Chàng trai mồ côi ở Pháp và hành trình tìm lại mẹ ở Việt Nam

2021-11-29 23:14:33 0 Bình luận
Loic Langeard (tên tiếng Việt là Nguyễn Văn Tân) mặc dù có cuộc sống ổn định tại Pháp nhưng suốt gần 30 năm qua luôn mong muốn đi tìm mẹ: “Con cảm ơn mẹ vì đã sinh ra con. Mong mẹ đừng cảm thấy tội lỗi, vì cuộc sống của con đang rất tốt”, Loic Langeard dự định sẽ nói thế với mẹ ruột, ngày anh gặp bà.

Anh gần như không có ký ức gì về mẹ, về Việt Nam. Mẹ bỏ lại anh khi mới lọt lòng, và anh được đưa đến Nhà nuôi trẻ mồ côi Gò Vấp “Mầm non 4” để nuôi dưỡng. Ít ngày sau khi sinh, Tân được bố mẹ nuôi người Pháp đón về gia đình, nhận làm con.

Từ ngày 5/12/1993, Tân trở thành một đứa trẻ Pháp, sống tại Athis-Mons (một xã trong vùng đô thị Paris). Bố mẹ nuôi thương yêu hết mực, chăm sóc anh chẳng khác nào con ruột. Sau một thời gian nhận nuôi Tân, họ sinh được một bé trai nữa, và đối xử với các con công bằng.

Loic Langeard (Nguyễn Văn Tân) hồi nhỏ.

Nhưng từ thẳm sâu, Tân hiểu sự khác biệt của mình. Anh có vẻ ngoài đặc sệt châu Á: Tóc đen, da ngăm nâu, mắt nâu, khác hẳn với những người da trắng xung quanh mình. Bố mẹ nuôi không giấu giếm anh. Họ kể cho anh nghe về chuyến đi Việt Nam, về cách mà anh, từ một đứa trẻ bị bỏ rơi, trở thành con trai họ. 

Mỗi khi tới ngày sinh nhật, Tân đều nghĩ về mẹ ruột. Anh khao khát được đoàn tụ với người đã trao tặng cho mình cơ hội làm người. Trong tim anh luôn có một khoảng trống, một nỗi cô đơn mà tình yêu, sự chăm chút của bố mẹ nuôi không thể khỏa lấp. Họ cũng khuyến khích anh tìm hiểu về Việt Nam, ủng hộ anh đi tìm mẹ ruột. 

Nỗi thôi thúc ấy càng dữ dội hơn khi anh kết hôn. Năm 2018, trong tuần trăng mật, Tân và vợ trở về Việt Nam lần đầu. Hành trang anh mang theo là những thông tin về nhân thân mà bố mẹ nuôi đã giữ gìn cẩn thận từ khi đón anh về làm con mình. 

Tân cũng đăng tải nhiều bài viết trên mạng xã hội, các diễn đàn người Pháp ở Việt Nam với hy vọng có manh mối. Nhưng Tân thực sự là một người Pháp, anh không có bất cứ mối liên hệ nào, không người thân thích nào ở Việt Nam có thể giúp anh tìm về cội rễ.

Anh chỉ biết, trên giấy tờ, mẹ anh khai nơi ở là tại Đầm Sen, thành phố Hồ Chí Minh. Tân không thể biết địa chỉ đó có “thật” là của mẹ anh không, hay bà khai chiếu lệ. Mà kể cả có thật, cũng không chắc bà vẫn còn sống tại đó. 

Một trong những thông tin ít ỏi về thân nhân của anh Tân.

Thời điểm năm 2018, vợ chồng Tân chỉ ở Hà Nội ít ngày. Biết chuyện của anh, một vài người đã tình nguyện lần theo địa chỉ ở Đầm Sen, nhưng không ai biết thông tin về người có tên như mô tả.

Về Pháp, anh vẫn nuôi hy vọng sẽ tìm thấy mẹ, một ngày nào đó. Anh cũng hiểu, trong tình thế khi ấy, rất có thể đó là một quyết định bất đắc dĩ của mẹ anh. Có thể bà dằn vặt, xấu hổ mà không muốn ra mặt. Có thể bà đã có cuộc sống mới mà không muốn khơi lại nỗi đau trong quá khứ. Cũng có thể bà không biết gì về công nghệ, về những bài đăng tìm mẹ anh viết trong các hội nhóm mạng xã hội.

Tân vẫn miệt mài đăng bài tìm mẹ, cho đến đầu tháng 12/2020, có một cô gái xa lạ nhắn tin cho anh. Cô đọc được thông tin về Tân, và có linh cảm rằng, anh chính là người con thất lạc của mẹ mình. 

Trả lời báo Thanh Niên, cô gái Lê Thị Thu Hoài kể rằng từng được nghe mẹ nói về một người con trai thất lạc. Bà Trần Thị Thọ, mẹ Hoài, trước đây vào thành phố Hồ Chí Minh buôn bán quanh khu vực Đầm Sen. Thời điểm đó, bà có thai với một người đàn ông.

Do không có sự ràng buộc sâu đậm với ông ấy, cuộc sống cũng khó khăn, bà đã rất cân nhắc chuyện giữ hay bỏ cái thai. Cuối cùng, bà quyết định giữ lại để đẻ, rồi bỏ rơi con. Bà hy vọng, được người khác nuôi, con trai bà sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn. 

Gia đình tại Pháp của anh Tân.

Đến năm 1994, bà về Phú Thọ để sinh sống và sinh Thu Hoài. Bà thường kể cho cô nghe về người con trai thất lạc và dằn vặt vì bặt tin con.

Kết nối các dữ kiện mà anh Tân đăng trên mạng xã hội và lời kể của mẹ, Thu Hoài có linh cảm, Tân chính là anh trai cùng mẹ khác cha của mình. Cô đã nhắn tin cho Tân, gửi anh xem ảnh của bà Thọ.

Lúc đó, tôi rất xúc động khi lần đầu tiên được thấy mẹ mình qua ảnh. Tôi có linh cảm rằng dòng máu đang chảy trong người mình là của bà, và tôi có nhiều nét giống bà”, Tân xúc động nói.

Ngày 2/12/2020, bà Thọ và Tân lần đầu nói chuyện với nhau. Không ai dám chắc người kia là người mình tìm kiếm, nhưng cuộc trò chuyện ấy vẫn như chất “keo” vá víu trái tim tổn thương của cả hai.

Bà Thọ, một tiếng Pháp bẻ đôi không biết. Tân, sống ở Pháp cả đời, không hiểu nổi một chữ tiếng Việt. Họ phải trò chuyện qua thông dịch viên là bạn của Tân, kể cho nhau nghe sự dằn vặt, những nỗi đau, sự kiện mà họ đã trải qua sau 27 năm chia cắt với máu thịt của mình.

Bằng linh cảm, Tân tin rằng bà Thọ chính là người mẹ ruột anh đang tìm. Vì bà biết được mọi thông tin mà anh có, còn cho anh xem ảnh bố của con trai mình. Tân cho rằng, mình thực sự giống người đó. Nhưng ngay cả đó là sự thật, anh cũng không có cơ hội gặp bố ruột của mình, vì ông đã mất năm 2017. 

Từ bức ảnh cũ về cha của con trai bà Thọ, anh Tân tin rằng mình đã tìm thấy mẹ.

Chàng trai Pháp kể, khoảnh khắc lần đầu trò chuyện với (người mà anh tin là) mẹ, anh vừa hạnh phúc vô ngần, vừa bất lực vì không thể nói được tiếng Việt, chỉ có thể ngắm nhìn gương mặt mẹ rồi chờ thông dịch lại. Sau hôm đó, anh đã tham gia một khóa học tiếng Việt với hy vọng khi về Việt Nam thăm mẹ, anh có thể hiểu lời mẹ nói. 

Bà Thọ đang sống một mình tại Phú Thọ và làm nhiều nghề khác nhau như phụ hồ, giúp việc…. Con gái bà đã lấy chồng và ở riêng. Còn Tân, anh cũng có công việc ổn định ở Pháp. 

Cuộc trò chuyện đầu tiên giữa anh Tân và bà Thọ đã chữa lành hai trái tim

Nhiều điều trong lời bà Thọ nói trùng khớp với thông tin của Tân. Linh cảm của anh cũng ủng hộ anh tin vào phép màu, rằng anh thực sự đã tìm thấy mẹ ruột của mình. Tuy nhiên, để chắc chắn, họ vẫn cần làm xét nghiệm ADN để xác minh.

Đã 1 năm trôi qua kể từ lần đầu anh Tân được trò chuyện với bà Thọ. Vì dịch Covid-19, anh chưa thể về Việt Nam để gặp mặt trực tiếp và làm thủ tục thử ADN để củng cố niềm tin của mình. Dù vậy, anh cũng hớn hở “khoe” khắp nơi về việc mình đã tìm được mẹ nhờ sự chung tay của cộng đồng mạng.

​​​​Hiện tại anh Tân đã lập gia đình tại Pháp và vợ anh mới hạ sinh một bé trai đầu lòng.

Anh tin rằng, giờ mình đã có cả hai gia đình, một ở Việt Nam, nơi anh được khai sinh với tên Nguyễn Văn Tân; và một ở Pháp, bên bố mẹ, các em nuôi và gia đình nhỏ của mình, khi anh được gọi là Loic Langeard. Trong năm 2021, anh còn hạnh phúc hơn vì đã được làm cha của một bé trai kháu khỉnh. 

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Lễ thượng cờ ‘Thống nhất non sông’ bên bờ Hiền Lương - Bến Hải

Sáng ngày 30/4, tỉnh Quảng Trị tổ chức lễ Thượng cờ "Thống nhất non sông" lá cờ Tổ quốc được kéo lên tại kỳ đài Di tích Hiền Lương - Bến Hải trong tiếng nhạc "Tiến quân ca" khiến nhiều người xúc động.
2024-04-30 14:05:00

Du khách trên sông Nho Quế tăng cao dịp lễ, CSGT căng sức điều tiết thuyền bè

Đội CSGT - TT Công an huyện Mèo Vạc đã triển khai nhiều giải pháp đảm bảo an toàn giao thông dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.
2024-04-30 01:24:14

Đồng Nai: Bị thổi nồng độ cồn, 'ma men' đốt xe chuyên dụng của CSGT

Vì có hành vi vi phạm nồng độ cồn nên một người đàn ông đã bị tổ công tác của lực lượng CSGT giữ lại. Điều đáng nói là sau đó người đàn ông này đã phóng hoả đốt xe chuyên dụng của cảnh sát.
2024-04-29 18:14:10

Đũa gỗ Quảng Thủy, Ba Đồn: Chất lượng truyền thống - Công nghệ hiện đại

Đũa gỗ Quảng Thủy thành công nhờ áp dụng ứng dụng khoa học và công nghệ kết hợp với phương pháp thủ công truyền thống, sản phẩm HTX đa dạng mẫu mã kiểu dáng, chất lượng đáp ứng nhu cầu của các khách hàng, không chỉ bền, đẹp mà giá cả rất hấp dẫn phù hợp với nhiều khách hàng.
2024-04-29 16:20:00

Quảng Ninh: “Bừng sáng cùng Kỳ quan” - Carnaval Hạ Long đầu tiên trên biển

Tối 28/4 tại khu du lịch Bãi Cháy thành phố Hạ Long, Carnaval Hạ Long 2024 lần đầu tiên được tổ chức trên biển đã mang tới cho du khách nhiều cảm xúc về vùng đất, con người Quảng Ninh với nhiều nét văn hóa đặc sắc, khởi động một mùa du lịch mới.
2024-04-29 14:43:11

Công nhân môi trường lặng thầm làm đẹp đường phố dịp Lễ 30/4

Trong khi phần lớn người dân được nghỉ Lễ 30/4 kéo dài 5 ngày, thì trên các tuyến đường, ngõ phố của Hà Nội các công nhân vệ sinh môi trường vẫn đang đội nắng mưa, lặng thầm làm đẹp từng con đường, góc phố Thủ đô.
2024-04-29 11:29:38
Đang tải...