nói của mình bằng cách nghe và đoán một số nội dung liên quan đến bài học, nhìn vở bạn bên cạnh để ghi lại bài học, đọc sách rồi tự làm đề cương ở nhà.
Chàng trai phi thường - Phạm Đức Chinh (Ảnh: Tiền Phong)
Ngoài ra, khi giao tiếp, Chinh hay nhìn khẩu hình của người đối diện để đoán ý muốn nói hay hỏi lại những người xung quanh và nhờ họ nói ở mức âm lượng cao hơn. Những hạn chế này luôn được chàng trai 9x "xem nhẹ" và thích nghi khá nhanh với chứng dị tật bẩm sinh. Thậm chí, khi đối diện với mọi người, chàng trai Thái Bình không muốn bị gọi là "người khuyết tật vượt khó" bởi anh chỉ muốn được làm người bình thường.
Suốt những năm học cấp 1, Chinh chưa cảm thấy hoàn toàn thích thú với bộ môn học nào mà luôn giữ điểm số các môn ở mức trung bình khá. Một lần, Chinh quan sát sự đổi màu của hoa rau muống tím, khi nó rơi vào lò vôi mới tôi. "Ngay sau đó, tôi được chứng kiến anh họ làm thí nghiệm phản ứng Fe+ CuSO4= FeSO4+Cu rồi giải thích, và cung cấp cho tôi một số tài liệu để đọc làm quen với môn Hóa", Chinh nhớ lại sự kiện khiến anh bén duyên với hóa học.
Kết quả học tập của Chinh nổi bật nhất từ năm học lớp 8 với thế mạnh về các môn học tự nhiên như Toán, Lý, Hóa. Lên cấp 3, anh rục rịch tìm hiểu về ngành học và trường học trên các trang thông tin mạng xã hộ, liền cảm thấy ấn tượng với Đại học Bách Khoa từ những ngày đầu lớp 10. Vì vậy, Chinh vạch ra định hướng rõ ràng và mục tiêu ôn luyện bài bản. Ngoài những giờ học trên lớp, anh học thêm những lớp học do nhà trường tổ chức.
Những nỗ lực đầu đời của Chinh được đền đáp bằng việc anh đoạt giải Ba môn Hóa học cấp tỉnh và sau đó là thi đỗ vào Đại học Bách khoa Hà Nội với số điểm 25,5 điểm.
Năm nhất đại học, Chinh chưa hòa nhập được một cách sâu sắc với bạn bè mới mà bạn thân từ hồi mẫu giáo lên đại học lại ở trọ xa, khác lớp. Không có bạn thân sát cánh, Chinh thừa nhận thời gian ấy anh bị ảo tưởng quá mức về điểm thi đại học nên đi học lấy hình thức, "phông bạt", không có kế hoạch cụ thể, điểm GPA chỉ đạt 2.21.
Chỉ khi đến năm 2, năm 3 anh quen biết thêm nhiều người bạn mới và kết nối lại được với các bạn cũ. Họ đã giúp đỡ anh rất nhiều trong quá tình học tập.
Năm 2017, anh tốt nghiệp loại Giỏi và nằm trong top 20 của ĐH Bách khoa Hà Nội. Ngay sau đó, Chinh quyết định chọn về làm việc tại Viện Nghiên cứu và Phát triển ứng dụng các hợp chất thiên nhiên của Đại học Bách khoa Hà Nội và học lên Thạc sĩ.
Hiện tại, anh đã tốt nghiệp Thạc sĩ và công bố một số bài báo trên tạp chí quốc tế, trong nước, các hội thảo chuyên ngành. Công việc chính của Chinh gắn liền với nghiên cứu các quá trình- thiết bị trong công nghệ hóa học với trọng tâm là quá trình oxi hóa tiên tiến để xử lý nước thải; nghiên cứu công nghệ cô đặc nước trái cây ở nhiệt độ thấp và áp suất thường (cùng nhóm PGS.TS. Nguyễn Minh Tân).
Với vai trò là một trong những Thạc sĩ nghiên cứu về công nghệ hóa học, Nguyễn Đức Chinh không gặp áp lực trước sự kỳ vọng của xã hội về những phát minh hay nghiên cứu có ích cho thực tiễn. Bởi anh cho rằng, anh sẽ không chạy theo thành tích là phải xuất bản, công bố bao nhiêu công trình trong một năm, hay chạy theo số lượng mà quên mất thực tiễn đang như thế nào.
"Tôi cũng tự nhận thức mình giống như một "mẩu gạch" để xây một công trình cho khoa học - kỹ thuật", Nguyễn Đức Chinh nói.
Tương tự, chàng trai Dương Hữu Phúc (SN 1995, quê ở Lạng Sơn) mất cả hai tay sau tai nạn. Thế nhưng vượt lên nghịch cảnh, anh đã thi đỗ vào trường khoa Kiến trúc của Đại học Kinh doanh Công nghệ Hà Nội. Thời gian này, Phúc vừa học vừa tập tành buôn bán để kiếm thêm thu nhập.
Chàng trai cụt tay cử nhân khoa Kiến trúc (Ảnh: Tiền Phong)
Ngoài giờ học, Phúc đi bán hàng rong cho một ông chủ vào 3 buổi tối cuối tuần. Công việc của anh ban đầu chỉ là mời khách vào mua hàng, lấy hàng cho khách khi xem đồ… Quen việc, anh nhận thêm nhiệm vụ đi bán vòng nguyệt quế, hai tay xâu đầy vòng, dáng vẻ nhanh nhẹn.
Sau đó, Phúc nhập số lượng ít đồ chơi trẻ em và phụ kiện làm vòng hoa nguyệt quế để bán thử.
Cứ mỗi tối, hai mẹ con anh lại ngồi đan và kết vòng nguyệt quế với đủ màu sắc khác nhau để cuối tuần đi bán.
Năm 2020, Phúc tốt nghiệp đại học khoa Kiến trúc với tấm bằng Khá và việc đầu tiên anh làm là vội vàng chạy về khoe với mẹ. Thời gian sau, anh được nhận vào công ty thiết kế nội thất làm việc với mức lương cơ bản khoảng 7 triệu đồng/tháng.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.