Chàng trai mất hai tay nhưng thiết kế đồ họa tuyệt đẹp
Theo báo Sức khỏe Đời sống, ngày 21/5/2014, khi đang làm tại một xưởng cơ khí để có thêm tiền phụ cho gia đình, bỗng nhiên bình oxy phát nổ. Khi tỉnh dậy, Dương Hữu Phúc thấy bông băng quấn kín người. Lúc nhìn xuống, thấy tay không còn nữa, Phúc đã rất hoảng sợ.
Dương Hữu Phúc, chàng trai mất hai tay vượt lên chính mình. Ảnh: báo SKVĐS
Đôi bàn tay bị thương quá nặng, phải cắt đến gần khuỷu tay. Đau đớn về thể xác là thế, nhưng đau đớn về tinh thần còn nhân lên gấp bội, vì chỉ còn 12 ngày nữa là Phúc bước vào kì thi đại học. Mất đi đôi tay là mất đi mọi thứ, ước mơ trở thành kiến trúc sư vì thế mà dang dở.
Phúc chia sẻ thời gian đầu Phúc rất đau đớn, tuyệt vọng. Thế nhưng khi thấy mẹ khóc, Phúc tự nhủ: "Còn sống là còn tương lai. Nếu không thử thì làm sao biết được mình có thể làm những gì? Mình cũng không thể phụ thuộc vào mẹ mãi". Từ đó, chàng trai bắt đầu thử làm mọi thứ với hai cánh tay cụt của mình.
Vật phẩm do chính chàng trai mất 2 tay làm ra. Ảnh: báo SKVĐS
Xuất hiện trong chương trình Trạm yêu thương, chàng trai mất 2 tay đem tới những vòng hoa nguyệt quế do chính mình làm ra. Dương Hữu Phúc tự hào khoe rằng đó từng là công việc giúp hai mẹ con trang trải cuộc sống. Chàng trai này còn dùng khuỷu tay của mình rung chuông tại chương trình để chứng minh rằng, dù không có hai bàn tay, nhưng vẫn có thể làm được mọi việc như bao người bình thường bằng cách này hay cách khác. Phúc còn mang đến cho khán giả một vật đặc biệt, là vật bất ly thân của mình - "cánh tay ăn".
Phúc giải thích, vì không còn ngón tay để cầm đũa, thìa, nên sẵn kinh nghiệm từng làm cơ khí, Phúc nảy ra ý tưởng làm "trợ thủ" đắc lực cho mình. Chàng trai này dùng một nửa chai nhựa, đầu chai đúc 1 chiếc dĩa, đầu còn lại gắn vào tay đã cụt như tay giả. Những ngày đầu chưa quen, cơm canh, thức ăn vương vãi khắp nhà, phần tay cắm vào hộp nhựa sưng tấy. Nhưng Phúc không bỏ cuộc. 7 năm nay, nhờ "cánh tay" đó mà việc ăn uống của Dương Hữu Phúc trở nên dễ dàng.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, Phúc dần làm được mọi việc từ việc ăn uống, vệ sinh cá nhân, và sau đó là cầm bút viết. Giây phút viết được tên mình ra giấy, Phúc như sống lại lần thứ hai, vì điều đó đồng nghĩa với việc Phúc có thể viết tiếp ước mơ vào đại học.
Chàng trai kém may mắn nhưng có nghị lực và lòng quyết tâm phi thường. Ảnh: báo Tuổi trẻ
Báo Tuổi trẻ cũng đưa tin, từ ngày sử dụng TikTok, chàng trai "chim cánh cụt" bán được hàng khá hơn, gặp được nhiều bạn mới từ khắp nơi. Ở phố đi bộ Hoàn Kiếm (Hà Nội), du khách ấn tượng với chàng trai "chim cánh cụt" đon đả mời khách: "Mời cô chú anh chị mua chú lợn con". Vẫn kiểu cười híp mắt, giọng nói ấm áp mà nhiều người đã gặp anh trên TikTok với những video truyền cảm hứng.
Với đôi tay "chim cánh cụt", Phúc tự làm mọi thứ, quay video bán hàng, tự đóng gói sản phẩm, rồi gửi hàng cho khách. "Từ khi kinh doanh online, làm kênh TikTok, tôi và mẹ không phải chịu mưa chịu nắng nữa. Đơn hàng đến, mình đóng gói, chuyển cho đơn vị vận chuyển gửi đi. Nhiều người ủng hộ, nhờ đó thu nhập cũng tốt hơn khi bán hàng ở ngoài đường" - Phúc chia sẻ.
Bạn chọn bán những chú heo con, cún con, giá khi bán online có thấp hơn chút nhưng được cái nhận được nhiều đơn hàng hơn. Vui nhất từ ngày bán hàng online có lẽ là gặp thêm nhiều bạn mới, nhiều khách hàng mới ở khắp mọi miền.
Phúc cười: "Trên TikTok, nhiều bạn nói nếu gặp hoàn cảnh như tôi có lẽ sẽ không vượt qua được. Nhưng tôi lại động viên các bạn mạnh mẽ, cố gắng lên trong cuộc sống. Chẳng qua chỉ bị mất hai tay thôi mà".
Chia sẻ với người khác cũng là động lực để Phúc cố gắng mỗi ngày, vượt qua khó khăn trong cuộc sống và làm ra những video truyền cảm hứng. "Có mất mát điều gì mình vẫn phải sống nên càng phải cố gắng để quen với nó hằng ngày. Mất đôi tay nhưng mình vẫn còn đôi chân, vẫn có thể làm ra tiền để hỗ trợ cho mẹ nên tôi vẫn còn may mắn hơn nhiều người khác rất nhiều" - Phúc giãi bày.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.